PHÁN XÉT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong thời gian đầu tu tập, tôi có một ý tưởng là những thiền giả giỏi lúc nào cũng được bao phủ bởi một vùng ánh sáng trắng. Mặc dù không ai bảo tôi phải kinh nghiệm được vùng ánh sáng này, nhưng không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng rằng nó là một dấu hiệu tiến bộ của sự tu tập. Và tôi cứ thầm nghi là đến khi nào tôi chứng nghiệm được vùng ánh sáng ấy, vị thầy sẽ nói cho tôi nghe hết sự thật: “Ta chờ mãi bây giờ cô mới được! Ta tưởng là hết hy vọng gì ở nơi cô rồi chứ!”

Nhưng tôi đã không kinh nghiệm được một vùng ánh sáng trắng nào cả. Chỉ có cái đau nơi đầu gối mà thôi. Sau một thời gian, khi sự thực tập của tôi cũng bắt đầu thâm sâu, tôi có nhiều kinh nghiệm khác nhau nhưng không có cái nào về ánh sáng hết. Mà tôi chỉ muốn thấy ánh sáng thôi! Bất cứ điều gì tôi kinh nghiệm, tôi vẫn không thấy là đủ tốt đẹp. “Ánh sáng đâu rồi? Tại sao nó vẫn chưa đến?” Tôi cứ thầm lặp đi lặp lại câu ấy trong đầu như một câu thần chú. Tôi cảm thấy khinh thường sự thực tập của chính mình và phán xét luôn, so sánh nó với những gì mà tôi nghĩ đáng lẽ phải xảy ra. Con tim tôi rất là khổ sở.

Trong sự thực tập, cũng như trong cuộc đời, chúng ta thường hay phán xét những kinh nghiệm khó khăn của mình – như là bất an, tiêu cực, đau đớn… – là không đúng, là không cần thiết hoặc vô ích. Và chúng ta thường cố gắng kéo dài những kinh nghiệm dễ chịu, như là chỉ có chúng mới thật sự xứng đáng mà thôi. Với sự kiên trì và tuệ giác, thiền tập có thể giúp ta vượt thoát ra khỏi những phản ứng hoàn toàn bị điều kiện này.

Trong thiền tập, chúng ta nhìn bất cứ một việc gì khởi lên với một thái độ chấp nhận và rộng lượng, với một tâm rộng mở và bao la. Mục đích của sự chấp nhận ấy không phải để ta trở nên thụ động, mà là giúp ta có thể đến gần với kinh nghiệm của mình hơn. Khi thoát ra những phản ứng bị điều kiện, cái nhìn của ta sẽ trở nên thân thiết và được gần gũi với sự thật. Mọi phạm trù của sự hiểu biết, của cảm thọ, của ham muốn, của sợ hãi… những gì thuộc về con người, đều có mặt đầy đủ trong mỗi chúng ta. Mỗi kinh nghiệm là một sự phô bày trọn vẹn của sự sống. Vì vậy bất cứ trong giờ phút này kinh nghiệm của ta là gì, ý thức được nó chính là con đường đi đến tuệ giác.

Có lần khi tu tập với ngài U Pandita, tôi để ý thấy hình như có một khuôn mẫu lặp đi lặp lại trong cách trình pháp của tôi với ngài. Mỗi khi tôi trình bày cho ngài nghe về một kinh nghiệm thiền tập nào mà tôi nghĩ là rất kỳ diệu và đáng khen, câu trả lời lúc nào cũng là: “Cô có ghi nhận nó không?” Trong truyền thống thực tập của ngài thì “ghi nhận”, hay còn gọi là “niệm”, có nghĩa là ta thầm đặt tên cho mỗi kinh nghiệm, ví dụ như “suy nghĩ”, “đau”, “lo ra”, “buồn ngủ”… để có thể ý thức được nó trực tiếp hơn. Nhưng tôi chỉ ngồi đó và thắc mắc: “Ông ta hỏi vậy là nghĩa lý gì chứ? ‘Có ghi nhận nó không?’ Nó kỳ diệu vô cùng. Làm sao mà mình có thể chỉ đơn giản ghi nhận nó như những việc tầm thường khác được?” Có những lần khác, tôi vào gặp ngài và trình lại những kinh nghiệm khó khăn, đau đớn xảy ra trong giờ ngồi thiền. Ngài chỉ nhìn tôi và hỏi: “Cô có ghi nhận nó không?” Và tôi lại nghĩ: “Vậy là nghĩa lý gì? ‘Có ghi nhận nó không?’ Nó đau đớn vô cùng. Bộ ông ấy không hiểu sao chứ?”

Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu hiểu và biết ơn cái tính cách đơn giản và quan trọng trong phương pháp của ngài U Pandita. Câu hỏi của ngài nhắc nhở tôi phải biết ý thức mọi kinh nghiệm với một tâm thức rộng lớn và sáng tỏ. Ngài không nghĩ nội dung của những gì tôi kinh nghiệm là quan trọng, nhưng vấn đề thiết yếu là tôi có giữ chánh niệm hay không. Mục đích của sự tu tập là thấy được tự tánh của sự sống, và việc ấy không hề đòi hỏi một kinh nghiệm đặc biệt nào hết, ngoại trừ một ý thức rộng mở không từ bỏ một sự việc nào.

Thiền tập cũng giống như đi vào một căn gác cũ và mở đèn lên. Nó không phải là một thứ ánh sáng trắng kỳ diệu như tôi thường mơ tưởng, nhưng là một ánh sáng bình thường, trung bình, và tự do của chánh niệm. Dưới ánh sáng ấy, ta có thể nhìn thấy được hết tất cả mọi vật. Ta khám phá ra những ngọc ngà, châu báu, và chúng đem lại cho ta một sự bàng hoàng vui sướng. Ta cũng nhìn thấy những góc xép dơ bẩn, bụi bặm, khiến ta muốn chùi dọn lau sạch. Và ta cũng khám phá lại những vết tích đau thương của quá khứ vẫn còn đó sau bao nhiêu năm, mà ta cứ tưởng mình đã loại bỏ được từ lâu. Ta nhìn tất cả bằng một con mắt tình thương rộng mở và trọn vẹn.

Tính chất thân thiết và bao dung của chánh niệm phản ảnh được tự tánh của tình thương. Chúng ta khám phá là chánh niệm có thể có mặt ở mọi nơi, và ta có thể có tình thương trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự khám phá này sẽ là một nguồn suối yêu thương và hạnh phúc mà thiền tập có thể mang lại cho cuộc đời chúng ta. Chánh niệm và tình thương có tàng chứa một sức mạnh mà tâm phán xét không thể nào có được.

Chân lý có mặt ở khắp mọi nơi, trong tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta. Ta đâu cần phải vất vả cố gắng để có được một kinh nghiệm thăng hoa, huyền bí nào để làm gì! Nhiều khi trong sự cố gắng đó, ta lại vô tình khinh miệt những chân lý đang hiện hữu trước mắt. Chúng ta đâu cần phải tranh đấu để tìm sự thật. Mỗi giây phút chính là một hiện thân của chân lý của cuộc đời. Chỉ cần ta biết mở mắt ra để nhìn mà thôi. Như thánh Augustine nói: “Nếu bạn đi tìm kiếm một điều gì có mặt ở khắp mọi nơi, bạn đâu cần phải đi đâu xa làm gì, cái mà bạn cần chính là một tình thương.”

NGUYỄN MINH TIẾN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*