Đôi khi, có những điểm sáng về tình thương đồng loại hay tình mẫu tử cùng những tình cảm thiêng liêng khác lại không phải xuất phát từ chính con người mà lại được khơi lên, thổi bùng từ một loài “cấp thấp” hơn như mẹ con khỉ bờm đen trong câu chuyện.
Giữa ngồn ngộn của thông tin xâm phạm chủ quyền, bạo lực, chiến tranh, gây hấn, về cuộc đụng độ, đánh bom ở Nigeria làm 118 người chết hay sập hầm mỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ với trên 300 người thương vong…, tôi dừng lại trước câu chuyện “Mẹ khỉ đau buồn, ôm xác con hai ngày”.
Đó là những hình ảnh rất người được nhà khoa học Walmsley thuộc Đại học Oxford (Anh) cùng nhóm nghiên cứu ghi tại khu bảo tồn tự nhiên Tangkoko thuộc vườn thú quốc gia Sulawesi (Indonesia). “Oái oăm” và xúc động chính ở chi tiết, nhân vật chính là một mẹ khỉ bờm đen đau buồn, ôm xác con trong hai ngày.
Bài báo viết cũng rất hay, ghi lại phát biểu của ông Walmsley với những từ ngữ đầy tính người dành tặng cho hai mẹ con khỉ bờm đen: “Mẹ khỉ ngồi một mình, bồng bé khỉ, nhìn nó và không cử động trong khoảng 15 phút. Sau đó, nó từ từ ôm chặt bé khỉ vào lòng, dùng hai chân kẹp chặt xác con mình và nhìn nó bằng cặp mắt buồn bã. Thậm chí, một hai lần mẹ khỉ đã đẩy tay của một con khỉ đực khi nó cố gắng tiếp cận, chạm vào bé khỉ”.
Tôi nghĩ, bản tin ấy được phát đi không phải chỉ với một thông điệp xúc động, đồng cảm, sẻ chia vì tình mẫu tử của hai mẹ con khỉ bờm đen. Tất nhiên, ngoài thông điệp kêu gọi bảo vệ loài khỉ được nêu trong chi tiết cuối của bài là “tại Indonesia, khỉ bờm đen thường bị săn trộm nên số lượng của loài này trong tự nhiên đang giảm sút nghiêm trọng” thì ở đó cũng ngầm nhắn nhủ rằng, trong thế giới tình cảm của loài thú cũng có nhiều nét tương đồng với chúng ta, thậm chí thiết tha hơn chúng ta – loài sống cộng trụ, tự cho mình là tiến hóa cao cấp.
Thi thoảng, ta vẫn nghe đâu đó việc con cái ngược đãi cha mẹ, ông bà hoặc ngược lại. Trong ứng xử của thế giới loài người văn minh vẫn còn tồn đọng những biểu hiện được gọi tên là thú tính. Việc điều chỉnh trong phạm vi pháp luật đã khép rất nhiều người bản án tử hình – loại người ấy vĩnh viễn khỏi xã hội vì… không còn khả năng cải tạo, không còn cơ hội để được cải tạo tính hung hăng, tàn độc hoặc những việc đã gây tạo.
Điểm sáng trong thế giới người với những chân nhân sống lặng lẽ, hy sinh và hết lòng vì mọi người, mọi loài… thời nào, ở đâu cũng có, vẫn còn ở đây đó rất nhiều, điểm tô rất nhiều vào mảng tối của cuộc sống, khơi gợi niềm tin, xốc dậy lòng bi-dũng-trí trong nhiều người. Tuy nhiên, đôi khi, có những điểm sáng về tình thương đồng loại hay tình mẫu tử cùng những tình cảm thiêng liêng khác lại không phải xuất phát từ chính con người mà lại được khơi lên, thổi bùng từ một loài “cấp thấp” hơn như mẹ con khỉ bờm đen trong câu chuyện.
Điều đó có nghĩa là, chúng ta sẽ học và còn học nữa những tính cách của muôn loài để góp nhặt cho hành trình làm mới bản thân theo hướng tốt đẹp.
Trong muôn loài vần xoay lên xuống đó, như lời Phật dạy, có khi có cha mẹ anh em của ta nhiều đời, nhiều kiếp; đôi khi cũng có các bậc Thánh nguyện sanh vào để hóa độ, để cứu cánh hoặc thực hiện một công hạnh giáo hóa nào đó.
Do vậy, việc quan sát, lắng nghe, thấu cảm để bước đi trên con đường của tình thương và sự hiểu biết với nhiều bài học có mặt ở quanh ta, từ những biểu hiện giản dị đời thường đến những cam go to lớn trong hoàn cảnh, xã hội mình đang sống, phải sống chính là việc ứng dựng nhuần nhuyễn giáo lý vào cuộc sống, từ góc nhìn (ý), phát ngôn (khẩu) và hành động (thân). Tất cả không ngoài việc để mình và người bình an hơn, dẫu chỉ một tí ti thôi, trong sát-na nào đó…
Theo GIÁC NGỘ ONLINE