Nói chuyện về người thầy
Ajahn Chah
Bản dịch tiếng Pháp: Jeanne Schut
125- Mình là người thầy của chính mình. Tìm kiếm một người thầy bên ngoài không phải là cách giúp giải tỏa được các sự hoang mang trong lòng mình. Chính mình phải khám phá ra sự thật bên trong nội tâm mình – bên trong con người của chính mình. Sự thật ấy không thể tìm thấy ở bên ngoài. Điều quan trọng hơn hết là tự mình phải tìm hiểu lấy chính mình.
126- Một trong số các vị thầy của tôi ăn uống rất bất lịch sự. Thế nhưng ông ta lại cứ khuyên chúng tôi phải ăn uống từ tốn và thận trọng. Tôi vẫn còn nhớ những lúc ấy tôi nhìn thầy tôi với tất cả sự oán ghét trong lòng. Tôi thì đau khổ thế nhưng ông ta thì cứ an nhiên tự tại! Tôi chỉ nhìn thấy những gì bên ngoài. Mãi về sau này tôi mới khám phá ra một điều là có nhiều người lái xe rất nhanh nhưng thận trọng, trong khi đó thì nhiều người khác tuy lái xe chậm hơn nhưng lại thường hay gây ra tai nạn hơn. Vậy quý vị cũng không nên quá quan tâm đến các nguyên tắc và hình thức bên ngoài. Nếu quý vị hiểu rằng chỉ nên sử dụng 10 phần trăm thời giờ của mình để nhìn vào kẻ khác và 90 phần trăm còn lại để nhìn vào chính mình, thì việc tu tập của quý vị sẽ đúng đắn hơn.nguoiphattu.com
127- Việc giảng dạy cho các môn đệ không phải là chuyện dễ: một số thì hiểu nhưng lại không mang ra thực hành, một số khác thì chẳng hiểu gì cả và cũng chẳng thèm cố gắng tìm hiểu làm gì. Đối với họ tôi đành chịu thua, chẳng biết phải làm gì hơn. Tại sao con người lại có các thái độ như thế? Vô minh quả là điều không hay ho gì, thế nhưng nếu tôi nói lên điều ấy với họ thì họ lại không tin. Họ tu tập nhưng trong lòng thì mang đầy hoang mang! Lúc nào cũng hoang mang, họ muốn đạt được Niết-bàn nhưng lại không muốn bước theo con đường đưa đến Niết-bàn. Quả thật không biết phải xử trí như thế nào! Mỗi khi bảo họ thiền định thì họ sợ, nếu không sợ thì ngủ gục! Tóm lại là họ chỉ thích làm toàn những chuyện mà tôi không hề dạy bảo… Nổi khổ tâm của người giảng dạy là như thế.
128- Nếu sự thật trong các lời giáo huấn của Đức Phật có thể nhận thấy dễ dàng thì chúng ta nào có cần đến các vị thầy đông đảo đến thế đâu. Một khi đã hiểu được các lời giáo huấn là gì thì cứ theo đấy mà làm. Thế nhưng người ta lại không chịu tìm hiểu các lời giáo huấn ấy nên việc giảng dạy thật là khó. Họ luôn tìm cách làm ngược lại – với người thầy và cả những lời giảng huấn. Trước mặt người thầy thì cách hành xử của họ cũng tạm chấp nhận được, thế nhưng mỗi khi người thầy ngoảnh mặt đi thì tức thời họ xử sự như một đám trộm cắp! Giảng dạy là một việc hết sức khó khăn.
129- Tôi khuyên các đệ tử của tôi không được cẩu thả trong việc tu tập cũng như trong cuộc sống, thế nhưng mỗi khi tôi quay lưng đi thì họ cứ làm. Nếu có một người cảnh sát đứng đấy thì bọn trộm cắp xử sự thật ngay thẳng. Nếu người cảnh sát hỏi họ là trong bọn có tên trộm nào trà trộn không thì tất nhiên họ sẽ trả lời là không, họ chẳng thấy một tên nào cả. Thế nhưng nếu người cảnh sát bỏ đi nơi khác, thì cả bọn liền ra tay. Những chuyện đại loại như thế cũng đã từng xảy ra vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Tóm lại là quý vị chỉ nên quan tâm đến bản thân của quý vị và không nên nhìn vào người khác xem họ làm gì.
130- Các vị thầy dích thật chỉ thuyết giảng một điều duy nhất: trong việc luyện tập điều khó thực hiện hơn cả là phải gạt bỏ cái tôi (cái ngã), phải buông bỏ nó. Dù bất cứ gì xảy ra thì cũng không nên tìm cách lánh xa thầy mình, cứ để ông ta hướng dẫn mình bởi vì mình rất dễ quên mất Con Đường.
131- Nuôi dưỡng trong lòng các sự ngờ vực về người thầy đôi khi cũng là một điều hay. Chỉ nên nhìn vào các khía cạnh tốt của thầy mình, và tốt hơn hết là phải tự mình chú tâm vào việc tu tập của chính mình. Chỉ có mình mới quán nhận và phát huy được trí tuệ cho chính mình mà thôi.
132- Nếu người thầy bảo với mình đây là một loại hoa quả ngon tuyệt vời, thì cũng không nên tin ngay. Phải tự mình nếm thử! Mọi nghi ngờ sẽ tan biến hết.
133- Người thầy chỉ là người chỉ cho quý vị trông thấy Con Đường. Nghe xong thì quý vị cứ bước theo Con Đường ấy mà đi, hầu giúp mình gặt hái được quả mang lại từ viêc tu tập của mình, tuy nhiên quý vị cũng có thể không bước theo, và đấy là chuyện của quý vị.
134- Việc giảng dạy đôi khi cũng thật khổ tâm. Người ta thường xem người thầy tương tự như cái thùng rác, họ cứ ném hết vào đấy mọi thứ khó khăn và khổ nhọc của mình. Đệ tử càng đông, việc hốt rác càng nặng nhọc! Thế nhưng việc thuyết giảng thì cũng lại là một phương tiện thật tuyệt vời giúp mình tu tập Đạo Pháp (Dhamma): việc giảng dạy sẽ giúp mình trở nên kiên nhẫn hơn và hiểu biết hơn (chấp nhận sự yếu đuối và sai lầm của con người dễ dàng hơn).
135- Người thầy không sao giải quyết hết được các khó khăn của quý vị. Họ chỉ là một nguồn hứng khởi giúp quý vị ham thích tìm hiểu Con Đường, họ không thể khai thông Con Đường thay cho quý vị được. Thật ra những gì người thầy nói lên cũng không quan trọng lắm. Đức Phật không bao giờ khuyến khích phải nên tin vào người khác – mà chỉ nên tin vào chính mình. Chuyện ấy hết sức khó làm, thế nhưng lại chính là như thế. Thật sự là như thế. Cho đến khi nào tầm nhìn còn hướng ra bên ngoài thì quý vị sẽ chẳng bao giờ trông thấy mọi sự vật một cách thật sự được (câu này rất sâu sắc và thâm thúy, câu 1 trong Kinh Pháp Cú là: “Tất cả mọi hiện tượng đều phát sinh từ tâm thức, tâm thức dẫn đầu tất cả”). Chúng ta phải quyết tâm tu tập một cách đúng đắn. Nêu lên thắc mắc với người khác không khiến cho các sự hoang mang [trong lòng mình] tan biến được, chúng chỉ biến mất bằng sự tu tập kiên trì của chính mình mà thôi.
Vài lời ghi chú của người dịch
Hai bài thuyết giảng trên đây, một thuộc Đại Thừa (Phật Giáo Tây Tạng) và một thuộc Phật Giáo Theravada (truyền thống Tu Trong Rừng). Bài thứ nhất nêu lên những phẩm tính cần thiết của một người thầy, bài thứ hai đưa ra một vài nhận xét thật nghiêm khắc của một người thầy đối với các người trò của mình. Trong câu đầu tiên của bài thứ hai trên đây nhà sư Ajahn Chah có nói rằng: “Mình là người thầy của chính mình”, câu ấy có nghĩa là mình vừa là một người thầy của mình và cũng lại vừa là người trò của chính mình.
Nếu là một người thầy thì phải hội đủ các đức tính nêu lên trong bài giảng thứ nhất của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trên đây, nếu là một người trò thì phải ý thức được các khiếm khuyết của mình nêu lên trong bài thứ hai của nhà sư Ajahn Chah hầu giúp mình biến cải lấy chính mình. Nói cách khác thì nếu là một người tu tập chân chính thì chính mình phải vừa là một vị thầy thật uyên bác, sáng suốt, nhân từ và nghiêm khắc để dạy bảo và sửa trị chính mình, và đồng thời cũng vừa là một người trò quyết tâm, ngay thật, không bướng bỉnh, biết kính trọng, thương yêu và noi theo những lời chỉ dạy của thầy mình và cũng là chính mình.
Cách diễn đạt hay trình bày trên đây cho thấy một cái gì đó “không ổn” hay khá “phi lý”. Hai vị thế của thầy và trò lẫn lộn trong trí mình sẽ gây ra sự hoang mang cho mình. Các sự bất ổn, phi lý và hoang mang đó chứng minh cho thấy tính cách “vô ngã” hay bản chất trống không – tức là Tánh Không – của chính mình. Dù là thấy hay trò thì tất cả cũng đều không thật. Chính vì thế mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khuyên người thầy phải tụng bản Tâm Kinh, thiền định về vô thường, niệm thầm một câu trong Kinh Hoa Sen trước khi thuyết giảng, ngoài ra còn phải vái lạy người đã truyền đạt sự hiểu biết cho mình để hiểu rằng những lời giảng huấn của mình không phải thật sự là của mình mà chỉ là một sự thừa hưởng.
Sau đây là một giai thoại về nhà sư Ajahn Chah. Một hôm có một người lần đầu tiên tìm đến chùa Wat Nong Pah Pong (ngôi chùa của nhà sư Ajahn Chah trong một khu rừng trên miền bắc Thái) và mong được diện kiến với nhà sư này. Khi đến chùa thì người này lại hỏi đúng nhà sư Ajahn Chah là có biết ai là Ajahn Chah không? Ajahn Chah đoán được trình độ hiểu biết Đạo Pháp của người này còn kém, bèn trỏ tay vào giữa ngực mình và bảo rằng: “Chính tôi đây. Tôi là Ajahn Chah đây”. Một hôm khác, lại có một người khác hỏi ông đúng câu ấy, lần này Ajahn Chah đoán được trình độ hiểu biết khá cao của người này bèn trả lời như sau: “Ajahn Chah nào? Chẳng có ai là Ajahn Chah
Một người thầy chân chính không hề hiện hữu, sự hiện hữu của họ nếu có cũng chỉ là vì người khác mà thôi. Thật vậy sự hiện diện của một người thầy thật hết sức cần thiết cho những kẻ còn đang lang thang, còn riêng đối với họ thì họ đã tìm được người thầy cho chính họ. Dù là với tư cách một người thầy hay một người trò hay là cả hai cùng một lúc, nếu cái tôi ấy vẫn còn hiện hữu và chi phối mình, thì mình vẫn còn lang thang và khổ đau với nó. Xin mượn câu phát biểu sau đây của nhà sư Ajahn Chah để kết thúc bài chuyển ngữ này:
“Tôi đi tìm khắp nơi một chốn thật thuận tiện hầu giúp tôi thiền định, thế nhưng tôi không ngờ chốn ấy lại đang ở tại nơi này, đang ở bên trong con tim và tâm thức tôi. Mọi phép thiền định cũng chỉ ở nơi này, trong mỗi con người chúng ta. Sự sinh, già nua, bệnh tật và cái chết cũng chỉ ở nơi ấy. Tôi lang thang khắp nơi cho đến lúc kiệt lực, thế nhưng khi dừng lại thì tôi mới khám phá ra rằng những gì tôi đi tìm – nó đang ở trong tôi”.
Bures-Sur-Yvette,