– Cha phí phạm nước quá, cha tưới rau đã uổng nước, lại còn tưới cả cỏ dại…
– Hihi, con hãy tới gần để nhìn xem. Nó cũng có hoa đẹp, ong bướm cũng thích mật của nó. Đây là quả và hạt, kia là cây con cây mẹ như một gia đình. Chúng cũng tha thiết sống và duy trì nòi giống, tuy chỉ là cỏ dại. Con hãy tới gần mà xem, các loại cỏ dại khác nhau dùng bộ rễ của chúng giữ nước, dùng lá rụng giữ ẩm, chúng biết đoàn kết và chia xẻ với nhau để cùng tồn tại. Khi cầm vòi tưới, cha nghe thấy chúng cầu xin nước tha thiết như thế nào….
– Nhưng hoa của chúng bé xíu, mà cũng chẳng phải loại ăn được. Nếu mình để dành số nước đó tưới các cây ăn trái thì sẽ có nhiều trái ngọt hơn?
– Này con, mỗi thứ trong cuộc đời này đều tồn tại có mục đích và giá trị riêng của nó, chúng ta không thể kết luận là thứ nào quý hơn. Đúng là cây xoài sẽ cho trái nhiều hơn, nhưng con có nhớ lần đó, con sốt và ho khan cổ, cha lại không có tiền mang con đi bác sỹ. Chính những cây Cỏ Mực này đã giúp con hết ho khan, những cây Rau Sam kia đã giúp con hạ sốt. Những cây cỏ dại đều là cây thuốc, nếu con biết rõ dược tính của chúng. Liệu trái xoài ngọt lịm sẽ làm con hết ho và sốt trong trường hợp đó?
Nhiều người có tiền dư, liền mang tới chùa hoặc nhà thờ để mong một mùa trái ngọt năm sau, nhắm mắt bịt tai trước cảnh láng giềng bà con dòng họ thiếu thốn. Cũng giống như cách họ tưới cây xoài để mong có nhiều trái ngọt. Cây càng tưới thì rễ mọc càng nông vì chẳng cần phải cắm sâu xuống đất tìm nước ngầm. Điều gì xảy ra khi cây xum xuê lá cành mà bộ rễ mọc cạn trên đất bở? Chỉ cần một cơn gió mạnh thôi là tan tành công sức tưới tiêu, mong gì năm sau có trái ngọt? Cỏ không tưới thì chỉ héo úa chứ không chết, vì chúng có sức sống đoàn kết rất mạnh. Chúng vẫn còn đó dù giông bão có thế nào. Nhưng chúng sẽ nhắc “ngày xưa anh đã tưới ai?”
Chính vì chỉ tưới cỏ mà cha đã chăm sóc các cây lớn theo cách tốt nhất rồi đó. Lớp cỏ sẽ giữ nước lại, chúng bện chặt và giữ luôn độ ẩm của đất. Mỗi khi có mưa thì nước sẽ rút sâu xuống đất chứ không trôi mất. Nhờ có lớp cỏ trên mặt đất nên cây to luôn có đủ lượng nước tối thiểu, nhưng nếu muốn thêm thì rễ chúng phải bóp chặt và vắt đất để tìm nước, phải đâm thật sâu xuống để tìm nước ngầm.
Khi đã tìm ra mạch nước, nó mới có thể tự lập trở thành một cây cổ thụ vững chãi. Nó có thể chống lại giông bão để che chở cho những cây phía dưới. Cây ấy chẳng cần cha tưới nước nữa, mà nó còn rút nước ngầm lên cho các cây cỏ bên trên mặt đất, tạo thành một thảm tự nhiên bền vững.
Cha chẳng mong quả ngọt của năm sau. Chính vì thương yêu nên cha mới không tưới chúng. Vài chục năm sau nữa chúng sẽ vươn cao hơn, vững chãi hơn, khi đó con sẽ hái chúng cũng không muộn. Cha trồng nhiều lắm, có chết vài cây yếu ớt cũng chẳng sao đâu con.
-Sao cha không hái?
-Con có biết tại sao cỏ vẫn cố sống nơi khô cằn như thế? Vì chúng luôn hy vọng một ngày kia, con cháu chúng sẽ mọc như cây lớn, thoát khỏi thân phận cỏ dại thấp hèn.
Cha không được sinh ra từ hạt giống cây lớn, chẳng nhằm nơi đất tốt, nên cha cũng chỉ là một thứ cỏ dại, vì vậy cha hiểu và yêu các loại cỏ vô danh.
Điều duy nhất có thể làm là giữ đất ẩm và hy vọng một cây cổ thụ sẽ mọc lên dưới chân cha.
Karmalaw Net