ĐẠI GIA MUA DÂM CHÂN DÀI “ÓC NGẮN” CẢ THÔI

“Nhìn lại các “đại gia” ở Việt Nam, có mấy “đại gia” đi lên từ sản xuất đâu, toàn từ buôn bán bất động sản, tài nguyên thiên nhiên… do thời cơ mà chộp giật, móc tiền từ túi người nghèo. Có tiền rồi thì chỉ nghĩ đến chuyện hưởng lạc, tưởng rằng mình có quyền… Cũng là “óc ngắn” cả thôi”, ThS Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học chia sẻ.
Chưa bị lộ thì “đẳng cấp” lắm
Hàng loạt các người mẫu, diễn viên bị “tố” bán dâm trong thời gian qua, là người từng có nghiên cứu về đề tài mại dâm, ông có suy nghĩ gì về đối tượng bán dâm này?
Họ như mại dâm bình thường nhưng được trả giá cao, được quyền lựa chọn khách hàng và ít gặp rủi ro hơn. Tôi nghĩ nếu họ có cơ hội tốt hơn để kiếm tiền thì họ sẽ không lựa chọn công việc đó.
Nhưng nói thật là ở nước ta hiện nay kiếm tiền bằng trí tuệ hoặc nghề chân chính thì rất khó để một ngày, thậm chí chốc lát mà được cả ngàn đô la.
Có vẻ như ông đang bênh họ?Thì như mọi người vẫn nói rằng họ “chân dài, óc ngắn”. Muốn có thật nhiều tiền nhưng trí tuệ, học vấn có hạn thì phải sử dụng thế mạnh trời phú của mình là nhan sắc.

Chẳng lẽ vì tiền có thể bất chấp tất cả? Nhiều người có hoàn cảnh giống họ nhưng đâu có lựa chọn cách này. Rõ ràng do ham muốn vật chất, tham vọng của họ đấy chứ?
Cái này do hạn chế về nhận thức và định hướng giá trị lệch lạc. Họ đâu có được học hành đến nơi đến chốn. Giờ thấy mình có chút sắc đẹp, kiếm đồng tiền từ đây dễ quá nên lóa mắt.

Vậy lẽ nào họ không có gì đáng trách? Ít nhiều họ cũng là người nổi tiếng, sẽ ra sao nếu như giới trẻ cũng học tập theo lối sống của họ?

Cái đáng trách của họ là sự lẫn lộn giữa các giá trị. Chưa bị lộ thì đẳng cấp lắm. Sắc đẹp là quyền lực, nhưng không thể dùng quyền lực của sắc đẹp để mua, chi phối các giá trị khác.
Còn họ có chút sắc đẹp, có tí tiền thì tự cho mình cái quyền phát ngôn giao giảng đạo đức, định hướng, răn dạy lối sống mà không biết rằng đó là quyền lực của trí tuệ, của nhân cách và đâu có thể “lấn sân”.
Thực tế cho thấy “người nổi tiếng” ở ta, có mấy vị nổi lên bằng tài năng thực sự, mà toàn nhờ scandal nên sống như thế đâu có gì khó hiểu, khó mà bắt họ sống khác được.
Đại gia “óc ngắn”
Có cầu thì mới có cung, xét cho cùng các “chân dài” sẽ không sống như thế nếu không có người “hậu thuẫn”. Vậy mà khi sự việc vỡ lỡ lại chỉ có họ “chịu trận”, ông có thấy điều này là bất công không?
Không phải bất công mà là vi phạm pháp luật. Theo pháp luật Việt Nam thì cả người bán dâm, môi giới và mua dâm đều là vi phạm pháp luật, chỉ là ở các mức độ khác nhau mà thôi.
Vậy vì sao chỉ có một phía bán dâm và môi giới phải chịu trách nhiệm về việc này?
(cười), Cái này do nhiều thứ chi phối. Cũng có thể lại do quyền lực đồng tiền thao túng, tôi không rõ nên không dám nói bừa…
Liên quan tới các vụ lùm xùm về chuyện hưởng lạc, chơi sang của các “đại gia”, có ý kiến cho rằng, tiền của họ, họ có quyền hưởng thụ, ông thấy thế nào?
Ở nước ngoài trách nhiệm xã hội của doanh nhân rất lớn, họ trở thành đầu tàu, tạo công ăn việc làm, góp phần cho sự hưng thịnh quốc gia, xã hội phát triển.
Còn ở mình, nhiều “đại gia” chỉ nghĩ đến sự hưởng lạc cho cá nhân mình. Đúng là tiền của anh thì anh hưởng thụ, nhưng so với mặt bằng kinh tế chung, cuộc sống xung quanh anh còn đói khổ mà anh cho phép mình hưởng thụ như thế thì không chấp nhận được.
Ông nghĩ do đâu lại có sự khác biệt đó?
Cần đặt ra câu hỏi, “đại gia” ở ta giàu lên vì cái gì? Có mấy người là từ sản xuất, là cái đáng được tôn vinh đâu. Mà chủ yếu là từ buôn bán đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên… những thứ hình thành hàng trăm năm, tài sản chung của mọi người thì giờ rơi vào tay một nhóm được hưởng lợi.
Nói một cách khác là tiền lấy từ người nghèo, cho người giàu, tài sản thay vì của nhiều người để cùng phát triển thì nay đang có xu hướng tập trung ở một nhóm xã hội.
Đi liền với sự “giàu xổi”, “phất lên” đó tất nhiên là sự yếu về nhận thức trách nhiệm xã hội, xài sang, hưởng lạc… Tôi cho rằng đó là biểu hiện của việc thiếu tri thức, thiếu trách nhiệm xã hội thì cũng là “óc ngắn” cả thôi.
Xã hội biến đổi, rác rưởi nổi lên trên
Cứ cho là họ “óc ngắn” đi, nhưng cả “chân dài” lẫn “đại gia” hiện đang là hình ảnh khao khát của rất nhiều bạn trẻ.
Đó là do quyền lực của đồng tiền giờ lớn quá. Ví dụ như quyền lực của ngàn đô là được vào nhà hàng sang trọng, phát ngôn những câu mỹ miều, đẳng cấp, mặc đồ hàng hiệu… vì vậy, người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có được tiền.
Theo ông, nguyên nhân của tất cả những điều trên xuất phát từ đâu?
Bắt nguồn từ sự phát triển xã hội một cách thiếu định hướng, kiểm soát và bền vững. Xã hội một khi biến đổi quá nhanh chóng mà thiếu sự định hướng kiểm soát thì bèo bọt, rác rưởi thường nổi lên trên.
Con người ta không phân biệt được đâu là giá trị thực, bị cuốn vào những thứ ảo, rối loạn các chuẩn mực, thiếu định hướng, trong đó có một phần lỗi của truyền thông.
Người dân mình số đông không biết lọc thông tin, đọc gì tin nấy, thiếu lý trí, tâm lý lây lan cộng đồng, trong khi các thông tin thì nhiễu, không biết cái gì đáng phê phán, cái gì cần học theo.
Nhưng đã là hệ quả của sự phát triển, có phải chúng ta đành chấp nhận?
Đúng là quốc gia nào trong sự phát triển cũng ít nhiều phải trải qua những điều như vậy, nhưng vấn đề là cần nhìn thẳng vào thực tế để có cách quản lý chứ đừng chỉ thấy cái bề nổi tốt đẹp, tự đóng kịch với nhau thì rất nguy hiểm.
Cảm ơn ông!
Mai Loan (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*