Ý NGHĨA CỦA PHÓNG SINH

Chúng ta cần phải xét lại việc phóng sinh chim và thả cá. Chim bị bắt nhốt vào lồng, cá bị bắt thả trong chậu bán ngoài chợ là do người giăng lưới vây bắt vì nhu cầu tiêu thụ, để ăn hoặc để phóng sinh. Điều này có nghĩa là nếu không có nhu cầu mua chim cá thì chim cá sẽ không bị giăng lưới và nhốt vào lồng chậu. Qua sự kiện này chúng ta nhận thấy, vì muốn phóng sinh nhằm tạo phước mà người phóng sinh lại vô tình thúc đẩy những người khác giăng lưới bắt chim cá, đến nỗi tự họ lại mắc vào nghiệp sát sinh.

Ngoài ra, chim cá bán ngoài thị trường để cung ứng cho nhu cầu phóng sinh tại các đô thị thường là do người ta bắt ở các ao cá, vườn chim. Những sinh vật này có thể sẽ không thích ứng với hoàn cảnh mới. Hơn nữa, các giống chim, cá đều có thói quen của chúng. Có những loài cá phải sống trong những hoàn cảnh nhất định như chất nước, độ sâu, độ chảy. Cá sông không thể sống dưới biển và cá biển không thể sống dưới sông. Chỉ có những con chim bồ câu bị bắt để phóng sinh thì may ra ít khổ nhất, chúng chỉ bị tù túng mấy ngày, có thể là phải chịu đói khát, nhưng nếu sống sót cho đến lúc được phóng sinh mà còn đủ sức để bay thì cũng có nhiều cơ may có thể “trở về mái nhà xưa”, vì loài chim bồ câu vốn nhớ đường về, chúng sẽ có thể bay về với gia đình, sẽ được chủ nó cho ăn uống bồi bổ lại sau những ngày bị giam cầm tù tội và đói khát.

Trong tình hình như vậy, có nên phóng sinh hay không ? Chúng tôi nghĩ rằng điều này nên để quý vị tự định đoạt. Tuy nhiên, việc bắt, mua bán rồi thả, rồi bắt lại v.v…là không đúng với tinh thần phóng sinh. Phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giải thoát được con vật trong hoàn cảnh ngẫu nhiên hay thả chúng sống trong một môi trường thích hợp, tạo cho chúng có cơ hội sống dài lâu hơn. Không nhất thiết phải mang chúng đến chùa mới phóng sinh được. Chỗ nào thích hợp thì thả chúng.

Thật ra việc phóng sinh ai cũng có thể làm, không nhất thiết phải có tiền (mua chim cá) mới thực hành được. Chỉ cần có tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình đẳng, đều có quyền sống. Khi đi bộ trên đường thấy con giun đang giẫy giụa trước sức nóng mặt trời, chúng ta mang chúng vào nơi có đất ẩm, hay gặp con sên đang bò trên vỉa hè, chúng ta nhặt chúng đem vào bãi cỏ xanh mát. Hoặc là khi khởi tâm muốn phóng sinh, chúng ta rủ bạn bè, thân nhân, đi ăn một bữa cơm với rau đậu, như thế là chúng ta cũng đã có thể cứu dăm ba mạng tôm, cua, sò, cá, chim câu, vân vân, thế là cũng đã thực hiện hạnh phóng sinh rồi.

Theo quy luật nhân quả, mình có lòng muốn cho chúng sinh khỏi đau đớn, giải thoát chúng sinh, thì mình cũng sẽ được khỏi đau đớn, được giải thoát. Nhưng đó chỉ là kết quả tự nhiên của những hành động từ thiện, không phải mục tiêu của sự phóng sinh trong nhà Phật. Nhà Phật phóng sinh là vì lòng từ bi. Nói như thế không có nghĩa là hành động phóng sinh chỉ đem lại ít lợi ích. Thật ra việc phóng sinh đúng cách và với Tâm Vô Sở Cầu thì sẽ có kết quả vô cùng lớn lao, là vơi đi nghiệp sát đã vướng phải trong vô lượng kiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*