Trong thế giới đầy biến động, nào là thiên tai, động đất, dịch bệnh, chiến tranh…ở khắp mọi nơi, vậy mà chúng ta lại nêu lên việc là làm sao có được cuộc sống bình an, chẳng phải là quá mộng tưởng chăng?
Hằng ngày chúng ta phải lo đủ thứ, nào là việc nhà, việc cơ quan, việc xã hội… biết bao nhiêu là áp lực khiến chúng ta khó tránh khỏi “STRESS”. Vậy thì chúng ta phải làm sao để có được sự bình an trong tâm hồn và trong cuộc sống đây?
Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Kim vân Kiều:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta.
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Mỗi người điều có một cuộc đời riêng và có một số mạng riêng. Số mạng này do chính cá nhân đó đã tạo ra từ những nhân trong quá khứ theo luật nghiệp báo. Tuy nhiên số mạng này có thể được thay đổi nhờ phước đức mình tạo nên trong kiếp này như người xưa đã dạy: “Đức năng thắng số.”
Khi nói đến vô thường… người ta hiểu nó đồng nghĩa với khổ và sự chết chóc, thì tại sao ở đây đề tài lại là: LẼ VÔ THƯỜNG VÀ SỰ BÌNH AN?
Vô thường không có lỗi gì cả, đau khổ là do con người tạo nên. Vô thường là một quy luật tự nhiên của vũ trụ, vô thuỷ, vô chung, chi phối cả vũ trụ. Không có bất cứ điều gì, từ vật chất đến tinh thần thoát khỏi lẽ vô thường. Nói đến vật chất thì ta nói đến” THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG”, nói về tinh thần ta sẽ nghĩ đến “SINH, LÃO, BỆNH, TỬ”.
Thật ra khổ hay không khổ là do nhận thức từ nơi mỗi con người. Nguyên nhân khổ đau là vì sự vật luôn thay đổi mà ta cứ tưởng nó trường tồn, ví dụ như ta muốn trẻ mãi không già…Chính sự nhận thức và ước muốn sai lầm đó làm phát sinh sự đau khổ.
2/ ĐỊNH NGHĨA.
– Vô thường là mọi vật không bao giờ và không thể nào giữ được trạng thái lúc nào cũng như lúc nào, cũng trước sau như một. Mà đó là một sự thay đổi không bao giờ ngừng trong tự thể của nó. Trong vũ trụ có vật gì là không chuyển động đâu? Ngay cả đến một tảng đá, một bức tường mà ta thấy nó nằm im lìm…nhưng bên trong, ở trong tầng vi mô, các nguyên tử, điện tử đang chuyển động.
– Vô thường là không thường còn, không thường hằng. Tất cả mọi sự vật trên thế gian này, từ hữu hình đến vô hình đều không phải là một thực thể bất biến, mà chúng luôn thay đổi, xoay chuyển không ngừng. Hiện hữu là một dòng sinh diệt liên tục. Sự thay đổi sinh-diệt, diệt-sinh này xảy ra từng phút giây, từng sát na một. Chính vì thế mà triết gia Hy lạp Heraclite đã nói một câu bất hủ: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
– Vô thường là một định luật chi phối tất cả mọi sự vật…từ thân, tâm và cùng ngoại giới.
VỀ THÂN:
Xét về vi mô, các tế bào trong cơ thể chúng ta thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây tuỳ theo loại. Trong một giây đồng hồ, biết bao nhiêu tế bào đã chết đi thì lại có biết bao nhiêu tế bào được sản sinh trở lại. Thân xác ta luôn thay đổi liên tục, chỉ sau một tháng là thân xác của chúng ta không còn là thân xác cũ của chúng ta nữa nhưng chúng ta đâu hề biết mà cứ tưởng nó vẫn vậy. Vậy là thân ta đều chịu lẽ sinh-diệt, diệt-sinh nên từ một cháu bé, dần dần lớn lên ta trở thành một thanh niên hay thanh nữ, rồi cho đến lúc trưởng thành, và cuối cùng là một người già. Vậy thực sự ta là ai?
VỀ TÂM:
Có bao nhiêu ý nghĩ [niệm] hiện lên rồi biến mất trong một giây đòng hồ, điều này chúng ta thấy rất rõ khi bắt đầu tập ngồi THIỀN. Trong phật giáo thường hay dùng từ “sát na”để chỉ đơn vị thời gian nhỏ nhất. Các niệm của chúng ta thay đổi từng sát na, có những ý nghĩ mà ta quyết như đinh đóng cột, nhưng sau khi tự mình xét lại hoặc bị người khác thuyết phục…ta quay ngoắt 180 độ. Trạng thái tâm lý con người thay đổi không ngừng theo ngoại cảnh. Vậy thử hỏi cái ta nó ở đâu?
Vậy cái ta là tập hợp của thân và tâm. Thân chính là SẮC, và tâm gồm THỌ, TƯỞNG, HÀNH và THỨC. Mà đã là duyên hợp thì cái ta không thật, không bền. Có lúc tôi ví cái ta như một dòng sông, đứng ở một điểm nhìn, ta thấy dòng sông vẫn vậy, nhưng nếu quan sát thật kỹ ta thấy ở điểm đó không còn là cùng các hạt nước ở trong giây trước so với giây sau.
Cái ta cũng có thể được ví như một vòng lửa tạo ra bằng cách xoay tròn 180 độ một sợi dây mà đầu tận cùng có buộc một hòn sỏi được bao bởi một bùi nhùi có tẩm dầu hoả đang cháy. Khi quay thật nhanh, ta có cảm tưởng như có một vòng lửa thực sự, nhưng sự thật không phải vậy, chỉ là ảo ảnh mà thôi.
VỀ NGOẠI GIỚI:
Những gì chung quanh ta như người, vật, cỏ, cây, sông, núi…thậm chí đến mặt trời, mặt trăng, các vì sao, các thiên hà trong vũ trụ cũng không thoát khỏi định luật THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG.
Hình ảnh mà tôi thích nhất khi ví cuộc đời một người, đó là hình ảnh các dòng thác cuồn cuộn đổ xuống tạo thành sông và cuối cùng dòng sông đổ ra biển.
Tuổi 20-40: Lý tưởng đầy nhiệt tình, nhiệt huyết hừng hực, hăng say hoạt động như dòng thác chảy ào ào cuốn trôi tất cả.
Tuổi 40-60: Suy tính thiệt hơn, tính tình trầm hơn, sự năng động giảm dần như dòng sông tuôn chảy, tuy nhiên có lúc vẫn còn siết.
Tuổi trên 60: Không còn muốn ganh đua với đời, tính tình trầm lặng như dòng sông êm ả chảy ra biển cả.
3/ NHỮNG ĐIỀU SUY RA TỪ LẼ VÔ THƯỜNG.
A/ VÔ THƯỜNG CÒN CÓ MỘT TÊN KHÁC LÀ VÔ NGÃ.
Vì sự vật chuyển biến không ngừng cho nên sự vật không duy trì tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô thường. Đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã. Giáo lý Vô ngã đã được đức Phật kết luận trong kinh Vô ngã tướng bằng một câu ngắn gọn, rất quan trọng: “Cái này không phải là ta, cái này không phải là của ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.
Cái này chính là “cái ta đây”, “cái tôi đây”, “cái thân này”, “cái thân tâm này”. Đức Phật muốn phá bỏ ý niệm sai lầm về bản thể con người.
1/ Phá bỏ cái chấp thủ vào năm uẩn: SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC.., xem đó là ta, như đang có tấm thân nguyên thuần một khối. Chính sự chấp vào cái ta, nghĩa là xem cái tôi to lớn [ta thường tự đồng hoá với chức danh to lớn với danh xưng, chức vụ, địa vị trong xã hội v.v…] vì vậy cho nên nếu có ai đó đụng chạm vào tự ái ta như là nói xấu, hoặc mắng nhiếc ta…thì ta sẽ nổi sân lên.
2/ Chính vì quan niệm rằng có một cái tôi thực sự khác biệt với mọi người, nên ta cùng với người thân của ta đều mong muốn là phải hơn người khác về mọi mặt như là phải học cho thật giỏi hơn, địa vị cao hơn, giàu có hơn v.v…Chính vì lòng tham mà ta bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều đó.
Đề xướng Vô ngã không phải để hư vô hoá con người, xoá bỏ sự có mặt của con người trong cuộc đời, mà trái lại phải là sự kết hợp chủ thể với tha nhân, xoá bỏ biên giới cách biệt giữa người và người, trải rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh.
B/ VÔ THƯỜNG CÒN LÀ MỘNG HUYỄN.
Hiểu được lý vô ngã, chúng ta triển khai rộng ra Pháp vô ngã. Vạn vật trên thế gian này chỉ do duyên hợp, chúng ta càng thắm thía lẽ vô thường trong trời đất.
Đàn ông cũng như đàn bà có khác gì bông hoa, lúc bông hồng mới là búp thì trông thật dễ thương, rồi từ khi bắt đầu nở cho đến khi nở rộ thì trông thật kiêu sa, lộng lẫy với mùi hương thoang thoảng khiến ta ngất ngây. Sau một thời gian các cánh hoa thâm lại và nhăn nheo với mùi chát chát, và cuối cùng cánh hoa rũ xuống, các cánh hoa rụng dần. Đây là quy luật THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG của tạo hoá, không ai tránh khỏi. Hiểu được rõ ràng như vậy, ta mới không bị động tâm, không buồn khổ khi lẽ vô thường đến với ta trong lúc tuổi già. Có đó rồi mất đó, cuộc đời có khác chi là giấc mộng, như một tấn tuồng gồm đủ: HỈ, NỘ, ÁI, Ố… mà ta là diển viên vừa là khán giả. Chức vụ mà ta được giao có khác gì một màn kịch mà ta đóng vai giám đốc, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống trong 5 năm hay 10 năm…khi hạ màn thì ta lại là thường dân. Nếu ta cố chấp vào cái vai đó, tưởng nó là thật, nó là vĩnh viễn thì khi mất nó ta sẽ rất đau khổ.
C/ VÔ THƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÌNH THƯƠNG.
Tất cả mọi người, dù sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu, đẹp xấu…đều bình đẳng trước cái chết. Chúng ta đều mang án tử hình, chỉ có khác nhau về thời gian thi hành án mà thôi. Chúng ta như những tử tù cùng bị nhốt chung trong ngục thất, đó là ngục tam giới [dục giới, sắc giới và vô sắc giới]. Thay vì thương nhau, chia sẻ cho nhau những thực phẩm mà người nhà gửi vào, giúp đỡ nhau những lúc bệnh hoạn, an ủi nhau những lúc suy sụp tinh thần…thì có người lại chia phe phái, gọi nhau là đại bàng, rồi gây gỗ nhau, rồi đánh nhau, và gây đau khổ cho nhau. Thật là đáng buồn!
Vậy thái độ đúng đắn nhất là hãy thương nhau, tha thứ cho nhau, giúp nhau thoát khỏi ngục tam giới này, có nghĩa là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Chỉ có tình thương mới xoá bỏ đươc hận thù: “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán mới tiêu tan”.
4/ LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ SỰ BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG?
Để có được sự bình an trong cuộc sống, theo tôi, hãy làm những bước sau đây.
A/ QUÁN CHIẾU LẼ VÔ THƯỜNG CỦA ĐỜI SỐNG, XEM CUỘC ĐỜI NHƯ GIẤC MỘNG.
Vạn vật trên thế gian này luôn chuyển động không ngừng, do đó nó luôn thay đổi thường xuyên và có ngày phải tàn và tan rã. Ở trong Tăng chi bộ kinh, khi giảng cho ngài Cấp cô độc về công đức của sự cúng dường, đức Phật có nói: “Công đức lớn nhất trong tất cả các cách cúng dường là quan sát sâu sắc đạo lý vô thường của sự vật”. Ngoài ra kinh kim cang kết thúc bằng 4 câu kệ rất quan trọng.
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điển
Ứng tác như thị quán”
Tạm dịch:
” Tất cả các pháp hữu vi
như mộng, giả, bọt, bóng,
như sương cũng như điện chớp,
nên khởi quán như thế”.
“Hữu vi” là tất cả những gì có tướng mạo nên đều là vô thường và sinh diệt. Tất cả các pháp hữu vi đều như giấc mộng, đều giả hợp như bọt nước trên đường khi mưa rơi, như bóng người và vật in trên tường trong ánh nắng mặt trời, như giọt sương trên hoa lá lúc ban mai, như luồng điện xẹt do sét đánh khi trời sắp mưa. Ta hãy thường xuyên quán chiếu cuộc đời là như vậy đó. Có đó mà không đó” sắc sắc, không không”. Trên đời này đâu có gì là bền vững, trường tồn, đâu có gì là bất biến. Quán như vậy ta mới hàng phục được tâm, mới an trụ được tâm.
Mặc dù biết đời là mộng, nhưng chúng ta vẫn phải có bổn phận tránh làm các điều ác, nên làm các điều lành, vì “nhân giả nhưng cũng có quả giả” và nghiệp báo sẽ theo ta như bóng với hình ngay trong giấc mộng. Để áp dụng trong việc sửa mình cho thật tốt, chúng ta nên nhớ lời một bậc thầy Mật Tông đã dạy: “Hãy luôn luôn nhận thức rõ ràng tính mộng huyễn của cuộc đời, để giảm bớt luyến ái và thù ghét. Hãy có tâm tốt với mọi loài, có tâm thương xót bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao. Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng khi bạn xem chúng như là mộng huyễn. Cái chính là bạn phải có ý định tốt trong giấc mộng, đây là điểm cốt yếu, đây đích thực là tu tâm”.
B/ ĐỪNG XEM CÁI TÔI MÌNH TO QUÁ.
Lý vô ngã là một trong các giáo lý căn bản của đạo Phật, nó độc nhất vô nhị, vì không có tôn giáo nào trên thế giới lại phủ nhận cái TA như đạo Phật cả. Đây không phải là giả thuyết, mà là một chân lý được soi sáng bằng sự thực chứng của trí tuệ. Khi đưa ra lý vô ngã, đức Phật không phải bảo chúng ta xoá bỏ cái thân này, mà chỉ muốn chúng ta đừng có quá cố chấp vào nó, cho rằng nó có thật để đừng bị dính mắc vào tham, vào sân.
Đừng tự đề cao mình quá vì mình còn nhiều hạn chế:
– Mình chịu sự chi phối bởi luật của tạo hoá: Sinh, lão, bệnh, tử.
– Hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế.
– Hãy khiêm tốn, đừng quan trọng hoá mình quá.
Mình cũng có thể phạm lỗi như mọi người, vì vậy mình nên thông cảm, bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác. Thấy đời là giấc mộng, thấy mình là vô ngã thì sẽ tránh được “stress”, vì tám ngọn gió [bát phong] không lay chuyển được ta.
– ĐƯỢC: được tài lợi, tâm không xao xuyến.
– MẤT: bị thiệt hại, lòng vẫn thản nhiên.
– KHEN: được công kênh, tâm vẫn như không.
– CHÊ: bị huỷ nhục, lòng không bực tức.
– VINH: được ngợi khen, tâm vẫn bình thản.
– NHỤC: bị chê bai, lòng không biến đổi.
– VUI: được việc vui, tâm không xao động.
– KHỔ: gặp khổ đau, lòng vẫn an nhiên.
C/ HÃY THƯƠNG YÊU TẤT CẢ CHÚNG SINH.
Thấy rõ được lẽ vô thường không chừa một ai, ta hãy thương yêu mọi người, vì họ cùng cảnh ngộ với mình. Cuộc đời như tấm gương phản chiếu, vì khi mình mỉm cười thì trong gương cũng cười lại, còn nếu mình giơ nắm đấm lên thì trong gương cũng giơ nắm đấm lại. Luật nhân quả thì quá rõ ràng, nhưng ta phải hiểu định luật này theo 3 thời: quá khứ, hiện tại, và tương lai… vì nhân duyên gieo xuống thì phải đủ duyên quả mới trổ. Chúng ta đừng thấy những gì diễn ra trước mắt mà vội kết luận là luật nhân quả không có hay là không đúng, rồi than thân trách phận là “trời không có mắt”.
Ở đây tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm một chút về luật nhân quả theo cái biết của tôi: [Mai Văn Như]
– Trong buổi nói chuyện của B/S Nguyễn quý Khoáng tại số 201 Nguyễn chí Thanh. Khi kết thúc buổi nói chuyện, có một thính giả đặt câu hỏi: “Nếu nói luật nhân quả là có thật, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, sao bản thân tôi giúp đỡ người ta từ tiền bạc cho đến tinh thần, mà tôi không nhận được quả tốt nơi người đó, mà còn bị người đó chưởi mắng mình nữa”. [câu hỏi này chúng ta rất thường nghe trong lúc nói chuyện về luật nhân quả].
Diễn giả trả lời rằng” muốn có được kết quả cũng phải chờ thời gian, thí dụ như ta gieo một hạt giống xuống đất cũng cần phải có thời gian chờ nó nẩy mầm, rồi còn cần phải vun phân, tưới nước nữa chứ… đâu phải gieo xuống là có ăn liền”.
Nhưng theo ý của tôi [ ý của MAI VĂN NHƯ] nếu gặp những câu hỏi như trên, tôi sẽ trả lời như thế này: “Những gì mà anh giúp cho người ta đó, từ tinh thần đến vật chất. Anh chớ nghĩ rằng anh đang giúp, mà hiện tại biết đâu anh đang “TRẢ LẠI NHỮNG GÌ MÀ ANH ĐÃ VAY MƯỢN TRONG QUÁ KHỨ”.
Nghĩ được như vậy thì tâm anh sẽ được nhẹ nhàng hơn. Không phải luật nhân quả là cứ phải anh giúp người đó thì người đó sẽ trả ơn cho mình, mà là sẽ có người khác giúp lại mình nữa chứ, bởi vì luật nhân quả đâu chỉ bó hẹp trong phạm vi là mình giúp người đó thì người đó phải giúp lại mình, hoặc phải cảm ơn mình.
Còn nếu nâng cao tâm thức lên một chút, anh hãy nghĩ đến câu “thi ân bất cầu báo”, làm được việc thiện rồi thì hãy quên luôn đi, còn nhớ đến việc thiện là còn nuôi dưỡng cái mầm ác trong đầu, quên luôn ở đây mà tôi muốn nói tới, đó là khi bổng chợt nhớ, hoặc muốn nghĩ đến nó, thì dụng Ý dừng lại ngay, tuy nhiên việc này cũng hơi khó đấy,[rất tiếc là tôi không thể trao cùng thính giả ấy, bởi vì hết giờ].
Teilhard de Chardin, nhà thần học nổi tiếng của Pháp đã nói trong quyển: La vie vaut d’être vécue [đời đáng sống] là tại sao chúng ta công nhận có những định luật về vật lý trong vũ trụ, trong khi đó chúng ta lại không tin có những định luật về luân lý và đạo đức trong thế giới tinh thần. Trong đạo Phật có câu rất hay: ” Muốn biết kiếp trước người đó như thế nào, thì hãy xem kiếp này của họ. Muốn biết kiếp sau người đó như thế nào, thì hãy xem hiện tại họ sống kiếp này ra sao”.
Vậy ta là chủ vận mệnh của mình , hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta quyết định, chứ không do bất cứ một ai khác, hoặc là một ông thần nào hay một đấng nào khác. Vì thế ta nên giữ từng ý nghĩ, từng lời nói, từng việc làm cho thật trong sạch để tạo nghiệp tốt cho đời này và đời sau.
Từ 3 nhận thức trên đây, ta hãy để tâm mình buông xả, không cố chấp vào một điều gì, không dính mắc vào bất cứ cái gì. XẢ ở đây xuất phát từ sự hiểu biết, niềm cảm thông, lòng bao dung. XẢ là lòng an tịnh, quân bình, không phân biệt người với mình. Cái tôi càng nhỏ thì tâm xả càng trọn vẹn.
– Từ tâm XẢ này, ta sẽ có tâm HỶ, nghĩa là vui với cái vui của người khác thay vì có tâm ganh ghét một cách nhỏ nhen.
– Từ tâm XẢ này, ta sẽ có tâm BI, nghĩa là thương những người nghèo, đói, bị bệnh tật, gặp hoạn nạn, hoặc đau khổ về thể xác và tinh thần.
– Từ tâm XẢ này, ta sẽ có tâm TỪ, nghĩa là thương yêu tất cả mọi người, mọi sinh vật một cách không phân biệt, thậm chí đến cả cỏ, cây.
4/ KẾT LUẬN.
Vô thường là điều cần thiết cho mọi sự tiến bộ, vì có vô thường thì mới có thể sữa chữa được những lỗi lầm mình lỡ mắc phải để trở thành người tốt hơn, mới có thể tu tập để trở thành thánh nhân.
Quán chiếu lẽ vô thường, ta không lười trễ, mà cố gắng hoàn thành ước nguyện của mình. Ta biết quý trọng từng giờ, từng phút của sự sống. Biết sống trong chánh niệm, biết tỉnh thức trong hiện tai. Ta ý thức được những gì đang có trong hiện tại là quý giá, và ta phải trân trọng, chăm sóc nuôi dưỡng chúng.
Thấu hiểu lẽ vô thường, ta không chán ghét mọi sự, mà là tiếp xử vạn vật bằng tuệ giác, nghĩa là với thái độ không tham đắm và dính mắc. Ta giữ được tâm bình thản trước mọi hoàn cảnh thay đổi bất ngờ. Ta không đi tìm dục lạc tạm bợ, mà tìm hạnh phúc chân thật, thường còn.
Tài liệu tham khảo
1/ DANH TỪ PHẬT HỌC THỰC DỤNG, Tâm tuệ Hỷ.
2/ TỪ NỘI TÂM HƯỚNG RA BÊN NGOÀI, Dadi Janki.
3/ KINH VÔ NGÃ TƯỚNG, cư sĩ Thiện Nhựt-Huỳnh hữu Hồng.
4/ TẠNG THƯ SỐNG CHẾT, Soyan Rinpoche, Ni sư Trí Hải dịch.
5/ KINH KIM CANG GIẢNG GIẢI, HT Thích thanh Từ.
6/ ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP, ĐĐ Narada, cư sĩ Phạm kim Khánh dịch.
7/ CHUYỂN HOÁ TÂM, Shamar Rinpoche.
8/ SỐNG HẠNH PHÚC, CHẾT BÌNH AN, Đức Dalai Lama.
9/ ĐẮC NHÂN TÂM, Dale Carnegie, Nguyễn hiến Lê dịch
10/ TỈNH THỨC, Dr Prashant V. Kakode, LV. Mậu- TT. lâm dịch
B/s Nguyễn Quý Khoáng.