Đừng quan trọng hóa cái “Tôi”…

Muốn thay đổi cuộc sống xung quanh, trước hết bạn phải thay đổi chính bạn. Nói cách khác, mọi sự thay đổi phải được bắt đầu từ bên trong bạn. Một cuộc sống giản dị phải bắt đầu từ sự giản dị nội tâm hướng ra bên ngoài. 

Một khi bạn đã có phẩm chất giản dị trong lòng, thì dù cuộc sống quanh bạn có rắc rối, phức tạp thế nào, bạn vẫn có thể đơn giản hóa sự việc, luôn bình an, vui sống trong mọi hoàn cảnh.

Cuộc sống trên cõi đời này phức tạp, phải chăng là vì lòng người phức tạp? Rất nhiều chuyện phức tạp trong cuộc đời này xảy ra chỉ vì con người ta quá quan trọng hóa cái Tôi của mình mà ra! Nói cách khác, cái Tôi là nguyên nhân của nhiều rắc rối trong cuộc đời!
Xét trong quá trình trưởng thành của một đời người, các nhà tâm lý học nghiên cứu thấy rằng, đứa trẻ từ năm lên 3 tuổi bắt đầu có ý thức về cái Tôi (hay còn gọi là ý thức bản ngã).

Ý thức về cái Tôi có nghĩa là, trẻ bắt đầu ý thức được rằng mình là một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh. Đến lúc này, trẻ biết rằng mình có những ý muốn riêng, có thể hợp hay không hợp với ý muốn của cha mẹ và người lớn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy, ở tuổi lên 3 đứa trẻ mới bắt đầu nhận ra rằng tên của mình gắn liền với bản thân mình. Trẻ thường đồng nhất bản thân mình với tên gọi của mình và xưng hô bằng tên khi chơi với bạn. Trẻ sẽ tỏ ra không bằng lòng nếu bị bạn bè hoặc người lớn gọi sai tên của mình.

Như vậy, ý thức về cái Tôi là dấu hiệu của sự trưởng thành, nên không có gì xấu mà ngược lại, còn là điều rất tốt. Con người sẽ không thể trưởng thành được nếu như không có ý thức về cái Tôi. Con người không có ý thức về cái Tôi thì sẽ không có sự phát triển nhân cách, vì sẽ không biết “mình là ai”, sẽ không thể sống như “chính mình”. Chỉ có việc “quá quan trọng hóa cái Tôi” mới là xấu!

Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều biểu hiện của việc quá quan trọng hóa cái Tôi:

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi nên trong mọi vấn đề chúng ta chỉ thấy là mình đúng, tự cho mình là chân lý, còn những suy nghĩ, ý kiến của người khác thì ta mặc kệ, chẳng thèm nghe.

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi nên chúng ta thường nghĩ mọi đau khổ, phức tạp đều có nguyên do từ người khác, chứ không phải tại mình.

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, xấu xa của người khác, chứ ta không nhận biết bản thân mình thực sự ra sao?

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ muốn thay đổi người khác theo ý mình, chứ ít khi ta nghĩ rằng bản thân mình phải thay đổi trước.

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, bất cứ điều gì chúng ta cũng tự cho mình là hạng nhất, cũng muốn tỏ ra hơn người khác, rằng: “Mình giàu có hơn người khác. Vợ mình đẹp hơn người khác. Con mình giỏi hơn con của thiên hạ…”

Chính vì quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ nhìn thấy quyền lợi của bản thân, chứ không biết nghĩ đến lợi ích chính đáng của người khác.

Chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta chỉ biết đến cái mình muốn, chứ không thèm đoái hoài đến những mong muốn chính đáng của người khác.

Chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta dễ có những hành vi cư xử bất công, tàn nhẫn với người khác…

Còn rất nhiều biểu hiện khác của việc quá quan trọng hóa cái Tôi, nhưng trong phạm vi của cuốn sách nhỏ này, chúng ta không thể nào liệt kê hết được!

Điều đáng tiếc nhất là, chính vì quá quan trọng hóa cái Tôi, chúng ta không nhìn thấy được điều gì lớn lao hơn bản thân mình. Cuộc sống của chúng ta hóa thành ích kỷ, tâm hồn chật hẹp.

Cuộc sống này phong phú biết bao nhiêu! Nếu chúng ta chỉ biết quan trọng hóa cái Tôi của bản thân, chúng ta sẽ đánh mất những điều phong phú khác của cuộc sống!

Con người một khi còn chưa biết nghĩ đến điều gì lớn lao hơn bản thân mình thì không thể sống một cách cao thượng được!

Trong cuộc sống, hẳn bạn đã từng nghe nói, “cái Tôi là cái… tồi”. Chúng ta chỉ cần nhìn sơ qua một vài biểu hiện nêu trên của việc quá quan trọng hóa cái Tôi thì cũng đủ hiểu tại sao nó “tồi” rồi! Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ, “cái Tôi không chỉ là cái… tồi”, mà nó còn là cái “tội” và cái “tối” nữa! Vì sao chúng tôi khẳng định như vậy?

Bởi vì, khi nhìn vào đời sống tâm lý của con người, bạn có thể khái quát ở ba mặt, đó là: mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt hành vi. Con người một khi đã mang thái độ tự đề cao cái Tôi của mình quá mức (tức thái độ “tồi”) thì dĩ nhiên xuất phát của thái độ này là do nhận thức vẫn còn “tối”, và từ đó rất dễ dẫn đến cả những hành vi “tội” nữa.

Thế cho nên, trong cuộc sống, nếu chúng ta muốn có được nhận thức sáng suốt và những việc làm tốt, thì chúng ta phải thay đổi nhận thức về bản thân mình trước hết. Một thái độ quá đề cao cái Tôi của bản thân nhất định là một thái độ sai lầm. Nó có thể làm cho chúng ta ảo tưởng về bản thân, luôn tự cho mình là đúng, là hay, là giỏi giang – trong khi thực chất mình không hề có. Nó khiến chúng ta khó suy nghĩ sáng suốt và khó có được những hành động đúng đắn trong cuộc sống.

Để có được sự giản dị trong cõi lòng, trước hết, mỗi chúng ta phải biết quên cái “Tôi” của mình đi. Một khi đã quyết tâm quên cái “Tôi” của mình đi, điều này sẽ thực sự làm thay đổi thế giới của chúng ta, khiến cho nó trở thành tốt đẹp hơn.

LẠI THẾ LUYỆN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*