Featured Image: Dale Murray
Đây là một bộ phim tài liệu nghị luận xã hội của nước ngoài, nói về thực trạng và giá trị của nền giáo dục hiện nay, những góc khuất và bất cập, không chỉ tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Tập phim dài hơn 2 tiếng với rất nhiều những quan điểm mới lạ và thú vị. Những quan điểm này có thể trái ngược với những gì bạn từng biết và từng tin, thậm chí nó có thể là nguyên nhân cho những cuộc khẩu chiến về quan điểm cho những ai quan tâm. Nên, hãy cân nhắc trước khi đọc bài và chuẩn bị tinh thần cho những cảm xúc tồi tệ, nghi ngờ, thất vọng, hoang mang… bạn có thể gặp phải.
Bạn có thể ngờ được không với những tuyên bố: “Trường học chính là rào cản lớn nhất được tạo ra trong xã hội, là mô hình nhồi sọ biến chúng ta thành những kẻ biết vâng lời và không phản kháng, thực tế thực trạng của giáo dục hoàn toàn đi ngược lại những lý tưởng cao đẹp mà nó đề ra…” Thật quá đỗi hay ho và hấp dẫn. Sau đây để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ viết lại toàn bộ phần sub vì bộ phim khá dài. Việc đọc cũng dễ giúp bạn hiểu hết nội dung và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ai hứng thú với chủ đề này hay muốn xem lại tập phim thì sẽ có link ở cuối bài.
Bộ phim là thành quả tổng hợp từ một quá trình học hỏi không ngừng. Những cá nhân phát biểu trong phim chia sẻ với chúng ta rất nhiều ý kiến và quan điểm, sự tham gia của họ không có nghĩa là họ đồng ý với tất cả các quan điểm mà bộ phim truyền tải. (Người dịch phim Dariya Nguyễn). Khuyến khích chia sẻ thông tin trên phim này!
Phần 1: Mô hình giáo dục nhà tù và nhồi sọ – Trường học ra đời như thế nào?
Thân gửi tới tất cả các em nhỏ và người lớn thực sự mong muốn trưởng thành trong tự do. Tôi vẫn nhớ một câu chuyện triết học mà thầy giáo kể: Một nhóm nô lệ được sinh ra và lớn lên trong hang tối, họ bị trói quay mặt vào tường và tất cả những gì họ thấy là những cái bóng phản chiếu trên tường. Những người cai ngục đốt đuốc phía sau và cố tình tạo ra rất nhiều những cái bóng. Những cái bóng đó là toàn bộ những gì họ được biết về thế giới bên ngoài. Những cái bóng chính là thế giới của họ, hiện thực của họ. Một ngày kia, một trong số họ được thả tự do và được phép đi ra thế giới bên ngoài. Tôi tự hỏi anh ta mất bao nhiêu thời gian mới làm quen được với ánh sáng rực rỡ khi phần lớn thời gian chỉ sống trong tăm tối. Rất có thể, phản ứng của anh ta là sự sợ hãi khủng khiếp về cái thế giới rực rỡ ấy. Liệu anh ta có thể hiểu thế nào là một cái cây, biển cả và mặt trời? Giờ hãy giả thiết rằng anh ta nhìn vào hiện thực và phát hiện ra rằng những gì trong hang chỉ là sự giả dối tột cùng… Tôi không nghi ngờ rằng, anh ta sẽ có một ham muốn lớn lao là được quay trở lại hang, để kể cho những người khác nghe về những gì anh chứng kiến, một hiện thực hoàn toàn khác, một thế giới khác…
Nền giáo dục cấm đoán
Truyền thông, hàng ngàn cuốn sách, và những tuyên bố của những người chức quyền, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, triết gia, các trang web… Đều nhất trí khẳng định về tầm quan trọng của giáo dục. Họ đầu tư cả đống tiền bạc để đào tạo, cải cách và nghiên cứu. Họ in sách, tài liệu, thậm chí đưa cả máy móc hiện đại vào nhà trường. Họ tạo ra các chương trình dạy và học, tăng lương rồi giảm lương, áp dụng đủ loại mô hình dạy học khác nhau. Tất cả, với danh nghĩa, cải tiến giáo dục. Những điều đó không ngăn cản được thực tế rằng: Bao nhiêu trường học, là bấy nhiêu rào cản được tạo ra trong xã hội. Các loại trường chuyên, trường cho người nghèo, trường cho dân tộc thiểu số, cho thợ, cho chuyên gia, cho các tầng lớp trung lưu, trường công và tư, trường cho nhà giàu và các tầng lớp quý tộc… Mục tiêu là gom cho càng được nhiều học sinh càng tốt. Phần lớn là để tạo ra những công nhân phục vụ cho xã hội với các thứ hạng được định sẵn, và chỉ rất hiếm hoi là chú trọng tới thực chất của giáo dục.
Dẫu có khác biệt, thì tất cả các trường học hiện nay trên thế giới là nhằm tạo ra một mô hình nhồi sọ tối ưu. Làm sao mà những ý tưởng ấy lại giúp phát triển trí tuệ cá nhân và nhân loại nói chung được? Và liệu rằng luận thuyết về giáo dục hiện nay đã và đang tồn tại đến nay có thể giúp cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn? Liệu có tồn tại một cách dạy và học khác đạt được những tiêu chí đó? Liệu có thể tạo ra trường học mà tránh được tất cả những lý tưởng, tiêu chuẩn và định kiến? Thắc mắc đó đã dẫn chúng tôi tới một thế giới mới mà hoàn toàn chưa hề được biết tới. Bộ phim này là một phần của quá trình vô tận, một câu hỏi có thể là không có câu trả lời hoàn chỉnh và chính xác, cuộc tìm kiếm tới bản chất của giáo dục và việc học, những sai lầm mà chúng ta mắc phải, và trên hết, những ý kiến sẽ trợ giúp chúng ta tiếp tục tìm kiếm và tiếp tục học hỏi.
Một thầy giáo yêu cầu hai học sinh viết một bài luận về những gì các em thu được sau từng ấy năm đi học. Và kết quả họ bị thầy giáo gọi ra nói chuyện và bị cô hiệu trưởng đến kiểm tra, bài luận có những câu: “Chúng em thấy rất ít thứ quan trọng được học ở trường. Các thầy cô chỉ dạy chúng em phải dè chừng nhau và háo thắng. Bố mẹ và thầy cô, chẳng ai lắng nghe chúng em nói. Đấy là lý do vì sao chúng em muốn nói rằng: Thế là quá đủ rồi. Giáo dục chỉ là một sự cấm đoán mà thôi….” Thầy giáo giải thích với cô hiệu trưởng: “Thực ra là hai em ấy có nói với tôi rằng hai em ấy nảy ra ý tưởng đọc bài luận này tại Buổi Diễn Toàn Trường. Tất nhiên, đây chỉ là bản nháp thôi.”
“Ồ không đâu, đó không phải nháp, tụi em sẽ đọc chính xác như thế đấy.” Cô hiệu trưởng ngắt lời: “Không, không thể được, đó toàn là những từ ngữ hỗn xược xấc láo, các em không thể công kích chúng tôi theo cách lố lăng như vậy.” “Nếu cô cảm thấy bị xúc phạm, thì hẳn phải có lý do chứ ạ?” “Thưa thầy, chúng em chỉ đơn giản là viết bài luận mà thầy giao đề.” “Vậy nên tôi mới nói đó là bản nháp, các em cần uốn nắn lại từ ngữ.” “Không, sẽ không uốn nắn chỉnh sửa gì hết, chúng em sẽ đọc đúng như vậy.” “Không được, như thế là bất kính.” “Xin lỗi cô, em quên mất việc nói ra những gì mình thực sự nghĩ là bất kính…”
“Nghe này, những gì các em nói có thể làm phật lòng nhiều người.” “OK, nhưng nếu đó là những gì chúng em cảm thấy và viết ra như vậy, tại sao lại không thể cho họ biết chứ? tại sao không chứ? Đấy thật sự là những gì chúng em nghĩ thì có vấn đề gì nào? Chúng em sẽ chịu trách nhiệm những gì mình nói.” “Không, không hãy đợi đã, vì tôi hiểu em, cái gì ở trường cũng khiến em thất vọng, tôi làm em thất vọng, các thầy cô làm em thất vọng. Thầy hiểu em quá rõ.” “Không thầy chẳng hiểu gì em cả.” “Thầy hiểu thật đấy.” “Không, thầy không hề.”
Albert Einstein từng nói:
“Nếu bạn muốn tìm ra một kết quả khác, thì đừng lặp đi lặp lại một cách làm, hết lần này tới lần khác.”
“Rất nhiều học sinh sau 12 năm đèn sách vẫn không thể đọc viết thông thạo (sai chính tả), họ không giải được phương trình, không nhớ những gì họ từng tiếp thu (rõ ràng). Vâng, thực tế là họ học được rất ít từ trường học. Vậy lý do vì sao phần lớn học sinh học rồi mà dốt vẫn hoàn dốt? Đấy là bằng chứng chắc chắn rằng lỗi không phải do học sinh, mà là do hệ thống giáo dục rồi.” “Thực tế là ngày nay việc giáo dục được cải tiến rộng rãi, nhưng lại vẫn áp dụng những cách tiếp cận hoàn toàn sai, chỉ toàn là chắp vá chỗ nọ chỗ kia, rồi làm ra vẻ như là chúng đem lại cải tiến thực chất. Vấn đề nằm ở chính luận điểm và quan niệm cơ bản về giáo dục. Cái sai nằm ở chính cách nhìn nhận vấn đề.”
“Các bậc từ tiểu học đến cấp ba ở các nước Mỹ Latinh (Vâng, và cả Việt Nam nữa) chẳng là gì ngoài những cái cũi tẻ nhạt và chán ngắt. Tôi thường mời mọi người tới và tham quan các trường học để thấy được rằng cần phải đập hết những khuôn mẫu. Và cho họ thấy hình ảnh các thầy cô, đứng cạnh bảng đen, chẳng làm gì ngoài nói, nói, nói… trong khi chúng ta đã đi hết một nửa thế kỷ 21. Thật là lố bịch và vô nghĩa.”
“Các môn học mà chủ đề đều khép kín, thụ động, chẳng có gì gợi mở và hấp dẫn, những môn học chỉ toàn chữ, chữ và chữ. Các nhà cải cách chẳng hề tìm hiểu, nói chung là chẳng có gì cải tiến ngoài chương trình học. Họ quá chú trọng vào nội dung, dạy một vài kỹ năng, trong một số lĩnh vực nhất định. Ngày nay kiến thức bị sai lệch bởi vì cách nhìn nhận của chúng ta sai lệch. Thậm chí, chúng tôi có thể nói rằng trong trường học hiện nay, việc học hỏi thực sự đang bị cản trở.
Các kiến thức ta được học chẳng bền mà cũng chẳng thịnh hành được lâu. Vì ngày nay các học thuyết thay đổi rất nhanh. Kiến thức đổi mới và thay thế thường xuyên, trong khi nền giáo dục luôn dậm chân tại chỗ. Xã hội thì thay đổi chóng mặt. Đây chính là gốc rễ của vấn đề. Các nhà giáo dục tại các trường cao đằng đại học cho rằng kết quả của việc học là có thể đo được, định lượng và quan sát được. Cho nên chúng ta bắt đầu tìm kiếm phương pháp để đo lường thứ được cho là kết quả, là mục đích của việc học. Và đó là thứ chúng ta gọi là điểm số, dù ở dạng A hay B, các con số bậc điểm hay dạng mặt cười, mặt mếu… Nhưng logic sau nó vẫn là cũ rích một mục tiêu, để so sánh. So sánh các cá nhân, quá trình học của anh ta với một thước đo tiêu chuẩn. Thật là nhảm nhí. Mỗi cá nhân là duy nhất và độc đáo, chẳng ai giống ai cả để mà so sánh.”
“Cách học hiện nay là nhằm tìm kiếm ra một con số để quyết định, nó thậm chí còn cố định nghĩa một người ở dạng nào: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu hoặc kém. Thế đấy, ví dụ tôi tạo ra một bài thi kiểu ai sẽ có đáp án trước… hệ quả tất yếu là sẽ có người thắng và kẻ thua. Và mỗi khi có kẻ thua thì nghĩa là ai đó sẽ cảm thấy buồn và tồi tệ. Hẳn nhiên rồi.” “Trẻ em cũng được động viên để tranh đấu với nhau. Học sinh giỏi được ghi nhận, được trao giải. Những người không làm tốt thì bị ăn chửi và sau đó phần lớn là bị bỏ mặc. Ai cũng nói về hòa bình nhưng chẳng ai có vẻ dạy cho trẻ em điều đó. Mọi người được giáo dục để tranh đấu, và tranh đấu là bước đầu tiên để gây ra chiến tranh.”
“Về lý thuyết, những gì nói về giáo dục là hướng tới mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện: Giá trị con người, hợp tác, tính cộng đồng, sự đoàn kết, công bằng, tự do, hòa bình, hạnh phúc…bla bla toàn những mỹ từ cao đẹp. Nhưng thực tế về cơ bản, cơ chế của hệ thống giáo dục lại là thúc đẩy điều ngược lại: Tranh đấu, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phân biệt, các quy tắc luật lệ, bạo lực cảm xúc, chủ nghĩa vật chất… Bất kỳ ý tưởng tốt đẹp nào được nêu ra là đối lập với cơ chế mà giáo dục đang cố duy trì.
Nếu tôi được đào tạo từ một mô hình chỉ chuyên về mặt này hay mặt kia, giả sử là lịch sử chẳng hạn. Thì khi đi dạy, tôi chỉ chăm chăm học sinh này biết gì về lịch sử, sau khi tôi giảng về lịch sử và bắt em ấy đọc một số sách về lịch sử, và thế là tôi xong việc với em ấy. Tôi không cần quan tâm gì tới em ấy nữa. Như là em ấy có đang gặp chuyện khổ tâm gì không, xuất thân em ấy thế nào, gia đình em ấy ra sao.” “Điều dễ nhất cho các giáo viên kiểu truyền thống là cứ lặp đi lặp lại những gì anh ta vẫn dạy, hết năm này đến năm khác. Việc dạy trở thành một quá trình lặp đi lặp lại các biểu tượng. Ngày nay, tại Argentina, phần lớn trẻ em nói rằng: Ôi lại thứ hai rồi sao? Lại phải đến trường rồi sao? Nhưng đấy chưa phải điều tệ nhất, khi phần lớn các giáo viên tại Argentine cũng bày tỏ cùng một tâm trạng như vậy.
“Tôi tin giáo viên ngày nay chỉ đơn giản là một sản phẩm sinh ra từ hệ thống. Họ không sinh ra để mong muốn trở thành một thầy giáo giỏi hay tệ, chỉ đơn giản là xã hội đã bắt họ phải chọn lựa để trở thành như vậy. Làm sao mà tôi có thể dạy các em cách thể hiện cảm xúc khi mà các thầy giáo ở trường đại học chẳng có ai nói với tôi một từ về “cảm xúc”.
“Tôi không muốn đến trường, thật lãng phí thời gian. Tôi cũng không muốn cho con tôi đi học, trường học toàn tạo ra các vấn đề với chúng. Ngày nay một đứa trẻ 8 tuổi còn dành thời gian học nhiều hơn cả một sinh viên. Thật vớ vẩn, chẳng có nhiều thứ đến thế để mà học ở nhà trường. Thế là nhà trường không còn là nơi dạy học, tôi gọi nó là trung-tâm-giữ-trẻ-cả-ngày hay là bãi-nhốt-trẻ-số-lượng-lớn”
“Tôi lại nghĩ trường học giống như nhà tù, quá là tệ đi, đây là nơi mà mọi người nhốt chúng lại và thậm chí là cần cả bảo vệ để ngăn không cho chúng chạy trốn. Trường học khiến bọn trẻ ngày càng khép kín và họ lại xây những bức tường cao hơn mỗi ngày, dù cho tường bằng gạch hay bằng cây thì vẫn thế, vẫn là để cô lập và ngăn cách.”
“Tôi muốn trường học là nơi cho bọn trẻ phát triển một cách tự nhiên như chính cách chúng được sinh ra. Không phải là nơi đào tạo cho chúng sẵn sàng cho các bậc học cao hơn, cao hơn nữa: Tiểu học, trung học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rồi sau đó nữa là đi làm. Rồi sao, sau nữa là làm gì?” “Thật là đơn giản khi giáo viên chỉ phải nói những câu: Trật tự, im lặng hết cho tôi, bây giờ, lật sách vở ra, bây giờ, lấy cây bút màu đỏ… Theo tôi, những thứ đó, phương pháp đó là để đào tạo… chó, chứ không phải cách giáo dục con người.”
John Taylor Gatto nói: “Vấn đề của chúng ta là hiểu rằng, việc dạy dỗ một cách ép buộc xuất phát từ một thực tế đáng hổ thẹn là trên phương diện con người, những gì là sai, thì trên phương diện cơ chế, lại là đúng.”
Nguồn gốc của trường học và giáo dục
Từ nhu cầu của những nhà Chuyên Quyền
Một điều ít ai biết tới về giáo dục phổ thông đại chúng và bắt buộc như hiện nay, được tạo ra từ một thời điểm cụ thể trong lịch sử. Trước đó, kiểu giáo dục này không tồn tại. Giáo dục ngàn xưa rất khác với giáo dục ngày nay chúng ta được biết. Ví dụ, tại thành Athen – Hy Lạp cổ đại không hề có trường học. Những học viện đầu tiên của Plato là nơi để thảo luận, chia sẻ ý kiến, tự do thí nghiệm và khám phá. Lúc bấy giờ, giáo dục bắt buộc chỉ dành cho nô lệ. Mặt khác, giáo dục tại thành Sparta thì giống như là huấn luyện quân đội nhiều hơn. Khi ấy, chính quyền sẽ tống cổ những kẻ không đạt một mức tiêu chuẩn được định sẵn vào những lớp học bắt buộc, là những nơi bài học và quy tắc xử sự được dạy qua tra tấn và nhục hình. Trong quá khứ, giáo dục là do các nhà thờ công giáo chi phối, ít nhất là tại các nước công giáo phương tây. Và điều này cũng mới chỉ có từ thế kỷ 18, tại thời điểm lịch sử mà người ta gọi là “Khai Sáng Chuyên Quyền” – nơi tạo ra các ý tưởng về giáo dục phổ thông đại chúng, miễn phí và bắt buộc.
Trường học như chúng ta được biết tới nay được khai sinh từ cuối thế kỷ 18, đầu 19 tại Prussia (Đức). Nhằm chống các cuộc nổi dậy tương tự đã xảy ra ở Pháp, Hoàng Gia đề bạt một số nhân vật được cho là “Người khai sáng” để làm hài lòng đám đông muốn nổi dậy, nhưng vẫn duy trì chế độ Chuyên Quyền. Các trường học tại Prussia dựa trên sự phân biệt gắt gao các tầng lớp và giai cấp. Cơ chế của nó, thừa hưởng từ mô hình của người Spartan, đề cao kỷ luật, sự tuân lời và chế độ độc đoán. Mục đích của tầng lớp chuyên quyền đầy học thức này là gì? Là tạo ra một đám dân chúng biết nghe lời và dễ bảo để có thể huấn luyện phục vụ cho chiến tranh sẽ xảy ra trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ khi hàng loạt các quốc gia mới nổi lên (giống các quân cờ thế mạng). Hoàng hậu Cartherine của Nga, đã gọi mời các nhà thông thái tới từ Pháp, kêu gọi họ tạo ra một hệ thống giáo dục và Diderot, một trong những người nổi tiếng nhất, đã tạo ra một đề án, không phải nhằm tạo ra những người dân thông minh hơn, mà là những dân chúng biết vâng lời và phục vụ cho chính quyền.
Tin tức về mô hình giáo dục thành công này lan truyền cực nhanh, đến mức chỉ trong vài năm, các nhà giáo dục ở Châu Mỹ và Châu Âu đã đến học ở Prussia để lấy bằng về áp dụng cho nước mình. Dần dà, mô hình này trở thành chung cho cả thế giới, rất rất nhiều nước đã bắt chước mô hình giáo dục “hiện đại” này để phổ cập cho tất cả dân chúng. Giương cao ngọn cờ của “sự bình đẳng”, trong khi bản chất hệ thống về cơ bản là sự Chuyên Quyền nhằm duy trì quyền lợi cho tầng lớp Quý tộc và phân chia giai cấp ngày một rõ nét hơn. Đấy chính là sự ra đời của giáo dục phổ thông.
“Nên nhớ là chính Napoleon, đã thề thốt là không đội trời chung với Chuyên Quyền, nhưng rồi ít lâu sau, cũng đã làm điều tương tự. Ông ta nói thế này, không thêm thắt một từ: “Tôi muốn tạo ra một hệ thống giáo dục mà từ đó định hướng cho suy nghĩ của dân chúng Pháp.” Bạn hiểu chứ? Ông ta quả thực đã làm như thế, và nó vẫn tiếp tục suy trì cho tới ngày nay, cho dù chúng ta có ý thức được điều này hay không.”
Từ nhu cầu của nền kinh tế sản xuất hàng hóa
Trường học được tạo ra trong một thế giới bị chi phối bởi nền kinh tế công nghiệp, bởi thế phương châm của nó là tạo ra những sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, với ít chi phí và công sức nhất có thể. Sử dụng các công thức khoa học và quy luật thông thường, trường học chính là giải pháp hoàn hảo để tạo ra nguồn nhân công phục vụ cho các ngành công nghiệp. Giống hệt những nhà tài phiệt công nghiệp của thế kỷ 19. Ai là người cung cấp tài chính cho hệ thống giáo dục bắt buộc, ai giúp sức cho những tổ chức giáo dục? “Tôi phải làm gì cho con cái của những công nhân, để chúng về sau cũng làm việc cho tôi? Làm sao chúng ta có thể dạy họ đọc, dạy họ trở nên những công nhân thông minh?”
Và nền giáo dục đó vẫn duy trì tới ngày nay, một phương tiện để tạo ra những công nhân có ích và những công cụ hữu dụng để chắc chắn rằng nền kinh tế hàng hóa vẫn tiếp diễn theo quy chuẩn cũ. Điều đó đồng nghĩa với việc duy trì cơ cấu xã hội hiện có. Ngoài ra, trường học còn được “chắp cánh” với những nghiên cứu về kiểm soát hành vi, những lời hứa hẹn về một xã hội không tưởng và thậm chí là các học thuyết về tầng lớp xã hội thượng đẳng. Chẳng ngạc nhiên khi các quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống giáo dục như Prussia hay gần giống vậy, gần như cùng lúc, cuối cùng đều trở thành, nguồn cơn của chủ nghĩa Quốc Xã và Bài Ngoại.
Dây chuyền sản xuất hàng loạt trong công nghiệp là một ví dụ hoàn hảo cho giáo dục. Giáo dục áp lên một đứa trẻ có thể được so sánh với quá trình sản xuất một sản phẩm. Vì thế nó đòi hỏi các bước cụ thể và bắt buộc, theo một trình tự cụ thể. Gom nhóm trẻ nhỏ theo độ tuổi và các cấp học. Và trong từng giai đoạn sẽ nhồi những môn học cụ thể. Nội dung nhồi được thiết lập kĩ lưỡng bởi các chuyên gia. Nhưng vấn đề ở chỗ, các môn học, như môn Sinh học, không được thiết lập bởi các nhà sinh vật, cũng không phải bởi những người giáo dục trực tiếp, mà chính hệ thống quan lại, tay sai thời đó – những kẻ hoàn toàn không biết dạy và học là thế nào.
Trong cái dây chuyền như thế, một người sẽ phụ trách từng phần nhỏ của quá trình, mà vốn dĩ không đủ thẩm quyền cũng như khả năng để biết toàn bộ cơ chế hoặc những người tham gia vào quá trình đó. Mỗi giáo viên sẽ dạy từng cấp, từng môn cho học sinh, khoảng 30-40 học sinh mỗi lớp đến độ mà toàn bộ quá trình biến thành hoàn toàn máy móc. Giáo dục hiện nay là trọng tâm của những người cầm quyền, học sinh đến trường, giáo viên lên lớp, học sinh về nhà, giáo viên về nhà. Mỗi ngày cái vòng lặp đều lặp lại i như thế. Giáo viên là một bộ phận công chức của hệ thống lãnh đạo, và họ phải nghe theo lời chủ: “Anh phải dạy cái này, cái nọ cái kia, và theo cách này.” Quá nhiều giáo viên và học sinh bị bóc lột sức lao động đến mệt lử và chẳng còn mấy thời gian để chú ý riêng tới từng học sinh.
Vì lẽ dĩ nhiên họ không thể mong tất cả học sinh cùng làm một việc vào cùng một thời điểm được. Cái dây chuyền sản xuất công nghiệp này cũng như các trường học và các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia và văn hóa phương Tây. Cho tới vài thập kỷ trước, trường học giống như trại lính và nhà thương điên vậy. Thậm chí giờ nghỉ cũng bắt đầu và kết thúc bằng một hồi chuông tự động, chứ chẳng có một âm thanh con người, nhằm đào tạo trẻ nhỏ tự huấn luyện, từng chút từng chút một, đứng thành hàng, theo một hàng gạch nhất định, lần lượt theo sau lưng người khác, với quy chuẩn từ thấp đến cao.
Suốt thế kỷ qua, chúng ta đã tạo ra những trường học cứ như thể chúng là nhà tù hoặc xưởng sản xuất, đề cao sự vâng lời với luật lệ và quy định xã hội. Trường học đã được hình dung như là nơi sản xuất những công dân vâng lời, những công nhân có ích và những kẻ tiêu dùng hàng hóa đều đặn, nơi là con người dần biến thành những con số, điểm số và số liệu. Yêu cầu và sức ép của hệ thống cuối cùng làm giảm hoặc làm mất nhân tính của tất cả mọi người, bởi vì nó bao trùm lên toàn bộ thầy cô, hiệu trưởng và các nhà quản lý giáo dục. Tất cả bị biến thành một đám người đồng nhất với những tư tưởng đồng nhất, nhằm tạo ra những kết quả tương tự nhau.
“Tất cả chúng ta phải biết cùng một thứ. Mặc cho thực tế là chúng ta, những người lớn, đều chẳng thể biết cùng một thứ, cũng chẳng làm cùng một việc. Và ở trường, thì ai cũng phải làm cùng một thứ, và phải làm thật tốt nữa. Vì thế, trường học không thể có khả năng thỏa mãn những nhu cầu của từng cá nhân, bởi vì trường học là đào tạo, và chúng là các trung tâm đào tạo, việc của họ là thế. Người nào không chịu học, sẽ bị tụt lại phía sau. Nó là như thế đấy.
Điều này ngụ ý rằng, hệ thống giáo dục là một hệ thống phân chia và loại trừ giai cấp: Nó lựa chọn một phần vào đại học để họ trở thành một phần của tầng lớp quý tộc, để lãnh đạo các công ty và quá trình sản xuất của cải, để đứng đầu các hệ thống kinh tế và truyền thông… Và còn những người khác, những người không thích ứng được với trường học, sẽ “lĩnh án” phải làm những công việc bấp bênh hơn bởi họ không có bằng cấp để làm những công việc khác. Hệ thống và các chính phủ, đáng tiếc, chẳng quan tâm đến điều này. Thực chất, họ không thèm quan tâm tới con người như là con người, như là các cá nhân. Và với những tiêu chí này, các hệ thống giáo dục khác, nhằm tìm kiếm cho những mục đích khác, phải bị cấm.”
Sự thực là cốt lõi của mô hình trường học theo kiểu Prussian được xem là trung tâm của hệ thống giáo dục ngày nay. Các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn, chia thành độ tuổi, các lớp học bắt buộc, chương trình học xa rời thực tế, hệ thống đánh giá xếp loại, áp lực lên giáo viên và học sinh, cơ chế thưởng phạt, thời khóa biểu chặt chẽ, tách rời và khép kín khỏi cộng đồng, hệ thống học bậc thang… tất cả những điều đó vẫn là một phần không thể thiếu của trường học. Ngay cả ở thế kỷ 21 này.
Trường học không thể bị đánh đồng với giáo dục. Trường học cùng lắm chỉ là một tấm bản đồ cũ kỹ về kiến thức, và giáo dục là vùng đất mà ở đó, việc học thực sự đang xảy ra. [Còn tiếp]