Tôi có người bạn sống nhiều năm trong một tu viện ở Hàn quốc, tu tập với một thiền sư nổi tiếng ngày nay. Có lần, chị mời ông ta sang Hoa Kỳ. Thành phố mà ông ta muốn thăm viếng nhất là Las Vegas. Khi nghe chị kể, tôi giật mình. Tôi hỏi: “Ông ta đâu có đánh bài, phải không chị?” “Ồ, không không,” chị nói. “Có nhiều người Hàn quốc sang thăm Hoa Kỳ, trở về kể cho ông ta nghe về những ánh đèn sáng choang, rực rỡ ở Las Vegas. Nên ông muốn đi thử một lần cho biết.”
Một thiền sư ở Las Vegas chắc chắn phải có một cái nhìn khác biệt hơn là một du khách rồi. Đa số thì có lẽ bị thu hút, quyến rũ bởi những ánh đèn màu rực rỡ, lộng lẫy đầy hứa hẹn. Tôi có thể tưởng tượng vị thiền sư đi theo đám đông, không hề bị cám dỗ bởi những hứa hẹn của chúng, nhưng vẫn cảm thấy vui thú với ánh đèn màu.
Tôi nghĩ, cuộc sống của ta cũng giống như một đại lộ ở Las Vegas vậy. Nó rực rỡ, lấp lánh với những hứa hẹn về hạnh phúc, lạc thú, cám dỗ… ta vói tay ra nắm bắt. Và nếu muốn thật sự có hạnh phúc, ta cần phải biết cách vui hưởng những gì ta thấy nhưng đừng để bị vướng mắc vào chúng. Con đường tu tập tâm linh là một con đường hạnh phúc – một hạnh phúc rất to lớn – nhưng trên con đường ấy ta không bao giờ bị đam mê hoặc bối rối, vì nó là một hạnh phúc vững bền.
Chúng ta ai cũng ưa những kinh nghiệm dễ chịu, vui thích, và chúng ta cũng rất may mắn vì có thể hưởng được chúng. Nhưng nếu chúng ta bị dính mắc, niềm vui ấy sẽ trở thành một sự bám víu và rồi ta khổ đau. Trong một khóa hội thảo về Phật giáo và Thiên chúa giáo mà tôi có lần tham dự tại tu viện Gethsemani ở Kentucky, ngài Đạt-lai Lạt-ma kể lại buổi đi thăm viếng tu viện trong ngày hôm đó. Ngài nói ngài rất là cảm phục khi thấy tu viện đã có thể tự sinh sống bằng nghành sản xuất phô-mai và các loại bánh trái cây. Giữa bài nói chuyện, trong một không khí trang trọng, trong khi máy truyền hình vẫn đang quay, đức Đạt-lai Lạt-ma nói: “Tôi được mời ăn thử một miếng phô-mai nhà, ngon lắm, nhưng thật ra thì tôi muốn được thử một miếng bánh trái cây hơn!” Rồi ngài phá lên cười thật to và tiếp: “Nhưng mà không may cho tôi, tôi cứ hy vọng là sẽ có người mời tôi ăn bánh, mà rồi không có ai nói gì hết!” Sự thật thà trẻ con của ngài thật là tuyệt vời, không có một chút gì là mánh lới trong đó.
Thật ra, không được mời ăn bánh cũng chẳng làm ngài buồn gì đâu. Hạnh phúc của ngài đã biểu lộ qua khả năng khôi hài được về ý thích ăn bánh của mình, cũng như kể nó ra thoải mái trước mặt những nhân vật cao trọng đại diện cho hai tôn giáo, và trước ống kính thu hình.
Có được những gì mình muốn là một hạnh phúc tuyệt vời. Nếu chúng ta may mắn được mời một miếng bánh trái cây, chắc là sẽ vui sướng lắm. Nhưng nếu chúng ta ham muốn với mục đích để thỏa mãn một tham vọng nào đó trong tâm, hoặc để tìm một sự khỏa lấp, ta sẽ bị dính mắc. Chúng ta cố làm đầy một khoảng trống mà không một vật gì có thể khỏa lấp được. Khoảng trống ấy chỉ có thể được làm đầy bằng chánh niệm và lòng từ bi, chứ không thể bằng bất cứ một đối tượng mỏng manh, phù du nào khác.
Thông điệp ta nhận được trong xã hội ngày nay là cuộc sống của ta rất thiếu thốn. Chúng ta không có đủ, lúc nào cũng thiếu một cái gì đó, và chỉ cần mua thêm một vật này nữa thôi là ta sẽ có hạnh phúc. Chúng ta muốn tin rằng mình có thể có được một hạnh phúc bền vững và an ổn, chỉ đơn giản bằng cách đạt được một cái gì đó. Vì đạt được một cái gì là việc mà đôi khi chúng ta có thể làm.
Và cũng thế, ta hy vọng là mình có thể giữ được mãi trong tay mà chúng sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng đó là chuyện không bao giờ có được. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng ta hướng ngoại, dán mắt vào một người, một sự vật, hoặc một kinh nghiệm nào đó mà ta muốn, và rồi ta cố gắng nắm bắt nó, kiểm soát nó, giữ đừng cho nó đi nơi khác.
Tâm ta kỳ lạ lắm, nó có thể dính mắc vào bất cứ một cái gì. Ta có thể bị dính mắc vào một cảm giác tĩnh lặng và ta cũng có thể dính mắc vào một cảm giác sôi động. Ta có thể bị dính mắc vào những biến cố, những xúc động, những thăng trầm – đủ hết mọi việc. Ta nhất định là mình phải có được cái đối tượng mà mình ham muốn, không cần biết đó là gì, để cảm thấy hoàn tất, để được thấy là mình đang sống.
Điều tội nghiệp là ta bị kẹt vào trạng thái dính mắc này vì một ước muốn được cảm thấy nối liền, chứ không phải muốn bị chia cách, cô đơn. Chúng ta lầm tưởng rằng thái độ nắm giữ ấy sẽ giúp ta trở nên được liên kết hơn, tươi mới hơn và sâu sắc hơn. Nhưng sự sống thì cứ thay đổi luôn. Hành động của ta chỉ là một sự tranh đấu thách thức với chân lý vô thường của cuộc sống. Chúng ta sẽ cứ phải sửa chữa, thay đổi “đối tượng” của mình mãi để cố gắng duy trì hạnh phúc, nhưng rồi hạnh phúc ấy cứ nằm ngoài tầm tay với.
Sự dính mắc, hay tham dục, là một trong ngũ cái, tức năm điều chướng ngại trên con đường tu tập của ta. Tham dục thường khởi lên trong tâm khiến ta mất định lực, dụ dỗ ta ra khỏi chánh niệm, xúi giục ta làm những việc mà cuối cùng chỉ mang lại khổ đau. Bốn chướng ngại còn lại là sân hận, mê ngủ (thụy miên), xao động (trạo hối) và nghi ngờ.
Thật ra, ngũ cái, hay năm điều chướng ngại, chỉ là những biểu hiện sự ngăn cách của ta mà thôi. Nếu không ý thức được việc ấy để rồi bị chúng sai sử, ta sẽ chịu khổ đau. Và ngược lại, nếu chúng ta biết khéo léo tiếp xúc với chúng dưới ánh sáng quán chiếu của chánh niệm, chúng có thể dâng hiến cho ta một cơ hội quý báu để khám phá ra mối liên hệ cố hữu của mình với sự sống đang có mặt chung quanh.
Nhưng làm thế nào để ta có thể khéo léo tiếp xúc với tham dục? Chúng ta thường có khuynh hướng chú tâm nhiều quá trên đối tượng tham muốn mà bỏ quên đi chính cái cảm thọ ham muốn. Những “ánh đèn rực rỡ, sáng choang” thu hút mạnh quá khiến ta không còn biết chú ý đến cái kinh nghiệm dính mắc của mình nữa. Bạn biết không, chỉ cần trực tiếp kinh nghiệm được cảm thọ dính mắc ấy thôi, ta sẽ không còn bị nó làm say mê nữa, ta sẽ được giải thoát. Một khi ta đã trực tiếp cảm nhận được nỗi đau của sự dính mắc rồi, ta sẽ không còn để chúng sai sử cũng như cướp đi khả năng sống an lạc và nối liền của mình nữa.
Đem ánh sáng chánh niệm chiếu soi lên tâm dính mắc sẽ đem lại cho ta một sự tự do rất lớn. Chúng ta sẽ biết vui hưởng những lúc ta có được những gì mình muốn, và không để bị thất vọng, buồn khổ khi ta không có. Chánh niệm mang đến cho ta một khoảng không gian thênh thang và rộng lớn trong tâm. Chúng ta sẽ buông bỏ được thói quen nắm bắt, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những gì mình muốn. Nó cũng còn giúp ta có được một tâm từ, khi chứng kiến những đau đớn mà ta và kẻ khác gặp phải khi hành động theo sự thúc đẩy của tâm tham dục. Và cuối cùng, ta biết rằng không cần phải nắm giữ một cái gì hết, không cần phải có được cái mình muốn mới có thể có hạnh phúc. Thật ra, nghị lực, tâm rộng rãi và từ bi, tự chúng chính là những nguyên tố cơ bản của một hạnh phúc vững bền.
NGUYỄN MINH TIẾN