Một trái xoài có ngon đến đâu, chúng ta cũng chỉ được ăn phần cơm của nó mà phải bỏ đi phần vỏ và hạt. Cuộc sống muôn màu, kiến thức mênh mông, triết lý uyên áo, sâu rộng, tư tưởng cũng phức tạp vô vàn.
Bởi vậy khi nhìn một nhân vật hay một mệnh đề gì, chúng ta nên bình tâm trở lại, không bồng bột nóng vội để mình không bị phân tâm đồng hóa bởi nó, sau đó mới có được quyết định đúng đắn, nên học lấy điều gì và rút ra kinh nghiệm từ những điều nào chưa được hoàn chỉnh.
Được như vậy mới có đầy đủ trí tuệ để nhìn nhận một vấn đề không bị sai lầm. Một ca sĩ có giọng hát hay, nhưng chưa hẳn đã có một nhận thức về triết lý sống hoàn hảo.
Một nghệ sĩ tài ba, nhưng không phải là nhà tâm lý giỏi để tư vấn trọn cuộc đời mình.
Một thầy giáo âm nhạc chỉ giỏi nhận định chất giọng, thanh âm, tiềm năng về âm nhạc, nhưng không hẳn sẽ có những câu từ chuẩn xác và khúc chiết như một nhà văn…
Con người không ai một mình có thể làm nên tất cả mọi chuyện, mỗi người chỉ giỏi về một lĩnh vực chuyên môn của mình mà thôi. Trước một người phù hợp với sở thích của mình, chúng ta hâm mộ và họ trở thành thần tượng trong lòng mình. Nhưng đó chỉ là hợp với sở thích riêng của mình chứ họ không thể là chân lý đại diện cho tất cả.
Chúng ta biết chọn để học lấy cái hay, rút tỉa kinh nghiệm những điều chưa tốt chứ không phải bắt chước nguyên vẹn một trăm phần trăm. Không phải thấy người kia hát hay, hợp với sở thích, mình hâm mộ họ, sau đó họ mặc sao thì mình cũng phải mặc như vậy, họ suy nghĩ như thế nào mình cũng bắt chước suy nghĩ quan niệm y hệt giống như vậy.
Đó là người không biết ăn xoài, nghe xoài ngon quá rồi đi nuốt chửng, ăn luôn cả hạt lẫn vỏ xoài. Chúng ta thường đuổi theo bắt lấy mà ít khi chịu tỉnh sáng lại để nhận định một vấn đề cho được rõ ràng. Thấy cái gì thì đua đòi theo cái ấy, đánh mất đi sự nhận thức sáng suốt chính mình, dẫn đến lối sống sai lầm, sa đọa, chịu lấy hậu quả khổ đau xơ xác thật đáng thương.
Có người phụ nữ nọ tuổi ngoài 50, rất thành đạt trong cuộc sống. Nhưng cô ta lại nói với quý thầy rằng: “Thưa thầy, bây giờ con đi tìm trại dưỡng lão cho mình là vừa rồi.” Quý thầy hỏi: “Cô có tài sản nhiều vô kể, chồng con đầy đủ, tại sao phải vào trại dưỡng lão làm gì?”
Cô bảo: “Tại lâu nay con sống đua đòi theo bên ngoài, không quan tâm đến cảm xúc của chồng con. Do làm ra tiền nên không ai làm gì con được. Con đã bất chấp những quan tâm của người khác, đặt họ ra ngoài cuộc đời mình. Quá trình qua mình không cảm thông mọi người, bây giờ già rồi làm sao dám nhận sự quan tâm của gia đình?”
Lúc còn mạnh khỏe, không hề bình tâm suy xét, chỉ biết đua đòi, chà đạp trên mọi cảm xúc người khác. Cho đến gần già, tuy gia đình sẵn lòng vui vẻ tha thứ, quan tâm chăm sóc mình, nhưng do lầm lỗi đã tạo nên lương tâm cắn rứt, không chịu nổi khi nhận lòng tốt của gia đình. Tuy có nhiều tiền, nhưng chính những đồng tiền ấy lại làm cho mình lầm, cứ thế sống sai, cho đến khi già mới biết, mọi việc trễ tràng, thế là tìm nơi để chôn đời mình vào chốn cô đơn, bất lực, cuộc sống phải nương nhờ vào người khác chăm sóc. Khổ không?
Anh có thể viết một cuốn sách rất hay về một nhân vật nổi tiếng, nhưng những điều hay kia cũng chỉ là của người đó, còn mình thì sao? Có người suốt đời lo đọc sách miệt mài, nhưng với cuộc sống gia đình thì đối xử rất tệ.
Cô bạn đời đòi ly dị thì anh ta cầm cuốn sách đạo làm vợ và bảo cô ta đọc đi. Sách là sách, nhưng anh vẫn là anh. Những lịch sự vừa phải, những quan tâm cần thiết, những thông cảm tối thiểu với người gần mình nhất, anh không làm được. Hóa ra anh chỉ giỏi nói dùm cho người khác còn mình thì không dính dáng được chút nào.
Có viết hay không thì người ta cũng đã nổi tiếng, đâu cần đến mình? Nhưng không tự sửa mình thì lại làm phiền đến những người liên hệ. Đây là do kiến thức đánh lừa nhận thức. Có người có thể lên đến tận cung trăng vũ trụ, nhưng không biết nhà sống bên cạnh mình là ai, có thể biết đến những chuyện vĩ đại của thế giới, nhưng quên gật đầu hoan hỷ khi người khác chào mình. Cho thấy con người ta dễ bị hấp dẫn bởi những thứ xa vời, còn tính thực tế và lòng nhân với nhau thì quá thiếu.
Đó là lý do của không ít người sau khi cầm được tấm bằng học vị rất cao, nhưng khi ra thực tế thì thua những người từng trải nghiệm. Yếu đuối, thiếu tự tin, thích dễ dàng, thiếu khả năng vượt khó, đưa đến đời sống lừ đừ, tê liệt, sai lầm, khổ đau, đó là hệ quả của những người chỉ biết đi trên trời mà bỏ quên mặt đất này.
Trong lớp thi toán, mười bạn làm bài có đáp số đúng giống nhau, nhưng cách giải thì có khác. Nếu phải chọn ra một bài ưu hơn hết, tất nhiên phải chọn người có cách giải bài toán ngắn gọn, chính xác, đưa đến kết quả nhanh nhất, còn những bài giải lòng vòng lê thê thì tầm thường hơn. Cũng thế, người khéo giáo dục là đưa ra những bài học, giả thiết ngắn gọn, vừa đủ để kích hoạt trí thông minh cho học sinh. Đâu có đề toán nào giải xong mà còn dư thừa giả thiết?
Giáo dục là cách kích hoạt để con người phát triển trí thông minh chứ không có nghĩa một mực rập khuôn nô lệ kiến thức. Bởi nếu phải học nhớ cho nhiều và cho là giỏi thì chúng ta ăn rồi ở không cả đời để đọc sách cũng không thể đọc hết sách trên đời này được. Lý thuyết là một màu xám, cây đời thì mãi xanh tươi. Chúng ta có đọc hết sách của cuộc đời này chăng thì cũng chỉ là đi theo những gì người khác đã bỏ, đã lạc hậu và mình cũng bị tuột hậu, dùng được vào đâu?
Nếu chúng ta chỉ có rập khuôn, nhồi nhét vào thì có khác nào anh chàng mọt sách kia đã từng lầm lỗi. Khi ta ném một hòn đá, nếu là con chó thì nó chỉ biết lù đù chạy theo hòn đá kia, nhưng nếu là chú sư tử oai hùng thì sẽ quay chộp trở lại ngay bàn tay người ném. Phải tìm ra cội nguồn phát xuất ra viên đá thì mới là sư tử oai hùng. Nếu chạy theo viên đá thì chỉ là những chú chó ngoan ngoãn yếu đuối kia thôi.
Nếu người thông minh thì phải tìm lại xem, cái gì là cha đẻ của những thứ văn minh trên đời đang có? Đâu có một triết lý nào từ trên trời rơi xuống? Chỉ tại trí tuệ con người.
Trí tuệ là cha đẻ của mọi thứ văn minh triết lý trên cuộc đời này. Tất cả các phương pháp học và thực hành cũng nhắm đến khai triển trí tuệ. Khi trí tuệ đã sáng, chúng ta sẽ kế thừa những gì đã có để phát huy cho tốt hơn, gọi là tái tạo.
Những gì chưa có thì chúng ta sáng tạo mới. Tái tạo và sáng tạo là trí tuệ sống động, làm mới tốt hơn chứ không phải rập khuôn nô lệ kiến thức. Trên nền tảng đó, con người chúng ta mới có đầy đủ nghị lực, tự tin và đưa đến thành đạt.
(Trích bài giảng của Đại đức Thích Tâm Hạnh- giảng sư của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam )