LÒNG TIN CHÂN CHÁNH

Đức Phật đã xác định có 10 điều không nên vội tin:

1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.

2/ Chớ có tin vì nghe truyền thống.

3/ Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn.

4/ Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng.

5/ Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình.

6/ Chớ có tin vì đúng theo một lập trường.

7/ Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện.

8/ Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình.

9/ Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền.

10/ Chớ có tin vì bậc sa môn là đạo sư của mình, v.v…

Lời dạy thứ nhất: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin theo truyền thuyết. Vậy truyền thuyết nghĩa là gì?

Truyền thuyết là truyền miệng có nghĩa là kể chuyện, thuật chuyện như kể truyện dân gian về các nhân vật, kỳ tích lịch sử, chuyện thần tiên, chuyện ma quỷ, chuyện địa ngục, chuyện Thiên đàng, Cực lạc, v.v… những câu chuyện thường mang nhiều yếu tố thần kì. Đó là những câu chuyện truyền miệng từ người này đến người kia nối tiếp nhau trong một quá trình thời gian dài vô cùng vô tận. Những chuyện ấy là những chuyện không có thật. Từ xưa đến giờ có nhiều truyền thuyết về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sinh ở hông và khi sinh ra đi bảy bước có bảy hoa sen đỡ chân. Tay chỉ trời chỉ đất, miệng tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”; sau khi Bồ Đề Đạt Ma chết, người ta còn gặp ông quảy một chiếc giày đi về phương Tây; gia đình ông Bàng Long Uẩn chết tự tại trong thiền định. Đó là những truyền thuyết không có thật, do người sau ghi chép lại trong sách. Do đó Đức Phật bảo chúng ta đừng có tin. Chính kinh tạng của Đức Phật cũng do kết tập theo kiểu truyền miệng, vì thế chúng ta cũng không nên tin theo trọn vẹn, nếu những lời dạy ấy không phải là thiện pháp thì không nên tin.

Lời dạy thứ hai: “Chớ có tin vì theo truyền thống”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin theo truyền thống. Vậy truyền thống nghĩa là gì?

Truyền thống là nền nếp thói quen tốt đẹp hay thói quen mê tín, lạc hậu được lưu giữ từ đời này, qua đời khác. Cho nên những gì truyền thống lâu đời chúng ta cũng không nên đặt trọn lòng tin ở đó, vì không phải tất cả những truyền thống đều tốt đẹp cả.
Lời dạy thứ ba: “Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì nghe người ta đồn. Vậy tin đồn nghĩa là gì?

Tin đồn là tin tức truyền miệng từ người này đến người khác. Tin đồn thường là những tin tức thất thiệt không đúng sự thật. Ví dụ: Ở núi Bà Tây Ninh có Bà Đen, ở Miền Bắc có Bà Chúa Kho, ở Châu Đốc An Giang có Bà Chúa Xứ,… rất thiêng thường ban tài lộc cho người đến cầu xin. Hay ở Bến Củi có ông thầy nước lạnh, ai đau bệnh gì ông cho một chai nước lạnh về uống là hết bệnh. Đó là những tin đồn, chúng ta không nên tin.

Lời dạy thứ tư: “Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì được kinh tạng truyền tụng. Vậy kinh tạng truyền tụng nghĩa là gì?

Kinh tạng truyền tụng là những lời dạy của các bậc Thánh và chư Phật được ghi chép lại thành sách. Kinh tạng ở đây gồm có cả những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại dạy chúng ta đừng tin lời Ngài dạy?
Ngài biết rất rõ ba lần chép lại một bản kinh là đã chép sai lời dạy của Ngài, chứ chưa nói chi là kiến giải, tưởng giải viết ra; nên người xưa nói: tam sao thất bổn.

Như thế, qua lời dạy này ngay cả kinh tạng Nguyên Thủy còn không tin trọn vẹn thì làm sao chúng ta tin kinh sách Đại Thừa được. Phải không các bạn?

Lời dạy thứ năm: “Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì nhân lý luận siêu hình. Vậy lý luận siêu hình nghĩa là gì?

Không có cõi Cực lạc, Thiên đàng mà lý luận bằng cách này, cách khác để cho có các cõi ấy; sau khi chết không có sự sống nhưng khéo lý luận bằng cách này, cách khác để cho mọi người tin rằng người chết còn có linh hồn; không có Phật tánh mà lý luận bằng cách này, cách khác để cho mọi người tin rằng có Phật tánh, v.v… Đó là những lối lý luận siêu hình để lừa đảo mọi người, cho nên Đức Phật khuyên chúng ta chớ có tin, vì nó không ích lợi gì cho chúng ta cả.

Lời dạy thứ sáu: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin một điều gì dù đúng theo một lập trường của mình. Vậy đúng theo một lập trường nghĩa là gì?

Trước tiên chúng ta nên hiểu hai chữ lập trường. Lập trường là thái độ, chỗ đứng nhìn nhận và xử lý. Ví dụ: anh có lập trường đối với kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông nên không ai có thể lay chuyển hay bảo anh bỏ nó được. Ở đây Đức Phật dạy: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”, có nghĩa là kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông có lối lý luận giống như lập trường của anh.

Ví dụ: anh có lập trường rất vững về thế giới siêu hình, có nghĩa là thái độ, chỗ đứng, nhìn nhận và xét lý rõ ràng, vì vậy dù ai nói gì anh cũng không bỏ lập trường đó. Khi anh có lập trường như vậy thì có những loại kinh sách nói về thế giới siêu hình giống như lập trường của anh thì anh tin ngay. Nhưng điều này Đức Phật khuyên anh: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”. Tin như vậy vẫn không đem đến sự lợi ích cho anh, tin như vậy là tà tín, quá chủ quan ở lập trường của mình.

Lời dạy thứ bảy: “Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện. Vậy dự kiện nghĩa là gì?

Dự kiện có nghĩa là những cơ sở để tìm tòi, là những điều coi như biết trước, đã dự phòng trước. Nhưng ở đây Đức Phật khuyên chúng ta đừng tin một cách hời hợt đối với những dự kiện. Tại vì những dự kiện chưa hẳn đã mang lại lợi ích thiết thực cho mình.

Ví dụ: Thiền Tông lấy Phật tánh làm tiền đề (dự kiện) cho sự kiến tánh thành Phật của pháp môn. Ở đây Đức Phật khuyên chúng ta đừng vội tin mà hãy tư duy kỹ lưỡng, xem lại dự kiện Phật tánh có đúng không? Trong kinh Đại Thừa dạy: Phật tánh là tánh giác, thường biết, thường nghe, thường thấy. Như vậy khi ngủ say, ngủ quên thì tánh thấy, tánh nghe, tánh biết ở đâu? Hay nó cũng ngủ theo… Như vậy những dự kiện có đáng tin không?

Lời dạy thứ tám: “Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì phù hợp với định kiến của mình. Vậy định kiến nghĩa là gì?

Định kiến là ý kiến riêng có sẵn từ trước, khó thay đổi. Từ lâu ta có định kiến về con người “Có sự sống sau khi chết” nên khi đọc kinh sách Đại Thừa thấy nói nhiều về cảnh giới siêu hình như: cảnh giới Thiên đàng, cảnh giới Cực lạc, cảnh giới Niết bàn và cảnh giới địa ngục, v.v… trong các cảnh giới đó có Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, linh hồn, thần thức, Phật tánh, đại ngã, tiểu ngã, ma quỷ, yêu quái, v.v… Do định kiến ta tin ngay liền không cần phải suy tư xem xét cho kỹ lại.

Ở đây Đức Phật khuyên chúng ta đừng có tin, vì tin như vậy sẽ trở thành những người mê tín, lạc hậu. Sự mê tín, lạc hậu mang đến nhiều điều bất hạnh, nhất là bị kẻ khác lừa đảo, tốn hao tiền của và công sức nhảm nhí không ích lợi cho mình, cho người mà còn làm hại mình.

Lời dạy thứ chín: “Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền”.

Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin nơi phát xuất có uy quyền. Vậy nơi phát xuất có uy quyền nghĩa là gì?
Uy quyền là quyền thế của vua, của quan, của những người có thế lực đông người.

Ngày xưa trong thời phong kiến nước ta cũng như nước Trung Hoa, nếu nhà vua nào lấy tôn giáo làm quốc giáo thì bắt buộc dân chúng nước đó phải theo tin tôn giáo đó.

Thời nhà Lý ở nước ta, nhân dân sùng tin Phật Giáo Đại Thừa là vì vua, quan, đều là tín đồ Phật Giáo. Cho nên, thời đó người ta theo Phật Giáo vì uy quyền của nhà vua. Ở đây Đức Phật khuyên chúng ta “Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền”. Lời khuyên của Đức Phật muốn chúng ta tin một điều gì thì không phải vì thế lực, vì uy quyền, vì sợ mà tin hay vì thấy linh thiêng mà tin.

Ví dụ: Đình, miếu, chùa, Thần Thánh, quỷ ma, bà Chúa Kho, bà Chúa Xứ, cây đa, gốc cây, cục đá, gò mối, v.v… linh thiêng. Đó là thấy uy quyền linh thiêng rồi mọi người tin theo đến cúng bái lạy lễ cầu xin.
Tin như vậy, đối với Đạo Phật không chấp nhận vì đó là tin mù quáng. Tin mù quáng là đem lại sự tai hại cho chúng ta chứ không ích lợi gì, biến chúng ta trở thành kẻ ngu si dễ bị uy quyền và sự linh thiêng sai khiến.

Lời dạy thứ mười: “Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình”.

Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình. Tại sao ở đây Đức Phật dạy chúng ta không nên tin những Sa Môn là Đạo Sư của mình? Vậy Sa Môn và Đạo Sư nghĩa là gì? Sa Môn có nghĩa là một nhà tu hành, một vị tu sĩ; Đạo Sư là một vị thầy dạy phương pháp tu hành.
Trong cuộc đời của chúng ta gặp biết bao nhiêu là bậc Sa Môn đều là những tu sĩ Phật Giáo, nhưng đừng tin họ là Đạo sư của chúng ta, vì có nhiều loại Sa Môn: Sa Môn phạm giới, Sa Môn phá giới, Sa Môn bẻ vụn giới, Sa Môn chỉ biết dựa vào kinh thuyết giảng nói láo, chứ chưa có một ngày tu tập hoặc tu tập chưa đến nơi đến chốn, tâm tham, sân, si còn ngút ngàn, họ còn tham danh, đắm lợi như người thế gian. Có những Sa Môn dám lấy Phật Giáo biến làm nghề mê tín, chuyên cúng bái tụng niệm, bói khoa, xem ngày giờ tốt xấu, v.v… Đối với những Sa Môn này Đức Phật khuyên chúng ta chớ có tin họ là bậc Đạo Sư của mình.

Phần đông tín đồ Phật Giáo, hễ thấy ai cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa thì cúng dường và lạy lễ mà không chịu xem họ có phải là những người tu thật hay những người tu giả.

Trên đây là 10 điều dạy của Đức Phật, Ngài khuyên chúng ta không nên tin từ các pháp môn, đến những bậc Sa Môn và ngay cả những lời dạy của Ngài cũng chẳng nên tin. Chỉ tin là khi nào chúng ta thực hành thấy có kết quả, bằng không kết quả thì không tin. Có kết quả tức là có giải thoát nơi thân tâm. Có giải thoát tức là phải sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh; có sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh thì mới không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là người đã ly dục ly ác pháp. Nếu có kết quả ly dục ly ác pháp như vậy thì chúng ta mới tin.

Chỉ vì các bạn không nghe lời dạy của Phật, gặp pháp môn nào cũng tin, hay nghe người nào thuyết giảng hợp lý với mình là tin ngay, nhất là nghe nói bài kinh đó của Phật thuyết là tin liền. Tin một cách mù quáng không cần tìm hiểu cho rõ ràng, có đúng là Phật thuyết hay không. Do tin mù quáng nên dễ bị kinh sách () lừa đảo, vì thế cuộc đời tu hành của chúng ta đến nay vẫn là số không, chỉ sống trong ảo tưởng tôn giáo.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Tu Viện ChơnNhư
www.chonlac.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*