VÔ MINH VÀ TỨ ĐẠI [phần 1…]

Phần 1…

Ngày xưa ở một xóm nhỏ nơi miền núi xa xôi, có một căn nhà nho nhỏ xinh xinh nằm về cuối xóm, dưới một chân đồi mà người ta thường gọi là đồi đá, vì ở trên đồi ngoài đá ra thì hầu như chẳng có gì khác. Bao quanh căn nhà nhỏ xinh xắn này là một khoảnh đất trống không lớn lắm, do hai anh em mồ côi cha mẹ từ xa đến đây khai khẩn và đang cùng nhau chung sống. 

Phía sau nhà có một khe nước từ trên đồi chảy xuống, tiếng nước chảy róc rách chen qua những khe đá nghe như một bản nhạc giao hưởng triền miên rất êm tai. Dọc theo khe nước có hàng dừa xanh mát trĩu trái. Phía trước nhà là một cái sân trống, hai bên sân có hai hàng cây đu đủ cũng rất xanh tốt.
Người trong xóm thường gọi người anh là Minh, còn người em là Minh em. Không ai biết hai anh em Minh đã từ đâu đến đây, chỉ nhớ rằng vào một ngày cuối thu, hai anh em họ cùng đến đây khai phá khoảnh đất hoang này và dựng căn nhà nhỏ để ở, dường như cách đây cũng đã nhiều năm rồi. Hai anh em Minh sống đạm bạc, tính tình thì rất thật thà, chân chất, nên người trong xóm ai cũng mến thương.
Trên lưng chừng ngọn đồi đá là một am tranh nhỏ có một vị sư già cũng không ai biết đã đến ở đó từ bao giờ. Thỉnh thoảng, thầy tìm xuống xóm nhỏ để nhận ít lương thực do những người tín tâm cúng dường, còn thường ngày thì hầu như thầy không mấy khi rời khỏi am tranh.

Tuy vậy, mối liên hệ giữa vị sư già với người dân xóm nhỏ này đã từ lâu gắn bó thân thiết. Hầu như mỗi khi gặp bất kỳ việc gì khó khăn, bất trắc trong đời sống là người ta lại nghĩ ngay đến thầy như một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Dân làng không ai bảo ai mà luôn tìm lên am tranh để được thầy ban cho những lời khuyên sáng suốt, những chỉ dẫn thích hợp nhằm hóa giải khó khăn của mình. Và hầu như lần nào họ cũng được toại nguyện.

Nhưng cậu Minh em thì có khác. Cậu không tìm lên am tranh mỗi lúc gặp khó khăn trong đời sống, mà gần như là đều đặn tháng nào cậu cũng lên thăm thầy ít nhất là vài ba lần. Đó là những hôm người anh của cậu mang những thứ nông sản họ làm được ra thị trấn để bán cho được giá cao hơn, thay vì bán cho những người dân buôn trong làng. Đường đi khá xa nên Minh thường phải ngủ lại một đêm ở thị trấn, hôm sau mới quay về. Trong thời gian đó, Minh em tìm lên am tranh hầu chuyện với vị sư già, thưa hỏi những điều mà cậu cảm thấy khó hiểu trong đời sống, cũng như lắng nghe thầy chỉ dạy về ý nghĩa cuộc đời…

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế, tưởng như sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Thế rồi một ngày kia, bất chợt Minh nảy ra ý nghĩ muốn đi nơi khác làm ăn, mong sẽ kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng Minh em không đồng ý, chỉ thích ở lại nơi này. Cậu nghĩ, tuy cuộc sống có đạm bạc nhưng cũng quen rồi. Hơn nữa, cậu nhớ đến lời dạy của vị sư già, rằng kiếm được nhiều tiền chưa hẳn đã có được một cuộc sống hạnh phúc.

Nói mãi mà em không nghe theo nên cuối cùng Minh quyết định một mình ra đi. Hai anh em bịn rịn chia tay nhau, Minh em đứng nhìn theo bóng anh mình đi xa dần mãi cho đến khi khuất hẳn vào mấy hàng cây. Cậu quay về nhà mà rưng rưng nước mắt…
***
Sau một thời gian dài, Minh lang thang khắp đầu làng cuối phố, nếm đủ mùi vị cực khổ của trần gian. Thường xuyên Minh phải ngủ ngoài trời, hết mùa thu lại đến mùa đông, cái nắng nóng của mùa hạ chưa đủ khổ lại đến cái lạnh lẽo của mùa đông. Sang mùa xuân, thời tiết bên ngoài tuy có dễ chịu hơn, nhưng lại phải cảm nhận sự cô đơn không nhà không cửa của một kẻ độc hành ôm trong lòng đầy nỗi tủi nhục, nhìn mọi người đầm ấm cùng nhau đón xuân sang. Đôi lúc Minh muốn ngã quỵ trước cuộc đời nghiệt ngã, muốn tìm đường quay trở về căn nhà nhỏ ngày xưa, tuy với cuộc sống dưa khoai đạm bạc nhưng cũng không đến nỗi cơ cực như bây giờ.

Nhưng cuộc đời như dòng nước chảy xuôi, định mệnh không cho Minh dễ dàng quay trở về như vậy. Minh bây giờ như chiếc lá đang bị nước cuốn trôi, cứ mặc kệ cho nó trôi đi mãi mà không biết sẽ trôi về đâu. Tưởng chừng như cuộc đời của Minh cứ kéo dài như vậy mãi, nhưng không ngờ một hôm điều kỳ diệu đã đến. Trong lúc Minh đang chịu sự đày đọa của sự đói khát cơ cực, không nơi nương tựa, thì một sự việc lạ lùng xảy ra.

Đó là một buổi tối mùa đông. Minh đang lang thang ngoài đường, đi ngang qua một ngôi nhà rất to lớn. Chỉ nhìn cái cổng rào cũng đủ biết nhà này thuộc hạng giàu có nhất nhì trong vùng. Chợt Minh nghe trong sân có tiếng ho của một ông lão độ tuổi chừng ngoài tám mươi… Tóc ông lão bạc trắng, chòm râu dài cũng bạc trắng. Ông mặc bộ đồ màu trắng và tay phải run run cầm một cây gậy cũng màu trắng. Nhìn vào ông toàn là màu trắng, giống như một đám mây trắng có hình một ông lão. Hình như ông đang bị một cơn hen suyễn nên ho nhiều như vậy. Ông lão vừa ho vừa dùng hai bàn tay già yếu run rẩy cố giữ chặt cây gậy cho khỏi bị ngã nhào trên sân.

Minh dừng chân lại và bước đến sát cổng để nhìn cho thật rõ. Tay Minh vô tình vịn vào cổng làm cánh cửa từ từ hé ra. Thì ra cửa không khóa, cũng không cài chốt. Minh rụt rè bước khẽ vào sân và đưa hai tay đỡ lấy ông lão với tấm lòng thương cảm. Ông lão vẫn tiếp tục ho một tràng dài rồi mới từ từ quay lại nhìn Minh với cặp mắt biết ơn và kèm theo một câu hỏi với giọng run run: “Ủa, cháu là ai vậy?”

Thì ra nãy giờ ông lão vẫn tưởng là đứa cháu gái ngoan của mình mới về tới, đến khi quay lại nhìn rõ thì mới nhận ra là người lạ. Minh nhanh miệng trả lời nhẹ nhàng: “Dạ thưa ông, cháu chỉ là khách qua đường thôi ạ!”

Ông lão gật gù, đôi mắt nhìn ra ngoài cổng mong chờ đứa cháu gái về. Minh chưa hiểu liền hỏi: “Sao trời lạnh lẽo thế này mà ông không ở trong nhà lại ra ngoài này? Cũng may là đã không té ngã.”
Ông lão chống gậy một tay rồi một tay ra hiệu bảo Minh đưa ông vào nhà. Minh choàng tay ông lão lên vai mình rồi dìu ông cùng đi vào nhà.

Ông lão ngồi xuống cái ghế xếp rồi từ từ trả lời: “Đứa cháu gái của ông nó ra ngoài hồi chiều, đi mua thuốc cho ông mà sao mãi đến giờ chưa về, ông sốt ruột quá mới ra cổng xem nó về chưa, ngờ đâu trời lạnh quá mà lại lên cơn suyễn nên ho nhiều như vậy đó. Cũng may gặp cháu giúp, nếu không thì ông chết mất.”

