NÂNG CAO SỨC KHOẺ VÀ TRÍ TUỆ BẰNG YOGA.

Nhu cầu đến với YOGA tồn tại ở khắp mọi nơi và mọi thời đại. Yoga tác động tác động kỳ diệu trên mọi lĩnh vực như: thể chất, cảm xúc, trí tuệ, và tâm linh của con người, giúp tăng cường nguồn sinh lực và giúp con người sống lạc quan hơn.

– YOGA là một phương pháp tập luyện đã được trải nghiệm và kiểm nghiệm bởi thời gian, nhằm đem lại cho bạn một sức khoẻ hoàn hảo. Tập Yoga không nên vội ham muốn mau thành công, người càng ham muốn mau thành công thì không bao giờ thành công cả, nó đòi hỏi sự tập luyện phải lâu dài, thời gian phải tính bằng năm hoặc nhiều hơn, như vậy mới có được sức khoẻ toàn diện từ tinh thần đến thể chất.

Sự tập luyện của các tư thế, [asana] thư giãn, phương pháp thở, thiền định, mátxa… và những hướng dẫn về lối sống có đạo đức, sẽ giúp cho bạn có thể lực tốt, trí não sáng suốt, năng động và chất lượng cuộc sống lạc quan hơn, có ý thức hơn. Đối với nhiều người, Yoga là chuyến viễn du trọn đời để khám phá bản thân, tìm đến sự tĩnh lặng trong tâm thức và niềm hạnh phúc trong nội tâm.

CUỘC SỐNG LÀ NĂNG LƯỢNG.

Con người là tập hợp của các hệ năng lượng với chu trình sản sinh năng lượng ở các mức độ: sinh lý, tâm lý, cảm xúc và tâm linh. Hình thức sản sinh năng lượng đơn giản nhất là quá trình trao đổi chất.

Ở đây, năng lượng phát sinh từ thức ăn do ta dùng và không khí do ta hít, thở. Còn có cái gọi là sinh lực, đó là cảm giác sung sướng vì bạn đang sống và tình trạng sung mãn về sức khoẻ. Đối với nhiều người, sinh lực chẳng qua là biểu hiện tập hợp của nguồn năng lượng sinh học, phát sinh nhờ tinh thần và thể chất cùng kết hợp hoạt động.

Nhưng đối với một số người khác thì đó là những thành phần bí ẩn khiến cho sự việc hoàn toàn khác biệt. Trong Yoga, nguồn sinh lực này được biết đến như là Prana, một thực thể của sức mạnh vũ trụ, có mặt ở mọi nơi, thâm nhập được vào mọi vật, là phần ” trí tuệ ” ẩn sau công việc của tạo hoá.

CÁC DẤU HIỆU CỦA SỰ THIẾU HỤT NĂNG LƯỢNG.

– Mặc dù bạn có tin hay không, nhưng mọi người đều công nhận rằng cảm giác sung mãn không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào mức độ năng lượng có trong cơ thể bạn, mà còn vào việc dòng năng lượng này luân chuyển có được thuận lợi hay không. Đôi khi dòng năng lượng bị tắc nghẽn do bị thiếu hụt, hay do sự mất quân bình giữa các nguồn năng lượng: sinh học, cảm xúc, trí não…

– Nếu bị thiếu hụt năng lượng, bạn sẽ thấy rằng trong lúc xoay xở với cuộc sống hàng ngày, chỉ cần làm việc gì đòi hỏi phải gắng sức một chút là bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi. Có thể bạn thấy đuối sức hay khả năng chịu đựng kém . Hoặc là bạn cảm thấy toàn bộ thể chất suy yếu, khiến bạn khi ngủ dậy với cảm giác mệt mỏi.

– Về mặt sinh học, thiếu hụt năng lượng có thể biểu hiện qua các tư thế sai lệch của cơ thể, bước đi kém sức bật, bạn có thể dễ bị nhiễm lạnh hay đau ốm. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, làm bất cứ việc gì cũng có thể khiến bạn mệt mỏi, khó chịu và rất yếu ớt.

– Về mặt cảm xúc, những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu hụt năng lượng là bạn thường trở nên cáu kỉnh, dễ buồn bực, hốt hoảng, ghen tuông hoặc ganh tỵ. Bạn có thể thấy mình trở nên khắt khe với mọi người xung quanh như gia đình, bạn bè và khó chấp nhận sự thay đổi. Khi những cảm xúc tiêu cực lấn át, bạn sẽ khó nở nụ cười, khó hoà nhập để sống vui tươi. Bạn để cho hoàn cảnh dễ dàng chi phối bản thân, chỉ nhìn thấy khó khăn, mà không nhận ra cơ hội trong những hoàn cảnh mới. Những cảm xúc này sẽ vắt kiệt nguồn năng lượng của bạn.

– Về mặt trí não, bạn sẽ thấy khó tập trung tư tưởng trong công việc, khi đọc sách hoặc xem tivi, rất dễ bị phân tâm và buồn bực vô cớ. Trí nhớ và khả năng ra quyết định cũng kém đi, bạn trở nên kém nhiệt tình khi làm bất cứ một việc gì.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG THIẾU HỤT NĂNG LƯỢNG.

Những nguyên nhân đưa đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, hoặc mất cân bằng trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều và rất khác nhau.
Trong trường hợp của bạn có thể chỉ do một nguyên nhân, nhưng thường là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân cùng một lúc.

– TÌNH TRẠNG BỆNH LÝ.
– CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG MẤT CÂN BẰNG.
– LỐI SỐNG THỤ ĐỘNG.
– THIẾU NGỦ.
– CÁC HOÀN CẢNH GÂY STRESS TRONG ĐỜI SỐNG.

1/ TÌNH TRẠNG BỆNH LÝ.

Năng lượng thấp có thể là do tình trạng bệnh lý. Thường là kết hợp với cảm giác mệt mỏi, trầm uất, lo lắng và mất ngủ. Mới phục hồi các bệnh nhiễm vi rút, bệnh thiếu máu, thiểu năng tuyến giáp, các vấn đề về hô hấp như suyễn nặng, tiểu đường không kiểm soát, các chứng đau mãn tính, đau lưng hay viêm khớp, cũng có thể gây mệt mỏi. Tình trạng mệt mỏi kéo dài, có thể làm cho những căn bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, vì vậy bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo ngại.

2/ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG MẤT CÂN BẰNG.

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ là vô cùng quan trọng để có được mức năng lượng cao. Sự dung nạp chất bổ dưỡng phải theo kịp với nhu cầu trao đổi chất. Ăn uống thiếu thốn hay quá nhiều đều ảnh hưởng tới mức năng lượng của cơ thể. Kể cả việc sử dụng các thức ăn được chế biến quá kỹ hoặc thức ăn có chứa nhiều các chất phụ gia nhân tạo, đường, muối hay hương liệu. Sử dụng quá nhiều các chất có khả năng gây nghiện như những loại thức uống có chứa caphêin, cồn, đều có thể gây mất cân bằng năng lượng.

3/ LỐI SỐNG THỤ ĐỘNG.

Những người đã từng bị trải qua tình trạng tàn phế ở mức độ này hay mức độ khác. Cơ bắp và sự linh hoạt, dẻo dai của chúng ta bị suy thoái nhanh chóng vì thiếu sự hoạt động. Lối sống thụ động, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hoá, làm giảm khả năng hô hấp, gây áp lực cho hệ thống tim mạch. Thêm vào đó, sự thụ động có thể gây trì độn về trí não và trạng thái mệt mỏi thường xuyên.

4/ THIẾU NGỦ.

Thiếu ngủ là vấn đề mà mọi người thường hay gặp nhất, giấc ngủ 8 tiếng một ngày được xem là đầy đủ cho hầu hết mọi người. Nếu bạn bị mất ngủ và những ngày kế tiếp không có thời gian để ngủ bù, bạn cứ để tình trạng này kéo dài, và căn bệnh mất ngủ sẽ bắt đầu xuất hiện, đây là điều khó tránh khỏi. Thiếu ngủ hoặc ngủ ít sẽ làm cho khả năng phản ứng, khả năng tập trung, trí nhớ, các chức năng sinh lý, khả năng phán đoán sự vật của bạn trở nên kém linh hoạt, tâm trạng của bạn trở nên thất thường.

Nhịp sống của cơ thể có thể bị rối loạn bởi lối sống đi chệch khỏi sự điều chỉnh của chiếc đồng hồ sinh học bên trong cơ thể chúng ta. Việc thức đêm làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của những công nhân làm ca đêm, họ thường cảm thấy buồn ngủ trong lúc làm việc, nhưng khi về tới nhà thì không thể nào ngủ được. Tệ hơn nữa, tình trạng này sẽ dễ dẫn đến những vấn đề về tiêu hoá, tim mạch, cảm xúc và trí não.

5/ CÁC HOÀN CẢNH GÂY STRESS TRONG ĐỜI SỐNG.

Phải làm việc nhiều giờ hay làm công việc nặng nhọc, đặc biệt là những công việc cứ lập đi lập lại một cách nhàm chán, có thể vắt kiệt thể lực và trí não của bạn. Nuôi dưỡng gia đình có trẻ con quả là một thách đố, cộng thêm những công việc bận rộn nữa thì chắc chắn sẽ là một áp lực rất lớn đối với bạn. Nhiều người ra sức làm việc bất kể thời gian, cố gắng làm việc càng nhiều càng tốt, điều này sẽ vắt kiệt nguồn năng lượng của họ, và kết quả là họ bị phụ thuộc vào các chất nicotin để giúp họ vượt qua những lúc căng thẳng. Lợi ích từ những chất này đến thật chớp nhoáng, nhưng hậu quả tai hại thì thật lâu dài. Thêm vào đó, những lo âu về tiền bạc, các mối quan hệ căng thẳng , cảm giác cô đơn và những vấn đề riêng tư khác đều có thể làm suy giảm nguồn dự trử năng lượng, khiến trong bạn hình thành một thái độ tiêu cực đối với cuộc sống nói chung.

YOGA GIÚP BẠN NHƯ THẾ NÀO

Mục đích chủ yếu của Yoga là làm cho bạn trải nghiệm được nguồn sinh lực vô tận vốn là cốt tuỷ sự sống của chúng ta. Thông thường, thì đây là điều bất khả thi, vì ai trong chúng ta cũng đều mắc kẹt trong mạng lưới của cuộc sống đời thường. Ta quá bận rộn với những ham muốn, những gắn bó, ràng buộc với vật chất, với con người, với những định kiến , yêu, ghét và cuối cùng hậu quả là stress…đó là điều khó tránh khỏi.
Để khắc phục được lối sống hạn hẹp này, bạn phải có khả năng ” buông xả “.

PATANJALI, bậc hiền triết vĩ đại về Yoga cách đây hơn 2000 năm, đã miêu tả đó là khả năng làm ” lắng dịu những làn sóng suy tư trong tâm trí “. Đem lại sự tĩnh lặng cho tinh thần là điều không dễ làm, nhưng có thể làm được nhờ thực hành Yoga, bao gồm các tư thế [asana], luyện thở, thư giãn, chú ý định tâm và tập thiền định.

Thực hành các tư thế của Yoga, nhằm cải thiện sức chịu đựng của hệ tim mạch, sức mạnh cơ bắp, độ mềm dẻo, phản ứng nhanh nhạy của cơ thể, sự thăng gằng và khả năng phối hợp. Chỉ cần thực hành đều đặn các tư thế Yoga thường xuyên, cơ thể bạn sẽ trở nên sinh động hơn về mặt thể lực và trí não.

PATANJALI hướng dẫn chúng ta thay đổi lối tư duy và hành động quen thuộc trước đây. Ông hướng dẫn chúng ta cách tiếp xúc với mọi người và thế giới xung quanh thông qua một tập hợp những giá trị mà cá nhân cần tuân theo, được thiết kế nhằm khuyến khích một thái độ sống lành mạnh và tích cực.

PATANJALI nói rằng cái cơ bản nhất là sự chú tâm: ” HÃY BIẾT RÕ CÁI BẠN ĐANG CÓ”. Điều này có nghĩa là bạn phải dành sự lưu tâm cho bất kỳ ai đang ở bên cạnh bạn , hay bất cứ việc gì mà bạn đang làm, không cho phép dòng suy nghĩ đưa bạn đi miên man hay để cho cảm xúc che mờ tâm trí của bạn.

THÁI ĐỘ MỚI ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG

Phần lớn chúng ta đã quen sống và đặt mọi sự ích kỷ, ham muốn và gắn bó của bản thân vào trung tâm điểm của cuộc sống, nên việc ” buông xả ” và cư xử vị tha là một chuyện khó làm. Vấn đề không nằm trong bản thân hành vi cư xử của chúng ta, mà là nằm trong thái độ cư xử; ta phải cảm thấy thực sự thoả mái vì hành vi đó, chứ không thể vừa làm vừa cáu kỉnh, bực tức.

Nếu bạn có thể ” buông xả ” các thái độ và cảm xúc tiêu cực, nếu bạn tôn trọng người khác, tỏ lòng từ bi, học cách hành động theo trái tim, thì bạn sẽ phát hiện ra rằng năng lượng của bạn sẽ tự nhiên tăng lên, và thái độ tiêu cực của người khác sẽ không dễ dàng gây khó xử cho bạn được nữa.

Hãy đọc một nguyên tắc xử sự của Patanjali [phần cuối bài] và nhận xét xem trong ngày hôm đó bạn đã thực hiện nó tới đâu trong những dự tính và hành động của bạn.

Qua ngày hôm sau, bạn hãy nỗ lực hơn, tích cực hơn trong cư xữ theo nguyên tắc này, và sau đó nhận xét sự khác biệt trong cảm nhận của bạn khi hành động như vậy. Thực hiện được tất cả các châm ngôn theo cách thức trên, nếu có lòng quyết tâm rèn luyện và không bị nản lòng vì thất bại, dần dần bạn sẽ thấy mình trở nên có ý thức hơn, biết lưu tâm hơn, tràn trề năng lượng hơn và cũng sẽ càng hạnh phúc hơn.

Cố gắng gần gũi với thiên nhiên và dành thời gian nhiều hơn cho bản thân cũng là điều có ích. Biết quan tâm và trân trọng thế giới quanh bạn, biết chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của thiên nhiên là những yếu tố đặc biệt có lợi nhằm giúp bạn đánh giá được phần trí tuệ vốn là nền tảng của vũ trụ và giảm bớt sự chú tâm vào bản thân.

Cuối cùng, năng lượng của bạn sẽ dồi dào hơn nếu bạn có thể dành thời gian đến những vùng thôn quê hay đến những nơi có không gian rộng mở, lánh xa mọi hoạt động ồn ào, ô nhiễm của chốn đô thị để tận hưởng sự yên tĩnh, hít thở không khí trong lành.

CHÂM NGÔN SỐNG

Theo Patanjali, mối quan hệ tích cực với vũ trụ và cái tôi là quan trọng bậc nhất. Hãy cố gắng sống theo những câu châm ngôn của ông đề ra. Chúng sẽ giúp bạn sống có tích cực hơn, cho phép dòng sinh lực trong bạn tuôn chảy dễ dàng hơn.

TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THẾ GIỚI XUNG QUANH, BẠN HÃY:

– Tránh làm hại người khác và có lòng từ bi.
– Trung thực trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm. Không ăn cắp của người khác, điều này không chỉ đối với tài sản, mà cả việc làm tiêu hao thời gian, năng lượng và lòng tốt của người khác.
– Hãy luôn trung hậu và vị tha trong mọi quan hệ cá nhân.
– Không nên giành giật và bám giữ vật chất hoặc con người chỉ vì mục đích chiếm hữu hay vì những lý do ích kỹ khác.

