Kỳ 7 loạt bài “Chuyện kể của Phật tử khi gặp một số nhà ngoại cảm” với sự giải thích của tác giả về lý do chọn Phật giáo để giải thích ngoại cảm.
Kỳ VII: Vì sao tôi chọn Phật giáo để giải thích về ngoại cảm?
Ở kỳ trước, tác giả với hiểu biết nhỏ bé của mình đã thử đưa ra cái nhìn về ngoại cảm theo quan niệm của đạo Phật, và dự định kết thúc bài viết ở kỳ VII để trả lời câu hỏi có hay không việc nhà ngoại cảm nói chuyện được với chúng sinh ở cõi âm, cõi âm gồm những chúng sinh thuộc dạng nào…(cõi âm là theo cách gọi dân gian – ở đây tạm gọi là cõi vô hình, không còn thân xác vật lý, cõi vô hình thực chất cũng không phải là vô hình) – xem giải thích ở phần sau của bài viết.
Chủ đề trên xin được chuyển sang kỳ VIII, tác giả dành trọn kỳ này để trả lời chất vấn của một nhà nghiên cứu tâm linh, ngoại cảm đã được nêu tên trong bài viết ở các kỳ trước (“nhà nghiên cứu” có một đề nghị là không nêu tên lên bài viết, nếu tác giả đăng báo những điều trao đổi này).
“Nhà nghiên cứu” đã gọi điện thoại chất vấn tác giả, ông nói: Chúng tôi là nhà khoa học, chúng tôi quan tâm sự giải thích ở góc độ khoa học, còn tác giả – Giới Minh là Phật tử nên có sự thiên vị đạo Phật khi giải thích về các hiện tượng tâm linh, ngoại cảm theo góc độ của đạo Phật. Đạo Phật có quan niệm của đạo Phật thì các tôn giáo khác họ có quan niệm của họ, ai đúng – ai sai xin tác giả cho biết?
Trước hết xin được thành tâm cảm tạ và tri ân “nhà nghiên cứu” đã dành cho tác giả sự gợi ý chân thành để chúng tôi mở rộng vấn đề, cùng trao đổi để học hỏi.
Bể học thì khôn cùng, tác giả tri thức nhỏ bé, nhưng cũng xin sẵn sàng thảo luận cùng ông để làm sáng tỏ vấn đề, trên tinh thần cầu thị, học hỏi, và mong nhận được sự chỉ giáo của mọi thành phần để bể học không bao giờ là đủ mà để ngày càng mở rộng, để cùng tiến bộ.
Khi trả lời “nhà nghiên cứu”, chúng tôi hỏi ông:
– Trong đề tài nghiên cứu của ông, có đề cập nhiều luận điểm để nghiên cứu thế giới vô hình, xin ông cho biết thế giới vô hình là như thế nào theo góc nhìn của khoa học?
Ông kể: – Nhà ngoại cảm A kể họ sinh hoạt và sinh sống như cõi dương, trần sao – âm vậy, nhà ngoại cảm B đã kể rõ về thế giới vô hình và những hình phạt cho người có tội khi đang sống…
Chúng tôi hỏi tiếp: – Theo ông thì có thế giới vô hình không?
Ông trả lời rất tự tin là: – “có”.
– Có thế giới vô hình sao ông không thấy?
– “Tôi không phải là nhà ngoại cảm”.
Tôi hỏi tiếp:
– Nhà ngoại cảm thấy thế giới vô hình, thì đối với nhà ngoại cảm thế giới vô hình thực chất đã không còn là vô hình nữa. Như vậy, vì chúng ta nhìn bằng các giác quan thông thường thì chúng ta tưởng là vô hình, còn khi chúng ta nhìn thấy như các nhà ngoại cảm thì đâu còn là thế giới vô hình.
Ở đây không phải là sự câu chấp về câu chữ, hay đòi hỏi đặt lại, định nghĩa lại các khái niệm để nghiên cứu, mà nếu có phép quán tưởng chúng ta sẽ thấy.
Thực ra không có thế giới vô hình, vì khi một số nhà ngoại cảm hay một số người chứng đắc được thần thông thấy được thì đâu còn là vô hình nữa. Vô hình là vô hình trước các giác quan thông thường (5 giác quan thông thường), và không phải là vô hình trước các khả năng thần thông.
Đến đây, chúng ta thấy sự diệu kỳ của “sắc sắc không không” theo quan niệm của Phật giáo. Vô hình mà không phải là vô hình, không phải vô hình mà là vô hình, nó phụ thuộc vào khả năng thần thông của ta, hay cao hơn là sự giác ngộ của chúng ta. Mà sự giác ngộ thì không ai có thể làm thay ta được, ngoài chính ta, đức Phật là bậc THẦY VĨ ĐẠI đã cho chúng ta giáo án, việc chúng ta học và tiếp thu ra sao mà thôi…
Nhà nghiên cứu công nhận có thế giới vô hình và có “linh hồn”, “vong”…* sau khi thân xác vật lý bị phân rã. Ông công nhận, nhưng chưa chứng minh được và đến nay khoa học cũng chưa chứng minh được. Song với trường phái khoa học thực nghiệm thì đã có quá nhiều thí nghiệm không thể phủ bác về sự tồn tại của linh hồn.
Chúng tôi chỉ là một Phật tử sơ cơ, chỉ mới nêu một luận điểm là khái niệm về thế giới vô hình, và như thế nào thì được gọi là có khả năng ngoại cảm để ông có nhiều thời gian thoải mái trao đổi và phản biện.
Với 2 khái niệm nêu trên ông thu nhận được thành tựu khoa học nào chỉ ra xác đáng hơn, tôn giáo nào có luận điểm xác quyết hơn, xin mời ông chỉ ra, chúng tôi sẽ ngàn lần cảm tạ và thành tâm tiếp thu trên tinh thần hoan hỉ.
Trong thời gian chờ ý kiến của ông, để tiếp tục trao đổi: Vì sao tôi chọn Phật giáo để thử giải thích về các hiện tượng tâm linh và ngoại cảm sẽ không còn là một lý do cảm tính, tình cảm tôn giáo mà là vì lý do khoa học của tôn giáo này, lý do khách quan trên cơ sở sự kết gặp giữa khoa học và Phật giáo trong nhiều vấn đề, trong đó có tâm linh và ngoại cảm.
Về mặt lý luận chung
Có ý kiến cho rằng khoa học không bao giờ giải thích được tận cùng thế giới, vì khoa học nghiên cứu thế giới vật chất thuộc về sắc tướng. Trong khi đang song hành cùng thế giới sắc tướng là một thế giới vô hình hiện hữu.
Các tôn giáo đặt vấn đề giải thích thế giới dựa trên các quan niệm và học thuyết tôn giáo của mình.
Lịch sử đã minh chứng, giữa khoa học và tôn giáo trong chiều dài hàng ngàn năm qua đã có không ít lần trải qua sự điều chỉnh, bổ sung và thậm chí là phủ định.
Có khi khoa học điều chỉnh khoa học, vì tầm nhận thức của nhân loại đã thay đổi, như kiểu phát minh sau làm thay đổi nhận thức của phát minh trước đó, hoặc phát minh sau, thành tựu khoa học sau phủ định nhận định phát minh và quan điểm khoa học trước đó…
Trong khi đó, trong các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo lớn cũng đã có không ít lần có sự điều chỉnh nhận thức của mình (hay cách khác là điều chỉnh kinh sách) cho thích nghi với khoa học hiện đại, như quan niệm về địa ngục, thiên đường, quan niệm về Trời, về các hiện tượng tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, sự hình thành vụ trũ, sự hình thành loài người, sự vận hành của trái đất ….
Ví dụ: Trong ngày khai mạc Công Đồng Vatican II ngày 11 tháng 10 năm 1962 , Giáo Hoàng John XXIII nói: “Những giáo lý và quan niệm sai lầm vẫn còn tồn tại nhiều, nhưng ngày nay con người đã tự ý loại bỏ chúng… Nhưng nếu Roncalli (John XXIII) không thấy là điều giảng dạy mới của mình dẫn tới đâu, thì hàng trăm nhà thần học và giám mục đã thấy. Trong những thập niên 1960-70, sau khi Roncalli chết, họ đã từ bỏ niềm tin về tội tổ tông, về quỷ Satan, và về nhiều giáo lý căn bản khác.”
Năm 1981, Vatican đã mời một số nhà khoa học đến để cố vấn cho tòa thánh về vũ trụ học. Cuối cuộc hội thảo, John Paul II nói với các khoa học “cứ tự nhiên nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ sau sự nổ lớn (big bang), nhưng không nên tìm hiểu về chính lúc nổ vì đó là lúc sáng tạo, do đó là tác phẩm của Thượng đế.”
Lần khác, cũng chính Giáo hoàng John Paul II khi nói về thiên đường và địa ngục đã mặc nhiên phủ định kinh thánh, ông nói “Thiên đường không phải là một nơi trừu tượng mà cũng chẳng phải là một nơi cụ thể ở trên các tầng mây” và “Hỏa ngục không phải là sự trừng phạt áp đặt từ bên ngoài bởi Thượng đế, mà là trạng thái hậu quả của những thái độ và hành động mà con người đã làm trong đời này.”
Phật giáo có nằm trong số các tôn giáo đó không? Có phải điều chỉnh những nguyên lý căn bản, nền tảng của mình để thích nghi với sự tiến bộ về tư duy nhận thức của nhân loại? Có lẽ không có câu trả lời nào hay hơn, lời của nhà bác học trác kiệt, uyên thâm Albert Einsein.
“Nếu có một tôn giáo nào tương hợp khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học“.
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó“. [Albert Einstein].
Trò chuyện với một số tín đồ theo đạo Công giáo, Tin lành họ không tin vào chuyện nhà ngoại cảm có thể trò chuyện được với các linh hồn. Vì theo kinh sách mà họ được chỉ dạy sẽ không có chuyện có thể trò chuyện được với linh hồn, khi linh hồn một là ở thiên đàng, hai là đã ở địa ngục.
Các tôn giáo thờ đấng tối cao với thuộc tính toàn năng (sáng tạo ra muôn loài) coi linh hồn là đời sống mãi mãi, trong khi Phật giáo coi linh hồn chỉ là một giai đoạn chuyển đổi trong chu kỳ luân – hồi liên tục, chuyển kiếp luân hồi.
GS.TS Bùi Duy Tâm, Việt kiều ở California – Mỹ sinh ra trong một gia đình 3 đời theo đạo Thiên Chúa là người đã bỏ công rất lớn tìm hiểu về các tôn giáo trên thế giới, với tri thức khoa học có được ông luôn hoài nghi những điều trong kinh sách được giảng của tôn giáo mình, nên ông đã đi khắp nhiều nẻo đường ở nhiều nước để nghiên cứu về tôn giáo, và tìm hiểu về cái gọi là “linh hồn” song ông chưa tự lý giải được cho riêng mình là có linh hồn hay không trên cơ sở thực chứng.
Trong khoảng 15 năm gần đây, trong các chuyến đi thực tế ở Việt Nam thực chứng với nhiều thí nghiệm, ông công nhận là có linh hồn, và con người có thể giao tiếp được với linh hồn…(bạn đọc có thể tìm đọc trên mạng Internet những nhận định về tâm linh của GS.TS Bùi Duy Tâm, hoặc trong bản báo cáo Đề tài NCKH năm 2008 của Trung tâm NCTNCN.
Thực tế trong cuộc sống hàng ngày không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới xuất hiện những hiện tượng lạ, chuyện lạ …nếu xét theo quan điểm khoa học (chí ít là tầm nhận thức và tri thức khoa học đến thời điểm này) sẽ chưa thể giải thích được. Có thể lấy những ví dụ mà bạn đọc dễ kiểm chứng:
Nhiều môn phái võ, có những võ sư có thể đi trên mặt nước, hay có thể khinh công bay lên không trung trong một thời gian nhất định, có người nhịn ăn hàng chục năm mà không hề hấn gì…Khi chưa giải thích được ở góc độ khoa học, họ cho rằng “con người là một tiểu vũ trụ” nhiều huyền diệu và bí ẩn?!
