Tôi tự hỏi rằng một cặp vợ chồng sinh con ra, đã bao giờ họ nghiêm túc tự hỏi, hay bàn luận với nhau là phải nuôi con thế nào, dạy con ra sao chưa? Hay cho rằng đó sẽ là một lẽ thường tình khi cứ lấy nhau rồi đẻ con, “sòn sòn” như các cụ ngày xưa vẫn bảo “Đấy, có dạy gì đâu rồi chúng nó tự lớn đấy thôi!” Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng tiếp thu được với nhiều văn minh và phải công nhận rằng “trẻ con thời nay thông minh hơn thời xưa nhiều”. Và có một bài học mà có lẽ suốt đời phải học bởi chẳng ai giống ai cả khi mỗi ông bố, bà mẹ được “sở hữu” cả một gia tài mà mình “có quyền” được định hướng và dạy dỗ. Xã hội kỳ vọng nhiều vào thế hệ trẻ có tài, có tâm và có đức để cùng xây dựng một đất nước phát triển lắm chứ.
Tôi suy ngẫm về câu nói của thầy Giản Tư Trung khi bàn về giáo dục – bố mẹ và thầy cô nói rằng “Học đi để sau này làm người”; nhưng “Người” là gì? Có ai định nghĩa được rõ ràng cái đích đến đó một cách đúng nghĩa được không bởi thực tế phải biết nó là gì thì mới biết đường đi đúng hướng.
Mỗi đứa trẻ từ khi mới được “hình thành”, tôi dùng từ “hình thành” có nghĩa là trước khi xuất hiện trên đời này có lẽ cũng cần được nuôi dưỡng bởi những nhà sản xuất ra nó. Bố mẹ cũng cần hình dung và ý thức được rằng trách nhiệm của mình đối với một sinh linh nhỏ bé ấy cũng vô cùng quan trọng trước khi nó xuất hiện trên cuộc đời. Tìm hiểu kiến thức về việc giáo dục con ngay từ khi trong bụng mẹ cũng là một giai đoạn quan trọng không kém với bất kỳ độ tuổi nào khác, 0 – 6 tuổi, giai đoạn dậy thì hay giai đoạn trưởng thành… Học về việc dạy con, hiểu được sự thay đổi và phát triển ở từng giai đoạn lớn lên của con có lẽ là niềm hạnh phúc mà những người được gọi là bố, là mẹ được hưởng. Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, cha mẹ mới chính là người thầy đầu tiên, dạy con từ những kỹ năng nhỏ nhất đến bài học cuộc đời. Bố mẹ dạy con học ăn, học nói từ những bước chập chững đầu tiên thì có lẽ sẽ là người hiểu con nhất trong việc giúp con đi tìm câu trả lời cho mục đích của cuộc đời con sau này. Con sẽ là “Người mà con có ước mơ trở thành sau này!”
Phải nói rằng môi trường gia đình mà bố mẹ tạo ra cho con có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và nhận thức của con. Bố mẹ cứ mong rằng sẽ tìm kiếm được một hệ thống giáo dục hoàn thiện và chắc chắn phù hợp với con nhưng thực tế thì một cơ chế có ưu việt đến đâu chắc chắn vẫn có những khiếm khuyết bởi lẽ nó được sinh ra để phù hợp với đứa trẻ này mà chưa chắc phù hợp với đứa trẻ khác – mỗi đứa trẻ đều có một trí thông minh rất riêng và một môi trường phù hợp nhất để phát triển. Bên cạnh đó, theo quy định hiện tại thì một ngôi trường mà con gắn bó cũng chỉ là: 5 năm học Tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT, 3 đến 10 năm Đại học hoặc cao hơn. Vậy thì khoảng thời gian còn lại từ lúc nhỏ và sau đó, đứa trẻ ấy “sống” lâu nhất với môi trường gia đình. Vậy mà, khi đứa con ấy trở về nhà, bố mẹ lại không phải là “người thầy sáng suốt” nhất của con mà cứ trông chờ vào một ai đó ngoài kia sẽ làm nhiệm vụ cao cả đó.
Trách nhiệm giáo dục con thuộc về Nhà trường hay Xã hội?
Bố mẹ đang phó mặc quá nhiều cho nhà trường hay một tổ chức giáo dục nào đó, mong muốn rằng con sẽ THỰC SỰ THAY ĐỔI trong một khoảng thời gian ngắn được đào tạo mà đâu biết rằng con sống với bố mẹ một thời gian dài với cách giáo dục như vậy, môi trường như vậy, con đã học được gì từ bé và sẽ thay đổi ra sao? Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi đã từng thấy không ít những bậc phụ huynh than phiền rằng: con họ chẳng có thay đổi gì sau mấy ngày học kỹ năng hoặc là chỉ được một thời gian, rồi “đâu lại vào đấy”. Nhưng xét cho cùng thì những kiến thức, phương pháp hay bí quyết các con học được từ khóa học đó về nhà liệu có môi trường để thực hành? Thay đổi làm sao khi ở nhà bố mẹ chưa biết cách nói chuyện với con theo cùng một kiểu ngôn ngữ? Làm sao con tiến bộ trong học tập khi nhà trường, thầy cô không biết cách khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê hứng thú của con theo một cách khác? Hay sẽ thật khác người khi con có những hành động khác với các bạn ở trường, các bạn hàng xóm? Dị biệt quá đâu hẳn đã là tốt! Đây có lẽ vẫn sẽ là một thiếu sót lớn nhất cần phải nghiên cứu của bất kỳ một chương trình đào tạo kỹ năng nào khi không thể cùng mỗi học viên xây dựng một môi trường áp dụng lâu dài và liên tục. Vậy thì con sẽ như thế nào khi trách nhiệm đó được dồn toàn bộ lên Nhà trường hay Xã hội khi con bắt đầu đi học hay bước vào đời với môi trường rộng lớn?
Thỉnh thoảng tôi lại nghe chuyện một bà mẹ than thở về con mình đại loại như: “Hư lắm. Nghịch như quỷ. Chẳng chịu học hành gì.” Lỗi này thuộc về ai? – Về chính đứa con đó gây ra? Về Nhà trường? Hay về Xã hội đã tạo ra một con người như vậy? Chỉ nhìn thấy những điểm tiêu cực ở con mà vô tình bỏ đi những thay đổi dù nhỏ nhất, con tiến bộ so với chính con của ngày hôm qua, chứ không phải chỉ vì một lỗi lầm nào đó, con bị đem ra so sánh với “con nhà hàng xóm”. Nhưng có lẽ một vấn đề vẫn mãi thuộc về nhận thức của mỗi người làm cha, làm mẹ cần phải nhìn nhận rõ hơn về vai trò của mình đối với sản phẩm của chính mình.
Giáo dục con hay là giáo dục chính mình?
Có bao giờ mỗi bậc cha mẹ lo lắng cho con để nhìn sâu vào cách sống của mình đã vô tình ảnh hưởng lớn đến con như thế nào. Bố mẹ mong muốn con thay đổi, muốn con tập trung vào học tập, muốn con phải bằng bạn, bằng bè trong khi bản thân mình vẫn có những thói quen chưa hữu ích lắm, thích là làm và lấy cái quyền “làm người lớn” để cho phép bản thân được như vậy. Sẽ thế nào nếu ở nhà bố mẹ quát con vào bàn làm bài tập trong khi bố thì thảnh thơi xem ti vi, mẹ thì còn đang mải buôn dưa lê với hàng xóm? Hoặc cách dùng từ ngữ trong giao tiếp hàng ngày, thói quen quát mắng con vô cớ mà không chỉ ra cho chúng bài học hay cách thức thay đổi sau mỗi lỗi lầm đó thì làm sao con tiến bộ được?…
Ngẫm về giáo dục ở các nước phát triển trên thế giới, tôi nhận thấy rằng ở mỗi quốc gia đều có một triết lý rất rõ ràng: Hướng đến “giáo dục tự do” của giáo dục Mỹ; tuyệt đối tin vào trẻ trong giáo dục Phần Lan với 3 tiêu chí: Lòng tin – Bình đẳng – Hợp tác; Nhật Bản với quan điểm “giáo dục đạo đức” là cốt lõi; đề cao sự tôn trọng con của các bà mẹ Anh; giáo dục Đức đẩy cao tính tự lập từ rất sớm của trẻ, bố mẹ chỉ là người trợ giúp và hướng dẫn; con người Pháp điềm tĩnh đến lạnh lùng có lẽ cũng do ảnh hưởng bởi sự giáo dục chặt chẽ từ nhỏ khi bố mẹ hiện thực luôn dạy con biết cách chấp nhận cuộc sống; tình yêu thương đến nghiêm khắc của những bà mẹ Do Thái có lẽ đã sản sinh ra “một dân tộc thông minh nhất thế giới…” Và đặc biệt, tôi nhận thấy rằng, những triết lý ấy được thấm nhuần hoặc có thể ảnh hưởng đến tận gốc suy nghĩ của mỗi con người ở đất nước ấy. Giáo dục con người không chỉ là gói gọn trong phạm vi gia đình mà rộng lớn hơn nhiều, “giáo dục để phục vụ đất nước”.
Còn ở Việt Nam, chúng ta đi theo cách thức dạy con nào để tin rằng, mình sẽ “sản xuất” ra một thế hệ có chất lượng? Bố mẹ làm gì khi chờ xã hội phát triển, chờ hệ thống giáo dục hoàn thiện, hay trông chờ vào một điều gì đó mà Nhà trường và Xã hội sẽ thay mình làm cho con? Có một điều, bản thân tôi nhận thấy rằng, sẽ chẳng có một hệ thống giáo dục nào hoàn hảo cho tất cả mọi người cả, kể cả những hệ thống có tiên tiến, hiện đại đến mấy đi chăng nữa nhưng trong cái không hoàn hảo đó, mỗi người cần tự chọn lọc giá trị cho mình, thực tế và áp dụng cho bản thân, cho những đứa con của mình. Bài học để mỗi người làm cha mẹ cần luôn tích lũy và học hỏi chính là bài học để tự giáo dục chính bản thân mình. Đừng vội đổ lỗi cho xã hội hay lý do bận bịu bởi những công việc rất người lớn để lơ là sự nghiệp học tập suốt đời, học để làm cha mẹ.
Tôi viết bài viết này không mong chờ rằng sẽ một sự thay đổi lớn nào trong giáo dục, mà có lẽ cũng khó có thể làm được điều đó trong một sớm một chiều khi mong muốn đó chỉ xuất phát từ một bộ phận nhỏ trong xã hội; mà với mục đích nhỏ bé và giản dị hơn là dành cho mỗi người đã, đang và sẽ làm cha mẹ có ý thức hơn một chút về sự nghiệp giáo dục chính mình, giáo dục những đứa con của mình, đừng để bất kỳ chuyện gì xảy ra khi đã quá muộn. Hãy trồng một cái cây xanh tốt nhưng ý thức sự tồn tại của nó khi mới chỉ là hạt mầm nhỏ bé, gieo cho con một ước mơ để con tự lớn lên với trí tuệ và năng lực của mình. Có như vậy mới dám mong chờ một tương lai ở đất nước sẽ phát triển của những con người “có giáo dục hoàn thiện” bởi những bậc cha mẹ có ý thức sinh thành và dưỡng dục con.
Bùi Phương Linh