Không phải chỉ ở ngoài đường hay ở nơi làm việc, mà ngay cả trong gia đình mình, nhiều lúc bạn cũng không tránh khỏi những va chạm nảy sinh, không cảm thấy hài lòng ngay cả với người thân của mình. Bạn có bao giờ trách móc rằng, vì sao tâm tính con người ta lại phức tạp như vậy không? Thực ra, khi bạn trách móc người khác là phức tạp, thì trong mắt người khác, chính bạn cũng phức tạp không kém gì!
Tại sao mọi chuyện lại phức tạp? Trước hết, bản thân động từ “xét đoán” đã nói lên tính chất mơ hồ rồi! Thêm nữa, động từ “gán nhãn” lại càng thể hiện tính chất chủ quan của mỗi chúng ta. Giữa cuộc sống sinh hoạt muôn màu của đời thường, chúng ta có thể vội vàng “xét đoán”, nhằm “gán nhãn” cho những việc làm này, con người nọ, hoàn cảnh kia là tốt hay xấu, là đúng hay sai. Nếu ta dễ dàng tìm cách “xét đoán”, “gán nhãn” cho người khác, thì đổi lại, người khác cũng sẽ dễ dàng làm tương tự như vậy đối với chúng ta mà thôi! Chính cái vòng luẩn quẩn “gán nhãn người – người gán nhãn lại” đó sẽ luôn làm cho mọi chuyện ngày càng thêm phức tạp?
Trong cuộc sống, phải thừa nhận là có rất nhiều khi chúng ta “trông gà hoá quốc”. Có những sự việc thoạt nhìn tưởng là như vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy! Thế thì dựa vào cái gì mà chúng ta vội vã đánh giá, gán nhãn như vậy? Chúng ta tự cho mình là quan tòa chăng?
Mỗi con người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày đều có cá tính riêng, suy nghĩ riêng, cách sống riêng. Một khi chúng ta đã nhận ra rằng người khác rất khác mình về nhiều phương diện, thì chúng ta không có lý do gì để gán nhãn cho họ. Thay vào đó, tốt hơn hết là hãy biết tôn trọng sự khác biệt. Đừng vội cho rằng, tất cả những gì khác biệt với mình đều là xấu, đều là những điều mình không thể chấp nhận.
Những hành động xét đoán, gán nhãn,… người khác, xét cho cùng chỉ phản ánh những tình cảm, suy nghĩ mang tính chủ quan của ta mà thôi, chứ không phản ánh hoàn toàn đúng đắn sự việc như vốn có. Mang nặng những xét đoán, gán nhãn, thành kiến, định kiến… chỉ càng khiến chúng ta nhìn mọi người, mọi việc trong cuộc đời một cách lệch lạc, méo mó. Làm như thế, khác nào chúng ta tự dựng lên một hàng rào cách biệt giữa mình và người khác? Làm như thế, về cơ bản chúng ta đã tự giới hạn những trải nghiệm của mình về cuộc sống.
Việc đánh giá một sự việc hay một con người là đúng hay sai, tốt hay xấu, hoàn toàn không đơn giản! Nếu chúng ta hấp tấp thì có thể dẫn đến những kết luận vội vàng, hàm hồ. Phán xét, kết án người khác một cách thiên lệch có thể dẫn ta đến chỗ tiếp tục có những hành động ứng xử sai lầm. Kết quả là, chúng ta lại càng làm cho mọi chuyện trở nên tai hại, rắc rối thêm!
Nếu lúc nào ta cũng chỉ nhìn thấy cái xấu của người khác, tâm trạng của chúng ta sẽ dễ bực dọc, khó chịu. Lòng ta trở nên ngột ngạt, nặng nề. Cuộc đời ta bị bao phủ bởi một bầu không khí bi quan. Dần dà, ta sẽ mất niềm tin vào cuộc sống. Càng để ý đến những sự việc, những con người khiến mình khó chịu, thì ta lại càng cảm thấy khó chịu. Làm sao để thoát khỏi tình trạng này?
Câu trả lời rất đơn giản là, thay vì cứ tìm cách xét đoán, gán nhãn cho người khác, bạn hãy thử can đảm tự soi vào tâm hồn mình. Tất cả chúng ta đều là những cá nhân chưa hoàn hảo. Cho nên, chúng ta hãy trung thực tự soi vào chính mình, sao cho thấy hết mọi cái xấu, cái tốt của bản thân mình, để rồi tự nỗ lực hoàn thiện mình.
Bạn thử nghĩ xem, “người khác” trong nhân loại lúc nào cũng rất đông đảo, lên đến cả mấy tỷ người đang sống cùng bạn trên hành tinh này. Còn bản thân bạn, có một và duy nhất chỉ một mà thôi! Vậy thì, nếu lúc nào bạn cũng tìm cách phán xét, gán nhãn người khác, bạn có còn thời gian để sống cuộc đời của mình nữa hay không? Đó là chưa nói, khi chúng ta xét đoán, gán nhãn người khác bằng những ý nghĩ hoặc lời lẽ không tốt đẹp, chúng ta đã tự làm mất đi nhiều giá trị tốt đẹp của chính mình. Thế thì, chúng ta đừng nên mất thời gian cho những chuyện vô bổ như vậy nữa. Từ hôm nay, thay vì tìm cách xét đoán, gán nhãn người khác, chúng ta hãy nỗ lực tự hoàn thiện mình.
Trong cuộc sống, chúng ta cần hết sức chín chắn trong suy nghĩ trước khi đánh giá một ai đó. Nói cách khác, chúng ta phải cố gắng nhìn nhận người khác như những gì họ vốn có. Dù sự đánh giá của chúng ta chưa thật sự hoàn toàn đúng như những gì mà người khác vốn có, nhưng ít ra thái độ thận trọng khi đánh giá cũng giúp ta hạn chế đến mức thấp nhất những ngộ nhận, sai lệch. Nếu không có được thái độ thận trọng như vậy thì coi chừng chúng ta sẽ mãi mãi làm nô lệ cho những thiên kiến của chính mình!
Nhìn thấy cái xấu của người khác thì rất dễ! Nhìn thấy cái tốt của họ mới khó! Rất nhiều khi chúng ta cảm thấy đau khổ chỉ vì ta chưa hiểu biết thấu đáo, đầy đủ về người khác với tất cả những điểm tốt, xấu của họ. Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nhìn chằm chằm vào những gì là xấu xa, tầm thường của người khác, thì khác nào ta đang tự cúi gằm mặt xuống đất. Chỉ những ai biết nhìn vào những gì là tốt đẹp, là cao thượng của con người thì mới có thể ngẩng mặt lên. Cho nên, nếu lâu nay bạn chỉ nhìn thấy cái xấu của người khác, thì từ giờ trở đi bạn hãy thử nhìn vào cái đẹp của con người, như tính trung thực, lòng nhân hậu, đức tính kiên trì, dũng cảm, óc hài hước, cùng những ước mơ, khát vọng cao cả của con người… Chính những suy nghĩ tích cực về người khác sẽ nâng dần tâm trạng chúng ta lên.
Cuối cùng, để tâm hồn luôn nhẹ nhàng, thanh thản, bạn hãy vững tin vào sự hướng thiện của con người, cho dù hôm nay họ có lỡ xử tệ với bạn. Hãy có một tấm lòng rộng mở, biết cảm thông với những lầm lỗi, khuyết điểm của người khác. Tục ngữ có câu: “Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống của con người ta nhiều khi phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Hoàn cảnh của mỗi người đều có những khó khăn riêng: ta có cái khó của ta, người khác cũng có cái khó của riêng họ. Nhiều khi chúng ta không thể thấu hiểu người khác nếu ta không tự đặt mình vào hoàn cảnh đầy phức tạp, khó khăn, thậm chí cả những bi kịch khốn cùng trong cuộc sống của họ. Do vậy, tuyệt đối đừng bao giờ vội vã đánh giá người khác, nhất là khi bản thân mình chưa nếm trải những gì mà người khác đã từng phải đối mặt.
LẠI THẾ LUYỆN