BỐN THIÊN TRÚ

Tôi đi khắp nơi trên thế giới để dạy một phương pháp thiền tập gọi là bốn Thiên trú, Brahma-viharas, tức những nơi chốn cư ngụ của bậc Phạm thiên. Thông thường còn được gọi là Tứ Vô lượng tâm – từ, bi, hỷ và xả. Tôi rất ngạc nhiên vì bất cứ nơi nào tôi đến, đa số đều cho rằng những đức tính này là yếu mềm, là nhu nhược. Trong những khóa tu, các thiền sinh thường nói: “Nếu tôi thương yêu, nếu tôi có từ bi, người khác sẽ lợi dụng tôi, hiếp đáp tôi.” Hoặc là: “Theo tôi thì những đức tánh ấy cao quý lắm, nhưng tôi nghĩ sống như vậy không thực tế chút nào.” Buồn thay, thái độ ấy khiến ta không thấy được sức mạnh vô cùng của những Thiên trú. Chúng là nguồn năng lượng giúp ta có thể phát triển và tiếp xúc với sự sống.

Nhà văn Wendell Berry nói: “Đơn vị nhỏ nhất của sức khỏe là một tập thể.” Tập thể là một cách khác để nói về sự nối liền, và sự nối liền tự nó chính là sự sống. Điều này đã được chứng minh rất nhiều lần qua những cuộc nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, những người bị bệnh động tim bình phục nhanh chóng hơn nếu họ có nuôi thú vật trong nhà, so với những người sống một mình. Và những bệnh nhân ung thư nào có tham gia vào một nhóm nâng đỡ tinh thần thường sống lâu hơn những bệnh nhân khác. Những người bệnh được người khác cầu nguyện cho, mặc dù họ không hề hay biết gì về việc ấy, sẽ có triển vọng hơn những người không được. Và cái gốc rễ bí mật của sự bình phục chính là mối quan hệ, sự liên kết, sự nối liền.

Bốn Thiên trú, hay Tứ Vô lượng tâm, là những phương pháp thực tập giúp sự liên hệ giữa chúng ta thêm sâu sắc và vững mạnh. Chúng không những có công năng chữa lành cho người khác mà còn cho cả chính ta nữa. Trong tiếng Anh chữ healing, chữa lành, có gốc rễ từ chữ “wholeness”, toàn vẹn. Chúng ta không thể hiện hữu riêng rẽ như là những cá nhân độc lập, một mình được. Chúng ta là một phần của tập thể. Đó chính là sự toàn vẹn của ta. Tứ Vô lượng tâm là những sự thực tập giúp ta nuôi dưỡng niềm tin vào một con tim thương yêu và vào sức mạnh của sự liên kết với kẻ khác.

Vô lượng tâm đầu tiên là tâm từ, sự thực tập một tình bằng hữu. Chúng ta có thể nghĩ rằng, nếu ta không có khả năng thương yêu chính mình thì nói gì đến chuyện thương yêu cả thế giới! Kiên trì thực hành quán tâm từ sẽ khơi dậy một khả năng yêu thương nội tại vẫn thường nằm sâu kín trong ta. Khi ta phóng rải tình thương, hạnh phúc và an lạc đến cho mình và kẻ khác, chúng ta thực tập ôm trọn hết thảy mọi sinh linh, mọi khía cạnh của sự sống, trong đó có cả ta, vào con tim của mình.

Khi tôi mới bắt đầu thực hành quán tâm từ một cách nghiêm túc, có lẽ giây phút kỳ diệu nhất xảy đến khi tôi khám phá rằng trong tôi có một khả năng thương yêu rất lớn. Tôi ngồi yên đó, cảm thấy choáng váng: “Có phải là tôi đó không?” Sự thật thì tất cả chúng ta đều có một khả năng thương yêu rộng lớn, nhưng khi ta còn chưa tháo gỡ được hết những dính mắc thì khả năng ấy sẽ luôn bị sai lạc và vùi lấp trong ta.

Bà Dipa Ma, là một hiện thân của tâm từ, có lần đến nhà của chị bạn tôi là Sylvia Boorstein để hướng dẫn một lớp thiền tập. Sylvia có một con chó rất to, thuộc giống Akita, trông thật dữ tợn. Thường thường khách vào nhà ai cũng đứng yên dè dặt, chờ sự trấn an của chủ nhà là con chó vô hại. Nhưng khi bà Dipa Ma bước vào, bà tiến thẳng lại con chó ấy ngay. Nó đứng dậy chào bà, đặt hai chân trước lên vai bà. Dipa Ma người nhỏ thó, cao không đến 1,5 mét nên cả hai xem cũng cân xứng lắm. Dipa Ma để tay lên đầu con chó và chúc lành cho nó! Dường như không có một ai bị bỏ ra ngoài lòng thương của bà Dipa Ma, hay ý niệm về tập thể của bà.

Vô lượng tâm thứ hai là tâm bi, tức là một con tim rung động trước những khổ đau. Khổ đau của ta và khổ đau của người khác có thể là phương tiện cho một sự liên kết sâu sắc. Thường khi, những lúc bị đớn đau ta có thể cảm thấy vô cùng bất mãn, tự hỏi vì sao mình lại phải chịu đựng như thế này. Hay có thể ta cảm thấy rất cô đơn, tự trách không ngừng về những gì mình đã nói hoặc làm, hoặc những gì mình đã không nói, không làm, mà ta cho là nguyên nhân của đau khổ. Và cũng có khi ta không còn muốn nhìn, nghe những khổ đau của người khác nữa, ta sợ mình không kham nổi hoặc nó đe dọa đến hạnh phúc của ta. Và tất cả những phản ứng ấy, đối với những khổ đau trên cuộc đời, đã khiến ta chỉ muốn trốn tránh sự sống mà thôi.

Ngược lại, tâm bi biểu hiện trong ta như là một trạng thái nối liền chứ không phải là trốn tránh. Vì tâm bi là một trạng thái tâm thức mở rộng, phong phú và bao trùm hết cả, nên nó cho phép ta tiếp xúc với khổ đau trực tiếp hơn. Với một cái nhìn trực tiếp, ta biết rằng mình không bao giờ cô đơn khi khổ đau, và không ai cần phải cảm thấy lẻ loi trong lúc bị khổ đau. Thấy được sự đồng nhất là bước đầu của tâm bi, nó cho phép ta thoát ra ngoài ý niệm chia cách, phân biệt, để hiểu rằng tập thể của ta bao gồm tất cả mọi người.

Tâm hỷ là vô lượng tâm thứ ba. Tâm hỷ là sự thực tập vui với niềm vui của kẻ khác, thay vì cảm thấy bị mất mát, đe dọa như là hạnh phúc của người khác sẽ lấy mất đi một cái gì của ta vậy. Khi bắt đầu thực tập cái nhìn đó, tôi nhận thấy phản ứng thông thường của tôi là nghĩ rằng số lượng hạnh phúc trên cuộc đời này có giới hạn, và khi người khác có nhiều hơn, phần của tôi sẽ bị sút kém đi. Nhưng trong thực tế, với một tâm hỷ, ta sẽ có thể cảm thấy hạnh phúc khi người khác được hạnh phúc, và ta có thể vui với niềm vui của họ.

Cũng như ngài Đạt-lai Lạt-ma đã nói, có biết bao nhiêu người sống trên thế giới này. Nếu ta biết lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình thì cơ hội tìm thấy hạnh phúc của ta sẽ tăng lên những “sáu tỷ lần”. Con số ấy cũng lớn lắm đấy chứ! Khi hạnh phúc của kẻ khác cũng là hạnh phúc của ta, ta xác nhận sự nối liền của mình với người khác. Chúng ta trở thành một phần của tập thể.

