Lúc giải lao giữa giờ làm, Đức Huy đọc được bài báo phỏng vấn một người đàn ông rất thành đạt. Nhắc tới đời tư, người đàn ông đó nói sự tiếc nuối lớn nhất của mình là chưa tận hiếu, thậm chí còn chưa từng rửa chân cho bố mình lấy một lần. Huy cảm thấy trong lòng dâng đầy xúc cảm, thấy mình cũng quá lơ là trong việc báo hiếu với người bố ở vậy nuôi anh sau khi mẹ qua đời.
Ngày hôm sau, Huy mua vé tàu đi suốt một ngày mới về đến quê. Bố anh thấy con trai đột ngột về, hỏi: “Con nghỉ phép à?”. “Không ạ”. “Tiện đường đi công tác qua đây à?”. “Cũng không phải ạ”. “Thế thì sao bỗng nhiên lại về?”. “Con về để rửa chân cho bố”. Bố anh nghe xong càng thấy khó hiểu, vội hỏi: “Có chuyện gì, cứ nói với bố xem, hay là con bị đuổi việc rồi?”. Đức Huy cảm thấy khó lòng giải thích được việc này, nên không nói nữa. Anh đi lấy nước nóng, sau đó bắt bố mình ngồi lên giường, rửa chân cho ông một cách cẩn thận, sau đó còn chuẩn bị giường màn cho ông ngủ.
Ngồi tàu cả ngày nên Huy rất mệt, lại thêm cảm giác đã “tận hiếu” với bố nên nằm xuống là ngủ ngon lành. Chỉ có bố anh là trằn trọc băn khoăn, mất ngủ cả đêm, nghĩ không biết có chuyện gì xảy ra. Trời vừa sáng, ông không chịu nổi, lay con dậy hỏi: “Con nói cho bố xem, có chuyện gì không, bố lo đến ốm mất thôi”.
Ai biết chuyện cũng chê cười Huy. Tận hiếu vốn không phải là những hành động bồng bột bất ngờ, mà cần như mưa xuân, khẽ khàng không thành tiếng nhưng đem lại sức sống mơn mởn cho cây cối. Lòng hiếu thảo không thể bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, mà dường như luôn có sẵn trong mỗi con người, tuy sự nhiều-ít thì quả thật là rất khác nhau đối với mỗi chúng ta.
Hạ Liên (Theo ANTĐ)