Những yếu tố gây bệnh tiểu đường.
Các chuyên gia nhận định người mắc bệnh tiểu đường thể 2, dạng phổ biến nhất và chiếm đến 90% số ca tiểu đường, có rủi ro bị nhồi máu cơ tim, mù lòa, suy thận, hoại chi… tăng cao nếu không được chữa trị phù hợp.
Sau đây là một số yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường ít người biết tới.
Thân hình “trái táo”: Theo Tổ chức Diabetes UK (Anh), phụ nữ có vòng eo 80 cm và đàn ông có vòng bụng 90 cm có nguy cơ bị tiểu đường thể 2 tăng cao. Điều đó có nghĩa là những ai có thân hình mảnh dẻ nhưng vòng 2 “quá khổ” hoặc có tạng người hình “trái táo” có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn những người mập ở những vùng khác như mông hoặc đùi. Nguyên nhân là vì lượng mỡ tích tụ quanh các nội tạng trong bụng có thể sinh ra những chất gây mất cân bằng insulin và glucose, gây ra bệnh.
Ngủ không đủ giấc: Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Boston (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ. Các nhà khoa học cho rằng thiếu ngủ làm rối loạn đồng hồ sinh học, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ tự nhiên của cơ thể, làm tăng hàm lượng hormone gây stress là cortisol và gây mất cân bằng glucose trong cơ thể.
Buồng trứng đa nang: Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, nhưng ít người nhận biết được nguy cơ đó do đa nang buồng trứng có liên quan đến tình trạng mất cân bằng insulin. Cùng với chức năng kiểm soát đường huyết, insulin cũng kích thích buồng trứng tạo ra nội tiết tố testosterone quá mức ở phụ nữ. Khi mức insulin bắt đầu tăng nhiều và gây tổn hại buồng trứng và tuyến tụy, người phụ nữ có thể mắc bệnh tiểu đường.
Ngáy ngủ: Những người mắc tật ngáy ngủ nặng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng thêm 50%. Đó là kết luận được các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) rút ra sau khi theo dõi đường huyết và huyết áp của 1.200 bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tật ngáy càng nặng, nguy cơ cao huyết áp càng lớn và đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ và bệnh tiểu đường loại 2 là thừa cân. Theo các chuyên gia, việc đường thở bị cản trở có thể khiến hàm lượng hormone cortisol tăng lên, thúc đẩy glucose tăng cao.
Bỏ bữa ăn sáng: Các chuyên gia Úc gần đây phát hiện những người thường bỏ qua bữa ăn sáng có thể bị hạ đường huyết đột ngột, khiến họ thèm ăn món ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sẽ làm đường huyết tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh.
Giờ giấc công việc bất thường: Nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy người thường xuyên đổi ca làm việc giữa ngày và đêm trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thể 2 tăng 50%. Lý do là những người có giờ giấc làm việc không ổn định dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, gây ra bệnh.
Theo TNO