Nếu vấn đề hỏa táng (hay địa táng) được xã hội đặt ra do sự bức xúc việc thiếu đất để chôn người chết, trái lại việc đốt vàng mã không phải là do áp lực của điều kiện xã hội, mà là do phong tục tập quán tín ngưỡng. Tất nhiên việc đốt vàng mã cũng đẻ ra những vấn đề liên quan đến môi trường và kinh tế, nhưng việc đốt vàng mã có thể xảy ra hỏa hoạn, hoặc việc đốt vàng mã đẻ ra sự lãng phí về vấn đề giấy, nhưng đó không phải là vấn đề quá bức xúc để phải đặt ra việc thay đổi tập quán đốt vàng mã. Nếu phải giải quyết vấn đề phá bỏ một tập tục được coi là “vô lý”, phải có một chứng minh khách quan là việc đốt vàng mã không mang lại một hiệu quả tâm linh nào. Đó chính là vấn đề mà ta phải giải quyết trong đề tài nghiên cứu “Thực chất của việc đốt vàng mã”.
1. Hiện tượng đốt vàng mã
Cho đến nay vấn đề đốt vàng mã được coi là một phong tục tập quán xã hội, người ta rất e dè trong việc ủng hộ hay phê phán hiện tượng này, vì đốt vàng mã là gửi những món quà cho những người đã mất. Có ý kiến nói rằng, thông qua những “cô đồng” một số người đã chết cho biết họ có nhu cầu người sống gửi cho họ một số vận dụng. Cũng qua những cô đồng, ý kiến phản hồi cho biết người chết đã nhận được những quà tặng được gửi (mà cô đồng không biết nội dung các thứ đã gửi). Một số khác cho rằng người chết không nhận được những món quà này, mà đó chỉ là một hình thức để thể hiện tâm nguyện của người sống tưởng nhớ đến người chết, và việc đốt vàng mã gửi những quà tặng chỉ có hiệu ứng tâm lý đối với người đã sống đã thực hiện một số vấn đề để thể hiện trách nhiệm đối với người chết.
Ngay trong nghị định của Chính phủ chỉ nói là “cấm đốt vàng mã ở nơi công cộng” chứ không nói là cấm đốt vàng mã nói chung, bởi nếu như vậy sẽ vấp phải sự phản ứng rất mạnh của quần chúng. Thế nhưng việc đốt vàng mã, với hình thức của nó choa ta thấy một biểu hiện rất rõ của cái mà người ta cho là “mê tín dị đoan”. Chẳng hạn, người chết ngày xưa làm sao biết đồng đô la mà gửi đô la cho các cụ tiêu ( ! ? ), nếu không kể đến những ngựa, voi bằng giấy to tướng, cồng kềnh, những “hình nhân thế mạng” đem đốt cho người chết. Ngày nay người ta còn làm những đồ vàng mã đắt tiền như gửi cả ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh, thậm chí cả những ngôi nhà và biệt thự cho người âm. Ở các đền chùa để phục vụ cho việc đốt vàng mã, người ta phải làm riêng những “lò” cho người đi lễ đốt vàng mã. Số tiền để tiêu tốn cho việc đốt vàng mã cũng không phải là ít. Để bảo vệ cho phong tục đốt vàng mã người ta viện dẫn là các nước có điều kiện đời sống kinh tế cao hơn ta như Hàn Quốc, Hồng Kông vẫn duy trì việc đốt vàng mã, lại còn đặt nhiều cơ sở nước ta in “tiền âm phủ” cho họ
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi việc đốt vàng mã có tác dụng gì đối với người âm hay không? Không thể viện dẫn vì lý do dễ gây hỏa hoạn, lãng phí, vì trong xã hội gần như chưa có vụ hỏa hoạn nào xảy ra do đốt vàng mã, và còn quá nhiều cái lãng phí để đòi hỏi cấm đốt vàng mã để chống lãng phí. Cũng không thể viện dẫn giáo lý nhà Phật không có đoạn nào dạy phải đốt vàng mã, vì theo Phật Giáo cũng tuyên bố là đạo Phật không tin là có linh hồn, trong khi việc tìm mộ liệt sĩ đã khẳng định điều này. Bởi thế, vấn đề đặt ra trong đề tài nghiên cứu này là tìm hiểu xem thực chất của việc đốt vàng mã là như thế nào? Đốt vàng mã có tác dụng gì hay không đối với người chết?. Tức là nghiên cứu cơ sở khoa học của vấn đề, sau đó mới bàn đến vấn đề xã hội của nó.
2. Phong tục đốt vàng mã ra đời như thế nào?
Những người phản đối vấn đề đốt vàng mã có thể tìm thấy lý lẽ vững chắc bởi sự kiện là các nước Phương Tây không có tục đốt vàng mã. Như vậy phải chăng tổ tiên họ, những người đã mất sẽ luôn bị thiếu thốn vì không có ai gửi quà cho họ. Những người theo Thiên chúa giáo cũng như Hồi giáo, đều không có tục đốt vàng mã. Thời thượng cổ, ngay trong những quan niệm thần bí người ta cũng chỉ gửi cho người chết một số đồ “tùy táng”, tức là những vật dụng mà khi người chết còn đang sống vẫn thường sử dụng với ý nghĩ là khi họ chết là có những đồ đó theo mình. Với những nhà quyền quý và các vua chúa, những đồ tùy táng thì không kể hết được. Khảo cố học cho biết ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng có rất nhiều tượng và đất nung, các giáp binh, và ngựa chiến để cho vị Hoàng đế này sử dụng ở thế giới bên kia. Một số phong tục còn tàn ác hơn, người ta bắt một số cung nữ “tuẫn táng”, tức là bị bức chết theo nhà vua để phục vụ nhà vua dưới âm phủ. Một số nhà quan thì gửi chuông khánh, và ngọc chôn theo người chết, v.v… Những vật báu gửi theo này chính là nguồn gốc để cho những kẻ phá mộ cổ để tìm vật báu. Thời xưa người ta chưa có giấy, chữ viết được viết trên đất sét rồi đem nung, hoặc viết trên tre, viết trên lụa, viết trên da của các động vật. Người phát minh ra giấy là Thái Luân trong thế kỷ đầu của Công nguyên, thời nhà Hán mới có người phát minh ra giấy. Như vậy không thể có tục đốt vàng mã từ thời thượng cổ.
Theo một vài nghiên cứu về đốt vàng mã ra đời từ Trung Quốc, bắt đầu từ việc làm hình nhân thế mạng để chuộc mệnh cho người sống. Tiếp đó là việc bắt chước việc gửi đồ tùy táng cho người chết, mà thứ dân không có điều kiện gửi các đồ thật, phải làm các đồ mã để thay thế. Từ đó ý tưởng gửi cho người chết những thứ mà họ cần dùng được mở rộng cho các vận dụng của thời hiện đại như ta đã thấy, không chỉ có voi, ngựa, hình nhân, mà cả ôt tô, ti vi, điện thoại di động, v.v…
Sự ra đời của phố Hàng Mã trước đây ở Hà Nội, và hiện trạng các thứ đồ mã đang được bày bán là minh họa cụ thể cho hiện tượng trên.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa – Thông tin, với số liệu chưa được đầy đủ, hàng năm đã có hơn 40 ngàn tấn vàng mã được đốt, và riêng cả Hà Nội đã có khoảng 400 tỉ đồng chi cho việc đốt vàng mã.
3. Nghiên cứu thực chất của việc đốt vàng mã
Như trên đã nói, việc đốt vàng mã mặc dù là một phong tục tập quán nhưng đã củng cố của một vài hiện tượng tâm linh. Qua việc gọi hồn người chết có nhu cầu con cháu họ gửi cho họ một vài thứ. Khi một vài thứ đó được gửi dưới dạng vàng mã thì người âm cho biết người chết có nhận được, và gia đình được yên ổn. Một vài hiện tượng như lễ tạ bằng hình nhân: voi, ngựa được cho biết là cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, một vài nhà ngoại cảm cho biết là họ có thể chữa bệnh cho người âm chỉ bằng tư tưởng của họ. Người sống có thể gửi cho người chết những cái họ cần chỉ bằng những đồ bằng giấy cắt theo hình dạng các vật dụng ấy với tấm lòng thành đem đốt đi là được. Nói chung, một số nhà ngoại cảm cho rằng việc đốt vàng mã không phải là việc gửi các đồ mã cho người chết mà có tác dụng, mà là gửi tấm lòng của người sống đối với người chết thông qua một vài đồ mã. Khi người sống có những ý niệm chân thành mua, sắm những vật dụng đồ mã đó thì những đồ mã này đã là những “giá thể” tiếp nhận những thông tin từ não bộ của họ. Cũng vậy, việc làm sớ nếu gia chủ chân thành gửi lòng mong muốn, cầu xin những điều gì cho người đã khuất, những ý niệm ấy được thể hiện bằng những thông tin ghi vào tờ sớ. Khi đốt những đồ mã ấy, đốt những tờ sớ ấy những thông điệp tinh thần ấy được giải phóng và gửi tới thế giới bên kia.
Chính cũng vì chủ trương cái tâm là chính nên nhân dân ta cũng đã quan niệm:
“Tâm thành thắp một nén hương cũng là”
Tuy nhiên tất cả những điều nói trên mới chỉ là những quan niệm, những giả thuyết. Để giải quyết vấn đề này có cơ sở khoa học, chúng ta phải thông qua những người có khả năng đặc biệt dùng phương pháp áp vong, hoặc gọi hồn để có được những thông tin về những người đó.
a) Thực nghiệm trên một số gia đình với đề nghị cầu xin chân thành là giúp cho khoa học tâm linh được hiểu biết, những người này đốt một số vàng mã cho người chết. Sau đó gọi hồn hoặc áp vong xem người chết có nhận được những thứ họ gửi không. “Cô đồng” hoặc người áp vong không biết về những thứ vàng mã đã gửi. Trên một số đối tượng khác nhau, với một số lượng thống kê đủ tin cậy ta sẽ có một số thông tin tham khảo.
b) Gọi hồn, áp vong để hỏi nhu cầu của người chết, không đốt vàng mã thông thường, mà đốt những thứ vật dụng bằng giấy tự chết tạo dưới dạng hình vẽ những vật dụng đó (như một số ý kiến một số nhà ngoại cảm đã nêu).
c) Áp vong một số người theo tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, v.v… xem ý kiến của họ về thế giới bên kia như thế nào.
d)Một số hình thức tương tự khác để trắc nghiệm.
4. Cơ quan nghiên cứu và phối hợp
Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người là đơn vị chính thực hiện đề tài để có thể huy động những người có khả năng đặc biệt. Phòng trắc nghiệm các bộ môn, và các đơn vị chủ lực tham gia đề tài nghiên cứu.
Trung tâm phối hợp với các cơ quan khác như: Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hội Phật giáo Việt Nam, và trước hết là Sở Văn hóa – Thông tin của UBND Thành phố Hà Nội để thực hiện những bước nghiên cứu đầu tiên, và có kinh phí nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải