THỰC TẠI TỐI HẬU- Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA CUỘC SỐNG.

Tần Thủy Hoàng và giấc mộng trường sinh bất tử

Tần Thủy Hoàng (Qin Shih-huang-ti, 259-210 BC) là vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, thống nhất được cả sáu quốc gia Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Chu, Tề, bình định thiên hạ, kết thúc cục diện chư hầu phân tranh trong suốt gần 500 năm của thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Ông cũng nổi tiếng là một vị Hoàng đế đầy mưu mô và tàn bạo. Từ khi triều Tần được thành lập cho đến khi sụp đổ thì chưa bao giờ triều Tần có được một cục diện chính trị ổn định, xã hội luôn ở trong tình trạng hỗn loạn. Để quản lý một quốc gia rộng lớn như vậy, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng và bảo vệ quyền lực tuyệt đối qua một loạt các chính sách vô cùng hà khắc và nhẫn tâm. Ông là một vị Hoàng đế cô độc, không có bạn bè, cũng không có ai dám dũng cảm làm bạn với ông.

Do muốn ở mãi ngôi vị cao nhất , tột đỉnh của quyền uy, vị hoàng đế vốn giỏi binh nghiệp, đầy mưu lược nhưng rất tàn ác bạo ngược này đã ra lệnh cho đạo sĩ Từ Phúc mang theo 3000 đồng nam, đồng nữ từ Lang Nha – Sơn Đông xuống biển đi tìm cho bằng được đảo Bồng Lai và lấy được thuốc tiên “trường sinh bất tử” về cho ông để được sống mãi với quyền lực tối thượng. Từ Phúc sau đó đã trốn luôn khi đi đến xứ Nhật Bản và ở lại đó.

Giấc mộng trường sinh bất lão của Tần Thuỷ Hoàng rốt cuộc chỉ mãi là giấc mộng vì năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đã mang theo giấc mộng đó với mình xuống cõi tuyền đài khi chỉ mới 49 tuổi. Tuy vậy với mong muốn là sau khi chết, linh hồn mình vẫn là hoàng đế nên ông đã cho xây dựng khu lăng tẩm đồ sộ và hoành tráng với hàng ngàn chiến binh và hàng vạn đồ dùng xa xỉ để ông sử dụng sau khi… phải băng hà!

Cái chết – ý nghĩa thực sự của cuộc sống

Ai trong chúng ta có lẽ cũng đều ham muốn có vinh quang tột đỉnh của Tần Thủy Hoàng. Quyền lực, giàu có, đầy phi tần mỹ nữ vây quanh. Mỗi người trong chúng ta đều luôn bị ám ảnh trong việc theo đuổi danh vọng và vinh hoa của bản thân. Không ngừng phấn đấu, không ngừng nỗ lực để đạt được các bậc cao hơn của bậc thang danh vọng. Khi đạt được danh hoa phú quý rồi, bạn và tôi có lẽ sẽ giống như Tần Thủy Hoàng, mong muốn mình bất tử, luôn mãi được đứng trên đỉnh cao danh vọng, luôn được mọi người kính sợ.

Ít khi chúng ta dừng lại để tự hỏi: “Cuộc sống của tôi chỉ toàn những thứ này thôi sao?” Dù chúng ta ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, người giàu, người nghèo, người cao sang, kẻ tha hóa, thì đối mặt với cái chết, chúng ta đều như nhau.

Bây giờ giả thuyết rằng, loài người chúng ta bất tử. Theo các bạn điều đó sẽ đem lại điều gì? Với bản tính kiêu căng, tham lam, ghen ghét và ham muốn sẵn có trong chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ chỉ đem lại đau khổ cho nhau mà thôi. Bất tử về thân xác nào có ích gì khi nhìn người yêu mình ngoại tình, xung quanh toàn lũ người nịnh hót, sống với nhau giả dối không có tình yêu, thậm chí biết mắc tội tày trời mà không bao giờ sửa chữa và sám hối! Cuộc sống như thế không hề có chỗ cho tình yêu đích thực, mà thực sự đó là địa ngục muôn đời!

Chính vì biết rằng mỗi người sinh ra rồi sẽ phải chết đi, nên mới thôi thúc chúng ta trả lời câu hỏi: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chân lý của cuộc sống là gì? Tuy cái chết khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, hoang mang nhưng vì cái chiết khiến cho cuộc sống trở nên ngắn ngủi nên nó mới làm cho cuộc sống trở nên đáng quý. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái chết là cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị.

Bạn thử nghĩ xem nếu biết hôm nay một người thân của bạn qua đời, bạn sẽ làm gì? Bạn thử nghĩ xem nếu biết hôm nay bạn sẽ rời khỏi thế giới này vĩnh viễn bạn sẽ làm gì? Câu trả lời của bạn: Bỏ mặc tất cả hay cố gắng yêu thương người thân đó hay gửi lời thân thương, cử chỉ âu yếm đến tất cả mọi người bạn quen biết dù trước đây bạn đã không làm điều đó! Đó là quyết định của bạn.

Tôi xin những người nào, mà khi còn sống,

Tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi.

Tôi xin những người nào, mà khi còn sống,

Tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi.

(Những dòng chữ được khắc trên bia mộ của Đức Cha Jean Cassaigne (1895 – 1973), người Pháp, người sáng lập Trại phong Di Linh, Đà lạt)

Sự sống đời sau

Khoa học không thể lý giải được cái chết và sự sống đời sau. Đơn giản vì khoa học luôn cần một bằng chứng khách quan, mà cái chết là một thực tại thật bí hiểm, không ai còn sống mà kinh nghiệm được. Và giả sử có ai kinh nghiệm được mà về nói lại thì không chắc đã có mấy người tin. Có nhiều lý do rất hợp lý để người ta không tin: Trước hết là nó có thể khác với những gì họ vẫn tin tưởng, hai là đã có nhiều người tự nhận mình có kinh nghiệm đó, nhưng những người này lại nói khác nhau (chẳng hạn những kinh nghiệm được gọi là Near Death Experience).

Chính các tôn giáo cũng nói khác nhau, mà tôn giáo nào cũng đầy uy tín! Lý do thứ ba là người ta không có cách gì kiểm chứng được nguồn tin nghe được gọi là kinh nghiệm đó xuất phát từ chính thực tại hay do thị kiến, do tâm thức biến hiện? Cuối cùng, cái chết vẫn luôn luôn là một bí hiểm, những gì người ta nói về cuộc sống sau cái chết đều chỉ là niềm tin.

Tôi đã từng nghe được một câu nói rất ý nghĩa:

“Một số người sợ chết đến mức mà không thực sự sống.” – Khuyết danh

Nếu các bạn đang đọc những dòng chữ này, các bạn đang sống đúng không nào? Theo tôi, có lẽ thay vì đặt câu hỏi “ý nghĩa của cuộc sống là gì?” thì ta nên đặt câu hỏi  ta đã sống một cuộc đời có ý nghĩa chưa?”, thay vì đặt câu hỏi “liệu có sự sống đời sau hay không?” thì ta nên đặt câu hỏi “đời này ta nên sống với mọi người như thế nào?”, thay vì đặt câu hỏi “chân lý cuộc sống là gì?” ta nên tự biết mình, thay vì tìm một chân lý tuyệt đối, hãy tìm sự tuyệt đối nơi mình; vì chân lý để sống chứ không phải để dạy.

Tự biết mình – nguyên tắc quan trọng của cuộc sống

Chuyện kể rằng có một trí giả thích ngụy biện đến gặp Socrates, nhà hiền triết xứ Hy Lạp và đặt nhiều câu hỏi khó với mục đích làm cho ông bối rối. Trong đó có câu hỏi: “Trong các việc, việc nào khó nhất?” Socrates điềm tĩnh trả lời: “Tự biết mình.”

Có lẽ chúng ta cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay muốn kích động? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã lướt net, đọc báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế.. thì chúng ta tắt máy, bỏ tờ báo đi và than rằng chả có gì đáng xem.

Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của người khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, giễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không ? Lòng chúng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn.

“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn.” Trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em. – Chúa Jesus

Đã đến lúc loài người phải thực hiện một sự lựa chọn. Thế kỷ 21 chúng ta tự hào về khoa học kỹ thuật, tự hào về núi vật chất khổng lồ do mình tạo nên. Tuy nhiên, thử nghĩ xem, với mức độ tăng trưởng bình thường trong nhiều năm nay, nguồn lực và tài nguyên của trái đất chắc cũng đủ để nuôi sống nhân loại, không để ai phải chết đói hay sống vật vờ dưới ngưỡng nghèo đói. Nhưng tại sao con người không thể tỉnh táo để cùng nhau chia sẻ nguồn lực và tài nguyên ấy? Tại sao con người phải dùng đủ trăm mưu ngàn kế để làm giàu cho mình hơn một chút, đẩy đồng loại nghèo thêm một chút và cuối cùng lôi nhau xuống đáy khủng hoảng?

Từ khi con người có mặt trên trái đất này đã có hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Chiến tranh có bao giờ chấm dứt được? Hòa bình và thiện chí cần đi đôi với nhau, nên không ai có thể thực hiện hòa bình khi lòng còn đầy oán thù, ghen ghét, muốn bóc lột kẻ khác để mưu lợi cho cá nhân mình hay phe phái mình. Tất cả các hội nghị, các mưu tính để mang lại hòa bình cho nhân loại đều thất bại vì con người không chịu thực hiện hòa bình ở chính mình.

Bất bình đẳng xã hội hay chiến tranh chỉ là sự phóng đại các động tác hàng ngày của con người. Chúng bắt nguồn từ các tham vọng, giận dữ, oán hận, chủ nghĩa dân tộc, bộ lạc, tinh thần phe phái, đố kỵ, ganh ghét,… Tận diệt các thói xấu này là chấm dứt các tình trạng trên, và để làm được điều này là làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta.

Nếu bạn mong muốn thay đổi xã hội, bạn phải thay đổi bản thân của mình trước tiên. Có thể bạn không phải là một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội, một Phật Tử, một tín đồ Ki – tô giáo, Hindu giáo, hay Hồi Giáo. Tuy nhiên ai trong chúng ta đều cũng là con người. Mỗi người đều phải có trách nhiệm đối với người khác trong xã hội. Bạn không thể mong chờ xã hội thay đổi tốt đẹp hơn khi mà tự thân bạn không thay đổi.

Chân lý cuộc sống – Thực tại tối hậu

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy,
Xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
(Kinh “Kính lạy cha)

Đây là bài kinh mà mỗi người Ki-tô giáo đều thuộc làu như thuộc bảng cửu chương vậy. Thế mà nó lại chứa đựng tất cả chân lý mà Chúa Jesus muốn truyền đạt cho các môn đệ!

Bạn và tôi, ngay trong phút giây hiện tại, chúng ta đứng tại chỗ hai cái vô tận gặp nhau: Cái dĩ vãng mênh mông có từ thời khai thiên lập địa và cái tương lai nó bắt đầu từ tiếng cuối cùng mà tôi vừa mới thốt. Chúng ta không thể sống trong cả hai cái vô tận đó được, dù chỉ là trong một phần giây. Chúng ta chỉ có thể sống trong giây phút hiện tại mà thôi.

Chúng ta không nên vướng bận vào những vấn đề của quá khứ. Quá khứ đã trôi qua, chúng ta không thể nào lấy lại được. Tương lai thì chỉ có thể hình thành trong hiện tại, ngay lúc mà chúng ta đang sống. Cuộc đời có quá nhiều biến động, quá nhiều thứ vô thường, làm sao chúng ta có thể biết tương lai sẽ như thế nào? Điều mà chúng ta có thể làm là chấp nhận giây phút hiện tại, sống hết mình ngay giây phút này.

“…Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy…” Các bạn thấy đấy, câu kinh chỉ xin lương thực cho đủ một ngày thôi, cho ngày hôm nay thôi, chứ không xin cơm cho ngày mai hay phàn nàn về cơm của ngày hôm qua đâu nhé!

Theo phúc âm Mát – thêu, Chúa Jesus đã nói với các môn đệ và dân chúng rằng:

Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: ừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Người khuyên: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” Có nghĩa đừng lo tới ngày mai chứ không phải là đừng nghĩ. Bạn cứ nghĩ tới ngày mai, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, sửa soạn đi, nhưng đừng quá lo lắng gì về tương lai vì nó vẫn chưa tới. Hãy sống chu toàn với thực tại và làm nó tươi đẹp hơn.

Khi người Pha – ri- sêu hỏi Chúa Jesus bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! Hay ‘Ở kia kìa!” Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

Mọi người thường nghĩ Thiên Đàng, hay Nước Chúa mà Chúa Jesus muốn nói có được sau khi chúng ta chết đi. Nhưng Người lại bảo: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Trong tiếng Anh, từ “present” có nghĩa là món quà, nhưng nó lại mang một nghĩa khác là hiện tại. Thực tại tối hậu là một món quá vô giá mà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta lại không nhận thấy điều này. Lý do chính là vì chúng ta quá chìm đắm trong suy tư, chạy theo suy nghĩ miên man trong đầu, mê đắm trong thú vui vật chất mà quên mất chân lý luôn bên ta. Hết thảy chúng ta đều mơ mộng những vườn hồng diễm ảo ở chân trời thăm thẳm mà không chịu thưởng thức những bông nở kề ngay bên cửa sổ.

Stephan Leacock – một trong những nhà văn nổi tiếng với phong cách trào phúng và châm biếm đầu thế kỷ 20 đã viết: “Lạ lùng thay cái chuỗi đời ta. Trẻ em thì nói: “Ước gì tôi lớn thêm được vài tuổi nữa” nhưng khi lớn vài tuổi rồi thì sao? Thì lại nói: “Ước gì tôi tới tuổi trưởng thành.” Và khi tới tuổi trưởng thành lại nói: “Ước gì tôi lập gia đình rồi ở riêng”. Nhưng khi thành gia rồi thì làm sao nữa? Thì lời ước lại đổi làm: “Ước gì ta già, được nghỉ ngơi.” Và khi được nghỉ ngơi rồi thì lại thương tiếc quãng đời đã qua, và như thấy có cơn gió lạnh thổi qua quãng đời đó. Lúc ấy đã gần đất xa trời rồi, còn hưởng được gì nữa. Khi ta biết được rằng đời sống ở trong hiện tại, ở trong từng ngày một, thì đã quá trễ rồi mà.”

Bạn chỉ có thể tìm sự sống trong giây phút hiện tại, ngoài giây phút hiện tại không còn sự sống nào khác. Chúng ta không thể sống mãi trong ảo tưởng của quá khứ, sự lo lắng thái quá về tương lai được. Nếu kiên trì, chú tâm vào đời sống ở giây phút này, chúng ta chỉ còn thấy Sự Hằng Hữu, Sự Liên Tục của Đời Sống. Khi đó đời sống là vũ công còn chúng ta chỉ là vũ điệu. Vì vậy Chúa Jesus mới nói : “Trước khi có ông Áp – ra – ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu “ (Before Abraham was, I, I am). Trong tiếng Anh, thì hiện tại đơn giản được sử dụng để chỉ một chân lý, sự thật hiển nhiên đúng. Cụm từ tôi là (I am)- thì hiện tại đơn giản – được sử dụng trong một câu bắt đầu bằng thì quá khứ (Before Abraham was) biểu hiện một sự thay đổi tận gốc rễ, một sự bất liên tục trong cõi thế tục – cõi còn chịu sự chi phối bởi thời gian.

Cũng như vậy, bạn chỉ có thể tìm thấy sự thật trong phút giây hiện tại . Ngoài phút giây hiện tại ra, không còn một sự thật nào khác. Thế nên Chúa Jesus mới nói: “I, even I, am the way, I, even I, am the truth, I, even I, am the life” (Thầy là đường, là sự thật và là sự sống). Thì hiện tại “I am” được sử dụng tối đa!

Tuy nhiên, để thấy được Sự Hằng Hữu hay Thực Tại Tối Hậu, không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi bạn cần phải có một sự tập trung, tĩnh lặng hoàn toàn trong tư tưởng. Đừng dùng trí năng, sự suy tư hay suy luận logic để thấy được. Đơn giản là hãy loại bỏ vọng niệm, đạt được sự tĩnh lặng trong nội tâm. Một cách thực tập là mỗi khi bắt đầu ngày mới, bạn hãy cho rằng đây là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, và cho rằng sau ngày hôm nay mình sẽ không hiện hữu nữa, khi đó bạn sẽ làm gì? Hãy sống thật trọn vẹn vào ngày hôm nay. Tôi tin chân lý sẽ tổ lộ cho bạn.

 Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. – Chúa Jesus

Chúc các bạn bước đi thành công trên con đường tâm linh của mình.

Khải Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*