ĐỨC TIN – NƠI ĐẶT CON TIM MÌNH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức tin trong tiếng Pali là saddha. Đôi khi nó được dịch ra như là “niềm tin” hoặc sự “phó thác”, nhưng nghĩa chính của saddha là “đặt con tim mình vào”. Khi chúng ta hiến dâng con tim mình cho một sự tu tập tâm linh, đó là dấu hiệu của đức tin, của sự tín nhiệm vào con đường mình đang theo. Đức tin mở rộng cho ta thấy những gì vượt ra ngoài những quan tâm nhỏ nhen, giới hạn và vị kỷ. Trong tâm lý học Phật giáo, đức tin được xem như là cánh cửa dẫn đến sự tốt lành, vì chúng khơi dậy ngọn lửa lòng tu tập trong ta và giúp ta duy trì, gìn giữ ngọn lửa ấy trên con đường tu tập. Đức tin sẽ giúp ta tiến đến tâm từ bi và giải thoát.

Dù vậy, ý niệm về đức tin cũng có thể gây khó khăn cho một số người. Ta có thể liên tưởng đến đức tin như là lòng tin mù quáng, hết dạ trung thành vào một chủ nghĩa hay tín điều nào đó. Và rồi ta sợ bị phê phán, từ mình hoặc người chung quanh, về mức độ trung thành của chính mình. Nhưng trong đạo Phật, khi ta dùng chữ đức tin, nó có một nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Và sự khác biệt ấy rất là trọng yếu.

Khi chúng ta “đặt con tim mình vào” một điều gì, hoàn toàn không có nghĩa là ta phải bám chặt, ôm cứng lấy nó, đến nỗi ta không còn biết cởi mở để tiếp nhận một tư tưởng mới lạ nào nữa. Và cũng không có nghĩa là ta sử dụng đức tin như một phương tiện để cảm thấy tự kiêu và cách biệt đối với kẻ khác. Chúng ta không cần phải đi chinh phục kẻ khác cho đức tin của mình. Chúng ta cũng không cần phải tuyên dương rằng con thuyền của mình mới là một con thuyền chân chánh. Trong đạo Phật, khi chúng ta nói đến saddha, chúng ta muốn nói về niềm tin vững chắc vào khả năng giải thoát, giác ngộ của chính mình.

Đức tin không nên được xem như một cái gì kiên cố, bất động mà ta có hoặc không có. Chúng ta có thể kinh nghiệm đức tin trên nhiều mức độ khác nhau. Trong quyển Mi Tiên Vấn Đáp, một vị sư tên Nagasena có dùng một ngụ ngôn để làm rõ thêm ý này. Một nhóm người, tụ tập bên một bờ suối bị nước lũ dâng cao, muốn sang bờ bên kia nhưng lo sợ. Họ không biết phải làm gì. Cho đến khi có một người trí tuệ đi ngang qua, anh ta nhận định tình thế, lấy trớn chạy và nhảy sang bờ bên kia. Thấy gương của anh, những người khác bảo nhau: “À, việc ấy có thể thực hiện được.” Và họ cũng cùng nhau nhảy sang bờ bên kia.

Trong câu chuyện ấy, bờ bên này tượng trưng cho tình trạng si mê thông thường của ta, và bờ bên kia là biểu tượng cho một tâm tỉnh thức. Phấn khởi trước sự nêu gương của người khác, ta tự nghĩ: “Phải, mình cũng có thể làm được.” Đó là một mức độ của đức tin. Nhưng sau khi chính mình đã nhảy qua được và nói: “Phải, mình cũng có thể làm được”, vì đã tự thân chứng nghiệm được nó nên ta đã bước lên một mức độ khác của đức tin.

Giai đoạn đầu tiên trong ví dụ trên còn được gọi là “đức tin sáng”. Đây là một đức tin phát khởi lúc con tim ta mở rộng khi chứng kiến một sự kiện hoặc một người nào làm ta phấn chí. Có thể ta cảm thấy hứng khởi trước tuệ giác hoặc tình thương của một người nào. Người đó có thể là một người ta quen biết, hoặc một nhân vật lịch sử, như đức Phật chẳng hạn, từ đó ta cảm nhận được một sự chọn lựa, một lối sống an lạc mới.

Mặc dù đức tin sáng là một cảm giác rất kỳ diệu và là một bước đầu quan trọng, nhưng nó không đáng tin cậy. Chúng ta có thể gặp một vị thầy hôm nay, và rồi ngày mai gặp một vị thầy khác, và đều cảm thấy hứng khởi mạnh mẽ bởi cả hai, nhưng theo những phương hướng khác nhau. Nếu chúng ta cứ mải mê tìm kiếm những gì bên ngoài chính mình để duy trì niềm tin, ta sẽ rất dễ bị lôi cuốn bởi bất cứ việc gì ảnh hưởng ta kế tiếp trong cuộc sống.

Một mức độ sâu sắc hơn của đức tin được gọi là “đức tin kiểm chứng”, có nghĩa là nó được dựa trên những gì mình đã kinh nghiệm và kiểm chứng được. Đây là một đức tin chín chắn, có gốc rễ nơi sự thật, đặt trọng tâm nơi sự hiểu biết về tự tánh của thân và tâm qua ánh sáng chánh niệm. Niềm tin và sự phấn khởi của ta không tùy thuộc vào bên ngoài, mà nó phát xuất từ trong ta, nội tại, và nó thúc đẩy ta quán chiếu sâu sắc hơn vào tuệ giác của chính mình.

Khi chúng ta đi từ một sự cảm kích, hiểu biết trí năng về con đường tu tập, sang một niềm tin sâu sắc xác nhận rằng: “Vâng, giác ngộ là chuyện có thể được, và tôi cũng có thể làm được việc ấy”, đó là một chuyển hướng rất lớn. Một sự an vui rất lớn sẽ đi kèm với niềm tin đó. Khi chúng ta đem con tim mình đặt vào sự tu tập, giáo lý đức Phật sẽ bừng sống dậy. Điểm chuyển hướng ấy, sẽ chuyển hóa cái ý tưởng mù mờ về hành trình tâm linh của ta thành một con đường thực tập cụ thể, và đó chính là đức tin.

NGUYỄN MINH TIẾN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*