Trong thuật xử thế, người xưa có dạy rằng: “Trước tiên hãy tự trách mình, sau mới trách đến người khác.”[3] Chúng tôi không nghĩ rằng lời dạy này đến nay đã quá xưa cũ hoặc không còn hợp thời nữa. Trong thực tế, nếu bạn biết vận dụng nguyên tắc này vào quan hệ vợ chồng, sẽ rất hiếm khi các bạn phải làm “to chuyện”.
Có đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn những điều “bất như ý” đã, đang và sẽ xảy ra dưới mái gia đình của các bạn. Phần lớn những chuyện như thế đều sẽ qua đi, nhưng một phần trong đó có thể sẽ tạo ra những thương tổn nhất định cho mối quan hệ vợ chồng. Nguyên tắc “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” sẽ là một bí quyết để giúp các bạn giải quyết được một cách tốt đẹp hầu hết các vấn đề, thậm chí là những vấn đề rất căng thẳng trong quan hệ vợ chồng.
Có bao nhiêu lần bạn nhận ra được phần sai lầm của mình trong một vụ bất hòa? Và có bao nhiêu lần bạn đủ dũng cảm để thừa nhận sai lầm đó? Nếu bạn cũng giống như đa số trong chúng ta, tôi e rằng câu trả lời hẳn là không tích cực lắm. Tuy nhiên, đây là một trong những điểm yếu của hầu hết chúng ta trong quan hệ gia đình. Bởi vì, những quyết định nhận lỗi luôn luôn là những quyết định khôn ngoan nhất trong bối cảnh gia đình. Và một thực tế dễ dàng nhận ra là hầu hết các vụ bất hòa đều có phần “đóng góp” của cả đôi bên.
Thường thì chúng ta luôn làm điều ngược lại. Nghĩa là chúng ta tìm cách chỉ ra sai lầm của vợ hoặc chồng mình. Cứ cho là bạn hoàn toàn đúng, những điều bạn nhận thấy và nói ra đều là sự thật và đều hợp lý. Tuy nhiên, thái độ ấy rất hiếm khi giải quyết được vấn đề. Bởi vì, ở phía bên kia, vợ hoặc chồng của bạn cũng nhận ra được những điều tương tự, và cũng là sự thật, cũng là hợp lý.
Khi bạn nhận ra được sự thật về sự “góp phần” của cả hai trong việc tạo ra bất hòa, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng giải pháp tốt nhất bao giờ cũng nằm về phía bạn. Điều đơn giản dễ hiểu là, khi cả hai đều cố tìm cách chỉ trích nhau, vấn đề chỉ có thể ngày càng tồi tệ hơn mà rất hiếm khi tiến triển theo hướng tốt đẹp. Giải pháp cho vấn đề chỉ có thể xuất hiện khi một trong hai người thừa nhận phần “đóng góp” của mình trong việc tạo ra bất hòa.
Khi một trong hai người nhận ra và công khai thừa nhận sai lầm của mình, thái độ này hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến thái độ tương tự của người kia. Và do đó, vấn đề sẽ không còn động lực để phát triển theo hướng xấu hơn được nữa.
Việc tự xét để nhận ra sai lầm của chính mình không phải là điều khó làm, nhưng để công khai thừa nhận những sai lầm ấy lại đòi hỏi bạn phải có một chút dũng khí cũng như sự sáng suốt. Tuy nhiên, hãy tin chúng tôi đi, thái độ nhận lỗi sẽ không bao giờ làm cho vợ hoặc chồng bạn coi thường bạn đâu, mà ngược lại nó sẽ được đánh giá cao cho dù bạn có mắc phải sai lầm như thế nào đi chăng nữa. Hơn thế nữa, bạn sẽ không bao giờ phải đơn độc trong việc này, bởi vì chắc chắn là vợ hoặc chồng của bạn rồi sẽ nhận ra vấn đề và sẽ có một hành động đáng trân trọng tương tự như vậy.
NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH