Có lần tôi đi dạo với một người bạn trong nghĩa trang Mount Auburn ở Cambridge, Massachusetts. Chị bạn và tôi, hai người cùng đi tản bộ, say mê kể cho nhau nghe những câu chuyện, những kinh nghiệm sống ở Ấn Độ nhiều năm trước đây. Đi một hồi, trời bắt đầu sụp tối, chúng tôi chợt phát giác ra là mình đã bị lạc từ lâu. Không còn biết là mình đang ở đâu, tôi tin chắc thế nào cũng phải ngủ đêm lại trong nghĩa trang này. Chúng tôi cứ tiếp tục đi trong khi trời sụp tối dần, cho đến lúc không còn ánh sáng nữa.
Tôi cảm thấy rất bất an khi chúng tôi lần mò trong mê lộ, không còn biết bây giờ mình đang ở đâu. Bạn có thể tưởng tượng là trong bóng đêm tấm bia nào cũng giống với tấm bia nào. Chúng tôi thỉnh thoảng hỏi nhau: “Tụi mình có đi ngang qua mộ của Carters chưa? Bao lâu rồi? Hồi nãy khi đi ngang qua phần mộ này thì tụi mình đi về hướng nào?”
Và cuối cùng sau vài giờ lần mò tìm kiếm, chúng tôi ra lại được cổng chính, đã đóng kín từ lâu. Sau một hồi chờ đợi dường như là vô tận, người gác cổng xuất hiện và chúng tôi được giải thoát.
Kinh nghiệm bị hoàn toàn lạc lối ấy là một ví dụ rất thích hợp cho một trạng thái tâm thức si mê. Khi ta bị si mê, ta không hề biết là mình đang ở đâu hay đang đi về đâu! Khi tâm ta bị si mê chế ngự, ta sẽ cảm thấy như lúc tôi bị lạc trong nghĩa trang tối đen ấy – tràn ngập âu lo, có khi là sợ hãi – và sự bất an sẽ cứ tăng lên dần. “Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi bước sang trái một bước? Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi bước sang phải hai bước? Rồi sau đó? Và rồi tiếp theo nữa là gì?”
Trong tiếng Pali, danh từ dùng cho chữ si mê là moha, có nghĩa là bị mê hoặc. Trong trạng thái này ta cảm thấy lạc lối và vô vọng. Tâm ta lù mù, bối rối và bất an. Trong trạng thái si mê, ta cảm thấy bất an ngay trong chính thân tâm mình, như chúng không phải là của ta, như ta đang sống ở một nơi chốn xa lạ nào khác. Cuộc sống trở thành những mảnh nhỏ vụn vỡ mà dường như không dính dáng gì với nhau. Ta không nhìn thấy được sự vật có quan hệ với nhau ra sao, liên kết với nhau như thế nào. Cũng vì không thấy được sự vật như chúng thật sự hiện hữu, ta không hề cảm thấy chúng có liên quan gì đến ta. Và đôi khi, chỉ cần thấy được sự liên kết giữa mọi vật một lần thôi, dầu chỉ là thoáng qua, chúng ta cũng có thể được thúc đẩy để buông bỏ sự si mê của mình, và phát triển tuệ giác.
Sự chú ý trong tỉnh thức, hay chánh niệm, sẽ chuyển hóa si mê thành tuệ giác. Năng lực của chánh niệm sẽ giúp ta thấy được sự vật với tự tánh của chúng. Chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc với kinh nghiệm của mình mà không để bị phản ứng theo tập quán và thói quen. Năng lượng này sẽ làm tan rã sự si mê, cho phép ta tìm lại được nhân phẩm của chính mình và mối liên hệ với mọi sự sống. Bạn nên nhớ rằng, cho dù bất cứ một biến cố gì xảy ra, ta vẫn có thể đối diện bằng sự sáng suốt và tĩnh lặng.
Nếu tôi và chị bạn đã tìm thấy sự an lạc rồi thì chúng tôi vẫn có thể cảm thấy an lạc cho dù là giữa nghĩa trang trong đêm tối. Ngài Ajahn Chah, một vị sư người Thái, đã ví dụ sự si mê với tình trạng không nhà ở. Ngài nói: “Khi chúng ta không có nhà, chúng ta giống như một người khách du hành không chí hướng, lang thang trên đường, mai đi về hướng này rồi mốt lại sang hướng khác. Trừ khi ta trở về căn nhà thật của mình, nếu không thì làm bất cứ việc gì ta cũng không bao giờ cảm thấy an ổn.” Và đa số chúng ta đến với thiền tập cũng chỉ vì muốn tìm về ngôi nhà chân thật của mình mà thôi.
NGUYỄN MINH TIẾN