Khi tập thiền ở Miến Điện, theo truyền thống tôi có thọ Bát quan trai giới, trong đó có giới không được ăn sau giờ ngọ, tức sau mười hai giờ trưa. Thật ra, khi bữa ăn trưa được dọn lên lúc mười giờ sáng, thì bữa ăn cuối trong ngày chấm dứt vào khoảng 10 giờ rưỡi sáng. Sau đó thì ta không được ăn, không được uống trà, không còn một xao lãng nào dính dáng tới chuyện ăn uống nữa.
Tôi nhớ những lần thả bộ trên con đường thật dài đi từ phòng ăn trở về phòng, biết rằng trọn hết ngày hôm nay mình không còn gì để ăn nữa, cho tới ngày mai. Những gì đang đón đợi tôi trong thời gian còn lại, từ 10 giờ rưỡi sáng cho đến 11 giờ tối, là thiền tập tích cực: chỉ có ngồi thiền rồi đi kinh hành, đi kinh hành rồi lại ngồi thiền, và hết ngồi thì lại đi. Trên con đường dài từ phòng ăn trở về phòng, dưới ánh nắng ban mai, tôi dường như cảm thấy trở nên mỏi mệt hẳn lên, theo mỗi bước chân đi. Khi bước vào phòng thì tôi đã cảm thấy buồn ngủ ghê gớm. Thật ra không phải là tôi cần ngủ, nhưng vì cái viễn tượng của một ngày thiếu những sự thú vị kích thích, nó đáng sợ quá, khiến tôi chỉ muốn nằm xuống ngủ cho qua hết tất cả.
Trong cuộc sống, ta đã quá quen với một mức độ kích thích. Thật ra, chúng ta còn lệ thuộc vào nó để giữ cho mình tỉnh thức, để giúp ta cảm thấy sinh động. Trong thiền tập, khi ta bắt đầu trở nên bén nhạy đối với những chi tiết, ta sẽ khám phá ra mình là những tên “ghiền” kinh nghiệm, mà mức độ thèm khát ấy mỗi ngày một tăng. Nhưng sau một thời gian thực tập thiền quán, chúng ta sẽ trở nên quen với tĩnh lặng hơn, và cuối cùng ta có thể làm bạn với sự lặng yên của cảm xúc mình. Mặc dù việc ấy cũng đòi hỏi một thời gian để điều chỉnh, và trong thời gian ấy ta có thể cảm thấy những triệu chứng như là những cơn buồn ngủ ghê gớm.
Trạng thái này, đức Phật gọi là hôn trầm, lười biếng – tâm ta trở nên rất nặng nề, mờ mịt và thụ động. Nó là một cảm giác buồn chán và xa cách, không thiết tha gì đến những gì đang xảy ra trong ta cũng như chung quanh ta. Trong khi ngồi thiền ta cảm thấy như được ru ngủ, một cảm giác mơ màng, chậm chạp. Trong trạng thái ấy, ta như không có một năng lượng hoặc một sự tỉnh thức nào hết. Thế nhưng, khi có một cái gì báo hiệu một sự kích thích mới, ví dụ như tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa, là tự nhiên cơn buồn ngủ của ta tan biến ngay tức thì.
Lúc còn tu tập tại một tu viện ở Ấn Độ, những ngày đầu tôi được hướng dẫn là phải ghi nhận trong đầu những kinh nghiệm nào nổi bật nhất. Trọn ngày, tôi phải ghi nhận xem là mình đang ngồi, đang đứng, đang đi, đang nằm, hay là bất cứ một việc nào xảy ra mà nổi bật nhất. Tôi bắt đầu để ý có một điều mà tôi ghi nhận thường nhất, và nhiều nhất, là “chờ đợi”. Trong ngày, khi tôi đi đây đó trong tu viện, tôi nghe mình thầm niệm trong đầu: “Chờ đợi… chờ đợi… chờ đợi… chờ đợi…” Cuối cùng tôi tự hỏi: “Thật ra mình chờ đợi cái gì đây chứ?” Ngay giây phút ấy, tôi chợt hiểu là mình đang chờ đợi một cái gì mà phải đủ thú vị, hoặc đủ quan trọng, hoặc đủ “thiền tập” xảy ra để có thể ghi nhận! Tôi sống như là một chiếc máy thu băng đang bị bấm nút tạm ngừng. Tôi đang chờ đợi sự sống xảy ra – sắp sửa đến.
Không tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại chính là nền tảng của tâm hôn trầm và lười biếng. Trong thiền tập, tâm hành ấy hiển lộ bằng những cơn buồn ngủ. Trong cuộc sống hằng ngày thì nó có nghĩa là ta chờ đợi sự sống bắt đầu. Chúng ta có thể sống một cách trọn vẹn hơn, thay vì chỉ chờ đợi một cái gì khác xảy ra, cho dù nó có hay ho đến đâu. Cuộc đời đâu phải chỉ là ngủ vùi cho đến khi có một biến cố thú vị xảy đến!
Ở Miến Điện, cuối cùng tôi khám phá ra rằng, ngồi và đi, đi và ngồi, đều chứa đựng hết những kinh nghiệm kỳ diệu và trọn vẹn nhất của tôi. Không còn gì hơn thế nữa để tôi chờ đợi! Trong những giây phút “chờ đợi”, cuộc sống vẫn đều đặn trôi ngang qua trước mặt ta. Nhưng cho đến lúc thôi chờ đợi một cái gì khác xảy ra, tôi đã không hề ý thức được nó. Biết an trú trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, tỉnh thức trong từng giây phút, là một món quà quý báu nhất mà thiền tập có thể dâng tặng cho ta.
NGUYỄN MINH TIẾN