ĐỐI VỚI BẢN THÂN, BẠN NÊN RÈN LUYỆN ĐỂ:

– Phát triển sự trong sáng trong ý thức, thể xác và sự tinh khiết bên ngoài và bên trong tâm linh thông qua phương pháp THIỀN ĐỊNH.

– Sống đạm bạc và tận dụng tối đa những gì cuộc sống đem lại cho bạn.

– Tăng cường sự kiên định về thể lực và trí não thông qua tập Yoga để chịu đựng khó khăn và thất vọng trong cuộc đời.

– Học cách nhận diện cái tôi bên trong của mình hơn là chỉ nhìn thấy lối sống quen thuộc, cách ứng phó và xét đoán sự vật hàng ngày của bạn.

– Hãy công nhận rằng cuộc đời không phải chỉ là thế giới vật chất, mà nó còn ý nghĩa hơn thế nữa. Hãy biết quý trọng cuộc sống với trí tuệ là nền tảng.

YOGA VÀ CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG.

Trường phái Yoga khuyên các bạn là phải ăn uống chừng mực, đạm bạc. Ăn càng nhiều các thức ăn tươi sống càng tốt, và để ý tới phong cách ăn uống của bản thân.

Các chỉ dẩn dưới đây sẽ giúp bạn có ý thức hơn về các thói quen của mình trong ẩm thực. Chúng cũng sẽ hỗ trợ bạn tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn.

– Ăn các thức ăn mới nấu.

– Không dùng bữa kế tiếp khi thức ăn chưa tiêu hoá hết [3 tiếng đồng hồ].

– Không nên đọc báo hay xem tivi trong khi ăn.

– Không nên dùng bữa trong lúc giận dữ hoặc buồn phiền.

– Trong bữa ăn, không uống nhiều nước hoặc dùng các chất lỏng khác.

– Uống thật nhiều nước trong lúc khác.

CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE THƯỜNG HAY GẶP TRONG LÚC TẬP YOGA.

– Không nên để đầu ở vị trí thấp hơn tim, nếu bạn bị cao huyết áp, có vấn đề về tim, tăng nhản áp hay bong võng mạc.

– Nếu bị cao huyết áp hoặc tim mạch, bạn chỉ nên giữ tư thế đứng mạnh mẽ hay nằm sấp trong một thời gian ngắn.

– Nếu bị chứng huyết áp thấp, bạn nên thoát khỏi tư thế lộn ngược một cách chậm rãi.

– Nếu bị các chứng bệnh về lưng hoặc đau thần kinh toạ, hãy tránh các động tác cúi gập xuống, hay vặn mình, với những động tác trên có thể gây đau đớn hoặc dẫn đến các triệu chứng khác như ngứa ran mình hoặc tê cứng chân. Bạn nên cong đầu gối lại khi thực hiện các động tác gặp người về phía trước.

– Nếu bị một chứng thoát vị nào đó, hay bạn đã từng trải qua một cuộc giải phẩu khoang bụng, thì không nên tạo sức ép mạnh vào vùng bụng.

– Nếu bị viêm khớp, bạn chỉ nên vận động các khớp ở phạm vi ngoài vùng bị đau, nhưng tốt nhất là đừng tập Yoga trong lúc bị viêm khớp.

– Trong lúc hành kinh, mức năng lượng của bạn sẽ xuống thấp hơn bình thường, bạn cần phải thực hiện những động tác một cách nhẹ nhàng. Tránh các tư thế lộn ngược và các tư thế tạo áp lực vào vùng xương chậu. Tốt nhất là trong thời gian này bạn chỉ nên tập thở và tập thiền là đúng đắn nhất và hiệu quả nhất.

SƯU TẦM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*