Có một số nhận định cho rằng, người “cõi âm” thuộc chúng sinh Thân trung ấm. Chúng tôi cho rằng nhận định đó không sai, nhưng chưa đủ.
Chúng tôi không bao giờ đặt vấn đề người cõi âm thuộc chúng sinh Thân trung ấm, vì sao: Vì cõi âm theo quan niệm dân gian bao trùm lên tất cả 6 cõi trong Lục đạo.
Vấn đề mà nhiều bạn đọc băn khoăn là lâu nay nhà ngoại cảm trò chuyện được với “linh hồn” ở cõi âm trong quan niệm dân gian tương ứng với cõi giới nào trong Lục đạo luân hồi (theo quan niệm của Phật giáo).
Trước khi giải thích, chúng ta phải làm rõ khái niệm cõi giới trong quan niệm dân gian Việt Nam và quan niệm của đạo Phật là khác nhau, khác nhau cả về khái niệm, khác nhau cả về nội hàm.
Một số tôn giáo như đạo Công giáo, Tin lành, Hồi giáo….quan niệm con người là sản phẩm của chúa Trời, và sau khi chết thì “linh hồn” có thể trú ngụ ở một trong 2 cõi giới tương ứng, đó là Thiên đường hoặc Địa ngục.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói chung và tín ngưỡng của một số Tôn giáo mang yếu tố thuần Việt như đạo Mẫu, đạo Tứ phủ….quan niệm sau khi chết, linh hồn con người trú ngụ ở cõi âm, còn đang sống ở trần gian là cõi dương.
Quan niệm này xuất phát từ tín ngưỡng về Cha trời (dương) và Mẹ đất (âm) kết hợp hai chiều âm & dương để sản sinh ra muôn vạn vật, trong đó có con người.
Con người sau khi chết (sau cái chết về vật lý & sinh học) theo quan niệm của Phật giáo thì trong một giai đoạn nào đó (vì đạo Phật không công nhận linh hồn là bất tử, mà chỉ là một giai đoạn của chu kỳ luân hồi) tương ứng vào một trong các cõi giới trong Lục đạo (giai đoạn Thân trung ấm, cõi Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, Nhân, Atula, Thiên)
{Lưu ý, nội dung trong Kỳ này chưa phân tích các cảnh giới của Tứ thánh quả, Niết bàn}.
Quan niệm của đạo Phật khác với quan niệm của các tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo…là về tính “vĩnh cửu” của linh hồn sau khi chết. Phật giáo quan niệm Linh hồn” là dòng chảy liên tục của các trạng thái khác nhau của đời sống của chúng sinh trong Lục đạo. Chỉ khi nào tu hành đắc đạo, chấm dứt được dòng sinh – tử thì mới thoát ra khỏi dòng luân hồi của lục đạo.
Như vậy, nếu đưa khái niệm cõi âm trong quan niệm dân gian Việt Nam vào qui chiếu với Lục đạo của đạo Phật thì cõi âm bao trùm lên cả 6 cõi trong lục đạo. Vì con người sau cái chết, trong một giai đoạn nhất định (đang xét) thì có thể đang ở giai đoạn Thân trung ấm, có thể đã đầu thai tái sinh vào một trong 6 cõi của Lục đạo. Trong khi quan niệm dân gian chỉ gọi chung, trạng thái của “linh hồn” sau khi chết là cõi âm.
Quan niệm của Phật giáo:
Sau cái chết = linh hồn – “thần thức” – chúng sinh có thể thuộc cõi Địa ngục, Ngã quỉ, súc sinh, Nhân, Atula, Thiên hoặc giai đoạn Thân trung ấm. (1)
Quan niệm của tín ngưỡng dân gian Việt Nam:
Sau cái chết = linh hồn = cõi âm (ma, quỉ, thần, thánh….) (2)
Như vậy, so sánh giữa (1) & (2), có thể khẳng định, quan niệm cõi âm trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam bao trùm lên cả 6 cõi của Lục đạo, đến đây có chút mâu thuẫn, vì theo đạo Phật sau khi chết con người có thể đầu thai lại thành Người (nếu xét theo quan niệm tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì Người lại không thuộc cõi âm). Sở dĩ có điều “lệch pha” như trên, là vì:
Dùng khái niệm của hệ qui chiếu này giải thích về hệ qui chiếu khác, khi chưa làm rõ cách hiểu, nội hàm của khái niệm, thì theo chúng tôi, đó không phải là phương pháp luận logic và khoa học.
Chính vì dùng hệ qui chiếu này để hiểu hệ qui chiếu khác, mà chưa làm rõ khái niệm, nội hàm nên đã có không ít nhầm lẫn xảy ra trong quá trình tiếp cận vấn đề để nghiên cứu về tâm linh và ngoại cảm của không ít nhà khoa học.
Ở đây, chúng tôi cũng lưu ý thêm, tuy tín ngưỡng dân gian Việt Nam không đề cập đến linh hồn đầu thai, tái sinh, nhưng trong rất nhiều ví dụ và câu chuyện kể lại có yếu tố tái sinh, đầu thai, chuyển cõi, như ở cõi Thiên đầu thai xuống trần gian (cõi Nhân),….Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa âm sinh ra dương, người cõi âm đàu thai, cực âm (- -) sinh ra dương (- ), dương hợp nhất âm (- – -) sinh ra muôn vạn vật, cũng thật triết lý.
Nhà ngoại cảm trò chuyện, với đa số trường hợp là chúng sinh ở cõi Atula. Vì sao?
Câu hỏi được nhiều người quan tâm là lâu nay nhà ngoại cảm trò chuyện được với “linh hồn” thì “linh hồn” đó thuộc chúng sinh cõi giới nào theo quan niệm của đạo Phật.
Trước hết, chúng tôi cũng nhắc lại khái niệm trong dân gian về “linh hồn”, đó là một cách gọi chung nhất, ngoài ra để chỉ các cấp độ về quyền năng và khả năng khác nhau của “linh hồn” thì có các cách gọi như: Ma, quỉ, vong linh, hồn linh, hương linh, Thần, Thánh,…
Còn với Phật giáo vì không chấp đoạn, mà xét trong tính luân hồi liên tục nên chúng ta thống nhất cách gọi là chúng sinh, tương ứng với 6 cõi giới khác nhau, và một giai đoạn đặc biệt, sau khi chết, trong vòng 49 ngày được gọi là giai đoạn Thân trung ấm.
Giai đoạn này có người sau khi chết không trải qua, mà ngay lập tức đầu thai vào các cảnh giới khác, có người kéo dài hơn 49 ngày – nhưng đó là các trường hợp cá biệt và đặc biệt, còn thông thường với đã số trường hợp thì sau 49 ngày là “linh hồn” tức “thần thức” đó đã đầu thai vào cõi Súc sinh, cõi Nhân hoặc “Thần thức” đó đang trải qua kiếp sống của chúng sinh ở một trong 4 cõi (Địa ngục, Ngã Quỉ, Atula, Thiên).
Sở dĩ chúng tôi làm rõ và có sự so sánh các khái niệm giữa quan niệm dân gian bản địa và quan niệm của đạo Phật là để hiểu đạo Phật vào Việt Nam có sự giao thoa, ảnh hưởng bởi tín ngưỡng bản địa, cho nên với các Phật tử khi thấy các hiện tượng như ngoại cảm, gọi hồn, áp vong, nhà ngoại cảm trò chuyện với cõi âm….đều có một sự liên hệ xem nó tương ứng với điều gì trong quan niệm của đạo Phật? Đó là một sự liên hệ thường trực.
Trở về thời đức Phật, trước khi đức Phật Thích Ca đắc đạo, thì ở Ấn Độ tôn giáo chủ đạo lúc đó là đạo Bà La Môn, nên khi các đệ tử, các học trò, và kẻ ngoại đạo hỏi đức Phật, đức Phật cũng thường mượn các hình ảnh trong đạo Bà Là Môn để giải thích cho các học trò hiểu, …và do vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong nhiều quyển kinh của Phật giáo, có rất nhiều ví dụ, khái niệm, thuật ngữ của đạo Bà La Môn ở trong đó. (Về những luận điểm này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ở một bài viết khác)
Chúng tôi, có phân tích vài luận điểm như vậy để hiểu là về nghi lễ tôn giáo, có thể đâu đó có những điều khúc xạ so với thời đức Phật ở hình thức nghi lễ, các hình ảnh ẩn dụ, minh họa về các cõi giới, qua các lăng kính tín ngưỡng, nhận thức để hình thành các nghi lễ và biểu tượng nghi lễ khác nhau, mặc dù đều gọi là đạo Phật.
Đó là cái vỏ bề ngoài của tôn giáo – nếu hiểu đạo Phật với tư cách là một tôn giáo. Trong khi với chúng tôi lại đề cao đạo Phật ở góc độ minh triết, góc độ tư duy, góc độ bản thể mà muốn chứng phải tu, không có con đường nào khác. Những luận điểm gốc căn bản ưu trội của đạo Phật so với các tôn giáo khác, theo chúng tôi thì có rất nhiều những tựu chung lại là bộ 3 của các hệ qui luật: Luật Luân hồi, Vô thường, Nhân – Quả….
Trở về câu hỏi lâu nay, nhà ngoại cảm trò chuyện với “linh hồn” – chúng sinh, thì chúng sinh đó tương ứng với cõi nào trong lục đạo theo quan niệm của Phật giáo. Đó là một trong những hình ảnh dễ bắt gặp nhất trong thực tiễn, nên có nhiều quí Phật tử đã hỏi các quí Thầy và các quí thầy cũng có những cách trả lời khác nhau, trong các cách trả lời khác nhau đó, đa số các ý kiến tập trung vào hai luận điểm chính…
Luận điểm thứ nhất: Cho rằng nhà ngoại cảm trò chuyện với các chúng sinh ở cõi âm theo quan niệm dân gian là tương ứng với chúng sinh cõi Atula theo quan niệm của đạo Phật.
