Nếu như những hờn giận vu vơ khi người ta yêu nhau vẫn thường được thi vị hóa như là những “gia vị” cần thiết để tạo thêm “hương vị” cho tình yêu, thì trong quan hệ vợ chồng điều này có lẽ cần được xem xét lại.
Tình yêu trưởng thành trong cuộc sống chung kèm theo những trách nhiệm nặng nề trong việc xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái có nhiều khác biệt so với tình yêu thơ mộng của “thuở ban đầu”. Vì thế, nó cần thiết phải được nuôi dưỡng bằng những chất liệu khác hơn.
Cuộc sống độc lập của một gia đình với những nhu cầu mới đòi hỏi nỗ lực từ cả hai người. Các bạn cần có những nguồn động viên thiết thực dành cho nhau hơn là những quãng thời gian hờn giận. Vì thế, sự hờn giận chẳng còn gì là “thơ mộng” nữa, mà nó trở thành một nhân tố tiêu cực, ít nhiều tạo ra những ảnh hưởng không tốt trong quan hệ vợ chồng.
Điều tốt nhất trong quan hệ vợ chồng là mọi thứ nên được diễn đạt cụ thể bằng lời nói. Trao đổi thẳng thắn với nhau giúp các bạn tránh được rất nhiều những hiểu lầm không đáng có, đồng thời cũng giúp các bạn ngày càng hiểu rõ về nhau hơn. Đây là điều kiện tiên quyết để củng cố một tình yêu bền vững, bởi vì nó giúp xóa bỏ những cách biệt cũng như hoàn thiện mối quan hệ trong bối cảnh thực tế của cuộc sống chung.
Tất nhiên là các bạn cũng sẽ có không ít những “lý do chính đáng” để giận nhau. “Anh ấy lẽ ra không nên như thế.” “Tại sao cô ấy lại làm như vậy chứ?”… Chúng tôi không phủ nhận việc các bạn có thể là có lý khi hờn giận vợ hoặc chồng mình. Vấn đề bạn nên biết ở đây là, sự giận hờn không bao giờ là có lợi trong quan hệ vợ chồng.
Với tính chất trưởng thành của mối quan hệ vợ chồng, những lần giận hờn thường rất hiếm khi qua đi mà không để lại ít nhiều ấn tượng không tốt. Vì thế, càng nhiều giận hờn thì tình yêu của các bạn càng có nhiều nguy cơ bị thương tổn. Những điều ấy thường là khó thấy được một cách cụ thể, nhưng đó là những tác động tâm lý có thật mà bạn có thể dễ dàng nhận ra bằng việc quan sát những suy nghĩ tình cảm của chính mình.
Khi một sự việc nào đó xảy ra mà bạn cảm thấy là “đáng giận”, hãy thử một lần biết kiềm chế và thảo luận vấn đề một cách thẳng thắn với anh ấy hay cô ấy. Một trong những khả năng tốt nhất có thể có là các bạn sẽ giải tỏa được một sự hiểu lầm. Ở mức độ xấu hơn, một trong hai người sẽ nhận ra được sai lầm nào đó và nhận lỗi để sửa sai. Trong trường hợp này, các bạn đã giúp cho nhau hoàn thiện vấn đề, và do đó có nhiều khả năng sẽ không vấp phải sai lầm ấy một lần nữa.
Thử hình dung nếu sự việc không diễn ra theo cách như trên. Bạn sẽ bắt đầu có những hành vi, thái độ nhất định để bày tỏ sự hờn giận của mình. Thật không may là những điều ấy ít khi nói lên được gì nhiều ngoài việc báo cho anh ấy (hoặc cô ấy) biết là bạn đang giận. Có thể là anh ấy (hoặc cô ấy) sẽ cố quan tâm tìm hiểu xem bạn đang hờn giận về chuyện gì và tìm cách để giải tỏa cơn giận của bạn. Nhưng có nhiều khả năng hơn là anh ấy (hoặc cô ấy) còn có những việc khác để làm và không thể quan tâm nhiều như bạn mong muốn. Điều đó nuôi dưỡng cơn giận của bạn càng lớn thêm. Tiếp đó, thái độ giận hờn của bạn, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc của cả hai người, sẽ dễ dàng trở thành nguyên nhân làm phát khởi một cơn giận ở anh ấy (hoặc cô ấy). Và một tiến trình tồi tệ gây nhiều thương tổn cho tình yêu của các bạn được khởi đầu.
Trong hầu hết các trường hợp, những điều “đáng giận” bao giờ cũng cần phải được nói ra. Bởi vì đó là cách duy nhất để các bạn có thể hiểu đúng về nhau. Không có sai lầm nào là không thể sửa chữa, và do đó mà không có chuyện “đáng giận” nào thực sự là đáng giận cả.
Tục ngữ có câu: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Phát biểu nôm na, giản dị này thực sự là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh mà chúng ta đang bàn đến. Bạn không thể hiểu đúng sự việc một cách khôn ngoan nếu bạn để cho cơn giận chi phối. Và kết quả cuối cùng tất nhiên là một sự thương tổn cho tình yêu của các bạn. Một thực tế cần lưu ý là, trong rất nhiều trường hợp, cho dù sau đó cuối cùng rồi các bạn cũng cùng nhau giải quyết được vấn đề – nếu không phải một trường hợp ly hôn thì tất nhiên là như thế –, nhưng những thương tổn sau mỗi một lần giận hờn có vẻ như rất hiếm khi hoàn toàn được xóa sạch. Với một cuộc sống chung đến “đầu bạc răng long” thì sự tích lũy lâu ngày của những nhân tố xấu này quả thật là điều rất đáng lo ngại.
Để đảm bảo nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, bạn cần có khả năng giải tỏa những cơn giận. Bạn không nên làm điều đó một mình, chẳng hạn bằng cách cố im lặng để cho qua đi sự việc. Điều đó sẽ tạo nên một sự ức chế tâm lý mà lâu ngày có thể làm thay đổi cả tình cảm của bạn. Vì thế, bạn nên chia sẻ những gì không hài lòng với anh ấy (hoặc cô ấy). Bằng vào tình yêu mà các bạn dành cho nhau, cùng với tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng một gia đình đình chung, sẽ không có chuyện gì là căng thẳng đến mức có thể làm cho các bạn phải giận nhau.
Một số người tin rằng hờn giận là cách duy nhất để họ bày tỏ sự phản đối và qua đó điều chỉnh hành vi, thái độ của vợ hoặc chồng mình. Cách nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, bởi vì như đã nói, các bạn còn có cách tốt hơn để làm được điều đó. Xóa bỏ hoặc hạn chế sự giận hờn là một quyết định quan trọng chắc chắn sẽ giúp các bạn duy trì tình yêu trong quan hệ vợ chồng.
Mặt khác, những cuộc “chiến tranh lạnh” trong gia đình không bao giờ là tốt đẹp cho việc giáo dục con cái, ngay cả khi bạn có thể nghĩ là chúng còn quá nhỏ để hiểu biết mọi việc. Trẻ con rất nhạy cảm, và bằng trực giác chúng nhanh chóng hiểu được cũng như chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những sắc thái tình cảm tiêu cực trong gia đình.
Sự giận hờn rõ ràng không phải là phương cách tốt để các bạn đạt được điều mình mong muốn, và bạn phải trả giá đắt khi cân nhắc đến những thương tổn dài lâu cho mối quan hệ vợ chồng.
NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH