Một trong những vấn đề tất yếu sẽ phát sinh giữa hai vợ chồng sau một thời gian chung sống là việc nhận ra những khoảng cách trong sự kết hợp giữa hai người. Cho dù bạn có may mắn đến đâu đi chăng nữa thì cũng rất hiếm khi có thể tránh được điều này.
Những khoảng cách được đề cập ở đây bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, nhưng tất nhiên là trong đó sẽ có những vấn đề nổi cộm lên hơn hẳn những vấn đề khác. Ngoài ra, những sự khác biệt về tư tưởng, tập quán, tôn giáo… cũng đều có thể tạo ra khoảng cách. Sự chênh lệch về trình độ tri thức, năng lực… có thể không là điều đáng quan tâm khi các bạn đến với nhau thuở ban đầu, nhưng lại là một thực tế vẫn tồn tại đó cho đến khi bạn nhận ra chúng trong cuộc sống chung.
Vấn đề của những khoảng cách là chúng tạo ra cảm giác không thoải mái khi một trong hai người cảm thấy mình thua kém. Và nếu mặc cảm đó không sớm được hóa giải đi một cách khéo léo, nó có thể trở thành một trong những nguyên nhân làm suy giảm hạnh phúc gia đình.
Thái độ khôn ngoan đối với những khoảng cách giữa hai người là sự đối mặt không tránh né để xóa bỏ chúng đi. Để đạt được điều đó, đòi hỏi ở mỗi người đều phải có sự cảm thông và chân thành chia sẻ. Chẳng hạn, nếu bạn có một trình độ tri thức vượt xa hơn người bạn đời của mình, bạn cần khéo léo bày tỏ bằng cả lời nói và việc làm để anh ấy hoặc cô ấy biết rằng đó không thể là nguyên nhân dẫn đến sự ngăn cách giữa hai người.
Việc xóa bỏ những khoảng cách khi yêu nhau có vẻ như là một vấn đề không cần thiết, vì rất ít khi các bạn quan tâm đến điều ấy trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trong cuộc sống vợ chồng thì điều này đặc biệt đóng vai trò rất quan trọng. Bất kỳ một mặc cảm chênh lệch nào không sớm được giải tỏa đều có thể sẽ âm ỉ tồn tại để rồi ít nhiều làm tổn thương đến sự gắn bó của hai người.
Tự thân mỗi người cần phải thành thật xóa bỏ đi ý tưởng “vượt trội” hơn người kia về một khía cạnh nào đó. Khi kết hợp với nhau trong cuộc sống vợ chồng, các bạn đã là một phần của nhau. Trình độ, năng lực hay bất cứ khía cạnh vượt trội nào của một trong hai người cần phải được xem là niềm tự hào chung cho cả hai. Bạn đã tiếp nhận anh ấy hoặc cô ấy như một “phần thứ hai” của chính bản thân mình, vì thế mà không có lý do gì để nảy sinh cảm giác cao ngạo về một khía cạnh vượt trội của mình, càng không thể nảy sinh mặc cảm vì một sự thua kém về một khía cạnh nào đó.
Đây là một vấn đề khá tế nhị rất ít khi được sớm nhận ra, nhưng là một vấn đề hoàn toàn có thật và phổ biến trong hầu hết các quan hệ hôn nhân. Và đây có thể là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khi nó trở thành nguyên nhân gây ra những vấn đề khác. Nhưng điều may mắn là nó lại rất dễ giải quyết. Khi bạn thừa nhận nó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những khoảng cách nào đang hiện hữu giữa hai người. Và chỉ cần cả hai đều nhận thức đúng thì vấn đề tự nó xem như đã được giải quyết.
Nhiều người rất ngại đặt ra vấn đề này, nhưng họ không biết rằng dù có công khai bày tỏ hay không thì vấn đề vẫn là có thật. Dù bạn có cố tình phớt lờ đi thì rồi một ngày nào đó bạn vẫn phải thừa nhận sự thật. Tuy nhiên, việc thừa nhận muộn màng khi đã có điều gì đó xảy ra sẽ không mang lại cho bạn kết quả tốt đẹp như việc giải quyết vấn đề ngay từ đầu. Nói cho cùng, nếu bạn biết đó là việc không thể né tránh, tại sao không làm ngay hôm nay để có thể ngăn chặn được biết bao điều đáng tiếc về sau?
NGUYỄN MINH TIẾN DỊCH