NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ THIỀN

HỌC THIỀN ĐỂ LÀM GÌ ?

Ngày nay có rất nhiều người nghe nói  về thiền và cũng rất muốn học một phương pháp thiền nào đó để nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ hoặc giảm stress. Cũng có một số người ham mê những thần thông hoặc phép lạ để trở thành những nhà ngoại cảm tài giỏi, cũng có một số thiền sư tập thiền để phát huy trí tuệ, tiến tới giác ngộ, giải thoát. Nhưng trên thực tế ít có ai thành công trên lĩnh vực thiền hoặc có đủ kiên trì đễ theo đuổi môn này, ngoại trừ đối với những người có căn cơ từ kiếp trước hoặc may mắn thọ giáo được vị thầy có đủ kinh nghiệm.

LÀM SAO ĐỂ BIẾT RẰNG CÓ CĂN CƠ?

Người có căn cơ về thiền thì họ thường có những hiện tượng sau đây: Họ rất thích thú khi ngắm nhìn một người đang ngồi thiền yên lặng trong tư thế hoa sen, hoặc là khi vào chùa họ thường nhìn vào các bức tượng Phật đang ngồi tỉnh toạ. Về sách báo, họ chỉ chọn những loại sách nói vế thiền, và chỉ thường trao đổi thông tin và nói chuyện về thiền. Với những hiện tượng trên, chắc chắn là người này có căn cơ của thiền. Đối với người này nếu họ đi vào con đường Thiền, họ sẽ tiến bộ rất nhanh.

CHỌN MỘT PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Có rất nhiều phương pháp thiền, người học thiền cần phải biết rõ mình thuộc loại nào, để chọn cho mình một con đường thiền đúng đắn nhất. Nếu ngay bản thân mình chưa thể chọn cho mình một con đường thì hãy nhờ đến các minh sư chỉ giúp. Người minh sư là người đã từng trải và có nhiều kinh nghiệm, có thể trong những lần trao đổi với mình, người thầy sẽ nhận ra được con đường đúng đắn nhất, và hướng dẫn cho mình một phương pháp thiền đem lại hiệu quả nhất. Tuy nhiên trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, ta khó có thể nhận ra được đâu là một vị chân sư chân chính hoặc đắc đạo.

HỌC THIỀN CÓ CẦN PHẢI ĐỌC THÊM SÁCH VỞ KHÔNG?

Trả lời: KHÔNG CẦN và CẦN.

Học thiền là học một “PHƯƠNG PHÁP ĐỂ HÀNH THIỀN”, chứ không phải là học “NHỮNG CÁI CHỨNG ĐẮC CỦA VỊ THẦY”, dù những chứng đắc ấy là của một vị Phật hoặc của những vị tổ sau này. Điều sai lầm của những người “tu thiền” ngày nay là họ thường đem kinh sách THIỀN ra để mà bàn luận và giảng giải xuyên qua sự hiểu biết của mình, ở trong phật giáo gọi đó là hý luận, hay là sở tri chướng.
-Việc đọc sách sẽ giúp cho ta có thêm kiến thức, chứ không thể giúp cho ta có thêm kinh nghiệm. Khi kiến thức quá nhiều sẽ làm cho ta tưởng là đã có kinh nghiệm. Chính cái kiến thức này sẽ làm lu mờ cái trí vô sư của người tu thiền. Nói chuyện về thiền mà cứ mượn của người khác để nói… ở trong văn học gọi là đạo văn, ở trong âm nhạc gọi là đạo nhạc. Những thiên tài của văn học, họ không bao giờ đọc một tác phẩm của bất kỳ một nhà văn nào, những thiên tài về âm nhạc, họ không cần nghe bất cứ một đoạn nhạc nào của bất kỳ một nhạc sĩ nổi tiếng nào. Và cần đọc sách là khi nào ta đã giác ngộ, khi ấy sách chỉ là chứng minh cho sự giác ngộ của ta mà thôi

CẢM NHẬN VỀ THIỀN

  • Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả, mà phải do tự mỗi người thực nghiệm. Trong nghĩa này thiền không nhất thiết phải liên hệ với bất cứ tôn giáo nào, kể cả phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói trên đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hóa khác nhau trực nhận và miêu tả bằng nhiều cách. Thiền giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện. Người học thiền không cần phải tin theo bất cứ một tôn giáo nào, hay là phải theo một tôn giáo nào. Mà thông qua sự tập luyện, phát triển tâm linh của chính mình để cảm nhận được sự thay đổi của bản thân, và từ đó sẽ trở thành con người hoàn toàn đổi mới từ tinh thần đến thể xác.
  • Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào. Thiền là mình tự thể nghiệm, đọc luận giải của người khác thường làm cho ta khó hiểu. Vào thiền phải buông bỏ những kiến thức vay mượn ở bên ngoài để phát triển trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi con người. Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi chính mình, không qua trung gian của ý thức, suy luận.

THIỀN VÀ QUYỀN NĂNG

Quyền năng hay phép lạ đó là những dấu hiệu trong quá trình tu thiền, nhưng đó không phải là mục tiêu mà người tu thiền nhắm đến. Người tu thiền trong nhiều năm có thể chứng nghiệm một vài quyền năng và những năng lực siêu nhiên. Ví dụ như biết được ý nghĩ, ý tưởng của người khác, biết quá khứ vị lai, biết kiếp sống trước của mình. Tuy nhiên những năng lực siêu nhiên này sẽ là chướng ngại trên đường tu tập. Nếu hành giả đam mê quyền năng hoặc để quyền năng chi phối sẽ không thể tiến xa hơn trên đường giác giác ngộ, giải thoát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*