Minh ngồi im lặng một hồi lâu rồi đứng dậy chào ông: “Cháu đi đây!”
Ông lão như còn luyến tiếc buổi gặp gỡ tình cờ này, liền đưa tay nắm lấy tay Minh và hỏi: “Cháu về à! Nhà cháu ở đâu, anh em có đông không, cha mẹ còn khỏe không…?”

Minh ngậm ngùi, trong lòng nghe thắt lại. Biết nói sao với ông lão đây? Thật ra mình cũng có một gia đình nhỏ, nhưng lâu lắm rồi hai anh em không gặp nhau, không biết bây giờ thằng Minh em nó có khỏe không nữa… Còn cha mẹ thì có ai nói cho Minh biết cha mẹ của Minh là ai đâu? Thôi thì có sao trả lời vậy, ngại gì…

“Dạ, cháu mồ côi từ thuở bé, chúng cháu chỉ có hai anh em, nhưng đã nhiều năm chưa gặp lại nhau. Cháu không có nhà cửa gì cả, cháu đi lang thang và sống ngoài hè phố đã lâu lắm rồi.”
Ông lão xót xa nhìn Minh với cái nhìn thông cảm và trìu mến. Rồi ông mạnh dạn hỏi: “Vậy cháu có muốn ở lại đây với ông không?”

Minh nghe ông lão hỏi, trong lòng rất vui nhưng ngại ngùng không dám trả lời: “Dạ… dạ…”
Ông lão như biết ý liền quyết định luôn: “Vậy nhé, xem như bây giờ cháu là cháu của ông, cứ ở đây với ông. Nhà ông chẳng thiếu món gì cả, chỉ thiếu người mà thôi. Nếu cháu đồng ý thì hãy ra nhà sau tắm rửa, lát nữa cháu gái của ông về, ông sẽ nói cho nó biết luôn.”

Minh vâng dạ rồi rụt rè đi về hướng nhà bếp, tìm mãi mới gặp được nhà tắm. Chao ôi, căn nhà sao mà rộng quá cỡ!

Một lát sau, tắm xong Minh quay ra nhà trên thì đã thấy một cô gái xinh đẹp ngồi kề bên ông lão. Bốn mắt nhìn nhau chưa kịp nói câu nào thì ông lão đã gọi Minh lại gần giới thiệu cho hai người làm quen. Cô gái nhỏ nhẹ nói: “Em tên Hoa, em chào anh Minh ạ!”

Minh sung sướng làm sao khi được nghe những lời chào thân mật và ngọt ngào đến thế. Giác quan thứ 6 của Minh như mách bảo với Minh rằng Minh sẽ gắn bó với nơi này rất lâu dài. Trò chuyện một lúc, cô Hoa xuống bếp hâm nóng thức ăn rồi mang lên mời Minh:

“Em biết anh Minh đang đói bụng, em có một ít thức ăn đã hâm nóng, anh Minh hãy ăn đỡ dạ. Mai em sẽ ra chợ mua nhiều thức ăn về nấu cho anh ăn!”

Minh nghĩ thầm: “Ồ hay, mình có nói gì đâu, sao cô ấy biết mình đang đói. Hay là cô ấy có phép mầu đọc được trong bụng mình chắc…” Nghĩ thế, nhưng Minh vẫn không dám hỏi han gì, chỉ ngoan ngoãn ngồi vào ăn thật ngon lành và thầm cảm ơn số phận đã đẩy đưa mình đến đây…
***
Thế là cuộc đời Minh thay đổi kể từ đêm hôm ấy. Minh rất siêng năng làm việc, bản tính lại thật thà nên hai ông cháu Hoa đều quý mến Minh. Ngược lại Minh cũng rất quý mến ông lão và cô em gái. Ở trong làng, ai ai cũng kính trọng ông lão, thường gọi ông là ông Tứ. Ông Tứ có tấm lòng giúp người, không phân biệt bất kỳ ai. Chỉ cần có người đến nhờ vả là ông sẵn lòng giúp ngay, vì vậy mà dân làng rất quý mến ông.

Ba ông cháu sống với nhau trong nhiều năm sau đó, người ngoài cứ ngỡ họ là ba ông cháu ruột, chứ không ai ngờ chính cô cháu gái tên Hoa cũng chỉ tình cờ được ông Tứ mang về nuôi trước lúc Minh xuất hiện chỉ một vài năm thôi.
***
Căn nhà đang hạnh phúc tràn trề thì bỗng dưng ông Tứ phát bệnh nặng. Các thầy thuốc trong nước đều bó tay nên người con trai ở nước ngoài đã về đưa ông sang bên ấy điều trị. Mọi việc trong nhà cửa đều giao cho hai anh em Minh và Hoa trông coi.

Thời gian trôi qua một năm, rồi hai năm… niềm hy vọng mong chờ ông Tứ hết bệnh trở về ngày càng trở nên mờ mịt, dường như không thể trở thành hiện thực. Một buổi chiều thu, gió se se lạnh, tiết trời âm u, cây cối đều rụng lá, quang cảnh thật u buồn. Ngoài cổng có tiếng bấm chuông, Minh chạy vội ra mở cửa, khi quay về trên tay cầm một lá thư. Trong thư là chữ viết của một người mà Minh chưa từng biết mặt. Người này là bệnh nhân nằm kế giường ông Tứ và được ông nhờ viết thư cho Minh trước khi ông trút hơi thở cuối cùng. Lá thư vắn tắt có mấy câu, đại khái là báo tin cho Minh biết ông Tứ đã ra đi mãi mãi không bao giờ quay về nữa. Cuối thư ký tên: “người bệnh cùng phòng”, chấm hết.

Nhận được tin này, tim Minh như se lại, hơi thở nặng nề, đầu óc choáng váng. Em Hoa thì khóc nức nở 2, 3 ngày liên tiếp. Dân làng nghe tin cũng đến chia buồn, người tới lui kéo dài cả tháng trời mới tạm ngớt.

Sau ba năm để tang ông Tứ, Minh và Hoa quyết định cưới nhau và tiếp tục giữ gìn sự nghiệp ông Tứ để lại. Từ một chàng thiếu niên lang thang không nhà cửa không sự nghiệp, vậy mà nay Minh đã có tất cả, lại cưới được cô vợ hiền ngoan xinh đẹp. Thật là có mơ cũng không dám mơ tới như vậy.

Hai mươi năm sau, kể từ ngày ông Tứ qua đời, đến nay Minh và Hoa đã có một đứa con trai được 15 tuổi, trông rất khôi ngô, tuấn tú. Người ta đã quên đi chuyện ông lão Tứ ngày xưa, thay vào đó là một gia đình có vợ chồng con cái hẳn hoi. Tuy không có di chúc của ông Tứ, nhưng đã hai mươi năm qua rồi cho nên vợ chồng Minh cũng quen dần với ý nghĩ làm chủ ngôi nhà và tài sản này. Đứa bé trai 15 tuổi lại càng không biết gì về chuyện ông Tứ ngày xưa, nó chỉ lớn lên trong một mái ấm gia đình thật sự và được nuôi dưỡng, nuông chiều đúng mực con nhà giàu.

Và cuộc đời như dòng nước chảy xuôi, lúc êm ả, nhưng cũng có lúc không tránh khỏi phải qua thác gập ghềnh. Sự hạnh phúc ngập tràn cuộc đời Minh trong hai mươi năm qua tưởng chừng như sẽ là mãi mãi, nhưng ai có ngờ đâu! Vào một buổi chiều mùa đông, tuyết phủ trắng cả sân nhà. Có tiếng chuông ngoài cổng, Minh ra mở cổng thì trông thấy một chàng trai trẻ chừng khoảng 20 tuổi, cách ăn mặc lịch sự, trông rất sang trọng. Chàng trai trẻ cúi đầu chào Minh rồi hỏi: “Dạ thưa chú, có phải đây là nhà của ông cụ Tứ không ạ.”

Minh giật mình ngạc nhiên, vì đã lâu lắm rồi không ai nhắc đến cái tên ông cụ Tứ nữa, thay vào đó người ta thường gọi đây là nhà của vợ chồng anh Minh mà thôi. Sao bây giờ lại có một chàng trai trẻ trông rất lạ mà lại biết chuyện xưa hỏi đích danh ông cụ Tứ như vậy. Sau vài giây ngập ngừng Minh vội trả lời: “À, đúng rồi, mà cháu là ai và từ đâu đến đây vậy?”. Chàng trai trẻ đáp lễ phép: “Dạ thưa chú, cháu là cháu nội của ông cụ Tứ ạ!”

Minh vội vã nắm tay thân thiết như gặp lại người thân rồi kéo chàng trai trẻ vào nhà. Hoa ở trong nhà bước ra vừa nghe chuyện cũng mừng lắm. Hoa chào chàng trai trẻ và hỏi: “Cháu tên gì?” Chàng trai trẻ trả lời: “Dạ thưa cô, cháu tên là Đại. Cháu là cháu nội của ông Tứ ạ!”

Cả nhà chuyện trò với nhau ríu rít cả đêm mãi đến khuya rồi mới đi ngủ. Sáng hôm sau ai cũng dậy sớm, hình như niềm vui làm cho họ không ngủ được cho nên mới sáng sớm đã thức dậy rồi. Hoa vội vã làm cơm sáng, bữa cơm thật là thịnh soạn.

Ăn cơm xong, trong lúc chuyện trò Minh lại hỏi : “Cháu Đại à! Cháu về chơi được bao lâu vậy?”
Đại đáp lễ phép: “Dạ thưa chú, cháu cũng chưa biết nữa!”

Minh cười vui rồi hỏi tiếp: “Ủa, sao lại không biết, vậy cháu có chuyện gì cần làm sao? Có gì cháu cần thì chú giúp cháu nhé!”
Đại nghiêm chỉnh trả lời: “Dạ, chuyện này đúng là cháu rất cần sự giúp đỡ của chú nhiều lắm.”
Minh giòn giã tiếp lời: “Được, cháu cần gì cứ nói chú sẵn sàng giúp cháu.”

Đại im lặng bước vào trong lấy ra một cái túi xách, rồi từ từ lấy trong túi xách ra một cái hộp bằng kim loại có ổ khóa. Đại mở khóa hộp, trong hộp có một phong bì to. Đại mở phong bì, cẩn thận lấy ra một tờ giấy trên có viết nhiều dòng chữ, phía dưới có mấy con dấu đỏ rực. Mới nhìn qua cũng có thể biết ngay đây là một loại giấy tờ rất quan trọng.

Đại cẩn thận hai tay cầm tờ giấy đưa cho Minh. Minh ngạc nhiên đón lấy tờ giấy. Thì ra đây là tờ di chúc của ông cụ Tứ để lại, có luật sư ở nước ngoài làm chứng. Minh vội vàng đọc hết nội dung tờ di chúc, vẻ mặt của Minh sụp hẳn xuống, hai tay run rẩy. Minh cố gắng giữ bình tĩnh trước mặt mọi người nhưng không sao giữ được. Minh trượt té khỏi ghế ngồi rồi vội vàng chống tay đứng dậy. Hoa rất lo lắng, không biết chuyện gì xảy ra, vội chạy tới gần bên hỏi Minh: “Di chúc viết gì mà sao anh tái cả mặt vậy?”

Minh nghẹn ngào hít vào một hơi thở rồi cố lấy vẻ bình tĩnh trả lời: “Ông cụ viết di chúc để lại tất cả tài sản này cho cháu nội của ông, đó chính là cháu Đại đây.”
Hoa sững sờ đứng lặng hồi lâu rồi quay sang hỏi Đại: “Việc này có thật không cháu? Vậy sao mãi đến nay cháu mới về?”

Đại lễ phép trả lời: “Dạ thưa cô, tại vì trước giờ cháu chưa đủ tuổi trưởng thành nên ba cháu không cho cháu về ạ!”

Hoa hỏi tiếp: “Vậy sao trước giờ ba cháu không về?”

Đại đáp: “Dạ, ba cháu rất bận, ông không thể đi đâu lâu được ạ! Ông đang quản lý hãng hàng không lớn nhất của thế giới, cho nên ông phải chờ mãi đến nay cháu đã trưởng thành rồi mới cho cháu về ạ!”
Hoa vẫn chưa hài lòng, lại hỏi tiếp: “Vậy ông cụ có để lại cho cô, chú những gì không?”

