Đã nhiều tháng nay, cô gái mảnh mai Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh viên năm 1 khoa sư phạm tiểu học Đại học Sư phạm TP.HCM, mỗi ngày cặm cụi đạp xe từ Bình Dương đến trường, đi về tròm trèm 50km.
4g, khi mọi người ở khu nhà trọ công nhân trong hẻm nhỏ ở thị xã Thuận An (Bình Dương) còn ngủ say thì Tuyết đã lui cui ăn sáng với cơm nguội và chuẩn bị đạp xe đến trường. Trời chưa sáng hẳn, xe container, xe tải lao đi vùn vụt trên quốc lộ 13. Chiếc xe đạp của Tuyết như chiếc lá mỏng manh dạt nghiêng trong gió bạt.
Đến đoạn đường bị trũng ngập nước, cứ một chiếc xe lớn phóng qua là chiếc xe đạp nhỏ xíu hứng trọn nước bắn lên. Cả người ướt sũng vậy mà Tuyết vẫn cười hồn nhiên: “Cũng giống tắm mưa dưới quê em thôi à! Chút vô lớp ngồi quạt máy là khô hết!”.
11g30 tan học, Tuyết lại đạp luôn về nhà. Đường xa, Tuyết chọn một giải pháp khá ngộ nghĩnh: “Em hát một mình cho có tiếng người kế bên, chứ đi xa vầy không bạn nào về cùng với em được hết!”. Cứ thế, 50km gió bụi, thấm mặn vị mồ hôi của Tuyết trôi qua nhẹ bổng.
Quê ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), Tuyết chọn ngành sư phạm tiểu học vì “em thương con nít dưới quê lắm!”. Tuyết gọi điện xin hai dì đang làm cho lên ở nhà trọ rồi đạp xe đi học. “Đi xe buýt từ Bình Dương đến trường đường dài nên một ngày 30.000 đồng tiền xe, cả tháng gần 900.000 đồng, nhiều quá!” – Tuyết nói.
Cha làm bảo vệ đêm, mẹ làm rẫy nên chuyện ăn cơm với rau độn, khô cá qua ngày là rất bình thường với chị em Tuyết. Cứ vậy mà cố gắng từng chút: “Ra trường em sẽ về quê dạy học, phụ cha mẹ lo cho em”. Chiều chiều, lo xong cơm nước, Tuyết lại lọc cọc đạp xe ra nhà sách gần khu trọ để đọc ké, học ké sách tiếng Anh, sách văn học, hai môn học mà Tuyết yêu thích.
Những vòng xe cứ thế quay đều, quay đều trên con đường tuy nhọc nhằn nhưng hẳn sẽ tươi sáng lắm với những ước mơ rất mãnh liệt của cô học trò này.
ĐOAN LY