Không chỉ là một giải pháp tốt đẹp cho quan hệ vợ chồng, bạn còn có thể áp dụng điều này cho hầu hết những mối quan hệ giao tiếp khác. Vì thế, đây có thể xem như một trong những vũ khí hiệu quả giúp bạn chống lại những khó khăn phức tạp luôn đầy dẫy trong cuộc sống.
Cách nhìn này bắt nguồn từ một điều rất đơn giản nhưng thường là không mấy ai quan tâm đến. Đó là, trong bất cứ vấn đề gì, dù tệ hại đến đâu cũng đều hàm chứa ít nhất là một vài khía cạnh tích cực nhất định. Vì thế, nếu bạn biết khéo léo nhận ra, sẽ không chuyện gì có thể mang lại màu sắc bi quan cho cuộc sống của bạn được nữa. Và chính nhờ vào yếu tố này mà bạn sẽ tránh được những áp lực nặng nề có thể dễ dàng tạo ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ trong gia đình của bạn.
Có một câu chuyện minh họa rõ nét cho điều này đã trở thành câu tục ngữ “Tái ông thất mã”[2] của người Trung Hoa. Một ông già ở vùng biên ải có con ngựa đi lạc mất, ít lâu sau trở về. Mọi người đến chúc mừng, ông bảo chưa hẳn đã là điều may. Chỉ mấy hôm sau, con trai ông cưỡi con ngựa ấy và ngã gãy chân. Hàng xóm lại đến chia buồn, ông thản nhiên bảo họ rằng cũng chưa hẳn đã là điều rủi. Ít lâu sau chiến tranh nổi lên, trai tráng trong làng đều phải đi lính trận, nhà nào cũng có người chết. Con trai ông nhờ có tật ở chân mà khỏi đi lính, được yên ổn ở nhà.
Câu chuyện cho chúng ta thấy một điều là, trong cái rủi có thể hàm chứa cái may; và trong cái may có thể hàm chứa cái rủi. Trong ý nghĩa vấn đề mà chúng ta đang xét, điều này có thể được hiểu là: trong bất cứ chuyện gì, dù tồi tệ đến đâu cũng có thể hàm chứa những khía cạnh tích cực nào đó.
Quả thật, khi bạn nhìn nhận sự việc theo cách này, bạn sẽ thấy mọi việc đều có thể giảm bớt phần căng thẳng và chúng ta không cần thiết phải có thái độ bi quan lo lắng nhiều về sự việc.
Đừng hiểu lầm rằng đây là cách để chúng ta tự an ủi mỗi khi gặp việc không may, hoặc là để tránh né những vấn đề căng thẳng cần đối mặt giải quyết. Sự thật ở đây là, nhìn theo khía cạnh tích cực của vấn đề sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh và sự bình tĩnh, sáng suốt để đối phó với sự việc. Ngược lại, nếu chỉ nhìn theo những khía cạnh tồi tệ của vấn đề, chúng ta sẽ chỉ làm cho sự việc tồi tệ hơn nữa mà thôi!
Khía cạnh tích cực của mỗi vấn đề là điều có thật. Và thậm chí nếu như không có nó, bạn cũng cần thiết phải tạo ra nó, bởi vì đó là điều tốt nhất mà bạn có thể làm được ngay khi rơi vào một tình huống xấu. Một ngày nào đó bạn bị mất việc chẳng hạn. Thật tồi tệ biết bao, nhất là khi bạn vẫn còn cả một danh sách dài những khoản chi tiêu gia đình chưa thanh toán. Tài chánh sẽ rất khó khăn. Để đối phó cụ thể với vấn đề, điều tất nhiên là bạn phải nhanh chóng đi tìm một việc làm khác. Nhưng sự việc sẽ càng tồi tệ hơn nếu bạn để mình rơi vào tâm trạng thất vọng ê chề và thậm chí mang cả bộ mặt đưa đám đến gặp những ông chủ mới. Cách tốt nhất để loại bỏ điều này là hãy nghĩ đến một khía cạnh tích cực nào đó của vấn đề. Có gì tích cực trong việc bị mất việc và phải đi tìm việc khác? Có đấy! Biết đâu đây sẽ là cơ hội đưa đẩy bạn đến một công việc khác tốt đẹp hơn, thu nhập khá hơn? Vì nếu không có nó tất nhiên là bạn vẫn luôn an phận với công việc sẵn có. Cách nghĩ này có thể chẳng làm cho thực chất vấn đề thay đổi gì cả, nhưng chắc chắn nó giúp thay đổi tâm trạng của bạn theo hướng tốt hơn, và do đó cũng giúp bạn sáng suốt, bình tĩnh hơn, và điều đó dẫn đến nhiều khả năng giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp hơn.
Với những va chạm không mong muốn trong quan hệ vợ chồng, đây cũng là một giải pháp tích cực quan trọng. Cô ấy có thể nặng lời với bạn vì đã đi chơi với bạn bè về quá khuya. Điều này có vẻ như không thể chấp nhận được! Nhưng hãy nghĩ lại mà xem, phải chăng những lời nặng nề ấy vốn cũng xuất phát từ sự quan tâm lo lắng cho nhau? Phải chăng cách cô ấy nói ra có thể là cần thay đổi, nhưng bản chất vấn đề lại rất đáng trân trọng?
Khi một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gia đình, điều tất nhiên là bạn phải đối mặt giải quyết nó theo cách tốt nhất mà không nên phớt lờ hay tránh né. Biết nhìn theo khía cạnh tích cực của vấn đề thực sự là một giải pháp tích cực có thể giúp bạn đối mặt với vấn đề theo cách tốt hơn. Điều thú vị ở đây là, khi bạn đã tập thành thói quen nhìn vấn đề theo khía cạnh tích cực, bạn sẽ nhanh chóng trở thành một người lạc quan yêu đời, và sẽ nhận ra một sự thật là rất hiếm có sự việc khó khăn trở ngại nào có thể làm cho bạn phải nản lòng thối chí.
NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH