THIỀN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TÂM.

Nếu Quý bạn đọc đã đọc cuốn “Thiền và những lợi ích thiết thực”, hẳn độc giả đã biết, việc thiền tập ngoài mục đính chính là Giác Ngộ giải thoát, còn có một lợi ích thiết thực khác là cải tiến sức khỏe.

Trong bài này, tôi muốn chia sẻ với quý vị “Thiền sức khỏe”. Lý do là, vì nếu nói đến khái niệm Giác ngộ và Giải thoát thì đối với nhận thức của đa số quần chúng vẫn còn quá cao. Con người, trước mắt vẫn cần phải đối diện với sự thiếu ăn thiếu mặc và bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh trầm cảm (depression).

Tại Âu châu có đến 40% dân chúng bị bệnh nầy, ở Việt Nam không kém (Báo Tuổi trẻ, 30.6.2013). Theo bác sĩ Herbert Benson, có từ 60-90% bệnh do căng thẳng (stress)* mà ra. Qua nghiên cứu, ông thấy, Thiền tập có khả năng làm giảm căng thẳng, cho nên nó có thể được áp dụng trong việc điều trị bệnh tật.

Nhưng để tiến trình điều trị bằng thiền được tốt đẹp và thành công, thì yếu tố cần và không thể thiếu là: người hành Thiền phải định được Tâm. Nếu tâm không định thì không có kết quả. Đó là trọng tâm của bài nầy.

Trước lúc bàn về PHÁP ĐỊNH TÂM, chúng ta nên biết khái lược vài loại thiền đang hiện hành trong và ngoài đất nước Việt Nam, để chọn cho mình một pháp môn Thiền tốt đẹp để thực tập mà không bị tẩu hỏa nhập ma.

1. Thiền khai mở luân xa:
Hành giả được hướng dẫn, tưởng tượng một làn sóng chạy từ rún lên đầu, vòng ra sau lưng rồi lại về rún, lên đầu. Lúc được hỏi tại sao Thiền chữa được bệnh? Người hướng dẫn trả lời, người ngồi thiền lấy năng lượng của vũ trụ để chữa bệnh. Đây là câu trả lời theo ý nghĩ riêng, không có cơ sở khoa học. Vì lấy năng lượng như thế nào, lấy nhiều ít, có chứng cớ khoa học không?

2. Thiền xuất hồn:
Mở những điểm huyệt, phóng linh hồn đi học đạo với những bậc thầy mà mình chưa hề biết chưa hề gặp. Nên dễ tin những điều huyễn hoặc. Người ấy dạy gì tin theo cái đó. Rất nguy hiểm.

3. Thiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần:
Người tu tưởng tượng đem tinh lên đầu để luyện thành thần khí. Đây là thiền của những người tu tiên.

4. Thiền nhân điện:
Nhiều năm trước, một số người Việt Nam theo Thiền nhân điện vì được đồn đãi những chuyện rất “hấp dẫn” như chữa lành tất cả các loại bệnh, trồng cây không cần tưới nước nó cũng mọc tươi tốt. Đàn ông có thể mang thai. Ngay cả có thể ngăn chặn không cho động đất xẩy ra v.v.. Nhưng dưới ánh sáng khoa học, những người có óc đầy tưởng tượng đến độ hoang đường “tự ngôn chứng thánh” như thế, sẽ không còn được ai tin tưởng nữa. (Theo An Ninh Thủ Đô, 22.10.2011).

5. Thiền Yoga:
Thiền Yoga chủ đích làm cho thân thể khỏe mạnh. Hiện có nhiều trung tâm dạy Yoga tại Việt Nam. Mỗi ngày tập 2 giờ, tuần 5 ngày. Phí tổn khoảng 500 ngàn đồng mỗi tháng, tùy theo địa phương.

Hiện nay tại Việt Nam, phỏng đoán, có hằng chục trung tâm thiền đủ loại như trên. Ngoại trừ Thiền Yoga, có những mối liên hệ với Thiền của Phật giáo, bốn loại thiền còn lại như đã đề cập trên, không phải là Thiền Phật giáo mang tính khoa học.

Cho nên, người thực tập thiền, nếu không chọn một loại Thiền được phát xuất từ đấng Giác ngộ hoặc được soi rọi qua ánh sáng khoa học thì, đôi lúc sẽ gặp những điều hết sức bất cập.

Mặt khác, Thiền Phật giáo cũng có nhiều loại khác biệt, giữa Nguyên Thuỷ và Đại chúng bộ, và nhiều trường phái khác nhau trong các quốc độ và các Tổ sư thiền.

Nguyên thuỷ có:

– Thiền Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp). Bạn đọc nào muốn đọc bản tiếng Anh xin xem thêm bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh Sutra of the Four Establishments of Mindfulness hay bản Việt Dịch của HT.Thiện Siêu, và tập sách nhỏ hướng dẫn thực tập Thiền Tứ niệm xứ của Thầy Trí Siêu (Mỹ).

– Thiền Minh Sát tuệ (Vipassana, Pali, dùng trí tuệ để thấy rõ vạn pháp. Bắt đầu bằng pháp quán hơi thở để định tâm).

Đại Chúng bộ có các loại thiền như:

Zen Meditation: truyền bá rộng rãi qua Tây phương từ Nhật, nhất là nhờ Đại Sư Suzuki qua cuốn Thiền Luận, phần lớn nghiêng về triết lý, ít mô tả phương pháp hành trì (!). Hai phái Thiền Nhật Bổn trong « 5 phái Thiền Đại Thừa được nhắc nhiều nhất là Lâm Tế (LinChi & Rinzai) và Tào Động (Ts’ao-tung, TQ & Soto, Nhật). Các hành giả Tào Động thường thực tập bằng các Diện Bích (nhìn vào Tường). Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma ‘Cửu niên diện bích’ và tác phẩm Bích Nham Lục. Phái Lâm Tế thì « cực đoan » hơn. Các Thiền Sư nhiều khi dùng gậy dùng hèo đệ tử có thể loạn tâm. Cách hành thiền này trong lịch sử cũng được gọi là Thiền Công Án (Koan, Kung An C).

– Lục diệu pháp môn: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh.

– Không, Giả, Trung: vạn pháp không thực có nên gọi là không, tạm bợ gọi là giả. Người thấy được Không và Giả hòa hợp với nhau gọi là Trung.

– Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền. Phần lớn chỉ ghi lại trong các Lục như Bích Nham Lục, Vô Môn Quan nhưng không có phương pháp nào được ghi chép lại để hành giả thực tập.

Danh sách các loại hình thiền tập còn dài. Tôi chỉ liệt kê vài loại như thế, để quý độc giả biết tên của chúng trong cả rừng Thiền (Thiền Lâm).

Các loại hình thiền của Phật Giáo, tôi tâm đắc để chia sẻ với quý vị, là Thiền Sức Khỏe (meditation for health), chứ không phải Thiền Giác Ngộ (meditation for enlightenment).

Nhiều thập niên qua, y giới và khoa học gia Phương tây tìm thấy Thiền Phật giáo có khả năng chữa trị bệnh tật, như quý độc giả đã thấy hai bài trong tập sách mỏng “Thiền và những lợi ích thiết thực”. Muốn có kết quả chữa trị bệnh tật, người hành thiền phải định được tâm.

PHÁP ĐỊNH TÂM (One Pointed Meditation- Shamatha, Pali)

Các giai đoạn:

1. Chuẩn bị: Nên ngồi trên gối mềm để chân khỏi tê và dễ ngồi thế bán già (gác một chân lên bắp vế chân kia), hoặc kiết già (hai chân gác tréo lên nhau). Có thể ngồi trên ghế hay trên bậc cấp.

2. Ngồi thẳng lưng, lưỡi để chạm nhẹ vào hàm răng trên, bên trong. Tay phải chồng lên tay trái, để gần rún hoặc hai tay bắt ấn Tam muội và để trên đầu gối. Mắt nhắm nhẹ nhàng (không quá chặt).

3. Tập trung chú ý: Thiền là sự tập trung «tâm» vào một điểm mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Nếu thiền giả không tập trung được ý tưởng, nghĩa là không định được tâm thì không có kết quả.

Cách định tâm dễ nhất và có kết quả nhất là Thiền thở (the Breathing Meditation). Thiền gia gọi là «Quán sổ tức» (Counting the Breath). Thiền Thở là tập trung chú ý hơi thở ra vào. Bắt đầu hít vào thật sâu (bằng mũi) để buồng phổi căng lên. Kế tiếp, thở ra (bằng miệng) cho hết lượng không khí trong phổi. Hít vào, thở ra như vậy ba lần. Sau đó, hít vào, thở ra (bằng mũi) bình thường, nhưng tâm trí phải dỏi theo sự hít vào và thở ra mà không suy nghĩ một vấn đề nào khác, rồi bắt đầu đếm 1. Hít vào, thở ra, đếm 2. Hít vào thở ra, đếm 3. Cứ hít thở như thế và tiếp tục đếm 4, 5. Rồi đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5. Có thể đếm đến 10, rồi trở về 1 [Chú ý, không nên đếm quá 10 và ít hơn 5, vì khó tập trung tâm].

Tại sao phải dỏi theo hơi thở? Vì, tâm và thân của chúng ta không hợp nhất với nhau. Tâm thường dong ruổi lang thang với những thứ không ích lợi như tham lam, sân hận, lo âu, sợ hải, buồn phiền…Tâm cảnh nầy sẽ đưa con người đến tình trạng căng thẳng. Mà căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính sinh ra bệnh tật.

Lúc dỏi theo sự hít vào và thở ra, tâm ta sẽ lắng dịu, an lạc, vui vẻ. Các chất hormones không có cơ hội sinh ra, và bệnh tật được thuyên giảm. Thiền thở (quán sổ tức) là một trong những cách dễ nhất để định tâm mà Đức Phật đã chỉ dạy trong kinh “Quán Niệm Hơi Thở” [Anapanasati sutta]. Hầu hết chư Tôn đức Tăng Ni khuyên theo pháp Quán Sổ Tức. BS Andrew Weil (Đại học Arizona, Mỹ), một trong những người đã thí nghiệm và cũng đề nghị sử dụng pháp Thiền Thở để định tâm.

Sau khi tâm được an định, hành giả không cần đếm mà tập trung tâm theo hơi thở vào hơi thở ra (gọi là tùy tức, (Following the Breath). Hoặc tập trung tâm vào một điểm giữa hai chân mày, trên chóp mũi, trên đỉnh đầu hoặc một hình tượng, một màu sắc (như trắng, đen) v.v.. Nếu thiền đúng cách và định được tâm thì chúng ta sẽ nhận biết nhịp đập của tim giảm xuống, và cảm nhận được sự an lạc ngay lập tức. Nếu định được tâm liên tục trên 25 phút, chúng ta sẽ cảm nhận một làn “sóng” chạy nhẹ nhàng trong cơ thể. Và con người cảm thấy rất an lạc hạnh phúc ngay trong giờ phút ngồi thiền.

Những người tu Tịnh độ (Thiền Tịnh độ) phần lớn truyền qua Tây phương từ Nhật Tào Động (Jodo-shin) hay theo các đạo tràng Pháp Hoa, có thể định tâm bằng cách niệm danh hiệu Phật, niệm Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, hay tụng kinh Pháp Hoa. Nếu hành giả định được tâm thì Thiền, Tịnh, Mật và Pháp Hoa Tông… đều có khả năng chữa trị bệnh tật.

Cụ thể, người tu Tịnh Độ, hít vào không niệm, thở ra niệm “A Di Đà Phật”. Đạo tràng Pháp Hoa: Hít vào không niệm, thở ra niệm “Diệu Pháp Liên Hoa” hoặc niệm danh hiệu Phật.

Đức Phật giáng trần để cứu độ cho tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ dành riêng cho người phật tử. Do đó tín đồ các tôn giáo khác cũng có thể ngồi thiền để chữa bệnh, vì Thiền không mang tính tôn giáo. Và dĩ nhiên là không bao giờ có trường hợp bị cải đạo. Người Thiên Chúa Giáo lần chuổi Mân côi, là một trong các cách để định tâm.

Một ngày có 24 giờ mà hành giả chỉ ngồi thiền được khoảng 1 giờ, 23 giờ còn lại thì như thế nào? Đáp: An vui thì khỏe mạnh, ưu phiền sẽ ốm đau. Có lẻ đây là câu trả lời ngắn mà đúng nhất. Lúc nào có niềm an lạc, tâm không tham sân si… thì đó là thiền, là sức khỏe.

4. Xả Thiền: Hai bàn tay xoa vào nhau khoảng 4, 5 lần. Dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa vuốt nhẹ xung quanh vành mắt. Sau đó, hai bàn tay xoa nhẹ lên mặt. Kế, xoa lại hai bàn tay, rồi thoa lên lưng (quần), lên chân để chống đau lưng và tê chân, nếu có.

Mỗi ngày ngồi thiền hai lần, mỗi lần khoảng 20 phút, chúng ta sẽ tránh được nhiều bệnh tật.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*