NGƯỜI SÀI GÒN

TT – Tôi gọi họ là người Sài Gòn dù có khi không phải, nhưng tôi vẫn gọi bởi họ đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn.

Người Sài Gòn đầu tiên tôi tiếp xúc là bác chạy xích lô máy cách nay đã 40 năm. Hè năm đó, mẹ đưa bốn chị em chúng tôi lên Sài Gòn chơi. Tôi là đứa nhỏ nhất vừa lên 8. Ra khỏi xa cảng miền Tây, mẹ dắt díu bốn chị em tôi đến dãy xích lô máy đang đậu thẳng hàng. Mẹ chọn chiếc xe đẹp nhất, nhiều màu sắc xanh đỏ vàng… Tôi thích mê cái xe này, nhất là tiếng nổ chát chúa của nó giống như tiếng nổ của mấy xe “môtô bay” mà bọn trẻ quê tôi rất thích. Tôi giành chỗ ngồi dưới cái cản xe, ngắm dòng người, xe cộ, phố phường…

Xe dừng trước nhà một người bà con trên đường Tháp Mười, Chợ Lớn. Mẹ và chúng tôi vội vã, xúm xít xách đồ vào. Rồi mẹ sực nhớ, hoảng hốt khi để quên cái bóp tiền trên xe… Chưa hết năm phút lo lắng lại nghe tiếng xe nổ rầm rầm. Bác xích lô quay lại, đưa cái bóp kèm theo lời trách: “Lần sau nhớ kỹ lưỡng đó”, rồi ông chạy vụt đi đánh rơi lại hai tiếng cảm ơn từ mẹ. Người Sài Gòn đầu tiên tôi gặp thật ấn tượng, tuyệt vời.

40 năm sau. Lần này tôi đưa mẹ tuổi gần 90 lên Sài Gòn khám bệnh tại Bệnh viện Trường đại học Y dược TP.HCM, tháp tùng có vợ tôi và đứa cháu trai. Đã hơn 10 năm tôi không đến Sài Gòn nên có cảm giác xa lạ và… sợ. Mọi thứ trông cậy vào con gái là sinh viên Trường đại học Y dược, làm “dân Sài Gòn” đã… hai tháng.

Đi xuyên đêm từ Trà Vinh, 6g sáng chúng tôi có mặt ở bệnh viện. Cứ ngỡ là sớm, dè đâu khu khám đã đông cứng người. Sau khi lấy phiếu, thông tin cá nhân, đóng tiền… chúng tôi ngồi đợi ở phòng khám nội thần kinh. Đang lo không biết khi nào mới đến lượt mình thì bỗng tiếng loa kêu tên mẹ tôi, là người được khám đầu tiên. Hỏi ra mới biết bệnh viện có chế độ ưu tiên cho người già, và vị trí “số một” là do mẹ tôi… già nhất trong những người già có mặt hôm đó.

Tôi xin cho mẹ nhập viện để theo dõi chứng chóng mặt thường xuyên, nhưng khi làm thủ tục thì gặp sự cố… hết giường, phải chờ đến đầu giờ chiều. Vậy là chúng tôi lại tay xách nách mang ra đường, không biết tính sao, không biết đi hướng nào để tìm một khách sạn bình dân nghỉ tạm.

Con tôi sực nhớ một khách sạn gần đó nhưng ba chiếc taxi đang đậu ở đó đều từ chối vì… quá gần. Đúng là gần với xe chứ đi bộ cũng khá xa, mẹ tôi không đi nổi. Vậy là lại tần ngần không biết làm sao…

Bỗng nghe tiếng của một cô gái từ phía sau. Cô chỉ chúng tôi đường đến một khách sạn còn gần hơn nữa. Nói rồi, cô đẩy chiếc xe máy xuống đường, bảo mẹ tôi lên ngồi giữa và con tôi ngồi sau. Cô đưa đến khách sạn và chờ đến khi con tôi báo có phòng mới quay đi. Khi chúng tôi đi bộ tới thì cô đã đi rồi. Đó là người Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất.

Có lẽ tôi sẽ mãi là một dân quê, dân tỉnh lẻ. Nhưng với tôi người Sài Gòn vẫn thật gần gũi, trong đó có người Sài Gòn đầu tiên và người Sài Gòn gần nhất mà tôi đã gặp. Như mẹ tôi cách nay 40 năm, tôi cũng nợ họ hai tiếng cảm ơn.

Mỗi lần  có cộng việc gì đi lên thành phố, người ta hỏi tôi “anh đi đâu vậy? Tôi nói là TÔI ĐI SÀI GÒN”. Từ  Sài Gòn quá thân thương, quá quen thuộc đối với những người đã từng gắn bó nơi này. Nếu không gọi lại từ này thì khoảng vài chục năm nữa thôi… nó sẽ mất vĩnh viển ra khỏi trí óc chúng ta. “MAI VĂN NHƯ”

THANH VÂN (Trà Vinh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*