Nếu chúng ta phát triển tâm bi, những kinh nghiệm tâm linh khác sẽ tự nhiên khởi lên trong ta. Tâm bi là gốc của tất cả đức hạnh. Nó giúp ta thoát khỏi sự chấp ngã.
Vì Phật tánh luôn hiện diện trong ta, tất cả chúng ta đều có khả năng khai mở tâm bi to lớn, hào phóng và rộng lượng. Tâm bi mở rộng tâm thức khép kín và đông cứng của ta. Nó làm an bình tâm thái hoang dã và chuyển hóa tính khí lạnh lẽo, mục nát và tiêu cực của ta. Nó đem chúng ta ra khỏi tối tăm, những tù ngục ngăn che được tạo tác bởi tính ích kỷ và sự chán nản để trở thành ánh sáng ban ngày. Thay vì lôi cuốn người khác phục vụ cho bản ngã hoang dã của mình, ta có thể tìm ra trung tâm thật sự của mình nhờ lòng bi mẫn đối với những người khác. Tâm bi là bản tánh chữa lành của tâm ta, qua đó ta có thể tìm thấy an bình.
Dù ta hiểu rằng lòng bi mẫn đặt ta trực tiếp trên con đường chân chánh, chúng ta vẫn thấy khó ngừng sự bám chấp ích kỷ vào những mối quan tâm của mình, chừng nào ta chưa kinh nghiệm được tâm rộng mở với người khác. Cách tiếp cận căn bản của đạo Phật là bắt đầu từ một cách đơn giản và mở rộng vòng của tâm bi ra ngoài.
Vì vậy, chúng ta nên cảm thấy một cảm giác lành mạnh của tình thương cho chính mình, thận trọng với những nhu cầu và tiện ích thật sự và hoan hỷ đón nhận niềm vui khi nó khởi lên trong ta. Chúng ta nên cảm kích những ai ở gần mình và quan tâm chăm sóc họ, đạt được kinh nghiệm trực tiếp của thái độ nồng nhiệt hơn là chỉ dựa vào những ngôn từ hay cảm giác mơ hồ. Dần dần, chúng ta có thể mở rộng việc thực hành tâm bi.
Tâm bi không có nghĩa là lo lắng. Nó là trí huệ chân thật cởi mở và là sự quan tâm chăm sóc. Trái lại, sự lo lắng bị mọc rễ trong sự bám chấp, làm hao mòn sức mạnh của ta và khả năng giúp đỡ người khác.
Thường thường, khi chúng ta quan tâm đến một ai, chúng ta lo nghĩ. Điều này là phản ứng không thể tránh được của một tâm thức bình thường. Vì thế, nếu bạn có thể, hãy quan tâm nhưng không lo nghĩ. Nếu những lo nghĩ nổi lên, đừng lo lắng về sự lo nghĩ đó. Hơn nữa, hãy nhìn điều này như một sự tích cực và nghĩ: “Tôi lo nghĩ vì tình thương với người này. Quan tâm là thái độ tốt nhất.” Bằng việc nhìn sự lo nghĩ trong ánh sáng tích cực này và hoan hỷ vượt qua nó, tác động tiêu cực sẽ được chuyển hóa thành năng lực xây dựng.
Chúng ta có thể cảm nhận tâm bi hướng đến kẻ thù hay những người ta không thích như thế nào? Sự tiếp cận có hiệu quả là xem họ như những người mẹ, trên thực tế họ nhân từ, tử tế và có tình thương, ngoại trừ việc thật tánh của họ bị che lấp; hay có lẽ chúng ta thấy khó khăn trong việc nhận ra Phật tánh trong họ vì cái nhìn của ta bị ngăn che.
Trong thiền định, chúng ta có thể bắt đầu phá vỡ bức tường ngăn cách ta với những người khác. Đức Tsongkhapa nói điều này về tâm bi và thiền định:
“Đặc tính của tâm bi là ý tưởng ‘Cầu cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi đau khổ’ và ‘Tôi sẽ dẫn dắt họ đến giải thoát.’ Những giai đoạn của tâm bi là trước tiên ta thiền quán hướng đến những người mình thương, sau đó hướng đến người không thương, không ghét, và kế tiếp là hướng đến những kẻ thù. Khi một người có tâm bi nhìn người thương và kẻ địch cũng như nhau, hãy thiền định tiếp hướng đến tất cả chúng sanh trong vũ trụ.”
Tôi sắp diễn tả một thực tập tinh thần nhắm vào sự thống khổ của người khác một cách sinh động. Một số người lo lắng rằng thiền định trên những đau khổ khủng khiếp có thể làm cho tinh thần yếu đuối, nhưng trên thực tế nó chữa lành chúng ta bằng việc giải thoát sự chấp chặt bản ngã. Vì thế hãy mở rộng trái tim bạn, và để cho cảm giác của tâm bi lớn lên.
Hãy quán tưởng một cách sinh động và đồng cảm với một người bị hành hạ vô hy vọng, kinh hoàng, đang cầu cứu. Bạn cũng có thể dùng hình ảnh của một người đang hấp hối đơn độc với những đau đớn nhức nhối không còn hy vọng sống sót, từng giây treo trên niềm hy vọng được sống, đang kêu gọi giúp đỡ và nhìn chăm chú vào thế giới của những người đang sống với dòng nước mắt. Hoặc bạn có thể quán tưởng một ai đó đang bị những người hành hình kéo lê đến cái chết bằng những bàn tay thô bạo trước đôi mắt sợ hãi, đầy nước mắt vô vọng của những người thân. Hoặc thấy một con vật vô hại, hiền lành đang bị giết thịt bởi con dao bén nhọn của những người đồ tể giữa những tiếng cười sấm sét hãi hùng. Hoặc hình dung một người bị kẹt trong lửa, lũ lụt hay động đất liếc nhìn thế giới yêu dấu lần cuối cùng qua những giọt nước mắt lẫn máu.
Sau đó hiểu rằng sinh linh đau khổ đó không ai khác hơn là cha mẹ, con cái hay người thân của bạn. Đạo Phật tin rằng, tất cả chúng sanh đã từng là người thân của chúng ta, vào lúc này hay lúc khác trong rất nhiều kiếp quá khứ. Và rồi hãy nghĩ: “Lúc bà ấy là mẹ tôi, bà đã cho tôi tất cả tình thương và chăm sóc lúc tôi cần, sưởi ấm trái tim tôi với lòng từ ái và hy sinh hạnh phúc, giấc ngủ vì lợi ích cho tôi. Nhưng hôm nay không ai giúp bà ấy thoát khỏi nguy hiểm này. Bà không có cơ hội phát triển trí huệ và sức mạnh cần có vào lúc cuối cùng này. Tôi là đứa con duy nhất làm sao có thể tiêu tốn tất cả sinh lực vào những trò tiêu khiển ngớ ngẩn của cuộc sống này, thờ ơ với nỗi đau khổ và sợ hãi của bà?”
Bây giờ hãy quyết định đi theo con đường của tâm bi, suy nghĩ rằng: “Ngay từ khoảnh khắc này, tôi nguyện trước toàn thể thế giới, hồi hướng từng phút giây của đời sống tôi để phát triển tâm linh nhằm chữa lành tất cả chúng sanh là những người mẹ đang đau khổ của tôi.”
Bạn cũng có thể bắt đầu tu tập tâm bi bằng việc an trú vào những hình ảnh tích cực. Nghĩ về lòng nhân từ và bi mẫn của một bậc cha mẹ, một người bạn hay một bậc thầy đã bày tỏ với bạn, và gợi lên cảm giác tuyệt diệu của những ký ức ấm áp đó với bạn. Sau đó tự nhủ mình phải chuyển tặng phẩm lớn lao đó của lòng đại bi đến những người khác, và ban tặng một cách rộng rãi, giống như ánh sáng sưởi ấm toàn thể thế giới và vũ trụ.
Hoặc bạn có thể dùng cảm giác đau khổ và sợ hãi sâu xa của mình để phát sinh tâm bi. Đa số chúng ta cố gắng che giấu một cách vô ích khi đau khổ đến với ta, nhưng nó có thể là một nguồn lực vô giá. Với thái độ đúng đắn, mùi vị cay đắng của đau khổ khiến ta dễ dàng hơn trong việc hiểu được sự đau khổ của người khác.
Thấy và cảm nhận đau khổ đem lại một sự hiểu biết mạnh mẽ về sanh tử luân hồi, hiện hữu trần thế ngắn ngủi của chúng ta. Điều này có thể phát sinh một năng lực đầy sức mạnh, không chỉ thương xót hay mong muốn tốt cho người khác, mà là một nguyện vọng và cam kết hết lòng nhận trách nhiệm giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi hầm lửa sanh tử.
Bằng việc phát triển tâm bi mạnh mẽ cho tất cả chúng sanh như những người mẹ, chúng ta sẽ mất đi sự thù hận, ghen tỵ, đố kỵ và thèm khát. Tâm bi làm tiêu tan bức tường phân cách bạn bè và kẻ thù, anh và tôi, tốt và xấu. Nó cung cấp khoảng không cho hạnh phúc và an bình.
Ngài Asanga (Vô Trước) một triết gia Đại thừa vĩ đại của Ấn Độ thời xưa, đã thiền định về Đức Phật Di Lặc (Maitreya), vị Phật của lòng từ ái, suốt 12 năm trong một hang động. Tuy nhiên, Ngài đã thất bại không thấy được bất cứ dấu hiệu nào của thành tựu thực sự, cho đến ngày rời hang động và nhìn thấy một con chó rên rỉ gần chết trên đường. Khi Ngài cố gắng giúp đỡ con vật, đột nhiên tâm bi vô biên bùng mạnh và con chó chuyển thành thân chói lọi của Đức Di Lặc. Ngài Asanga than khóc: “Đức Phật, Ngài ít lòng bi với con, tại sao đã lâu Ngài không cho con thấy mặt.” Đức Di Lặc nói: “Ta luôn luôn ở cùng với con không ngăn cách. Nhưng con không thể thấy ta vì những chướng ngại tâm thức của con. Tâm bi đã tịnh hóa tất cả chúng.”
Khi tâm bi tăng trưởng, ta dễ dàng hơn trong việc buông bỏ sự vật lộn của tâm phân biệt liên tục. Trong sự rộng mở của tâm bi, chúng ta có thể chuyển hóa những mê lầm của mình thành tri giác thanh tịnh, trí huệ bổn nguyên của tâm.
Phần lớn chúng ta khó quan niệm về sự chứng ngộ sự rỗng rang trường cửu, toàn triệt. Tuy nhiên nếu chúng ta thực hành tâm bi, những ảo giác, bám chấp và những thói quen của nghiệp xấu sẽ bắt đầu rơi rụng.
Khi chúng ta thành Phật, tâm bi tự nhiên khởi lên trong ta như một sức mạnh tỏa khắp, hiện diện khắp nơi của Phật tánh. Như Ngài Longchen Rabjampa nói:
Từ bản tánh chân thật (Phật tánh),
Trong tất cả mọi hướng, khởi dậy sức mạnh của đại bi,
Hoàn thành sự lợi lạc cho mọi người qua sự hiển bày của nó.
Đại sư Tulku Thondup, Tuệ Pháp dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính