Phần 2: TẢN MẠN KHẢ NĂNG TỰ SUY THOÁI CỦA PHẬT GIÁO

Trần Văn Chánh
(TG&DT) – Có những thầy xuất gia không ý thức, như trường hợp vì hoàn cảnh phải nương sống cửa Phật từ lúc nhỏ, nhưng qua quá trình tu tập rèn luyện, được sự giáo dục của nhà chùa mà trở nên giác ngộ, có lòng từ bi thương người…

Người ta thường có tâm lý cho nhà sư không phải người phàm nên hễ thấy chuyện trái ý thì đâm ra thất vọng. Hòa thượng Thích Thanh Từ có lần đã cảnh giác điều này khi bàn về tính tương đối có nhắc đến căn bệnh tinh thần gọi là “bệnh thần tượng” mà nhiều ngươi mắc phải: “Chúng ta dễ mắc cái bệnh ‘thần tượng hóa’ người mình quý kính. Người mình quý kính là thánh thiện một trăm phần trăm (100%), nếu thân cận một thời gian, thấy vị đó có một vài điều còn phàm tục, ‘thần tượng’ liền sụp đổ.

Từ đây ta sinh tâm khinh lờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa… Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi sinh bê tha hư đốn.

Tại sao ta không xét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm (20%) tốt, vị thầy có bốn chục phần trăm (40%) hay sáu chục phần trăm (60%) thì rất đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. Bởi vì vị thầy chưa phải là Thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, còn những cái dở để sửa, để bỏ.

Bồ tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quý kính là tương đối thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không ‘thần tượng hóa’. Nếu thấy vị ấy có vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông bỏ qua, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi quá đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bậc. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Đâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình…” (Cành lá vô ưu, NXB Tôn Giáo, tr. 41-42).

Câu chuyện nhà sư Huyền Trang ngơ ngẩn bàng hoàng tiếc rẻ khi bị mất áo cà sa kể trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân là một chuyện tế nhị cho thấy cái phần người trong thánh của các vị còn đang tu hành chưa đắc quả. Nhà văn Trung Quốc tài hoa Lâm Ngữ Đường (1895-1976) là người rất tâm đắc về thuyết cận nhân tình của ông, có lần phát biểu đại khái cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả, và “Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở… Lý tưởng cao nhất mà ta có thể hướng tới là thành một người ‘cận nhân tình’, khả ái, biết phải trái, chứ không phải thành một người nộm để phô trương các đạo đức” (Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa, 1993, tr. 167).

Lẽ tất nhiên họ Lâm đang nói về con người bình thường chứ không nói về nhà tu, nhưng với quan điểm cận nhân tình, chắc chắn Lâm sẽ cảm thấy vui vẻ tự nhiên giả định ông tình cờ phát giác một nhà sư nào đó trong chùa ăn mặn hoặc lén lấy cắp của bạn đồng học một quyển sách quý vì nghèo quá không có tiền mua, phạm vào hai giới sát sinh và đạo thiết! Cho nên Lâm Ngữ Đường cũng lấy làm thích thú khi ông liệt kê ra 33 lúc vui của tiền bối ông là nhà văn Kim Thánh Thán (1608-1661), trong đó có cái vui thứ 18 liên quan đến sinh hoạt của nhà sư: “Đã từ lâu muốn làm tỳ khưu, nhưng khổ nỗi không được công nhiên ăn thịt.

Nếu được làm tỳ khưu lại được công nhiên ăn thịt thì mùa hè nấu một nồi nước, cầm con dao bén, cạo đầu cho sạch. Chẳng cũng khoái ư?”. Có người cho Lâm nhạo báng đạo Phật, đâu có ngờ rằng khi đến tuổi trưởng thành, có lúc ông đã từng từ bỏ Cơ Đốc giáo để đi đến với Khổng giáo và Phật giáo.

Ở một mặt khác, chúng ta đều thấy rằng người tu hành dù khéo hay vụng thì thường thường vẫn có lòng hướng thiện rất cao. Có những thầy xuất gia không ý thức, như trường hợp vì hoàn cảnh phải nương sống cửa Phật từ lúc nhỏ, nhưng qua quá trình tu tập rèn luyện, được sự giáo dục của nhà chùa mà trở nên giác ngộ, có lòng từ bi thương người, họ có thể chưa rửa hết được mọi tật xấu và tính ích kỷ, cũng như trong một số rất ít trường hợp, có thể manh tâm nói xấu bạn đồng đạo nhưng hầu như không có trường hợp phạm vào những tội đại ác như cướp của giết người…

Kể cả những thầy đạo đức hơi giả một tí, miệng thường “nam mô” nhưng ác niệm trong lòng vẫn chưa dứt, thì cũng tạm coi là đã có đạo đức một phần rồi, chẳng qua vì họ phấn đấu chưa thành công để đạt được mỹ mãn đạo đức thật đó thôi nhưng trong lòng thì vẫn có sự ray rứt, rất mong muốn vượt qua những chướng ngại đến từ tam độc (tham, sân, si) ngăn càn đường tu. Nếu có làm việc sát sinh, cùng lắm họ chỉ có thể bất giác, trong vô ý, đập chết một con thằn lằn lén uống cạn đĩa đèn dầu như trong câu chuyện rất cận nhân tình “Con thằn lằn chọn nghiệp” lược kể sau đây của nhà văn-phật tử Hồ Hữu Tường, được nhiều người trong giới Phật giáo yêu thích:

Trong một cái am xa xôi thanh vắng nọ có một sư cụ già tu đã nhiều năm, một hôm nói với hai người khách đang ở tá túc qua đêm: Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay kể cũng gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy nên tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo …Tôi đã tụng được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn, lần tụng của đêm nay.

Có một con thằn lằn sống trong am đã lâu và từng nghe qua chín trăm chín mươi chín lần kinh nên có linh giác.  Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu… Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín chưa được giác, phỏng có thiêu thân thì làm sao nhập được Niết Bàn… Rồi con thằn lằn quyết định: phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: ấy là bò lên bàn Phật, đến đĩa đèn dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa…

Nhà sư tụng mãi mà vẫn không hoàn thành được lần thứ một nghìn như đã nguyện, trong lòng rất bực. Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn đĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, mà mắng rằng:

– Đồ nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh… Hôm ấy nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên giàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, Ngài gọi nhà sư mà dạy:

– Nhà ngươi theo cửa thiền từ thưở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của Pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy là phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là THAM, bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là SÂN, bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là SI. Có đủ THAM, SÂN, SI tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời cũng chưa bù được (xem Hồ Hữu Tường, “Con thằn lằn chọn nghiệp”, đặc san Suối Nguồn tập 1, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, tháng 5.2011).

Câu chuyện trên đây quả rất cận nhân tình, cho thấy chỗ nhà sư nổi giận đập chết con thằn lằn có một cái gì rất “người”, rất nhân bản.

Có một hiện tượng phổ biến nhưng thật ra không đáng bị phê bình lắm, vì cũng cận nhân tình, đó là việc chế biến thức ăn chay mô phỏng theo những món đồ mặn như tôm lăn bột, thịt giả cầy… để tăng sự hấp dẫn và sự ngon miệng. Nói không đáng bị phê bình, vì hành vi buồn cười này của người ăn chay, dù tăng sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia, vẫn còn đọng lại chút phàm tục, mà đó lại là một lẽ rất bình thường, nếu không muốn nói còn có nét dễ thương nữa là khác. Ăn chay như vậy, tu mới được lâu bền hơn, nhưng nếu đứng trên quan điểm Phật giáo, lẽ tất nhiên đó không phải là một xu hướng tốt đáng được hoan nghênh khuyến khích.

Đến đây, mặc dù đã hết sức biện minh để cảm thông chia sẻ với các thầy trong một số biểu hiện đời thường trái với lời dạy khó theo của nhà Phật, chúng ta cũng không thể bỏ qua hoàn toàn một cách quá dễ dãi vì như thế sẽ không còn gì là tôn giáo chân chính đích thực trên cõi ta bà này nữa. Do vậy, chúng ta cũng không thể không trung thực nhìn nhận rằng, hiện nay, trong các giới tu sĩ xuất gia, những hiện tượng tiêu cực qua một số hành vi vi phạm vào các giới của sa di, tì kheo… đi cùng với nếp sống trái hẳn đạo lý nhà Phật, là tương đối phổ biến, Thậm chí cá biệt ở một số ít nơi nào đó, vẫn còn có những biểu hiện sa sút nặng nề hơn như trai gái, rượu chè, hút sách…

(Còn nữa…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*