ÔNG GIÀ BÁN VÉ SỐ

TT – Ông già bán vé số lụm cụm rướn cổ la: “Ới, nó lấy vé số của tui”. Đám đông hiếu kỳ ở chợ vây quanh ông hỏi: “Mất ít hay nhiều?”. Nước mắt ông vắn dài: “Tui không biết. Tối nay lấy cái gì ăn đây trời đất ơi!”.

Đó là câu chuyện của ông già Lê Kính, đã 84 tuổi, ở Thiết Đính Nam (Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định). Già yếu, tai điếc, mắt mờ phải bươn bả kiếm tiền nuôi người vợ bị mù nằm ở nhà cùng hai con gần 50 tuổi bị tâm thần, chen chúc trong căn nhà xiêu vẹo.

Dù tuổi đã cao, ông Kính vẫn bươn chải bán vé số nuôi vợ con
Cả cuộc đời ông nghèo. Tuổi càng ngày càng cao, không biết làm gì để có tiền ông đi mót củi, mót rơm rơi vãi bán. Một khúc củi, một bó rơm thì bán được bao nhiêu. Người ta thấy vậy thương, mua một cho hai, có khi không có nhu cầu nhưng vẫn gọi ông vào mua để cho tiền chứ cho không thì ông không bao giờ lấy. Ông không phải ăn xin. Ông rất giỏi tiếng Hán, nhiều người cần dịch gì thì vào cậy ông, nhất là các bức liễn, thư cổ.

Mới đây ông đổi nghề: bán vé số. Đi bộ lê từng bước, chậm chạp nhưng bán nhanh hết. Gặp ai cũng giơ xấp vé số ra mời, cười rất hiền. Người ta mua cũng là để ủng hộ. Ông thường đi ngang qua nhà tôi. Ba tôi mua ủng hộ hai vé 10.000 đồng nhưng bao giờ cũng dúi 20.000 đồng vào túi ông: “Cháu biếu cụ để lấy hên tối nay trúng”. Ông cười hiền: “Cảm ơn cậu”. Tiếng bước chân chậm rãi xa dần, ba tôi lắc đầu: “Sao còn nhiều cảnh đời thảm quá”

Vậy mà ông bị người ta giật tiền, giật vé số ở chợ là chuyện có thật, xảy ra thường xuyên. Biết ông bị điếc, mắt mờ, nhiều người cầm tập vé số giả vờ mua rồi đi luôn. Có bà thấy “tội” nói: “Ông đưa con đếm tiền cho” rồi bỏ vào túi như của mình. Đã mấy lần ông đứng khóc giữa chợ. Tiền đâu trả cho đại lý? Không trả mai không được nhận vé đi bán. Tiền đâu mua gạo cho vợ con? Nhiều chị ở chợ thấy thương, mỗi người vài ngàn đồng góp lại cho ông. Sáng hôm sau người ta lại thấy ông cầm tập vé lê từng bước trên phố.

TRƯỜNG ĐĂNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*