Quê ở Cà Mau nhưng vì hai anh em tôi lên Sài Gòn lập nghiệp nên cứ đến cuối năm cả hai lại chật vật đến bến xe đặt vé về quê. Tết năm nào “hành trình” đi đặt vé của hai anh em tôi cũng rất vất vả. Đường đi không khó mà tôi ngại nhất cái cảnh chen lấn, tranh giành nhau để mua được tấm vé. Mệt muốn đứt hơi nhưng nghĩ đến hình ảnh sum họp với gia đình trong đêm giao thừa, chân tôi cũng cố chen lấn với mọi người.
Rút kinh nghiệm, năm nay tôi kêu anh Hai đi đặt vé sớm. Đến cổng bến xe, tôi đang định kêu anh để xe tôi trông, anh vào trong bến mua vé cho lẹ thì hình ảnh một người phụ nữ với dáng vé còm cõi, khắc khổ đang dắt một cậu thanh niên trẻ tuổi bị mù lòa sang đường khiến cả hai anh em chú ý. Những dòng xe nối đuôi nhau ào ạt chạy qua không nhường cho bà một lối băng sang. Cả hai bị kẹt ở giữa, đi tiếp cũng khó mà lùi lại cũng dở. Anh Hai kêu tôi đứng trông xe rồi đi nhanh về phía hai người họ. Tới bên, một tay anh ôm vai cậu thanh niên, một tay giơ cao xin đường. Người phụ nữ cũng bám lấy vai anh tôi bước theo. Sau một hồi loay hoay, anh cũng đưa được cả hai sang bên này. Người phụ nữ đã cầm tay anh tôi và luôn miệng: “Cảm ơn con nhiều nhiều, xe đông quá con à”.
Sau hồi hỏi thăm thì anh em tôi được biết bà dắt con trai vào bến xe mua vé về quê. Mấy hôm nay khách tới mua vé cũng đông, bà ốm yếu nên chen không lại. Bà nói quê mình ở Sóc Trăng, hai năm nay má con đi lên Sài Gòn bán vé số, dành dụm mãi năm nay mới đủ tiền về. Bà chặc lưỡi thở dài: “Mồ mả ông bà chắc cỏ giờ đã ngập đầu hết rồi”. Nói rồi bà rút cái khăn đã ngả màu trong túi, quay sang lau mồ hôi cho cậu con trai đang ngắc ngơ đầu ngồi bên cạnh. Bà nói với giọng buồn buồn: “Nó như con nít á mấy con. Nó mù lòa, hay đau ốm lại thêm bị thần kinh nữa. Ở quê không có ai chăm sóc nên tui phải dắt díu nó đi cùng”.
Nhìn đôi bàn tay chai sần, gân guốc và nụ cười khắc khổ của một người mẹ già từng tuổi này còn phải gánh lên vai đứa con mù lòa, nửa mê nửa tỉnh tôi và anh Hai đã rất xúc động. Anh kêu bà đợi ở đây với tôi để chạy đi mua vé giúp. Ngồi lại với hai mẹ con, tôi đã được bà kể cho rất nhiều chuyện về cuộc đời mình. Câu chuyện khá dài nhưng chung quy là bà có sáu người con, chồng mất khi đất nước vừa giải phóng. Một mình bà tần tảo làm mướn, làm thuê nuôi bảy miệng ăn trong gia đình. Năm người con đầu đều bình thường, chỉ có người con út kém may mắn sống trong cảnh mù lòa, không minh mẫn. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, rồi bà cũng dành dụm mua được một mảnh đất vườn để cất một căn nhà nho nhỏ. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng bà vẫn lo cho năm người con học hành đến nơi đến chốn, duy chỉ có người con út vì bệnh nên chịu thiệt thòi ở nhà với bà. Một điều đau lòng khi sự hy sinh của người mẹ cho con lại nhận được sự ghẻ lạnh, bất hiếu từ những đứa con thành đạt. Đứa lớn đùn đẩy đứa nhỏ, đứa nhỏ tị nạnh đứa lớn trong việc chăm sóc mẹ già. Cám cảnh ấy, bà đã dắt người con út rời bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Thân già cùng đứa con mù lòa vất vưởng qua ngày tại mảnh đất Sài Gòn. Ban đêm hai mẹ con trú tạm căn phòng thuê không quá 6m2của chủ trọ tốt bụng. Hàng ngày bà đẩy con trai đi bán vé số khắp Sài Gòn. Những hôm mưa bão, hai mẹ con bà lại co ro bên hiên nhà người để tránh gió.
Kể đến đây, đôi mắt bà trũng sâu ngân ngấn nước. Rồi bà tiếp lời : “Nói thì nói vậy con à! Tui hổng có giận năm đứa chúng nó, chỉ mong tụi nó có cuộc sống đầy đủ là vui rồi. Đời tui đâu cần gì ngoài việc nhìn thấy con cái sống hạnh phúc”. Nghe đến đây lòng tôi chợt dâng lên niềm thương cảm vô bờ. Ngẫm nghĩ đạo hiếu ngày nay dường như bị mai một, khi con người ngày càng coi trọng giá trị vật chất mà mất đi đạo nghĩa ở đời. Nhưng tình thương của người mẹ này thì cao quý biết bao nhiêu.
Tôi nhớ Đức Phật có dạy: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm. Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh. Nhược đắc đạo đồng chư Phật. Tiên tu Hiếu dưỡng nhị thân” có nghĩa lòng hiếu thảo chính là lòng Phật, hạnh Hiếu há chẳng phải là hạnh Phật sao? Nếu muốn theo con đường của đức Phật. Trước hết phải hiếu thảo với mẹ cha là điều trước tiên của một con người. Ví như trong 14 điều răn của Phật có dạy rằng: “Tội ác lớn nhất của đời người là tội bất hiếu”. Nên khi nghe câu chuyện của bà mẹ, tôi cảm thấy xót xa trong lòng. Thương bà bao nhiêu thì tôi lại giận những người con kia của bà bấy nhiêu. Cả đời bà đã dành trọn cho con, khi bị hắt hủi chăm nom bà vẫn không một lời than vãn, oán trách. Thậm chí, bà vẫn cảm thấy an vui, hạnh phúc khi được nhìn thấy con cái mình phương trưởng, đạt thành. Bà bảo với tôi: “Đi lâu vầy chứ tui nhớ tụi nó dưới quê lắm. Thây kệ chúng đối xử ra sao, con cái là tất cả cuộc sống của mình, con à”.
Nghe bà nói thế mà sống mũi tôi cay xè. Đúng lúc này anh Hai tôi hổn hển, trán mướt mồ hôi đi ra với bốn vé xe trên tay. Thấy tôi như đang có vẻ khóc, anh đã ngạc nhiên hỏi có chuyện gì. Tôi mỉm cười nói không sao rồi kéo anh qua một bên để kể sơ qua cho anh nghe hoàn cảnh của hai mẹ con. Rồi anh quay lại đưa vé xe cho bà mẹ kèm lời chúc hai mẹ con bà về quê bình an, đón một năm mới sum vầy bên con cháu. Bà xúc động nhìn hai anh em, miệng liên tục nói cảm ơn, cảm ơn còn tay lần giở túi móc tiền trả. Anh em tôi vội chào bà rồi đứng lên rồ ga cho xe chạy đi. Từ phía sau vọng lên tôi nghe thấy giọng bà như run run: “Nè nè con ơi! Bà chưa gửi tiền lại mà”.
Tôi hy vọng xuân này mẹ con người phụ nữ ấy sẽ có những yêu thương…
Sài Gòn trở lạnh mà bỗng ấm áp đến lạ lùng.
Sưu tầm