Trở về hiện tượng ngoại cảm nở rộ trong khoảng vài chục năm trở lại đây ở nước ta, khoa học có thể giải thích được không? Liệu có không sự tương hợp dung thông giữa khoa học và Phật giáo để thử giải thích các hiện tượng trên?
Khoa học có giải thích được không? Câu trả lời đang chờ từ phía các nhà khoa học. Bản thân tôi cho rằng, khoa học đã có những đóng góp rất lớn vào việc thẩm định khả năng của các nhà ngoại cảm, sự đóng góp đó mang tính xác quyết, không thể phủ định.
Ví dụ: Một nhà ngoại cảm tìm mộ ông A, nếu không có khoa học xét nghiệm ADN thì dù có tìm đúng, chúng ta cũng sẽ hoài nghi, song nhờ thành tựu của khoa học với công nghệ xét nghiệm ADN, chúng ta đã có sở cứ với xác suất sai số là 1/10.000.000 để khẳng định xem việc tìm mộ đó đúng hay sai.
Hay một trong những luận điểm lớn trong kinh sách Phật giáo mà đức Phật nói là mọi sự vật hiện tượng đều không thoát khỏi vô thường. Bạn có thể chưa tin, nhưng bạn hãy lấy ví dụ ngược lại xem có sự vật hiện tượng vật chất nào thoát khỏi bánh xe của qui luật vô thường?
Ví dụ: Khi nhìn về một sự vật hiện tượng mà chu kỳ “sinh – diệt” ngắn, ngắn hơn đời sống của chúng ta, chúng ta sẽ thấy Vô thường là chính xác. Nhưng khi nêu vấn đề mặt trời, mặt trăng và cả vụ trũ sẽ có ngày tan hủy…để chuyển sang chu kỳ khác.
Tuổi thọ của mặt trời là hàng tỷ năm, thậm chí hàng chục tỷ năm. Nên sẽ có người hoài nghi, nếu họ không có sự giác ngộ Phật giáo, hoặc am hiểu khoa học. Họ hoài nghi vì họ tin vào sự quyết định đưa ra bởi một đấng quyền năng nào đó về mặt trời, mặt trăng, vụ trũ… chẳng hạn.
Khoa học qua các thí nghiệm, mô phỏng và phân tích, chứng minh mặt trời, mặt trăng hay cả vụ trũ cũng vậy, đến một ngày sẽ bị tiêu hủy để chuyển sang một chu kỳ tiếp theo…
Phật giáo và khoa học hai cách tiếp cận khác nhau, đều công nhận như vậy. Khoa học công nhận là việc để các nhà khoa học giải thích kỹ hơn với bạn đọc về góc độ chuyên môn. Còn tại sao khi hiểu Phật giáo ta lại tin vào điều đó. Niềm tin này không phải là niềm tin mù quáng theo kiểu “thánh chủ” nói bắt ta phải “nô lệ” và tin theo. Hay chúng ta dẫn giải theo kiểu sách kinh nói thế, tôn giáo mình dạy như vậy.
Niềm tin nảy sinh trên cơ sở phương pháp luận thực chứng, suy luận logic và quan trọng hơn đó là sự quán tưởng. Đó là cách tiếp cận và phương pháp suy luận khoa học của đạo Phật.
Các nhà khoa học với nền tảng khoa học của mình, khi tiếp cận với các hiện tượng lạ, hiện tượng tâm linh mà được kết hợp với cái duyên của Phật pháp, thiển nghĩ rằng sẽ rất tuyệt vời. Tôi cho đó là điểm chung của sự khai mở và nâng tầm nhận thức của nhân loại trong tương lai.
Với cách hiểu như vậy, cũng đã trả lời câu hỏi, vì sao tôi chọn Phật giáo để thử giải thích về các hiện tượng tâm linh, ngoại cảm. Minh triết Phật giáo vượt lên tư duy cảm tính tôn giáo, hay sự thiên lạc kém hiểu biết, giúp chúng ta có sự kết hợp dung thông giữa khoa học, khoa học thực chứng và phương pháp Luận của đạo Phật.
Còn nữa… (theo phattuvietnam.net)