Khi nói đến phép lạ, chắc có nhiều người tỏ ra nghi ngờ và cho rằng các phép tàng hình, bay lượn trên không trung, hô phong hoán vũ, chỉ đá hóa vàng…chỉ là những chuyện bịa đặt của một số nhà văn giàu tưởng tượng. Nhưng người tập Yoga có lẽ không đồng ý, vì họ quan niệm rằng con người vốn sẵn có quyền năng vô biên, mà tập Yoga là khơi dậy nguồn quyền năng vô biên sẵn có này.
Mặc dù sau khi tập Yoga sẽ có phép lạ, mục đích của Yoga không phải là tìm phép lạ, mà là giải thoát con người khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Các phép lạ nhiều khi lại là một trở ngại cho người tập Yoga. Nếu họ chưa thoát khỏi bản ngã thích được người ta tôn sùng hoặc kính trọng, thì phép lạ sẽ là những cám dỗ đưa họ đến các cuộc trình diễn và phô trương để tạo ra thanh danh hoặc danh tiếng… rồi từ đó có nhiều người trọng dụng, có tiếng tăm, nhiều tiền bạc…và nó sẽ đưa đến sa ngã cũng không xa lắm. Vì việc mãi mê chạy theo danh vọng sẽ làm mất nhiều thời giờ đáng lẽ dành vào việc tu thân. Vì vậy khi tập Yoga mà có những kinh nghiệm lạ thì nên coi chừng để tránh sa ngã.
Khi tập Yoga đến độ làm chủ được các giác quan, hơi thở và ý nghĩ, thì tự nhiên sẽ có phép lạ. Nhưng lòng ham muốn có phép lạ cũng giống như ngọn đèn treo trước gió. Ngọn đèn sáng nhờ tập Yoga mà có, có thể bị gió thổi tắt, làm cho người tập Yoga dễ sa ngã vào vực thẳm của sự ngu tối, và không thể đứng dậy để đi tiếp được nữa. Vậy nếu có phép lạ, người tập Yoga không nên dùng các phép ấy vào những mục đích ích kỷ hoặc làm giàu, tạo thanh danh, tạo thêm sự tín nhiệm để được tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, cũng cố địa vị. Cần cảnh giác, đừng để các phép lạ đó cám dỗ.
Các phép lạ thực ra chẳng có gì lạ cả, nó vẫn có trong mỗi con người chúng ta. Nó trở nên lạ là vì con người ta chạy theo văn minh vật chất, bị tiền bạc lôi cuốn, cám dỗ, nên chỉ biết có tiền mà không biết đến bản chất quý giá sẳn có ở trong mỗi con người.
Chúng ta hiện nay đứng trước hai ngã đường: Một bên là vật chất, với những danh vọng, tiền bạc, địa vị, uy quyền và hậu quả là sự tranh giành đấu đá lẫn nhau. Một bên là tinh thần với danh dự, liêm sỉ, hy sinh… và kết quả dĩ nhiên của nó là hạnh phúc lâu dài chung cho nhân loại. Con người sẽ tiến theo ngã nào, tùy thuộc vào vấn đề văn minh mà người ta ưa chuộng. VĂN MINH KHOA HỌC HAY VĂN MINH TÔN GIÁO?
Về vấn đề tâm linh, người châu Á chúng ta thường tự phụ có một đời sống tình cảm dồi dào, và tinh thần sâu sắc… nhưng tiếc thay chúng ta chưa khai thác đúng mức đời sống tinh thần ấy. Ước mong rằng văn minh tôn giáo tiến triển kịp thời với đà tiến triển của văn minh khoa học, và con người không còn tranh giành, giết chóc lẫn nhau vì những tham vọng, mà hãy đến với nhau như anh em, không phân biệt màu da, quốc gia, sắc tộc, tôn giáo… Thật mong lắm thay…mong lắm thay.