VIỆC KẾT NỐI Yoga Với Phật giáo!

Đã nhiều năm qua , tôi càng ngày càng thấy bức xúc vì Yoga cứ liên tục bị người ta hạ thấp xuống chỉ còn là một cách luyện thân và Phật giáo chỉ còn là một cách luyện tâm . Tôi chẳng thể nào hiểu được . Bất cứ ai đã rèn luyện sâu trong cả hai truyền thống đều biết rằng Đức Phật chú ý đến thân còn Patanjali chú ý đến tâm ; và cả hai truyền thống này đều coi trọng giới luật và những cam kết về đạo đức để làm nền tảng cho một cuộc sống thích hợp . Tôi đã thành lập một cộng đồng ở Toronto có tên là Trung tâm Gravity Sangha , một cộng đồng đang phát triển mạnh gồm những người quan tâm đến việc hợp nhất những cách luyện tập theo Yoga và theo đạo Phật .

Trong giáo lý của đức Phật, thân được sử dụng làm đối tượng chính yếu của thiền định, để cho người ta có thể tìm hiểu vũ trụ không phải qua sách vở lý thuyết mà là qua trải nghiệm chủ quan của mình . Tương tự như vậy, các tư thế yoga, khi được tập luyện kết hợp với  hơi thở và cảm xúc, sẽ trở thành những cơ hội cho người ta thực hành quán niệm sâu sắc vì những tư thế đó được tạo nên để làm dịu hệ thần kinh. Những điều này đã cho chúng ta thấy được các vấn đề cơ bản.

Khi chúng ta thực hiện những động tác khác nhau của các tư thế yoga và làm cho những động tác đó khớp với những kiểu thở đầy nội lực của chúng ta, thì chúng ta đã cùng lúc tác động đến những thói quen của tâm nữa. Mặc dù trong tư thế yoga chúng ta luyện tập trong phòng tập yoga hiện đại rõ ràng mang lại những lợi ích chữa bệnh về mặt sinh lý học, nhưng các giáo viên và các trưòng dạy yoga dường như đã quên đi việc các tư thế yoga cũng chỉ cho chúng ta biết làm thế nào để tác động đến tâm. Và đối với phần đông chúng ta, những chuyện rắc rối, khổ sở không chỉ nằm ở trong thân, mà chủ yếu là ở trong tâm. Làm thế nào chúng ta có thể dùng thân để tìm hiểu tâm và qua thân tác động đến tâm? Chúng ta có thể làm được điều đó bằng cách trải nghiệm được thân và tâm là hoàn toàn có liên quan với nhau .

Có một mối liên hệ căn bản giữa cách luyên tâm và cách luyện thân. Hãy nghĩ về cả hai như những đường cong trong một mạn đà la lớn liên tục xoắn theo đường trôn ốc bên trong, bên trên và qua chính nó không có chỗ bắt đầu hay chỗ kết thúc.

Khi tôi làm việc sâu với tâm, tôi chú ý đến thân. Tôi chứng kiến những tiến trình của nó, từ thở đến nghe, nhìn. Tôi cũng làm như thế khi tôi nghiên cứu những mẫu thức chứa đựng phức tạp trong mạng lưới của thân tôi ( tiếng Phạn gọi là koshas ). Sau rốt tôi thấy được tâm tôi dính mắc ở đâu, nó không tập trung được ở chỗ nào, nó bị kẹt ở đâu trong những chỗ lặp đi lặp lại của những đoạn băng từ đã cũ. Điều tôi nghĩ là “ thân ” chủ yếu là tinh thần. Đức Phật dạy “ Hãy để thân lại trong thân ”. Khi Đức Phật dạy những phép quán niệm, Ngài bắt đầu với chỉ đơn thuần ý thức về thân mà thôi .

Học giả Karen Armstrong đã viết : “ Cách tập luyện yoga xưa của Ấn Độ cho thấy người ta đã trở nên không hài lòng với một tôn giáo vốn chỉ tập trung vào những điều có thể nhìn thấy được ở bên ngoài . Việc hiến tế và nghi thức cúng lễ là không đủ: người ta muốn khám phá ý nghĩa sâu xa của những nghi lễ này ”.

Hướng nội có nghĩa là nhận thấy trách nhiệm đối với con đường tâm linh bằng cách chú tâm vào thế giới vi mô của thực tiễn vốn hiện hữu trong sự vận hành của thân ngay trong giây phút này và trong từng giây phút. Mặc dù việc luyện tập yoga xem như có thể truy nguyên từ cách đây khoảng 5.000 năm, và mặc dù những tín đồ của yoga miêu tả những con đường và những khám phá của họ bằng những thuật ngữ khác nhau tùy thuộc vào từ vựng trong nền văn hóa của họ , nhưng tất cả đều chia sẻ chung một trọng tâm : thân là đối tượng chủ yếu của niệm.

Khi chúng ta bắt đầu bằng cách quan tâm đến thân và chú ý đến những hoạt động của nó, chúng ta nhận thấy mình đang chú tâm, ổn định hơi thở và chúng ta hiểu biết về bản chất của thực tại nhiều hơn là khi chúng ta có thể biết được chỉ bằng cách suy nghĩ hướng ngoại. Có những điều chúng ta không thể nào hình dung ra được với cách suy nghĩ bình thường .

Chỉ cần chú tâm cảm nhận cái cảm giác của thân mà không có ý niệm hay khái niệm gì hết, chúng ta bắt đầu hòa nhịp với sự vận hành tuyệt vời của thế giới tự nhiên vốn chỉ được khi tâm ta tĩnh lặng. Dĩ nhiên, tâm không tách rời khỏi thân trong bất kỳ trường hợp nào – tâm chỉ là một sự tiếp nối liên lạc của các giác quan. Chúng ta bắt đầu với thân vì thân luôn hiện diện – thân là cái dụng cụ chúng ta cần để tiếp nhận và thăm dò bất kỳ khía cạnh nào của cái thế giới tự nhiên.

Chúng ta dùng “ cái tâm ” để thăm dò “ cái thân ”nhưng khi chúng ta tiến đến gần hơn và tĩnh lặng hơn, thì chúng ta có thể thấy rằng tâm và thân là không tách rời nhau được. Kẻ tầm đạo Uddalaka trong yoga Vashista, một câu chuyện trộn lẫn yoga với triết lý Phật giáo, đi tới một nơi tụ tập xa xôi và bắt đầu luyện yoga. Sau một thời gian ông kêu lên “ Cũng giống như con tằm dệt cái kén của mình rồi kẹt vào trong đó, các bạn cũng đã dệt cái mạng khái niệm của các bạn và các bạn bị kẹt trong những khái niệm đó… Không có cái tâm như người ta thường quan niệm. Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi. Tôi đã quan sát mọi thứ từ những đầu ngón chân lên tới tận đỉnh đầu: và tôi không tìm thấy bất kỳ một cái gì khiến tôi có thể nói: Cái này chính là tôi đây ”.

Nếu chúng ta tiếp cận việc luyện tập yoga qua sách vở hay lời nói, và không có sự tiếp xúc trực tiếp với cái hiện thực vật lý và vật chất của thân và hơi thở, chúng ta sẽ chỉ có được một dàn khái niệm. Chỉ nhìn từ bên ngoài, chúng ta không thể biết cách tập luyện này được. Những cách tập luyện này không phải là triết lý hay nghi thức bắt buộc. Biết về cách luyện tập là chưa đủ: chúng ta phải rũ bỏ cái biết của mình và lần tìm con đường của chúng ta đi vào trong sự trải nghiệm hiện tại bằng cách nhìn thấy mọi chuyện một cách rõ ràng.

Khi nói nhìn thấy, những người tu tập yoga hồi xưa không muốn nói đến đôi mắt thông thường, nhưng họ muốn nói đến cái truyền thống thiền gọi là: “ Con mắt pháp chân thật ”- con mắt nhìn mà không dính mắc, không khắc họa vẽ vời, không để cho những gì nhìn thấy bị mắc kẹt trong cái mạng yêu, ghét. Tinh thần của yoga và đạo Phật bao gồm một cách tiếp cận căn bản trãi nghiệm của con người – chúng ta bắt dầu luyện tập bằng cách chú tâm đến cái ở đây vào phút giây này. Tất cả chúng ta đều có thể thức tỉnh mà không cần phải theo một ý thức hệ, một hệ thống tín ngưỡng nào mới cả. Khi chúng ta trở lại với cái trãi nghiệm bây giờ bằng chính những giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi ,da và trí tuệ – chúng ta đi vào sự tự do của chúng giây phút này, và những con đường xưa cũ của những người luyện yoga sẽ trở nên sinh động ở đây và bây giờ.

Không có sự tự do khi chúng ta chỉ lặp đi lặp lại lời nói và các nghi lễ của các vị thầy xa xưa – chúng ta cần phải biểu lộ sự tự do và tính liên lập bằng hành động của trọn vẹn con người của chúng ta và của cộng đồng thông qua thân , khẩu , ý .

Mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy dưới ngôi sao Bắc đẩu rạng rỡ như Đức Phật đã từng nhìn thấy khi Ngài thức dậy một buổi bình minh, khi Ngài mới hơn ba mươi tuổi. Mỗi phút giây chúng ta thở cùng những phân tử không khí vốn đã từng nuôi dưỡng các vị như : Santideva, Dogen, Thích Nhất Hạnh, cha mẹ của các bạn và cha mẹ của các vị đó.

Có lẽ luyện tập yoga cũng làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối với các thi sĩ tín đồ của yoga và những hành giả du phương vốn vào thời xưa cũng đã vật lộn với những thân hình ngày càng già nua, với những tư tưởng mông lung và một nền văn hóa bất cập, họ đã nổ lực rất nhiều để hình thành những ngôn từ để xưng danh con đường của họ; họ để lại những bản đồ cho chúng ta đi theo, để cho chúng ta có thể đi vào con đường mà cuộc sống xảy ra theo hướng thúc đẩy chúng ta đối mặt với thực tại một cách rõ ràng và cụ thể.

MICHAEL STONE

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*