CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU MÀ THÔI

 

 

 

 

 

 

 

 

Một người bạn của tôi, có lần phải giải thích cho đứa con trai bốn tuổi của chị về bà bác đã nuôi nó từ khi mới sanh, sắp phải dọn đi nơi khác. Vì con trai chị rất quý mến bà bác, nên chị gắng giải thích cho nó hiểu rằng bà ta cũng thương nó lắm, nó có thể viết thư, gọi điện thoại hoặc ghé thăm bà, nhưng bà bác phải dọn đi xa, về sống chung với chị của bà. Thằng bé lắng nghe chăm chú, rồi bảo má nó: “Má ơi, má kể lại cho con nghe đi, nhưng mà với một kết cuộc khác kìa!”

Trong cuộc đời chúng ta, cũng có những lúc ta mơ ước rằng sẽ có những kết cuộc khác. Đó là những lúc ta mất một cái gì yêu dấu, ta bị xa cách người mình thương, sức khỏe ta suy nhược vì tuổi già, ta cảm thấy đau buồn và thất vọng, hoặc là cuộc sống cứ tuột xa dần tầm tay với. Chúng đều là những khía cạnh của dukkha, một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật. Dukkha có nghĩa là khổ, là bất toại nguyện, bất mãn, trống vắng, đổi thay.

Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy có một điều và duy chỉ có mỗi một điều mà thôi: khổ đau và sự chấm dứt của khổ đau.” Khổ, trong giáo lý đạo Phật, không nhất thiết phải là cái đau đớn của thân, mà chính thật là cái đau đớn của tâm, khi chúng ta cố bám giữ vào những thú vui tạm bợ, thoáng qua trong cuộc đời. Chúng là nguyên nhân của những sự bất toại nguyện và trống vắng trong ta.

Khi tôi mới đến Ấn Độ và nghe giảng giáo lý về khổ trong đạo Phật, tôi có cảm tưởng như mình được trao cho một món quà thật quý báu. Cuối cùng, tôi đã gặp một người dám nói thẳng ra sự thật về cuộc đời. Khổ đau có mặt! Mặc dù trong cuộc đời có những niềm hạnh phúc lớn, nhưng nó cũng có những khổ đau to tát nữa. Có những ngày vui sum họp mà cũng có những giọt nước mắt phân ly. Đời sống có sanh và cũng có tử. Tôi có cảm tưởng như mình được nghe sự thật ấy lần đầu tiên – một sự thật mà không một ai khác muốn đề cập đến.

Khi chúng ta cố đóng sầm lại cánh cửa sự thật này, chúng ta tạo nên khổ đau. Mà trong xã hội của ta cánh cửa này thường bao giờ cũng được đóng kín, vì chúng ta được dạy rằng khổ đau là rất xấu xa. Cũng có khi ta tự đóng cánh cửa sự thật ấy lại vì ta không dám nhìn vào khổ đau của chính mình, hoặc không muốn cho người khác thấy.

Sự chối bỏ khổ đau này xảy ra nhiều nhất trong đời sống gia đình. Đôi khi trong gia đình có một nỗi khổ lớn – bất hòa, bạo động, ghen tuông – và vì cố gắng che đậy không muốn con cái biết, nên một bức tường im lặng được dựng lên. Một sự im lặng của chối bỏ, của trốn tránh. Nếu ta phải đề cập đến nó, khổ đau ấy sẽ được gói ghém và tô điểm lại để ngụy trang thành một cái gì khác. Khi giải thích vấn đề khổ đau với trẻ con, chúng ta thường sử dụng những lời lẽ khéo léo và cẩn thận, nhưng thường khi thì chúng đã biết hết rồi. Vì không được người chung quanh xác nhận cảm xúc của mình, đứa trẻ cảm thấy bị mâu thuẫn – một sự xung đột giữa những gì nó nghe từ người lớn và những gì nó thật sự biết. Từ đó, chúng không còn biết tin vào mình nữa, chứ đừng nói gì vào cha mẹ. Và vì vậy, biết chấp nhận sự thật về khổ đau sẽ là một giải thoát rất lớn cho mọi người trong cuộc.

