Kỳ 8 loạt bài “Chuyện kể của Phật tử khi gặp một số nhà ngoại cảm” với những phân tích của tác giả về lục đạo, kỳ này cũng giải thích và trả lời câu hỏi, người ngoài hành tinh (nếu có)( 1) thuộc cõi nào trong lục đạo luân hồi.
Ở kỳ VI & VII, tác giả đã phân tích, như thế nào thì được gọi là ngoại cảm và nhà ngoại cảm; như thế nào thì không nên gọi là “nhà ngoại cảm”, cách phân tích này khác với cách gọi “nhà ngoại cảm” của một số nhà nghiên cứu ở Trung tâm NCTNCN, Liên hiệp khoa học công nghệ – tin học ứng dụng (UIA) và một số cơ quan nghiên cứu khác khi quan niệm và định nghĩa, danh xưng về “nhà ngoại cảm” trong một số đề tài nghiên cứu đã công bố.
Có bạn đọc cho rằng, hiện tượng ngoại cảm và khả năng thần thông của các vị tu hành là khác nhau, đọc một số bài viết tập hợp trong tài liệu báo cáo hàng năm của Trung tâm NCTNCN cũng có những nhận định như vậy. Rất tiếc, bạn đọc đó lại không phân tích là vì sao, và sở cứ nào để đưa ra nhận định như vậy, để tác giả có thể trao đổi.
Sự khác và giống nhau giữa nhà ngoại cảm và vị tu hành chứng đắc thần thông, tác giả đã phân tích ở kỳ VI. Mức độ, cường độ và khả năng thần thông có thể khác nhau, nhưng bản chất, “quả” của “nhân” về sự chứng đắc của “hiện tượng” thần thông là cùng một cơ chế, không khác nhau.
Theo sự tiếp xúc và quan sát của chúng tôi, ở nước ta có nhiều người có những khả năng lạ (khoa học đến thời điểm này chưa giải thích được), trong số những người có khả năng lạ đó, có những người có khả năng ngoại cảm, nhưng không nhiều (theo cách hiểu tính chất ngoại cảm như chúng tôi đã phân tích ở các kỳ trước).
Trong số những nhà ngoại cảm đó (ở đây là những người có khả năng ngoại cảm thật sự = chứng đắc thần thông, không bàn đến việc chứng đắc bao nhiêu quả vị {phép} thần thông), có người làm việc độ đời, phục vụ chúng sinh nhưng âm thầm, có người làm việc thầm lặng, vị nhân nhưng sau một thời gian nhiều người biết và trở thành nổi tiếng ngoài mong muốn của họ, có người đạo hạnh không cao, còn nặng danh, lợi quá mức….
Đa số các nhà ngoại cảm, họ cũng như bao nhiêu người khác, có cuộc sống gia đình, nên có bạn đọc cho rằng cơ chế thần thông của họ khác với cơ chế để có thần thông của các vị tu hành. Và các vị tu hành thì thường ẩn mình, không màng danh, lợi, …trong khi các nhà ngoại cảm thì là người nổi tiếng, người của công chúng.
Hiểu như vậy, là vì bạn đang quan sát các hiện tượng bên ngoài trong ngắn hạn (trong đạo Phật gọi là chấp đoạn, chia ra một giai đoạn nhất định trong kiếp này, hoặc ngay trong cả kiếp trần gian này) nên cho là việc chứng đắc thần thông của vị tu hành và khả năng của nhà ngoại cảm về mặt hiện tượng “thần thông” là khác nhau, khác nhau hoàn toàn.
Giả sử xét về mục đích chính là làm giàu (tạo nhân cho quả báo làm giàu), chúng ta có ví dụ:
Có ông A đi buôn, sau 5 năm ông ấy có 1 tỷ USD, ông B đi buôn đến tận 30 năm sau mới giàu có, nhưng sự giàu của ông hơn ông A nhiều lần, ông B có 5 tỷ USD, ông C đi buôn có lúc đã có sự giàu có hơn ông B, nhưng đến 40 năm sau, thì tài sản chẳng có gì.
Khi suy nghĩ và quán tưởng về ví dụ nêu trên, chúng ta rút ra kết luận gì giữa ba nhân vật A, B, C.
Cả 3 đều với mục đích làm giàu, nhưng đến cuối đời chỉ có 2 vị giàu, một vì giàu vừa, một vị giàu sụ, và một vị phá sản không có gì. Đó là chúng ta xét sau 40 năm, còn nếu xét sau 4 năm thì kết quả sẽ khác, sau 29 năm thì kết quả sẽ không như sau 40 năm. Kể cả chúng ta nhìn xa hơn nữa là sau 100 năm (làm tròn số) thì cũng chỉ giới hạn trong một kiếp trần gian thì biết đâu kết quả cũng sẽ khác.
Qua ví dụ trên ta có thể rút ra kết luận, trong phạm vi thời gian X về quả báo về nhân – quả của sự giàu có, ta rút ra kết luận:
Quả báo về sự giàu có của ông A đến sớm.
Quả báo về sự giàu có của ông B đến muộn hơn, nhưng sự giàu có cao hơn, nhiều hơn.
Quả báo về sự giàu có của ông C là không có, phá sản.
Phật giáo nhìn sự vật, hiện tượng và căn cơ của từng chúng sinh trong tính luôn hồi liên tục (không còn hạn hẹp trong một X thời gian).
Xin đừng thấy một số nhà ngoại cảm họ vì danh, lợi, họ có gia đình cũng bình thường như bao nhiêu người bình thường khác mà nghĩ rằng kiếp trước họ chưa tu, nên khả năng thần thông họ có được là do tai nạn, do bẩm sinh tức là tác động vật lý vào thân thể vật lý và sinh học của hệ thần kinh qui định một cách khách quan, ngẫu nhiên về “khả năng ngoại cảm, thần thông” đó.
Trường hợp này là kiếp trước họ có tu, nhưng quả vị thần thông đến muộn hơn, còn các vị tu hành ngay trong kiếp hiện tại mà chứng đắc thần thông là quả vị đến ngay trong hiện tại, tạm quên quả vị đó, thì sẽ hướng tiếp đến sự giác ngộ, đến giải thoát khỏi luân hồi.
Nếu không nâng niu, giữ gìn hoặc gieo và gặp những nghịch duyên thì sẽ trở thành nghèo khó (hết phúc tu hành) và trở thành người bình thường, thậm chí không được như người bình thường mà trở thành nghèo khó như ví dụ nêu trên.
Như vậy, chúng ta thấy dù là quả báo hay nói giản đơn hơn là kết quả của công phu tu tập đến sớm hay đến muộn còn phụ thuộc nhiều nhân duyên khác nhau, và dù đến lúc nào và với ai, từ vị tu hành đến nhà ngoại cảm thì cũng phải hướng đến mục đích tối thượng là tu hành giải thoát khỏi luân hồi, còn nếu lạm dụng thần thông vì các mục đích khác vì danh, lợi sẽ thật uổng phí cho sự chứng đắc đó. (Để rõ hơn, mời bạn đọc xem kỳ VI, tác giả đã phân tích).
Không chỉ quả báo về sự giàu có, quả báo về sự chứng đắc thần thông, có khả năng ngoại cảm….mà còn có vô số quả báo khác xảy ra có khi là trong cùng một kiếp, có khi là không trong cùng một kiếp, mà nối tiếp sang kiếp sau, hoặc cách quãng ra nhiều kiếp về sau.
Để hiểu được điều đó, cần vận dụng sự quán tưởng và suy luận logic, chúng ta cũng sẽ có lời giải cho các hiện tượng thần đồng, có những đứa trẻ mới 3 tháng tuổi đã biết nói, 3 năm tuổi đã đọc, viết thành thạo, 6 tuổi làm thơ xuất sắc, 10 tuổi giảng Phật pháp siêu đẳng như cô BÉ BÚP BÊ ở Đồng Tháp mà bạn đọc đã đọc trên Phattuvietnam.net…đều là do những quả báo của đời trước hồi dư, biệt báo và nối tiếp sang kiếp hiện tại.
***********
Phân tích những ý trên là tác giả làm rõ hơn thắc mắc của một số bạn đọc khi đọc kỳ VI & VII. Đến đây, tạm gác lại vấn đề trên, chúng ta tiếp tục thử phân tích câu hỏi có hay không nhà ngoại cảm nói chuyện được với “linh hồn”, và “linh hồn” đó ở cõi giới nào theo quan niệm của đạo Phật.
