VÌ SAO PHẢI CỐ CHẤP

Thật khó trả lời câu hỏi này, bởi vì hầu hết trong chúng ta thường rơi vào một trường hợp cố chấp như một thứ quán tính mà rất ít khi chịu cân nhắc, suy nghĩ xem vì sao phải làm như thế.

Khi có sự bất đồng ý kiến với ai đó, mục tiêu của chúng ta hầu như ngay lập tức được đặt ra là làm thế nào để thuyết phục người kia đồng ý với chúng ta, thay vì khách quan hơn là cân nhắc xem giữa hai ý kiến thì ý kiến nào là hợp lý hơn. Và khi cả hai bên đều có cách nghĩ cố chấp như nhau, chúng ta hiếm khi có được một cuộc tranh luận đúng nghĩa mà thường chỉ là dẫn đến một cuộc tranh cãi khó kết thúc.

Trong quan hệ gia đình, những cuộc tranh cãi như thế vẫn thường xảy ra nếu chúng ta không tỉnh táo nhận biết được nguyên nhân ngay từ đầu. Thậm chí, sự quen thuộc lẫn nhau nhiều khi thường làm cho chúng ta có khuynh hướng tự suy đoán và áp đặt những suy nghĩ không có thật cho vợ hoặc chồng mình, và vì thế khả năng lắng nghe để nhận ra sự thật hoặc lẽ phải trong những trường hợp đó là rất ít.

Cách giải quyết tốt nhất cho những tình huống tương tự trong quan hệ vợ chồng là đừng bao giờ nghĩ đến việc thuyết phục anh ấy hay cô ấy. Các bạn luôn có rất nhiều cơ hội sau đó để trở lại với vấn đề, nếu điều đó là cần thiết. Còn khi một trong hai người đã rơi vào khuynh hướng cố chấp thì mọi sự giải thích hoặc tranh luận chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn mà thôi. Điều bạn nên làm vào lúc này là hãy tỏ ra biết lắng nghe, ngay cả khi bạn biết chắc là chẳng có gì thực sự cần phải nghe cả. Thái độ thích đáng này của bạn sẽ làm lắng dịu vấn đề và cơ hội tốt hơn sau đó chắc chắn rồi sẽ đến.

Sự cố chấp không mang đến cho bạn bất cứ điều gì ngoài việc đe dọa hủy hoại mối quan hệ tốt đẹp của các bạn. Ở mức độ nhẹ nhất, nó làm hoang phí thời gian của bạn một cách vô ích, thay vì bạn có thể sử dụng thời gian ấy cho những mục đích tốt đẹp hơn để củng cố hạnh phúc gia đình.

Mỗi con người chúng ta là một thực thể duy nhất và nhìn cuộc sống theo những cách khác nhau. Chúng ta có những sở thích riêng, và giải thích sự việc cũng theo cách riêng của mỗi người. Chúng ta gần như luôn luôn có thể chỉ ra sai lầm trong cung cách suy nghĩ và ứng xử của người khác. Nói tóm lại, cách tiếp cận vấn đề của chúng ta dường như luôn luôn hợp lý và chính xác – tất nhiên là chỉ đối với chúng ta.

Khi hiểu được điều này, chúng ta sẵn sàng cởi mở hơn, biết lắng nghe ý kiến của người khác hơn, và do đó bớt cố chấp hơn.

Sự thật thì việc bất đồng ý kiến với nhau – nhất là trong quan hệ vợ chồng, khi mà các bạn phải va chạm hầu như về mọi khía cạnh của đời sống – là điều tất nhiên phải có. Chúng ta không cần thiết phải bực dọc, khó chịu với sự bất đồng ý kiến của vợ hoặc chồng mình. Tại sao bạn lại dễ dàng bực dọc khi cô ấy hay anh ấy bày tỏ một ý kiến khác hơn mình? Bạn có nhiều cách để xác định ý kiến nào sẽ là ý kiến chung của hai người, nếu điều đó là cần thiết. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, mỗi người vẫn có thể giữ quan điểm của mình mà không nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến người khác.

Loại bỏ hoặc hạn chế được sự cố chấp trong quan hệ vợ chồng, chắc chắn các bạn sẽ thấy cuộc sống thoải mái hơn cho chính mình cũng như cho người bạn đời của mình. Không phải bao giờ các bạn cũng cần thiết phải phí thời gian và sức lực để bảo vệ ý kiến của mình. Mỗi người đều có những khía cạnh tích cực cần được lắng nghe. Suy cho cùng, tại sao bạn lại không trân trọng ý kiến của người mà bạn yêu thương nhất? Và nếu thế, cơ may hòa hợp của các bạn sẽ là rất lớn thay vì là để cho sự cố chấp vô lý phá hỏng đi.

NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*