Một trong những thói quen của hầu hết chúng ta là muốn biết về tất cả mọi vấn đề, ngay cả những lúc không cần thiết. Vì thế, ngay khi nghe được một thông báo về điều gì, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là đặt những câu hỏi về vấn đề đó.
Trong quan hệ xã hội, điều này ít khi tạo thành vấn đề. Suy cho cùng, bạn cần biết càng nhiều càng tốt để có thể dễ dàng thích ứng với bất cứ thay đổi nào có thể xảy ra, và vì thế mà thừa vẫn hơn là thiếu. Nhưng trong quan hệ gia đình thì vấn đề có khác đi. Quá nhiều câu hỏi nhiều khi đồng nghĩa với một sự gia tăng căng thẳng không cần thiết.
Khi vợ hoặc chồng bạn thông báo một quyết định nào đó, nếu không cần thiết, tốt nhất là đừng đặt ra những câu hỏi. Chẳng hạn, cô ấy muốn đi thăm một người bạn cũ, hoặc anh ấy muốn mua thêm một cái cà-vạt mới… Nếu bạn đặt ra câu hỏi “tại sao” trong những trường hợp này, điều đó sẽ không cần thiết và chỉ tạo ra sự căng thẳng nhiều hơn cho quan hệ giữa hai người mà thôi. Cách tốt nhất là hãy bày tỏ sự cảm thông và tán thành, và bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng với một mối quan hệ tốt.
Dù sao đi nữa, các bạn cần thiết phải bày tỏ sự tôn trọng nhất định dành cho nhau, cần phải thừa nhận là anh ấy hay cô ấy đủ khôn ngoan và quyền tự do để quyết định những sự việc trong một giới hạn nhất định nào đó mà không có cảm giác là mọi thứ đều luôn phải thông qua bạn.
Khi bạn đặt câu hỏi về tất cả mọi chuyện, điều đó tạo ra cảm giác là bạn muốn kiểm soát mọi việc. Và vợ hoặc chồng bạn sẽ không cảm thấy thoải mái lắm trong một môi trường như thế. Điều tế nhị trong vấn đề này là, mỗi chúng ta đều có khuynh hướng muốn được tự do – tất nhiên là trong một giới hạn nào đó – và không ai muốn mọi quyết định của mình đều phải được giải thích cặn kẽ với người khác.
Tất nhiên là có một ranh giới khác biệt giữa những câu hỏi không cần thiết và những câu hỏi cần thiết. Khi một quyết định nào đó có liên quan đến cả gia đình hoặc có tầm quan trọng đáng kể, các bạn nhất thiết phải có sự bàn bạc thỏa đáng với nhau; và nếu một trong hai người đi đến quyết định nào đó thì cần thiết phải giải thích cặn kẽ với người kia về những lý do dẫn đến quyết định của mình. Nhưng vấn đề sẽ hoàn toàn khác biệt nếu đó là những quyết định có tính cách nhỏ nhặt hoặc có tính cách cá nhân, thuộc về sở thích riêng của mỗi người. Những quyết định loại này nên được tôn trọng và ủng hộ vô điều kiện, có nghĩa là không nên có những chất vấn không cần thiết.
Cuộc sống của chúng ta vốn đã có quá nhiều điều để quan tâm. Nếu các bạn không học biết cách chọn lọc từng sự việc, các bạn sẽ làm cho cuộc sống càng trở nên căng thẳng hơn một cách không cần thiết. Hơn thế nữa, việc đưa ra những câu hỏi không cần thiết sẽ tạo ra một cảm giác hoài nghi lẫn nhau, thiếu sự tôn trọng và tin cậy, trong khi chẳng mang lại ý nghĩa tích cực nào cả. Nếu bạn biết loại bỏ hoặc hạn chế những câu hỏi loại này, bạn sẽ làm cho bầu không khí trong gia đình trở nên thân mật hơn, có sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, và xét cho cùng lại chẳng có gì tai hại cả.
Cuối cùng, nếu các bạn hiểu và thực hiện được giải pháp này, các bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để nói với nhau những lời đáng nói, thay vì là thỉnh thoảng lại tranh cãi nhau về những chuyện không cần thiết. Điều này sẽ giúp cho quan hệ gia đình của các bạn bớt phần căng thẳng hơn và có điều kiện để phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.
NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH