VÔ NGÃ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khi thầy tôi, bà Dipa Ma, viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, tôi đưa bà đi xem hết những nơi tôi thường ghé qua mỗi ngày như: siêu thị, trạm xăng, ngân hàng. Bà không ngớt bày tỏ sự khâm phục về mức độ giàu có và tân tiến của thế giới Tây phương. Dipa Ma là một trong những vị thầy rất phi thường mà tôi có dịp gặp, bà có một tuệ giác rất sâu sắc về cuộc đời. Nhưng khi tiếp xúc với thế giới khoa học, văn minh, sự hiểu biết của bà rất giới hạn; dù vậy cái tuệ giác trẻ con của bà đã dạy cho tôi nhiều bài học rất quý báu.

Có lúc, người bạn tôi cần lấy ít tiền mặt, chúng tôi đi đến một chiếc máy ATM bên ngoài ngân hàng. Anh ta nhét thẻ vào, đánh số mật mã và tiền chạy ra. Chúng tôi quay sang bà Dipa Ma, chờ đợi bà biểu lộ một sự thán phục. Nhưng bà ta chỉ lắc đầu nói: “Tội nghiệp, tội nghiệp quá!” Thắc mắc, chúng tôi hỏi: “Cái gì tội nghiệp vậy?” Bà đáp: “Tôi tội nghiệp cho người phải ngồi phía sau bức tường ấy cả ngày, không có không khí, không ánh sáng mặt trời, và phải lấy thẻ người ta đưa vào, đếm tiền rồi đưa trở ra.” Chúng tôi giải thích cho bà biết là không có một ai ngồi phía sau bức tường ấy hết, nó chỉ là một tiến trình máy móc độc lập, của những bộ phận riêng biệt cùng hoạt động chung với nhau. Bà nói: “À, thì ra là thế. Điều này cũng giống như vô ngã, anatta, vậy.”

Trong đạo Phật, ý niệm về anatta, tức vô ngã, có nghĩa là không có một người nào đứng phía sau giật giây, cũng không có một cá thể riêng biệt nào tiếp nhận những cảm xúc từ các giác quan rồi quyết định cách phản ứng và biểu lộ chúng ra. Trong thế giới thay đổi không ngừng nghỉ này, không có một tự thể bất biến đơn độc nào để ta gọi là “Tôi”, là “của Tôi” được cả. Theo luật tự nhiên, bất cứ một điều gì xảy ra trong thân và tâm đều là kết quả của sự kết tụ đầy đủ các nhân duyên. Sự sống của chúng ta là một tiến trình thay đổi liên tục của thân và tâm, chịu tác động bởi những yếu tố biến đổi không ngừng quanh ta. Yeats đã diễn tả hình ảnh này thật hay khi ông hỏi: “Làm sao ta có thể tách rời vũ công ra khỏi một vũ điệu?” Cuộc sống của chúng ta chính là một điệu vũ, nếu bỏ nó đi thì vũ công còn ở đâu? Đó cũng chính là đặc tính của anatta, chúng ta có thể dịch ra từ tiếng Pali thành “không có thực chất”, “không có bản thể” hoặc là “trong suốt”.

Có người hỏi: Nếu không có “cái Tôi”, không có ai đứng sau tiến trình này, thì ai là người đang đọc sách? Ai ngồi thiền? Ai nổi giận? Ai biết yêu thương? Nếu vô ngã thì ai là người có trí nhớ? Ai đứng dậy và đi quanh phòng? Ai chết? Ai tái sanh?

Để trả lời câu hỏi đó, trước hết chúng ta phải thấy được rằng mình đã sử dụng chữ “ngã” theo một khuôn khổ ý niệm chứ không phải theo kinh nghiệm thực tại! Lối sử dụng này rất hữu dụng, nhưng cuối cùng thì cái “ngã” đó chỉ là một ảo tưởng – một ảo giác đặt trên những phần tử biến đổi của sự sống. Hãy thử lấy thân ta làm một ví dụ. Ta biết, 90 phần trăm của thân thể ta là nước. Nước cấu thành từ những hạt nguyên tử của dưỡng khí (oxygen) và khinh khí (hydrogen). Những hạt nguyên tử lại hình thành từ năng lượng, và thực thể của chúng là trống không. Như vậy thì cái khối cứng rắn mà ta gọi là thân đó nằm ở chỗ nào? Khoa học đã cho ta biết cái ta gọi là vật chất (matter) và năng lượng (energy) thật ra không thể nào tách rời ra mà còn thay thế lẫn nhau được nữa. Và từ đó chúng ta đã phát kiến ra ý niệm về “năng lượng vật chất” khi chúng ta cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ sự biến chuyển và thay đổi liên tục của vũ trụ, và mối tương quan cực kỳ phức tạp giữa mọi vật. Cơ thể ta, cũng như mọi vật thể khác chung quanh, chưa bao giờ là cố định hoặc là những cá thể độc lập, tách rời với những điều kiện biến đổi đã cấu tạo nên chúng.