Trước hết, đây là một chủ đề không đơn giản, rất khó và tế nhị. Tác giả chỉ phân tích như một cách nêu luận điểm để mong được các bậc cao minh, bạn đọc phản biện để cùng tìm ra những vấn đáp khả dĩ, phục vụ cho việc tìm tòi và nâng cao sự hiểu biết, phục vụ con đường tu tập và rèn luyện đạo đức, cũng như xây dựng nhân sinh quan chung.
Điều hoan hỉ của tác giả là nhận được phản biện và phân tích của quí bạn đọc, chỉ ra những luận điểm để khai quang nhận thức không chỉ cho tác giả mà cho sự hiểu biết chung của nhận thức xã hội.
Trước khi thử phân tích câu hỏi, nhà ngoại cảm có nói chuyện được với “linh hồn” hay không? Chúng tôi đã vào mạng Internet, trên trang Phattuvietnam.net, để đọc các tài liệu đã đề cập đến chủ đề này và được biết.
Có tác giả đã phỏng vấn một vị tu hành, và vị đó phủ định hoàn toàn chuyện người sống có thể giao tiếp được với “linh hồn” người đã khuất. (Trang Phattuvietnam.net đã đăng lại bài viết này, bạn đọc có thể tìm đọc). (2)
Riêng bản thân tôi cho rằng nhà ngoại cảm có thể giao tiếp được với “linh hồn”; nếu hiểu “linh hồn” là một dạng tâm thức của chúng sinh, không hiểu “linh hồn” là chỉ khái niệm chung chung là tất cả các trạng thái sau cái chết vật lý của con người.
Theo Phật giáo dòng tâm thức sau cái chết vật lý của con người… khác hoàn toàn với quan niệm của đạo Hồi, Tin lành, Công giáo. Các đạo đó cho rằng, linh hồn là thường hằng bất biến, và sau khi chết vật lý và sinh học thì “linh hồn” chỉ có 2 cõi để trú ngụ, ở thiên đường hoặc ở địa ngục.
Quan niệm của Phật giáo cũng khác với cách hiểu trong quan niệm dân gian, “linh hồn” là một dạng thể sau khi chết thì ở cõi âm, đối lập với cõi dương (người sống), đó là cách hiểu chỉ có 2 cõi là cõi dương và cõi âm.
Để phân tích kỹ hơn, chúng ta tìm hiểu xem Phật giáo quan niệm về các cõi trong vũ trụ như thế nào:
Vũ trụ là bao la, vô thủy vô chung, không có điểm kết thúc và không có điểm bắt đầu, tất cả mọi sự vật hiện tượng vật chất, kể cả vũ trụ mà chúng ta nhìn được bằng các giác quan thông thường (5 giác quan) đều chi phối bởi luật Vô thường. Cái “thực” mà chúng ta nhìn thấy là “giả”, vì do nhân duyên chi phối, chúng ta nhận biết ra chúng tồn tại là bởi “ảo ảnh” của 5 giác quan mà thôi. Nên mới có câu “sắc sắc không không”.
Ví dụ: Chúng ta nhìn thấy bông hoa hồng màu đỏ, nhưng một người mù màu họ sẽ không thấy bông hoa hồng màu đỏ. Và ai đúng – ai sai? Không có ai đúng mà cũng chẳng có ai sai.
Sở dĩ chúng ta thấy màu đỏ là vì chúng ta lệ thuộc vào giác quan (thị giác). Và thế giới này chúng ta thấy hiện hữu (hữu hình) cũng bởi là vì chúng ta thâu nhận được từ 5 giác quan này, hay nói cách khác là lệ thuộc vào 5 giác quan này.
Khi chúng ta có khả năng vượt ra ngoài 5 giác quan này, thế giới mà chúng ta nhìn thấy sẽ rất khác. Đó chính là cách chúng ta quán về “sắc sắc không không” để có sự thấu hiểu.
Để hiểu được điều đó, chúng ta phải dùng phép quán tưởng, như tác giả đã phân tích ở kỳ VI, vô hình mà không phải là vô hình, không phải là vô hình mà là vô hình. Trong bài viết này, xin chưa đề cập đến Bốn quả vị Thánh (Thanh văn – duyên giác, Bồ Tát, A la hán, Phật), chúng ta tập trung phân tích về lục đạo.
Trong vũ trụ bao la đó, quan niệm về lục đạo trong Phật giáo như sau:
Do nhân duyên tu tập mà mọi chúng sinh (chưa đạt đến quả vị giải thoát) liên tục luân hồi trong các trạng thái của lục đạo. Sáu cõi luân hồi (Thiên, người, Atula, súc sinh, ngã quỷ và địa ngục).
Thiên: Là người sống làm nhiều điều thiện, làm nhiều việc giúp đỡ người khác, khi chết (vật lý & sinh học) được quả báo sinh về cõi trời…
Nhân: Là người sống đúng nhân cách, không thiện nhiều, nhưng cũng không làm ác thì được tái sinh trở lại làm người…
A tu la: Là những người lúc sinh thời hay nóng giận, sân hận, không ác, không thiện thì sinh vào cõi A tu la, được ví như một cõi chuyển tiếp để chuyển lên cõi cao hơn hay thấp hơn, các quan niệm về vong linh, Thần..như trong quan niệm dân gian nếu chiếu theo kinh sách Phật giáo là ở cõi này,…
Súc sinh: Chỉ chung là các loại động vật, các loài có thân xác vật lý mà không phải là con người, do quả báo của kiếp trước mà bị đọa lạc làm thân súc sinh…
Ngạ quỷ: Là những chúng sinh sau khi thân xác vật lý chết, chưa được siêu thoát, và do quả báo nên thần thức của họ chịu nhiều khổ đau, dân gian gọi là ma, quỉ…ở trong cõi này. Phật giáo gọi là thần thức hay A lại da thức…
Địa ngục: Là những người lúc sống tạo nhiều nghiệp ác về thân, khẩu, ý nên khi chết (cái chết vật lý) bị đọa vào địa ngục…(3).
Chúng sinh cứ theo dòng luân hồi chuyển kiếp trong lục đạo, hết địa ngục lên ngã quỷ, hết ngã quỷ lên súc sinh, thành người, thành thiên nhân và ngược lại.
Để hiểu được vòng luân hồi vô tận đó, đạo Phật không chấp thường và chấp đoạn.
Chấp thường là cho rằng chết thì có linh hồn, linh hồn tồn tại mãi mãi như trong quan niệm của đa số các tôn giáo khác.
Chấp đoạn là con người chết (chết vật lý & sinh học) là hết, không có linh hồn, không có luân hồi, không có chuyển kiếp.
Ở kỳ trước tác giả đã phân tích khái niệm vô hình và hữu hình. Xin được tóm lược lại để bạn đọc hình dung.
Theo cách phân loại lục đạo như trên của Phật giáo, chúng ta thấy chỉ có 2 cõi Nhân, và Súc sinh là cõi hữu hình. Cõi hữu hình có nghĩa là cảm nhận được bằng 5 giác quan thông thường, còn các cõi còn lại là vô hình, không thể cảm nhận được bằng các giác quan thông thường, chỉ có các nhà nhà ngoại cảm, các vị chứng đắc thần thông, các vị tu hành giác ngộ cao mới biết được một phần hoặc nhiều phần của các cõi kia tùy theo khả năng thần thông và sự chứng đắc giác ngộ của họ đến đâu.
Như vậy, các cõi còn lại là trạng thái tâm thức thọ cảm của “linh hồn” khi không còn chi phối bởi thân xác vật lý và sinh học.
Cách hiểu này cũng không đồng quan điểm về cách giải thích của một vị sư trong một bài giảng, khi có Phật tử hỏi:
– Theo thầy người ngoài hành tinh là ở cõi Thiên hay cõi nào trong lục đạo?
Vị đó đã trả lời:
– Người ngoài hành tinh là thuộc cõi Thiên.
Chúng tôi cho rằng cách hiểu đó không chính xác. Về mặt niềm tin, tôi tin rằng có người ngoài hành tinh, vì vũ trụ vô thủy, vô chung, bao la như vậy, việc có sự sống (theo định nghĩa của khoa học) nói chung và có người ngoài hành tinh nói riêng là có xác suất rất cao.
Tuy nhiên, đến thời điểm này loài người trên trái đất chưa tìm ra người ngoài hành tinh, nên tôi tạm gọi là người ngoài hành tinh (nếu có) cũng thuộc cõi người như chúng ta, vì chúng ta nhìn thấy họ bằng các giác quan thông thường (theo cách hiểu người hành tinh như bấy lâu nay chúng ta giả thiết, còn nếu hiểu người ngoài hành tinh theo một cách hiểu khác thì chúng ta chưa bàn đến).
Tôi cũng cho rằng, câu hỏi của vị Phật tử đó rất hay, câu hỏi này mặc nhiên phủ định kinh sách và quan niệm của đạo Tin lành, Công giáo, Hồi giáo (bạn đọc đừng ngạc nhiên, đọc kỳ VII sẽ thấy Giáo hoàng cũng đã nhiều lần đình chính, bổ sung và thậm chí là phủ định kinh sách của chính tôn giáo mình về quan niệm linh hồn, địa ngục, thiên đường, sự hình thành vũ trụ, loài người …).
Tại sao lại gọi là mặc nhiên phủ định? Vì nếu theo kinh sách của các tôn giáo trên, cung Thiên đường có nghĩa là ở trên trời (hiểu theo khái niệm vật lý và hình học) ở nơi có mặt trời, mặt trăng, và các vì sao…thì chắc chắn người ngoài hành tinh phải ở cung Thiên hay cõi Thiên đường, trong khi họ đâu phải là “linh hồn” thường hằng, họ vẫn có thân xác vật lý bình thường như chúng ta. Điều đó cho thấy cách lý giải về thế giới tự nhiên và vũ trụ trong kinh sách của các tôn giáo khác (trừ đạo Phật) rất hạn chế, và ngày nay khoa học đã chứng minh cách hiểu đó không đúng.
Như vậy, dù là người ngoài hành tinh, hay sự sống theo quan niệm của khoa học dù ở đâu trong cả vũ trụ bao la này (nếu phát hiện ra) đều thuộc cõi người và cõi súc sinh và là 2 trong sáu cõi luân hồi nêu trên.
Đến đây, có người sẽ thắc mắc, vi khuẩn, cũng như vô số loài chúng sinh khác có thân xác sinh học và vật lý nhưng chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường, thì thuộc cõi nào. Xin thưa! Là thuộc cõi súc sinh.
Vi khuẩn chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng qua kính hiển vi chúng ta nhìn thấy được, và kính hiển vi được phát triển bởi các nguyên lý vật lý, và nguyên lý của nó hay của bất kỳ một thành tựu khoa học nào cũng không ra ngoài sự cảm nhận (thọ cảm) của 5 giác quan thông thường.
2 cõi đó, khác 4 cõi còn lại ở điểm nào? Và các nhà ngoại cảm đã có thể nói chuyện với những chúng sinh nào ở 4 cõi đó và vô số thế giới khác có đúng không? Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ IX.
Còn tiếp….
Chú thích:
(1) Với người ngoài hành tinh tôi tin là có, tuy nhiên hiện nay loài người trên trái đất chưa tiếp xúc, nên chúng tôi dùng từ “nếu có”. Và người ngoài hành tinh ở đây là người như lâu nay chúng ta quan niệm, có thân xác vật lý, sống ở một hành tinh xa xôi nào đó của vụ trụ.
(2) Chúng tôi không cho rằng quan niệm của vị sư đó là sai, vì chúng tôi không đủ sự giác ngộ để xác quyết, tuy nhiên, tác giả không nhận thức như vậy.
(3) Cũng có nhà nghiên cứu Phật học cho rằng, Phật giáo nguyên thủy chỉ chia các cõi trong luân hồi là 5 cõi, riêng cõi địa ngục là vay mượn từ đạo Bà la môn.
Chú ý:
Chúng tôi công nhận chuyện giao tiếp với người cõi âm là có thật, song không cổ vũ những giao tiếp đó, nếu không vì mục đích nhân văn, hướng thiện và đạo hạnh…thậm chí có những giao tiếp rất có hại, không mang lại lợi lạc nào.
Hiện nay, có người coi việc áp vong, gọi hồn như một cách thường xuyên, áp dụng liên tục, thích là làm…Theo chúng tôi không nên như vậy. Để ghi chép lại những câu chuyện có thật như sự minh họa sống động, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh bằng các bài viết cụ thể đăng trên Phattuvietnam.net.
Hy vọng qua đó, bạn đọc có thể tự rút ra những kinh nghiệm bổ ích và tự trả lời câu hỏi nên hay không nên áp vong, gọi hồn người đã khuất…