Nhưng đức Phật không phải chỉ có dạy về khổ đau, mà ngài còn dạy về sự chấm dứt khổ đau nữa. Một người bạn, khi nghe câu nói của đứa Phật rằng ngài chỉ dạy duy có một điều mà thôi, đã phê bình: “Khổ đau và sự chấm dứt khổ đau là hai việc chứ đâu phải một việc.” Nhìn từ một góc cạnh thì chúng rõ rệt là hai, ta hoặc là khổ đau hoặc là giải thoát. Ta có thể biết được sự khác biệt ấy trong thân mình, tim mình, tận xương tủy của mình. Nhưng khi ta nhìn sâu sắc vào giáo lý ấy, ta sẽ nhận thức được sự đồng nhất của chúng. Với bất cứ một kinh nghiệm nào, cho dù có là đau đớn, chúng ta cũng có thể tìm thấy được sự chấm dứt của khổ đau nằm ngay trong trái tim của nó.

Nhưng những khi chúng ta đối diện với khổ đau và không thể nào thay đổi “kết cuộc của câu chuyện”, thì làm sao khổ đau có thể chấm dứt được? Đây là một trong những tình cảnh khó khăn nhất mà ta có thể gặp phải trong cuộc đời. Chúng ta nên bắt đầu bằng cách đừng chối bỏ sự đau đớn, bằng cách thừa nhận sự có mặt của khổ đau. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta phải biết an phận hay là lạnh lùng dửng dưng. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào khổ đau để khám phá được khả năng bao dung của con tim. Nó có thể chứa đựng hết mọi khía cạnh của sự sống trọn vẹn trong ý thức mình. Chừng ấy ta sẽ hiểu, thật ra sự đau đớn tự nó không hề là tàn nhẫn và trái tự nhiên, mà chính là do cái cảm giác cô đơn trong nỗi đau của mình.

Khi cởi mở ra trọn vẹn hơn, ta sẽ tiếp xúc được với một chân lý vốn có của cuộc đời: khổ đau bao giờ cũng là một phần rất tự nhiên của sự sống. Cái biết ấy sẽ đem lại cho ta một sự toàn vẹn và an lạc, vì nó giải thoát ta ra khỏi những mệt mỏi của một thái độ giả trá và tự dối lừa. Đôi khi, nhờ chúng mà ta thấy được gốc rễ của khổ đau, và cũng như thấy được những hành động cần thiết để làm vơi nó bớt. Ví dụ như đứa con trai của chị bạn tôi, nó cũng bớt buồn lo hơn nhờ sự chăm sóc, thương yêu của mẹ nó. Và vì vậy, con đường chấm dứt khổ đau gồm có sự nhìn rõ nỗi đau của mình, và biết thay thế thái độ chối bỏ bằng chánh niệm và tâm từ.

Biết bao nhiêu lần khi tôi sống với ngài U Pandita, tôi đã than phiền: “Sự thực tập của con còn tệ lắm. Đầu gối con đau, lưng con mỏi, tâm con thì chu du đi khắp mọi nơi. Con ngồi yên không được.” Biết bao lần ngài đã im lặng ngồi chăm chú lắng nghe rồi giản dị trả lời: “Đó là dukkha, có phải không?” Lần nào tôi cũng ngồi đó trước mặt ông, chờ đợi một cái gì to tát lắm, hy vọng ông sẽ ban cho một phép lạ, một phương pháp nào đó sẽ khiến mọi khó khăn biến mất hết. Trong khi tôi vẫn ngồi chờ, với những nỗi hy vọng và lo sợ hiện rõ, ông chỉ lặp lại: “Đó là dukkha, có phải không?”

Mặc dù lúc đầu tôi rất thất vọng, nhưng sau này câu trả lời của ngài U Pandita đã giúp ích tôi rất nhiều. Không một việc gì tôi có thể làm hoặc thay đổi, lại có thể so sánh được với năng lực khai phóng của sự thật lòng chấp nhận rằng: “Đây là khổ đau.”

Thật ra, lời của ngài U Pandita giúp tôi hiểu rằng những khó khăn của tôi không có gì là cá nhân hết, nó là một vấn đề chung của cuộc đời. Chúng ta tiếp xúc với khổ đau, không phải để bị nó tràn ngập, hoặc bị lôi cuốn đi, nhưng là để ta cảm thấy cởi mở hơn, để tiếp nhận sự thật và tất cả mọi người khác.

Có những lúc ta không thể làm gì được để thay đổi “kết cuộc của câu chuyện” và khiến cho khổ đau đi nơi khác. Nhưng cái kết cuộc ấy sẽ thay đổi khi chúng ta dám nhìn sự thật trước mặt với chánh niệm và tâm từ. Và đó là giáo lý duy nhất của đức Phật: sự thật về khổ đau cũng chính là con đường để chấm dứt khổ đau.

NGUYỄN MINH TIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*