Vô lượng tâm thứ tư là tâm xả. Nó có vẻ hơi khác biệt với ba tâm kia vì đặc tính của tâm xả là sự tĩnh lặng. Trong cái không gian tĩnh lặng này của tâm thức, chúng ta có thể nối liền được với bất cứ một việc gì đang xảy ra mà không bị sai sử bởi thói quen, muốn nghiêng về những gì dễ chịu và né tránh những gì khó chịu. Và cũng chính nhờ tâm xả này mà ba vô lượng tâm kia mới có thể phát triển một cách vô giới hạn được.

Thiếu tâm xả, chúng ta chỉ tốt với người khác khi nào lòng tốt của ta được chú ý đến, biết ơn, hoặc đền đáp. Chúng ta chỉ dám ban rải tâm từ đến cho mình khi nào ta không bị nỗi đau của chính mình lấn áp, và cho người khác khi ta không bị nỗi khổ của họ tràn ngập. Ta chỉ có thể vui với niềm vui của người khác khi ta không cảm thấy ganh tỵ và hạnh phúc của ta không bị đe dọa. Phát triển được tâm xả rồi, khả năng liên kết với những gì đang có mặt chung quanh ta sẽ bừng nở, vì ta không phải bám giữ hoặc tránh né bất cứ một việc gì đang xảy ra.

Đôi khi trong phương pháp ngồi thiền có những lời hướng dẫn như: “Ngồi vững như núi. Ngồi với sức mạnh và một nhân phẩm. Vững chãi, uy nghi, tự nhiên và thảnh thơi trong tỉnh thức. Cho dù giông tố có nổi lên, cho dù bão lớn có kéo qua, cho dù thú dữ có rình rập, vẫn giữ cho mình tiếp xúc với tất cả và ngồi vững chãi như núi xanh.” Đó là một hình ảnh rất đẹp của tâm xả. Chúng ta cảm nhận hết tất cả, không từ bỏ một điều gì, và ta tiếp xúc với nó bằng chánh niệm, chứ không phải bằng những phản ứng theo thói quen. Cũng giống như khi Dipa Ma ban phước cho con chó Akita “hung tợn”, chúng ta sẽ tìm thấy sự tự tại trong liên hệ với mọi người.

Sự thực hành Tứ vô lượng tâm được thành tựu bằng cách hướng tâm mình về tình thương và sự nối liền. Chúng ta bắt đầu với những người mà ta dễ cảm thấy có từ, bi, hỷ, xả nhất. Rồi dần dà, ta nới rộng vòng thương yêu ấy ra để bao gồm hết cả những người ta thương, những người không thương, và luôn cả những kẻ ta ghét. Và cuối cùng, vòng thương yêu ấy sẽ bao trùm hết tất cả mọi sinh linh khắp mọi nơi.

Thực hành Tứ vô lượng tâm không có nghĩa là ta tập hành động giả tạo, cũng không phải là ta gắng bó buộc mình trở thành một mẫu người tâm linh theo một quan niệm mơ hồ nào đó. Chúng ta không phải cố gắng tiêu diệt hết những cảm giác bất mãn trong ta, nếu có, và ta cũng không phải đè nén những cảm xúc sợ hãi nào lành mạnh. Từ, bi, hỷ và xả không hề bóp méo khả năng nhìn nhận sự thật của ta, mà ngược lại, khi thấy được mình là một phần của toàn thể, điều đó sẽ chuyển hóa lý do ta hành động để tạo sự đổi thay. Và khi sự tu tập Tứ vô lượng tâm đã vững vàng, ta sẽ khám phá là mình có thể đối diện với mọi vấn đề và hành động cương quyết để giúp mình và người khác. Ta sẽ khám phá được năng lực chữa lành nhiệm mầu của sự nối liền giữa mình với tất cả mọi sự sống.

NGUYỄN MINH TIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*