Luận điểm thứ hai: bác bỏ luận điểm nhứ nhất và cho rằng nhà ngoại cảm chỉ trò chuyện với chúng sinh đang ở giai đoạn Thân trung ấm….
Chúng tôi với tri thức nhỏ bé, và là một Phật tử có niềm tin mạnh liệt với đạo Phật, nhưng trình độ giác ngộ còn sơ cơ, có nhận định:
Những người tu hành chứng đắc thần thông ngay tại kiếp hiện tại thì thường đạo quả sâu dày miên mật, do vậy độ “chứng” của thần thông thường hiểu là sự kết hợp giữa chứng về nội dung và hình thức biểu hiện ra ngoài.
Còn với nhà ngoại cảm thì là “quả” của “nhân” từ kiếp trước, nên việc chứng là hệ quả hồi dư từ kiếp quá khứ, do vậy, nặng về tính hiện tượng – tức là có khả năng thần thông như nghe thấy, nhìn thấy…một phần không liên tục của các cõi giới khác, nhưng tâm vẫn chưa định, thậm chí “chứng về hiện tượng” nhưng chưa hiểu về bản chất….(xem phân tích ở Kỳ VI)
Do vậy, về mặt lý thuyết, nhà ngoại cảm có thể trò chuyện được với tất cả các “linh hồn” – chúng sinh ở trong cả 6 cõi Lục đạo và giai đoạn Thân Trung ấm.
Tuy nhiên, theo chúng tôi đã số (đa số chứ không phải là tất cả) các cuộc trò chuyện mà lâu nay trong dư luận xã hội quan niệm và chúng ta ghi nhận được là với chúng sinh thuộc cõi Atula…các trường hợp đặc biệt khác là thuộc chúng sinh ở các cõi địa ngục, Ngã quỷ, Thiên.
Trường hợp đặc biệt khác là chúng sinh đã đầu thai thành Người, Súc sinh có thân xác vật lý và sinh học thì nhà ngoại cảm phải gặp trực tiếp (Nhân) hoặc chứng Tha tâm thông để hiểu được Tâm của muôn loài để có thể trò chuyện được với chúng sinh ở cõi giới súc sinh.
Một số quan niệm cho rằng, nhà ngoại cảm chỉ trò chuyện được với chúng sinh ở giai đoạn Thân Trung Ấm, vì dựa trên các lập luận như:
Theo các nhà ngoại cảm mô tả khi gặp các “linh hồn” – chúng sinh thì thấy cảnh người cõi âm trước khi chết ra sao, bị thương cụt tay, cụt chân như thế nào, chú bộ đội cầm súng ra sao,….vẫn còn cảnh người sao – âm vậy, nên chúng sinh như vậy thì chỉ có trong giai đoạn Thân trung ấm.
Nhà ngoại cảm chưa bao giờ thấy Địa ngục (dẫn lời chị Phan Bích Hằng), chưa thấy các cảnh giới khác như cõi Thiên, cõi Atula, cõi Ngã quỉ….Nên những chúng sinh mà nhà ngoại cảm trò chuyện được chỉ có thể là đang trong giai đoạn Thân trung ấm.
Có ý kiến lại cho rằng, vì có việc nhà ngoại cảm trò chuyện được với “linh hồn” cách đây hàng trăm năm, hàng ngàn năm nên chúng sinh đó đang kéo dài tình trạng Thân trung ấm, mà chưa tái sinh ở các cõi khác trong lục đạo, nhưng họ vẫn là chúng sinh, nên nhà ngoại cảm vẫn có thể trò chuyện được.
Trong khi lại có ý kiến cho rằng, theo kinh sách Phật giáo với đã số trường hợp thì sau 49 ngày là linh hồn đã đầu thai nhưng vì Việt Nam có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, nên có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc “thần thức” còn quyến luyến và họ bám chấp vào đó, quyến luyến người thân, nên kéo dài tình trạng Thân trung ấm mà chưa thể tái sinh vào các cảnh giới khác.
Cũng có nhận định như tác giả khi trích Kinh sách về cõi Atula với các miêu tả chúng sinh ở cõi Atula sinh ra từ trứng của loài Rồng, nên không có nguồn gốc từ loài người, và do đó không thể có chuyện chúng sinh ở cõi Atula là thân nhân những người nhờ nhà ngoại cảm trò chuyện được….
Lại cũng có nhận định cho rằng, đã đầu thai thành chúng sinh ở cõi giới khác thì họ đã quên hết thông tin quá khứ, làm sao mà có thể quyến luyến và biết về kiếp trước để có thể nói chuyện được với nhà ngoại cảm, nhập “linh hồn” về để trò chuyện về kiếp trước (tức khi còn sống ở cõi trần gian) với thân nhân được….
Với tất cả những lập luận theo các ý trên, chúng tôi lại có cách hiểu khác những cách hiểu trên, và do vậy chúng tôi có nhận định khác về chuyện lâu nay nhà ngoại cảm không phải trò chuyện với chúng sinh đang ở giai đoạn Thân Trung ấm mà là ở cõi Atula…đó là chủ yếu (chiếm đa số), chúng tôi không loại trừ kể cả chúng sinh ở cõi giới khác theo hai phương diện.
Phương diện thứ nhất là về mặt lý thuyết, nhà ngoại cảm có thể trò chuyện được với bất kỳ chúng sinh cõi giới nào, khó khăn hơn cả là với cõi giới Thân Trung ấm…
Phương diện thứ hai là do đặc thù của chúng sinh ở cõi Atula và chúng sinh cõi Nhân là có ảnh hưởng qua lại và cũng có nhiều đặc tính gần nhau nhất so với các cõi còn lại trong lục đạo. Đó là xét trên bình diện chung, không xét riêng lẻ một, vài trường hợp, hoặc câu chuyện cá thể, riêng biệt của một vài chúng sinh. (điều này chúng tôi sẽ đi sâu giải thích ở những Kỳ sau của loạt bài viết)
Để phân tích kỹ từng luận điểm, trước hết chúng tôi xin nhắc lại trong Phật giáo không chấp thường và không chấp đoạn, chính vì vậy trong Lục đạo Luân hồi chỉ có cõi Nhân và cõi Súc sinh, chúng ta (con người) có thể cảm nhận được bằng các giác quan thông thường, còn 4 cõi còn lại là cõi Ngã Quỉ, địa ngục, Atula và Thiên là các cõi vô hình. Vô hình mà không phải là vô hình. Vô hình là vô hình trước các giác quan thông thường, còn với những người chứng đắc thần thông, và có khả năng ngoại cảm thì đã nhìn thấy, nhận thấy, biết thấy một phần nhiều hay ít tùy vào khả năng, có nghĩa là đã không còn là vô hình. Tuy các cõi giới đó chưa phải là vi tế nhất nhưng qua đó cũng cho phép chúng ta hình dung ra sự diệu kỳ trong quan niệm sắc – sắc không – không của Phật giáo.
Không riêng gì giới cư sĩ, tu sĩ, và Phật tử quan tâm tìm hiểu xem chúng sinh mà lâu nay nhà ngoại cảm giao tiếp được thuộc tình trạng Thân trung ấm hay cõi Atula, hay còn thuộc cõi giới nào khác, và thực sự “linh hồn” có tồn tại hay không cũng là điều mà các nhà khoa học cũng rất quan tâm.
Ở góc độ khoa học, có 3 dòng quan điểm:
Dòng quan điểm thứ nhất của một số nhà khoa học tự nhiên khi nghiên cứu về ngoại cảm, tâm linh thì cho rằng, “linh hồn” là phi vật chất và không thể phủ định chuyện có “linh hồn” mà bằng chứng qua thực nghiệm thì rất nhiều. Và do là phi vật chất nên không thể tiếp cận bằng các thí nghiệm khoa học theo kiểu đúng với mọi trường hợp trong từng điều kiện cụ thể như nhau. Chỉ có qua thực nghiệm thực tiễn, nhưng cũng không thể rút ra các quan niệm chung nhất để định nghĩa về “linh hồn” và chứng minh được sự tồn tại của linh hồn ở góc độ của khoa học.
Tiêu biểu cho dòng quan điểm này là cách đặt vấn đề của một số nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và UIA, cùng một số nhà nghiên cứu độc lập khác.
Với dòng quan điểm này chúng tôi nhận thấy, họ cũng sẽ bế tắc, vì một mặt thì coi “linh hồn” là phi vật chất, nhưng khi cố gắng tiếp cận và giải thích thì lại dùng các thuật ngữ và kiến thức của vật lý, sinh học để qui chiếu như: vòng tròn năng lượng, năng lượng của vong, bức xạ tàn dư, trường năng lượng, phả hệ ADN, gen, cấu trúc lượng tử của linh hồn,….
Dòng quan điểm thứ hai tin là có linh hồn song lại cố gắng giải thích theo góc độ “linh hồn” cũng là một dạng vật chất đặc biệt, và do vậy có thể đến một giai đoạn nào đó, khoa học sẽ chứng minh được sự tồn tại của linh hồn.
Theo chúng tôi việc định nghĩa “linh hồn” là vật chất hay không phải là vật chất cũng không quá quan trọng, vì sao. Vì khái niệm như thế nào là vật chất, biết đâu sau này khi tư duy khoa học phát triển, tầm nhận thức của nhân loại được nâng lên thì việc đặt lại định nghĩa là hoàn toàn có thể.
Do vậy, khi không câu chấp về câu chữ và giới hạn bởi các khái niệm do chính con người đặt ra thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng hơn. Về mặt khoa học chúng tôi nhận thấy tư duy đặt vấn đề như dòng quan điểm này có tính chặt chẽ và khoa học so với dòng quan điểm thứ nhất.
Dòng quan điểm thứ ba thì cho rằng không tồn tại linh hồn, và “linh hồn” là sản phẩm bịa đặt, sản phẩm của niềm tin, thực tế “linh hồn” không tồn tại.
Tiêu biểu cho dòng quan điểm này là Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường, công tác tại Viện Vật lý Y Sinh học – Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự – Bộ Quốc phòng trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên VietnamNet.