Đại lễ phép đáp: “Dạ, ngoài tờ di chúc ra thì không còn gì khác ạ!”

Minh im lặng đứng dậy khỏi ghế đi vào trong, như đang tìm kiếm một giải pháp để đối phó với tờ di chúc. Một lát sau Minh quay ra và hỏi thẳng Đại: “Vậy bây giờ cháu dự tính thế nào?”
Đại ngây ngơ đáp: “Dạ, cháu định nhờ chú giúp cháu thực hiện đúng theo tờ di chúc của ông cháu ạ!”
Minh hỏi vặn lại: “Nếu trả hết tài sản cho cháu, rồi cô chú sống thế nào đây?”

Đại vẫn ngây thơ trả lời: “Dạ, nếu cô chú có được những gì ông nội cháu đã cho trước đây thì cô chú cứ việc lấy mà dùng!”

Nghe Đại nói vậy, Minh ngơ ngác nhìn Hoa. Hai người như đang cố nhớ lại xem có những gì mà ngày xưa ông Tứ đã cho riêng mình. Nhưng rồi hai người nhìn nhau với cái nhìn tuyệt vọng. Vì xưa nay ông Tứ chỉ bảo ở lại đây với ông và sống chung với ông, chứ ngoài ra không có cho riêng ai một món gì cả. Bây giờ, trong di chúc ghi rõ ràng là tất cả tài sản của ông Tứ đều để lại cho cháu nội. Vậy thì đã quá rõ ràng, Minh và Hoa chỉ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi.

Biết rằng sự thật là vậy, nhưng Minh cũng không đành lòng trả hết tài sản này, vì Minh đã khổ công gắn bó với nó hơn hai mươi năm rồi, làm sao mà trả hết cho đành chứ? Thế là cuộc nói chuyện thương lượng giữa hai bên không thành. Đại đành phải nhờ đến chính quyền can thiệp.

Sau hai năm tranh chấp, Minh cố dùng tiền để thuê nhiều luật sư biện hộ giúp mình, nhưng cuối cùng cũng đành nhận thất bại. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Vào một buổi chiều mùa đông, tòa án ra phán quyết rằng Minh thua cuộc, mọi tài sản trong nhà phải giao lại cho Đại làm chủ.

Đêm hôm ấy Minh về bàn với vợ sắp xếp chuyện đi ra khỏi căn nhà này, đồng thời dắt đứa con trai cùng đi. Nhưng một chuyện lớn lại bất ngờ xảy ra với Minh. Hoàn cảnh lúc này Hoa không thể đi cùng Minh được vì còn phải dắt theo một đứa con trai nữa, trong khi ngoài trời thì đang mùa đông giá buốt. Do đó, Hoa có ý muốn xin Đại cho hai mẹ con Hoa ở lại. Đại cũng rất tốt bụng, cậu ta nói: “Cô chú và em không phải đi đâu hết, cứ ở lại đây như trước giờ cũng được.” Hoa mừng quá, cảm ơn Đại ríu rít.
Nhưng Minh thì không thể, vì thời gian qua Minh đã trực tiếp đối mặt với Đại để tranh chấp gia tài này. Nay thất thế hỏi làm sao còn mặt mũi nào mà ở lại đây chứ? Minh bác bỏ ý định ở lại của Hoa, nhưng Hoa đã quyết định rồi. Hoa nói: “Anh nhìn xem, ngoài trời thì mùa đông lạnh buốt thế này, anh bảo hai mẹ con em đi cùng anh sao chịu nổi chứ!”

Minh nghĩ lại thấy Hoa nói cũng đúng nên đành phải chấp nhận: “Thôi thì hai mẹ con em cứ tạm ở lại đây, chờ ngày nào anh tạo dựng sự nghiệp xong anh sẽ đến đón hai mẹ con em sau.” Hoa thấy Minh giằn vặt chuyện đi chuyện ở rất là khổ tâm, nên cuối cùng đành phải nói ra một sự thật mà cô đã giấu Minh trong suốt hơn 15 năm qua, để Minh bỏ ý định quay về. Hoa nói: “Em cho anh biết, đứa con trai này không phải là con của hai đứa mình đâu, anh đừng bận tâm chi cho khổ.”[còn tiếp]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*