- PHẢN ỨNG TRONG PHÂN BIỆT
Trong công việc hằng ngày của chúng ta có những chuyện cần sự giúp đỡ của người khác. Có thể chúng ta nhờ những đứa con làm những công việc như nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt đồ hay phụ giúp các việc linh tinh khác. Mà nếu chẳng may công việc làm không trọn vẹn, như lỡ làm bể cái chén, nấu cơm khét, quét nhà không sạch, giặt đồ không sạch thì chúng ta thường hay rầy la trong cơn nóng giận (tức là phản ứng tiêu cực) chứ chúng ta chưa có thật sự là dạy dỗ. Thử hỏi nếu chính chúng ta làm như thế thì ai rầy la ta hoặc là bạn mình, hay cha mẹ mình lỡ làm như thế thì mình có dám rầy la lớn tiếng hay không? Vì vậy cùng một sự việc mà sự phản ứng của chúng ta còn trong phân biệt. Chúng ta sợ bạn mình buồn, sợ cha mẹ mình buồn mà không dám phản ứng trong nội tâm. Vậy mà chúng ta quên rằng con mình cũng biết buồn. Trong sự phản ứng của ta nếu chẳng may gặp đứa ngỗ nghịch hay là lúc đó tâm lý bất an thì mọi việc thêm rắc rối và gây mất hòa khí của gia đình.
- PHẢN ỨNG VÔ PHÂN BIỆT
Như đã nói ở trên, nếu chúng ta quan niệm rằng người lỡ làm cũng như mình lỡ làm thì mọi việc đều êm. Không phân biệt giữa mình với người. Mà đã không phân biệt thì không có phản ứng. Nếu có phản ứng thì trong tích cực vui vẻ chấp nhận chuyện xảy ra. Tâm trí ta được thanh thản nhẹ nhàng.
- KHÔNG HÀI LÒNG, KHÔNG PHẢN ỨNG
Trên thực tế không hẳn không hài lòng đều có phản ứng. Có những lý do dẫn đến không có phản ứng. Chẳng hạn sự nhẫn nhịn và chịu đựng trong bực tức mà không dám nói ra. Vì muốn giữ gia đình được yên nên không phản ứng ngay chứ thật ra là đã có phản ứng rồi. Cố đè nén để không bộc lộ ra ngoài là sự ức chế tâm lý. Cố đè nén cũng không phải cách. Nếu như nhận thấy những khuyết điểm để cùng nhau thấu hiểu đúng sai thì chắc chắn gia đình rất hạnh phúc. Không hài lòng mà không phản ứng ngay cũng là điều tốt. Không phản ứng mà vẫn bị ức chế tâm lý thì vẫn là tiêu cực. Im lặng mà còn bực tức, nhẫn nhịn mà còn giận hờn, chịu đựng mà cố đè nén thì không phải là cách.