BÀN VỀ THẾ GIỚI ” HỮU HÌNH”, “VÔ HÌNH”

GS.TS PHAN ANH

Vũ trụ bao la, trong đó “thế giới hữu hình” chỉ chiếm một tỷ lệ nào đấy. Đó là những gì mà chúng ta có thể thấy bằng mắt, cảm nhận bằng giác quan, hoặc thu nhận được bằng các dụng cụ, phương tiện khoa học. Phần còn lại của vũ trụ là “thế giới vô hình”, nghĩa là những gì chúng ta không thể thấy bằng mắt, không cảm nhận được bằng các giác quan và cũng chưa cho phép thu nhận được bằng các dụng cụ, phương tiện khoa học, nhưng lại có những bằng chứng về sự hiện hữu của chúng. Chúng ta hãy tạm hiểu và quan niệm “thế giới vô hình” là như vậy đó.

Như vậy, ranh giới giữa thế giới “hữu hình” và “vô hình” cũng chỉ là tương đối và có một vùng giao nhau, trong vùng đó sự phân biệt về hữu hình hay vô hình là không rõ rệt, không thật khẳng định và có thể thay đổi nếu như các giác quan của con người phát triển ở mức cao hơn, nhạy bén hơn, cũng như khi khoa học đạt đến trình độ cao nào đó để sáng tạo ra những dụng cụ, phương tiện giúp con người có thể nhận biết đươc thế giới xung quanh một cách rõ ràng hơn.

Người bình thường chúng ta có năm giác quan, nhưng ở một số người [các nhà ngoại cảm] thì có thể nhận biết thêm giác quan thứ sáu, thứ bảy gì đó nữa. Có người có khả năng “nhìn được” các vật ở rất xa tầm nhìn với đôi mắt thường [bà Barbara Brennan khi thực hiện bành trướng ý thức], hoặc nhìn thấy các vật khi bị các vật cản che khuất [trường hợp cô Hoàng Thị Thiêm có thể nhìn và đọc khi bị bịt mắt]. Chúng ta nói là họ có khả năng “thấu thị”. Ngoài ra, có những người có khả năng nghe được các âm thanh xa xôi từ đâu đó mà người bình thường không nghe được, chúng ta nói là họ có khả năng “thấu thính”. Có người lại có khả năng “ngửi thấy” mùi vị từ xa để biết được những sự kiện có liên quan [trường hợp cô Hoàng Thị Khuy], ta nói là họ có khả năng “thấu khứu”.

Một số nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt trong một điều kiện nào đấy có thể “nhìn thấy”, “nghe thấy” những hình ảnh, âm thanh từ trong “thế giới vô hình” để có thể giao tiếp hoặc đối thoại…

Như vậy, đối với một số người có khả năng đặc biệt thì “thế giới vô hình” cũng bớt “vô hình” hơn so với những người bình thường.

Khoa học ngày càng phát triển, với nhiều phát minh quan trọng cho phép con người có thể hiểu biết về thế giới xung quanh nhiều hơn, và do đó có nhiều cái từ “vô hình” đã trở thành “hữu hình”. Ngày nay, chúng ta đã quá quen thuộc với việc sử dụng các phương tiện truyền tin qua Phát thanh- Truyền hình, trao đổi thông tin giữa người này và người kia bằng điện thoại di động ở khoảng cách rất xa…, trong đó môi trường truyền tin là sóng điện từ. Nếu không có các phương trình Maxwell [được thiết lập cách đây trên 100 năm] và thực nghiệm sau đó của Hertz để chứng minh về sự tồn tại của một loại hình vật chất không thấy được, có thể lan truyền với tốc độ ánh sáng là sóng điện từ thì sự tồn tại của sóng điện từ vẫn còn nằm trong phạm trù vô hình. Chắc hẳn có một nhà khoa học nào đó từ thế kỷ XVIII sống lại vào thời đại chúng ta sẽ cảm thấy mọi chuyện xung quanh đang xảy ra thật là kỳ dị, bí ẩn.

Để giải thích một số hiện tượng về thiên văn, cách đây trên 70 năm, các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết có sự tồn tại của “vật chất tối”. Theo giả thiết, loại vật chất này chiếm một lượng lớn trong vũ trụ, có thể tới 90%, nhưng người ta không nhìn thấy, không nắm bắt được và cũng không quan sát được bằng các khí cụ khoa học. Vì thế, vật chất tối cũng chỉ là “vô hình” và người ta coi nó như là “bóng ma” của vũ trụ. Gần đây, các nhà thiên văn đã chứng kiến một sự kiện được gọi là Bullet Cluster, đó là sự đụng độ giữa hai thiên hà. Với cơ hội này, các nhà khoa học đã quan sát cho rằng có bằng chứng về sự tồn tại của “vật chất tối”. Như vậy, đã đến lúc mà “vật chất tối” đang dần dần sáng tỏ trong thế giới vô hình. Có những cái chúng ta chưa nắm bắt được thì nó là vô hình, và đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành hữu hình. Có thể nói, khoa học phát triển đến đâu thì ranh giới của thế giới vô hình lùi xa đến đó.

Mỗi con người có thể được coi là “tiểu vũ trụ”. Trong mỗi tiểu vũ trụ này cũng có phần là hữu hình và phần là vô hình. Những gì chúng ta đã thấy rõ thì là hữu hình, còn những gì chúng ta chỉ mới cảm nhận, hoặc phỏng đoán, hoặc suy luận dựa trên một số quan sát tiếp thì vẫn thuộc “vô hình”. Khi dùng một loại máy ảnh đặc biệt, trong một số điều kiện nào đấy người ta đã chụp được con người với những vùng “hào quang” xung quanh. Đó là những quầng sáng nhiều màu sắc bao bọc xung quanh cơ thể hoặc toả sáng phía trên đầu. Với phương tiện này người ta còn có thể quan sát về mối tương tác giữa các hào quang của những con người khác nhau khi tiếp xúc với nhau.

Mắt người bình thường không phát hiện được hào quang, nhưng một số người có khả năng đặc biệt có lúc có thể nhìn thấy. Như vậy, hào quang có thể được xem như nằm ở ranh giới giữa hữu hình và vô hình.
Một số quan sát về hào quang của những bệnh nhân ở phút cuối cuộc đời cho thấy lúc này hào quang tách dần khỏi cơ thể và thoát ra ngoài khi người bệnh đã ngưng thở…Như vậy, hào quang quan sát được
không phải là thứ ánh sáng phát ra từ vật chất, mà nó là một phần tồn tại cùng vật chất, là phần vô hình tồn tại song song với hữu hình.

Hào quang chứa đựng những thông tin gì, còn có năng lượng nào tồn tại song song nữa, nó có liên quan gì đến vật chất tối, năng lượng tối hay không…, cho đến nay con người chưa biết hết. Nhưng qua quan sát, đúc kết các trải nghiệm thực tế có thể giả thiết là có. Năng lượng siêu hình chứa đựng các thông tin…,vận động, chuyển hoá và có thể tác động qua lại trên thế giới hữu hình.

[TÀI LIỆU CHỈ ĐỂ THAM KHẢO]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*