Thở thiền không phải là tập luyện hơi thở. Mà phải là quan sát, là cảm nhận, là biết rõ sự chuyển động phồng lên, xẹp xuống của bụng thông qua hơi thở.
Thở thiền là thở tự nhiên, tức là không quá cố gắng thở mạnh, thở sâu, không cố gắng phình bụng ra thóp bụng lại. Tất cả động tác thở đều diễn ra bình thường theo nhịp điệu tự nhiên của cơ thể.
Quan trọng nhất là phải “QUAN SÁT THEO DÕI SỰ PHỒNG XẸP CỦA BỤNG.” Trong lúc quan sát hơi thở, sẽ có lúc TÂM BỊ PHÂN TÁN, CÁC TẠP NIỆM XEN VÀO. Điều này rất thường xảy ra trong lúc thiền. Đừng theo đuổi bất cứ điều gì xảy ra trong tâm, mà hãy tiếp tục quan sát, cảm nhận, chú ý vào vùng bụng dưới.
QUY TẮC THIỀN
1/ CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC
2/ PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG
3/ DỪNG VỌNG TƯỞNG
4/ QUAY VỀ ĐỀ MỤC
CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC
Ta có thể chú tâm bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chú tâm vào VÙNG BỤNG DƯỚI sẽ đem lại hiệu quả nhất. Vì sao đem lại hiệu quả? Bởi vì khi chú tâm vào vùng bụng dưới ta sẽ thu hút tòan bộ tâm trí xuống phía dưới, sẽ giúp cho trí não êm dịu hơn. Không phải vô cớ khi ta nhìn vào các bức tượng PHẬT sẽ thấy hai bàn tay của ngài đặt chồng lên nhau và để ở dưới bụng.
PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG
Khi vào thiền, trở ngại đầu tiên lớn nhất đó là VỌNG TƯỞNG. Rất nhiều sự việc, ý nghĩ, cảm giác xuất hiện trong tâm như là: chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện chưa xảy ra, chuyện mới vừa xảy ra, những hình ảnh, âm thanh v.v… Tất cả những tạp niệm này xuất hiện liên tục khiến cho ta khó ổn định trí não. Khi vọng tưởng nổi dậy, điều ta cần phải làm là PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG.
DỪNG VỌNG TƯỞNG
Khi phát hiện ra vọng tưởng, ta phải DỪNG LẠI ngay. Nếu không kịp dừng lại nó sẽ dẫn dắt tâm trí ta từ chuyện này sang chuyện khác, khiến cho ta sẽ quên đi chuyện của ta đang làm.
QUAY VỀ ĐỀ MỤC
Khi phát hiện ra những vọng tưởng vừa KHỞI LÊN, ta kịp DỪNG LẠI và QUAY VỀ đề mục. Việc này thường xuyên xảy ra trong suốt quá trình hành thiền.
HIỆN TƯỢNG THƯỜNG XẢY RA TRONG LÚC HÀNH THIỀN.
HÔN TRẦM: Hiện tượng buồn ngủ trong lúc ngồi thiền, nó làm cho ta có những giác niệm rời rạc, yếu ớt. Và từ đó đưa đến sự ngủ gục mà ta không biết. Nếu việc này thường xảy ra trong lúc ngồi thiền, tôi chia sẻ với các bạn một phương pháp THỞ sau đây. Trước khi vào thiền, bạn hít vào đầy bụng…ngưng thở… thở ra…[ 3 thời dương] từ 10 đến 20 hơi thở. Bài thở này sẽ tác động rất sâu vào hệ GIAO CẢM, giúp cho ta hưng phấn hơn và loại trừ cảm giác trì trệ trong lúc ngồi thiền.
THẤY NHỮNG CẢNH GIỚI: Thấy mình gặp gỡ tiếp xúc thần, thánh, tiên, phật, bồ tát v.v… Thấy những cảnh vật lạ lùng, huyền bí, nghe giảng đạo v.v… thấy nhiều loại ánh sáng đủ màu sắc xuất hiện chung quanh thân hoặc ở giữa 2 đầu chân mày…Nghe đủ loại âm thanh như là tiếng gió, tiếng ve kêu, tiếng nước chảy, tiếng sáo, tiếng sấm rền, tiếng nhạc v.v…Người tập thiền cần phải nhận ra rằng. Mọi sự trên thế gian như thiên đường, địa ngục, thần, thánh, tiên, phật, ánh sáng, âm thanh v.v… đều “KHÔNG CÓ THẬT”, đó là những ảo tưởng do tâm tạo ra. Chúng xuất phát từ tâm và cũng tan biến vào tâm. Ngồi thiền mà cứ say mê những ảo cảnh như thế dần dần sẽ trở thành người bất thường, và tẩu hỏa, nhập ma là điều khó tránh khỏi.
MONG CẦU: Đừng kỳ vọng hay mơ ước điều gì. Đừng mong cầu được chứng đắc hay đạt được những gì thật kỳ diệu hoặc lạ lùng. Mong cầu là một hình thức vi tế của ham muốn và dính mắc, đó là những chướng ngại rất lớn trên đường tu tập. Điều nầy ta cần phải loại trừ ngay lúc vừa khởi phát trong tâm.
LỢI ÍCH THỞ THIỀN.
1/ GIẢI TỎA CĂNG THẲNG, MỆT MỎI.
2/ KIỂM SOÁT CẢM XÚC.
3/ DỄ DÀNG TẬP TRUNG.
4/ CÓ KHẢ NĂNG TẠO RA Ý NGHĨ , Ý TƯỞNG MỚI.