MUỐN THÀNH CÔNG, HÃY HỌC TỪ NHỮNG CÁI SAI HƠN LÀ CÁI ĐÚNG?

“ Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra một trăm cách làm sai thôi.”

– Benjamin Franklin

Tôi còn nhớ rất kỹ về một câu chuyện khi mà tôi đang còn là một cậu học sinh cấp ba. Khi đó chúng tôi phải học vô số những câu trắc nghiệm nhằm giải những đề thi Đại Học. Chúng tôi là những kẻ mà chỉ biết chăm chú học những cái đúng để nhằm khi gặp những bài tương tự thì sẽ tìm ra được đáp án ngay. Nhưng có một lần thầy của tôi nói với chúng tôi rằng: “Mấy đứa đừng cố gắng học những cái đúng, mà hãy học cả những cái sai, bởi vì trong một câu trắc nghiệm thì có ba đáp sai và chỉ có duy nhất một đáp án đúng. Dù sao thì những cái sai vẫn nhiều hơn cái đúng.”

Từ đó tôi nhận thấy lời của thầy giáo đúng trong rất nhiều trường hợp. Tôi học cả những cái sai và từ những cái sai đó tôi có thể tìm ra được cái đúng và tôi còn biết vận dụng những cái sai để tôi không mắc phải những cái sai tương tự.

Ngẫm ra ngoài cuộc sống, tôi thấy rằng chính bản thân chúng ta nhiều khi cần học cả những cái sai mà những người thành công đã gặp phải thay vì cứ mãi đi học theo những cái đúng của những người thành công.

Tôi biết có nhiều bạn sinh viên hay học sinh bỏ ra những khoản tiền lớn và thời gian để đi học những khóa học kỹ năng hay khóa học làm giàu. Nếu đứng từ phương diện của một người học thì việc tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ năng thì đó là điều tốt. Nhưng tôi thấy rằng, hầu như các bạn sẽ cữ mãi chăm chăm học những cái đúng, cách người ta thành công mà không biết rằng cái điều mình cần học chính là từ những điều sai, thất bại mà những người thành công gặp phải. Các bạn không hề biết rằng, không hề có một công thức nào thành công hay làm giàu có thể đúng cho tất cả mọi người. Nó có thể đúng cho một người hoặc một nhóm người nhất định thôi.

Khi tôi đọc những cuốn sách về làm giàu hay kỹ năng, tôi đã được cha tôi dạy rằng: “Vào những thời điểm nào đó trong cuộc sống thì những công thức của những người thành công sẽ đúng, chứ không phải những công thức đó luôn luôn đúng. Con phải biết rằng mình mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào để mà vận dụng những điều đó cho phù hợp với cuộc sống của con.”

Và bạn nên hiểu rằng, thành công không phải phụ thuộc vào việc bạn làm đúng 100% theo những công thức mà bạn phải vận dụng nó phù hợp với thời điểm, thời cuộc trong cuộc sống của bạn.
Điều bạn nên làm là gì?

Hãy học cả những điều sai, những thất bại mà những người thành công đã gặp phải. Thì lúc đó bạn có một lượng kiến thức, một lượng kỹ năng vừa đủ để không gặp phải, để chống chọi với những thất bại mà bạn có thể gặp trong cuộc sống. Về cơ bản, những con đường đến thành công của những doanh nhân, diễn giả hay nhà khoa học có thể rất nhiều nét khác biệt nhưng có một điều mà rất giống nhau đó chính là những thất bại trên con đường dẫn tới thành công. Hãy học hỏi từ những thất bại đó.

Từng nghe về việc nhà bác học người Mỹ Thomas Edison đã phải trải qua 2000 thí nghiệm để chế tạo thành công bóng đèn sợi đốt. Hai anh em nhà Wright, những người đã chế tạo nên chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử lòai người đã trải qua hàng trăm lần thất bại cho đến khi lần đầu bay chỉ trong 12 giây, kéo dài 36,5 (m). Bạn thấy không? Thành công không phải là những gì chúng ta làm sẽ đúng. Mà thành công là một chặng đường mà trong đó có vô vàn những khó khăn, những sai sót và kể cả những thất bại có thể khiến chúng ta bỏ cuộc.

Sẽ thế nào nếu Edison hay anh em nhà Wright bỏ cuộc từ ngay lần thí nghiệm đầu tiên. Chúng ta sẽ chẳng có những chiếc bóng đèn ngày nay hay là bạn chẳng biết thế nào có thể bay lên cao như những chú chim được. Có một điều mà bạn cần biết rằng: “Thất bại thật sự chính là khi bạn bỏ cuộc.”

Vậy nên theo tôi, bạn cũng đừng nghĩ rằng mình đọc sách, nghe diễn giả nói và thực hiện đúng 100% những điều trong đó thì rồi bạn sẽ thành công mà quan trọng là bạn học được những gì sai sót từ những điều đó. Rồi từ đó bạn rút ra những bài học cho bản thân mình, vận dụng để không mắc những sai sót hay thất bại.

Nếu bạn không phải là vĩ nhân, không phải là những xuất chúng thì có hai cách bạn đạt được những thành công nhất định, đó là học cách mà những người thành công đã thực hiện và học cách những người thành công đã sai sót hay thất bại.

Lời cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ:

“Cuộc sống của bạn không đủ dài, cũng không đủ thời gian để bạn trải nghiệm hết những thất bại, khó khăn của người thành công thì bạn hãy học từ những thất bại của họ. Bởi vì dù sao đi nữa nếu bạn học từ thành công thì bạn chỉ biết thành công. Nhưng nếu bạn học từ thất bại mà bạn thành công thì bạn biết cả thất bại lẫn thành công.”

Quang Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*