Chúng tôi không đồng quan điểm về nhận định của Ts.Đỗ Kiên Cường khi khẳng định ngoại cảm không nói chuyện được với “linh hồn” và “linh hồn” là sản phẩm của niềm tin, nó không tồn tại.
Dù vậy, ở góc độ xã hội, chúng tôi đánh giá rất cao cách đặt vấn đề của nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường, bạn đọc có thể tìm đọc trên mạng các bài viết phản biện về ngoại cảm, ngoại cảm không có thật của Ts. Đỗ Kiên Cường để tham khảo thêm.
Trình độ nhận thức của xã hội thì khác nhau, trong khi hiện tượng tâm linh và ngoại cảm nở rộ nên đã có không ít nhà ngoại cảm dỏm, khả năng có một thì hoang tưởng thành mười, cũng như có không ít điều bịa đặt, kiếm tiền, trục lợi trên niềm tin của nhân dân, đồng bào. Đó là điều hết sức đáng lên án.
Với nhân dân thì họ chỉ biết tin vào các cơ quan chính thức nghiên cứu như Trung tâm NCTNCN và UIA để họ dặt niềm tin, nên chúng tôi biết có không ít nhà ngoại cảm đã mạo danh là người của hai cơ quan trên khi in danh thiếp để gây niềm tin và trục lợi trong quá trình tư vấn tâm linh cho không ít người. Trong thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi, tại hai cơ quan trên không nhà ngoại cảm nào công tác tại đó, chỉ có một số nhà ngoại cảm cộng tác để làm các đề tài, và sau đó họ đi đâu, làm gì thì không thuộc sự quản lý và thẩm định của hai cơ quan trên.
Trong bài phỏng vấn, có đoạn nhà ghiên cứu Đỗ Kiên Cường nhận định: “Có nhiều nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất là không ai trong nhóm tác giả có kiến thức cần thiết về ngoại cảm. Tôi khẳng định như vậy vì sau đó tôi đã gặp một phó giám đốc một trung tâm nghiên cứu chuyên về tiềm năng con người, còn viện trưởng một viện nghiên cứu thì nhờ tôi tìm tài liệu. Chính vì thiếu kiến thức chuyên ngành nên họ không thiết kế được thí nghiệm có kiểm soát và bị nhà ngoại cảm “làm xiếc”.
Chúng tôi cho rằng nhận định này và nhiều nhận định khác của Ts.Đỗ Kiên Cường tại đường link http://vietnamnet.vnhttp//www.vietimes.com.vn/vn/vnn/997078/index.viet là cũng hết sức đáng lưu ý.
Vì qua quan sát, đọc một số đề tài nghiên cứu được thẩm định và thông qua Hội đồng khoa học, cũng như chưa được thông qua…chúng tôi nhận thấy, đa số các đề tài của hai cơ quan nghiên cứu nêu trên mới ở dạng ghi chép, và phản ánh lại các hiện tượng tâm linh và ngoại cảm, chưa có yếu tố nghiên cứu, phản biện và xây dựng tư duy tiếp cận theo đúng tên gọi là nghiên cứu tâm linh và ngoại cảm.
Chúng tôi cũng nhận thấy sự dễ dãi trong nghiên cứu, sự đề cao quá mức của các nhà khoa học có tên tuổi trước các hiện tượng lạ, hiện tượng ngoại cảm, sự tâng bốc quá lên của báo chí đã có phần nào đó góp phần để một số nhà ngoại cảm, người có khả năng đặc biệt, có khả năng lạ đi quá xa….và biến thái quá mức.
Đáng tiếc, khi thấy thực tiễn như vậy, cộng với vốn không tin linh hồn tồn tại, và cố gắng khoa học hóa và chứng minh “linh hồn” theo các thí nghiệm đúng với mọi tiêu bản, mọi thí nghiệm như qui trình thí nghiệm của môn sinh học, vật lý,…và thấy ngoại cảm không đạt tiêu chuẩn đó, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường đã phủ định hiện tượng tâm linh, ngoại cảm và không tin là có linh hồn.
Chúng tôi thuộc dòng quan điểm thứ tư, vì chúng tôi muốn dung thông góc nhìn biện chứng của khoa học, tư duy thực chứng của Phật giáo, phép quán tưởng và suy luận logic của cả khoa học và Phật giáo. Tiêu biểu đi theo dòng này, chúng tôi tạm mượn lời của nhà bác học trác kiệt, uyên thâm Albert Einsein.
“Nếu có một tôn giáo nào tương hợp khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học“.
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó“. [Albert Einstein].
Để hiểu vì sao chúng tôi chọn Phật giáo để giải thích về hiện tượng tâm linh, ngoại cảm không phải là một tư duy tình cảm tôn giáo mà là tư duy khoa học và vượt lên trên khoa học (mời bạn đọc, đọc kỳ VII đã đăng).
Chúng tôi tin có “linh hồn” tồn tại, và lâu nay nhà ngoại cảm có thể trò chuyện được với chúng sinh ở các cõi giới khác là có thật. Và trong kỳ XII và XIII chúng tôi sẽ phân tích và phản biện lại các luận điểm nhận định chúng sinh cõi âm mà lâu nay nhà ngoại cảm trò chuyện được thuộc giai đoạn Thân trung ấm, để hầu mong các bậc cao minh chỉ giáo, để Phật tử sơ cơ Giới Minh được đặng bề học hỏi.
Về luận điểm thứ nhất, nhận định:
Theo các nhà ngoại cảm mô tả khi gặp các “linh hồn” – chúng sinh thì thấy cảnh người cõi âm trước khi chết ra sao, bị thương cụt tay, cụt chân như thế nào, chú bộ đội cầm súng ra sao,….vẫn còn cảnh người sao – âm vậy, nên chúng sinh như vậy thì chỉ có trong giai đoạn Thân trung ấm.
Nhà ngoại cảm chưa bao giờ thấy địa ngục (dẫn lời chị Phan Bích Hằng), chưa thấy các cảnh giới khác như cõi Thiên, cõi Atula, cõi Ngã Quỉ….Nên những chúng sinh mà nhà ngoại cảm trò chuyện được chỉ có thể là đang trong giai đoạn Thân trung ấm.
Trước khi phản biện luận điểm trên, chúng tôi lưu ý phương pháp tiếp cận tâm linh, ngoại cảm…để tin hay không thì tùy theo “niềm tin” đó là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng trước khi tin hãy “hoài nghi” và tự sự hoài nghi hãy cố gắng tiếp cận các nhà ngoại cảm để kiểm chứng đừng vội tin ngay, vì do họ kể lại như vậy, hay do báo chí đăng như thế…Theo chúng tôi đó là một cách tiếp cận để chí ít là chúng ta xem về mặt hiện tượng có đúng không? Có phải vậy không? Nếu về mặt hiện tượng mà cũng bị nâng lên quá mức, thành hoang đường thì hậu quả sẽ rất tai hại, mà điều này theo chúng tôi là có rất nhiều.
Với nhận định trên, chúng tôi chưa ghi nhận được bất cứ một nhà ngoại cảm nào thấy được cảnh giới của 4 cõi (Địa ngục, Ngã quỉ, Atula, Thiên, và giai đoạn thân trung ấm) để có thể khẳng định chúng sinh đó thuộc cõi nào. Nhà ngoại cảm nào muốn phản biện và khẳng định là họ đã thấy và biết được chúng sinh nào thuộc cõi nào, và “cõi âm” ra sao, xin mời lên tiếng? Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe.
Chúng tôi chỉ là một Phật tử sơ cơ, chưa đủ sự giác ngộ – khai mở được trí huệ để có thể chứng minh được là nhà ngoại cảm nào chứng được Túc mệnh thông, Tha tâm thông (vì theo nguyên tắc chỉ có người giác ngộ cao hơn, mới chứng được quả vị cho người giác ngộ thấp hơn).
Do vậy, nếu có Phật tử nào hỏi là Giới Minh đã biết và gặp ai chứng được quả vị Túc mệnh thông, Tha tâm thông.. chưa thì chúng tôi đành chịu (mang tính kết luận khẳng định). Vì biết đâu có những người quanh ta chứng được khả năng này, mà ta chưa nhận ra đó thôi???
Nhưng chúng tôi đủ hiểu biết để bác bỏ được sự hiểu sai lệch hay mạo danh là chứng được các quả vị đó của bất kỳ một nhà ngoại cảm nào (mang tính kết luận phủ định), nếu họ tuyên bố là như vậy, và với những hình ảnh mà họ kể lại về cõi âm cõi như họ đã từng thấy?
Vì sao, họ chưa thấy 4 cõi giới đó, và cả giai đoạn Thân Trung Ấm ra sao, xin thưa! Là vì 2 sở cứ sau:
Sở cứ thứ nhất, nếu chứng được Tha tâm thông, Túc mệnh thông thì họ sẽ hiểu được các cảnh giới vô hình phát khởi từ tâm của chúng sinh, và do vậy những người chứng được quả vị này, họ sẽ thấy được cảnh giới của Tâm một cách bản thể và chân thân, và do vậy họ không mô tả cõi âm như một số nhà ngoại cảm đã mô tả.
Sở cứ thứ hai, là vì khả năng ngoại cảm của một số nhà ngoại cảm mới ở mức sơ cơ, và là Quả (chứng) của Nhân (tu kiếp trước) qua một tác nhân nào đó (tác nhân này thuộc vào một trong 4 điều mà đức Phật đã dặn với căn cơ của chúng sinh thì bất khả tư nghị) để nảy sinh = khả năng ngoại cảm (mà khả năng này lại không liên tục, mới được vài phần của những quả vị ngoại cảm, ngay trong một quả vị cũng không liên tục, bị gián đoạn).
Điều mà lâu nay nhà ngoại cảm thấy, như chú bộ đội trước lúc hy sinh ra sao, người trước khi chết họ bị cụt tay thì nhà ngoại cảm thấy họ bị cụt tay tương ứng như vậy, hay cụ già tóc dai, bạc phơ….họ tả lại cho con cháu và con cháu thấy đúng. Đừng vì thấy đúng như vậy mà vội suy là trần sao, âm vậy. Hay thấy họ có hình dáng gần gũi với lúc sống, nên vội suy luận chỉ có thể là giai đoạn Thân Trung ấm, chứ còn đã tái sinh vào cõi Atula, địa ngục, Ngã quỉ hay Thiên thì hình dáng phải khác…nhìn nhận như thế là sai biệt.
Vì, trong 6 cõi của Lục đạo trừ hai cõi Nhân, Súc Sinh là có thân xác vật lý và sinh học, còn 4 cõi còn lại và giai đoạn Thân Trung Ấm là cảnh giới của Thần thức, không có hình dáng cố định và tương đối ổn định như tưởng tượng của chúng ta. Nghiệp lực qui định cảnh giới tương ứng của họ một cách Automatic (tự động) theo đúng định lực Nghiệp – Quả, nên làm gì có thân xác, hình dáng mà chúng ta mô tả….
Hệ qui chiếu ở 4 cõi đó là hệ qui chiếu khác với hệ qui chiếu của cõi Nhân, trường hợp chúng ta muốn thấy hình dáng của họ thì tùy theo định lực và nghiệp quả Phước của “linh hồn” – chúng sinh đó của các kiếp quá khứ, họ có thể thị hiện thành bất kỳ hình dáng nào – điều đó gọi là thị hiện, hiển linh (như các vị Bồ Tát hóa thân vào các cõi giới, cảnh giới khác nhau).
Tuy nhiên, ở đây đang xét trong Lục đạo, ở các mức độ khác nhau, “linh hồn” đó cũng có thể có các cách thị hiện với các hình ảnh, mức độ khác nhau (không phải “linh hồn” – chúng sinh nào cũng thực hiện được, cái này là do nghiệp lực qui định). Trong dân gian Việt Nam có cách hiểu rất hay, và theo chúng tôi là không thể hay hơn khi dùng từ hiển linh, sự linh ứng, hiển linh tương ứng bằng một hình ảnh nào đó, để có sự linh ứng thì tùy thuộc vào nghiệp lực và Phước của “linh hồn” đó.
Dân gian dùng từ “hiển linh” là để chỉ các vị đã hóa Thần, hóa Thánh theo quan niệm dân gian, ma quỉ, vong cũng có những hình thức hiển linh khác nhưng thường được mô tả là các hình ảnh xấu xí, như quỉ đói thì bụng to, cổ nhỏ, miệng nhỏ, hay như trong kinh sách miêu tả là thấy cảnh chúng sinh ở cõi địa ngục đau khổ bê bát cơm lên ăn thì bị quỉ đói cướp, rót lửa vào mồm, dùng kìm bẻ răng không cho ăn ….
Trong dân gian thì mô tả hình phạt của Diêm Vương,…như bỏ vào vạc dầu…tất cả những hình ảnh đó là cách mô tả cái “thần thức” đó đang chịu nghiệp lực đau khổ như vậy trong Tâm (thần thức) chứ không phải là có cảnh giới thật như vậy, hiểu theo nghĩa ngoại cảnh tác động, cảnh giới đó hay cảnh giới sung sướng ở cõi Thiên là cảnh giới của “thần thức” – không phải là cảnh giới mà chúng ta cảm nhận được bằng các giác quan thông thường. Sự miêu tả bằng hình ảnh về lục đạo, bằng ngôn ngữ diễn tả là để chúng ta hiểu và hình dung. Ở đây cần tư duy quán tưởng để hiểu được tâm ý đó.
Cùng suy ngẫm: “Khai quyền thì phương tiện có muôn pháp, hiển thật thì hội ngộ về một tâm”; “Diệu lý của Phật pháp chẳng dính dáng gì đến văn tự ngôn ngữ, bặt hết mọi hý luận, bản tế trong lặng tròn đầy, ba đời chư Phật cuối cùng đành ngậm miệng không lời, nhiều đời chư tổ rốt ráo cũng im hơi lặng tiếng. Nên Đức Thế Tôn giơ cành hoa chỉ cho đại chúng, ngài Ma-ha-ca-diếp khế hội mỉm cười, thầy trò bốn mắt nhìn nhau, huệ nhãn chiếu sáng lẫn nhau, thầm lặng ấn tâm, phó pháp truyền y nối vị Tổ” (trích lời Thiền Sư Chân Nguyên).
Tuy nhiên, với trường hợp các nhà ngoại cảm cảnh giới cõi âm đã số là không phải sự “hiển linh” mà thấy quá khứ của “linh hồn” – chúng sinh đó, nên mới thấy cảnh cụt tay, cảnh cầm súng, cảnh người già trước lúc chết thì con cháu tề tựu ra sao….tất cả hình ảnh đó không phải là hình ảnh hiện tại của chúng sinh đó, mà là hình ảnh quá khứ lúc còn sống, lúc gần chết, và sau khi chết một thời gian ngắn…Điều đó có khác gì chúng ta xem lại một đoạn phim, một cuốn phim về nhân vật đó, mà chúng ta không biết hiện tại nhân vật đó ở cõi giới khác ra sao?!
Trong cuộc đời này, chúng ta làm gì, dù là hình ảnh nhỏ nhất, vi tế nhất, sau khi chúng ta chết, nó đều tái hiện lại và “thần thức” phải đối diện với tất cả những điều đó, chính nó chứ không phải ai khác quyết định cảnh giới mà linh hồn sẽ tái sinh. Bằng một tác nhân nào đó (tác nhân này đức Phật đã dạy là bất khả tư nghị, nếu không khai mở được trí huệ để giác ngộ thì không thể luận bàn bằng lời, bằng ngôn ngữ) nên tác giả không thử giải thích ý đó trong bài viết này.
Trên cơ sở đó, chúng ta tưởng tượng cảnh mà các nhà ngoại cảm thấy lại như một đoạn phim của quá khứ (chính điều này như tác giả đã có lần phân tích là có một số nhà ngoại cảm ở VN thấy được một phần của kiếp trước của chúng sinh đó).
Trong dòng chảy bất tận và luân hồi (lặp đi lặp lại) của dòng “tâm thức” đó, đa số nhà ngoại cảm thường mượn ảnh, xem ảnh của người chết, hay xem lại một di vật như quyển sổ, chiếc lược, hay có thân nhân…..đi cùng là vì để cắt ngang một đoạn trong dòng chảy liên tục và luân hồi đó của hình ảnh “tâm thức” để có thể tiếp chuyện chúng sinh đó, và để có thể tìm hài cốt là vì vậy.
Nếu không có một “ký ức” hình ảnh đang hiện hữu thì nhà ngoại cảm khó có thể nắm bắt được thông tin của chúng sinh đó, vì không có sở cứ để nắm bắt, hoặc nếu không có thông tin điều kiện, cứ liệu để nắm bắt được, nếu có thấy hình ảnh cũng sẽ thấy một dòng “thần thức” của từ vô thủy kiếp tua đi tua lại liên tục, nếu không có một mức độ chứng đắc cao hơn, sẽ không nắm bắt được?!
Đến đây, có người sẽ nêu câu hỏi là có thể họ “linh hồn” – chúng sinh đó về cảnh giới mà họ đang ngự hay không?
Theo chúng tôi, nhà ngoại cảm có thể hỏi được, nhưng họ sẽ không trả lời được, vì đó là cảnh giới của thần thức (không phải là cảnh giới của hình ảnh theo giác quan nhãn thị của con người như chúng ta thấy để định vị về họ), họ chỉ trả lời được khi họ có sự giác ngộ cao và chứng đắc Phật pháp.
Chính vì sự đặc thù của 4 cõi vô hình đó, nên đức Phật đã từng nói làm thân người khó làm sao, vì chính là ở đặc thù này. Khi có thân xác, chúng ta có thể tu tập được theo sự điều khiển tác nhân qua lại của Thân – Tâm (ý) – Khẩu…
Lưu ý, cảnh giới mà như một số nhà ngoại cảm mô tả không phải là dòng ký ức lưu lại ở dạng vật chất (như cuộn phim, băng, đĩa). Một số nhà nghiên cứu đi theo hướng này, nên không công nhận có “linh hồn”, mà họ cho rằng đó chỉ là cảnh được lưu lại trong phả hệ ADN, hay trong gen, hoặc một tác nhân vật chất nào đó, nó chỉ thể hiện lại ở dạng “tàn dư”. Họ không công nhận “linh hồn” là một thực thể chúng sinh với các trạng thái thọ cảm khác nhau.
Chúng tôi không nhận định như vậy, mà cho rằng, cảnh giới đó là dòng luân hồi của tâm thức, hay nói cách khác, cảnh giới đó là một giai đoạn của dòng luân hồi bất tận các cảnh giới mà chúng sinh đó đã trải qua trong vô số kiếp.
Đa số nhà ngoại cảm chỉ thấy các cảnh giới trước lúc chết, gần lúc chết, và sau lúc chết một thời gian ngắn (thời gian những ngày đầu sau khi chết mà bản thân “linh hồn” đó vẫn chưa ý thức được cái chết của mình) là do họ nhận thông tin đầu vào tương ứng với “đoạn thần thức” đó và bắt gặp lại một số cảnh giới đó.
Để hình dung, điều này bạn đọc hãy tưởng tượng, bạn tìm kiếm một thuật ngữ nào trên máy tính, bạn gõ thuật ngữ đó vào ô tìm kiếm, thì thuật ngữ bạn cần tìm kiếm sẽ hiện ra, trong khi bản thân thuật ngữ đó, và hàng triệu triệu thuật ngữ khác vẫn tồn tại trên môi trường Internet như vốn nó vẫn vậy.
Hình ảnh mà nhà ngoại cảm nhìn thấy về cõi âm là hình ảnh nhà ngoại cảm muốn tìm kiếm trong muôn vàn hình ảnh đang luân hồi bất tận, liên tục, – ứng với dòng tâm thức của chúng sinh đó.
Còn nữa….mời bạn đọc xem tiếp giải thích của tác giả ở kỳ 13.