Năm đầu tiên khi tôi trở về từ Ấn Độ, tôi có gặp một người bàn về vấn đề bất tử, và anh ta đoan chắc rằng trong tương lai y học sẽ có thể biến nó thành sự thật. Mới trở về từ Ấn Độ, nơi mà người ta không bao giờ che giấu cái chết như ở Tây phương, tôi thấy việc anh ta nói không thể nào là sự thật được – vì cái chết không thể nào tách rời với cái sống. Có lẽ chúng ta muốn tin là khoa học sẽ giúp ta làm chủ được hết mọi việc, rằng ta có thể một buổi sáng nào đó thức dậy nhìn vào gương và nói: “Mình sẽ không bao giờ chết.” Nhưng thân này, cũng như mọi vật khác, hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự biến đổi của điều kiện.

Cũng thế, những gì khởi lên trong tâm cũng có liên hệ mật thiết đến sự biến đổi liên tục của tiến trình thân-tâm. Tư tưởng và cảm thọ không phải đến vì ta mời gọi. Chúng ta có thể tạo dựng điều kiện thuận tiện cho sự phát sinh của một tâm thức nào đó, như là từ bi, nhưng việc ấy cũng không bảo đảm. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể dõng dạc tuyên bố rằng: “Từ giờ trở đi, tôi sẽ hoàn toàn trở nên từ bi và thương yêu.” Nếu chúng ta tạo điều kiện cho một sự thay đổi nhỏ thì sự thay đổi nhỏ sẽ xảy ra. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho một sự thay đổi lớn, cuối cùng thế nào sự thay đổi lớn cũng sẽ đến. Nhưng nó sẽ không bao giờ xảy ra chỉ vì chúng ta đơn giản quyết định như vậy: “Từ giờ trở đi, tôi sẽ hoàn toàn trở nên từ bi và thương yêu.”

Khi ta hiểu là không có một nhân vật nào bên trong ta điều khiển sự việc, ta sẽ nhận thấy một trạng thái tâm thức chỉ là như vậy thôi – là một trạng thái tâm thức. Nó không phải là trạng thái tâm thức của tôi, vì tôi đâu có chọn nó. Bạn thử xét lại ngày hôm nay, bạn đã kinh nghiệm bao nhiêu tâm trạng khác nhau rồi. Chắc có những lúc vui, buồn, sợ hãi, hy vọng, nghi ngờ. Và cái nào thật sự là bạn? Tất cả những trạng thái – của thân, tâm hay cảm thọ – khởi lên khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, và chúng sẽ biến mất khi nhân duyên tan rã. Ngay cả những chứng bệnh trầm trọng như ung thư, hoặc những bệnh tâm thần như tuyệt vọng, chúng có thể trông như kiên cố và tồn tại lâu dài, nhưng thật ra cũng là do nhiều nguyên nhân hội tụ mà thành. Chúng ta có thể nhận thức rõ được những tâm trạng hoặc những yếu tố ngoại cảnh đã đóng góp cho tình trạng ấy, và ta có thể sửa đổi để giúp thuận tiện cho việc chữa bệnh. Nhưng không có một ý chí cương quyết nào, dầu to tát đến đâu, có thể giúp ta làm chủ nó hoàn toàn.

Giáo lý căn bản của môn tâm lý học Phật giáo dạy rằng, dựa trên sự thật về tính cách vô thực thể và tính tương kết của mọi sự vật, việc cố gắng làm chủ những gì không thể làm chủ được sẽ không bao giờ đem lại cho ta sự an ổn mà ta hằng mơ ước. Ta chỉ có hạnh phúc khi biết buông bỏ, thôi cố gắng điều khiển chúng, khi ta biết tiếp xúc trực tiếp với kinh nghiệm của mình, chừng ấy ta sẽ có thể nhìn xuyên suốt được hết mọi vật, và chứng nghiệm được sự liên kết duyên sinh cơ bản của tất cả.

Vì vậy, ý thức về vô ngã, anatta, sẽ giúp ta đi vào một không gian tĩnh lặng mênh mông: phong phú, sâu sắc và linh động. Nó chứa đựng hết tất cả. Nó không tranh đấu với một điều gì. Nó không bám giữ một vật nào. Sự tĩnh lặng này sẽ cho phép chúng ta thương yêu tất cả mọi người như yêu chính mình.

Paul Valéry, một nhà thơ và triết gia Pháp, nói: “Thượng đế sáng tạo vạn vật từ một cái không, nhưng cái không ấy đã hiển lộ ra trong tất cả.” Cái không ấy không phải là một khoảng trống hoang vu u tối, mà là một sự tỏa sáng, trong suốt. Bà Dipa Ma là một ví dụ cho sự trong suốt ấy, dầu đã hiểu thấu được vô ngã, bà vẫn là một con người đầy sinh động và thương yêu nhất mà tôi có thể tưởng tượng được. Trong bà, vô ngã đã được chuyển hóa thành một sự tĩnh lặng. Cái không đã hiển lộ ngời sáng trong bà Dipa Ma, nó tỏa chiếu qua tình thương của bà đối với mọi chúng sinh, không phân biệt.

NGUYỄN MINH TIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*