Có một khuynh hướng mà hầu hết chúng ta đều mắc phải: chúng ta luôn mong muốn được sở hữu tất cả những gì mình yêu thương, ưa thích.
Dạo chơi ngoài vườn, gặp một bông hoa đẹp, ý nghĩ đầu tiên của ta là cắt lấy và mang về. Cho dù ta biết là làm như thế bông hoa sẽ chóng tàn úa hơn, nhưng ta vẫn muốn nó là “của ta”, thay vì là để nó lại trong tự nhiên bên bờ giậu.
Chúng ta nuôi chim kiểng, cá cảnh… cũng không ngoài khuynh hướng này, cho dù ta biết rất rõ rằng những con chim trong lồng sắt kia không còn bay nhảy một cách tự nhiên xinh đẹp như khi chúng sống giữa thiên nhiên. Nhưng dù sao đi nữa, chúng là “của ta”!
Khuynh hướng này không chỉ đúng với những vật sở hữu theo cách hiểu như đồ vật, con vật… Nó còn đúng cả trong cách ta đối xử với những người mình thương yêu. Lòng ghen tuông cũng là một trong những biểu hiện của khuynh hướng “của ta” này.
Tuy vậy, lòng yêu thương chân thật không gắn liền với ý muốn sở hữu người mình thương yêu. Hay nói cách khác, chỉ khi ta trừ bỏ được ý muốn sở hữu, ta mới có thể đạt đến sự thương yêu chân thật.
Lòng cha mẹ thương con là một ví dụ điển hình. Không có sự tính toán được mất, hay nói đúng hơn là một thứ tình thương cho đi mà rất hiếm khi nhận lại. Lo lắng chăm sóc cho con từ tấm bé, cho đến khi dựng vợ gả chồng, cha mẹ dường như mất tất cả, không nhận lại được gì. Họ chỉ mong cho con tạo lập được một gia đình hạnh phúc, không hề mong rằng đứa con ấy sẽ mãi mãi là “sở hữu” của riêng mình.
Phần lớn tình thương mà chúng ta ban phát ra trong cuộc sống đều thuộc dạng có điều kiện. Chúng ta rất ít khi yêu thương ai theo cách chỉ đơn thuần vì đó là người ta yêu thương. Khi yêu thương như thế, ta thường không cảm nhận được hết sức mạnh, niềm vui mà tình thương mang lại.
Trong một vài trường hợp, ta cũng có thể bắt gặp những tình yêu vô điều kiện, khi người ta thật sự hết lòng yêu thương ai đó. Sức mạnh của những tình yêu như thế có thể được cảm nhận qua việc người ta sẽ làm bất cứ điều gì vì người mình thương yêu.
Chúng ta nên học cách yêu thương như thế. Đó mới chính là lòng yêu thương chân thật. Lòng yêu thương như vậy có khả năng hàn gắn mọi khổ đau và mang lại cho ta niềm vui sống bất tận. Khi không có được lòng yêu thương chân thật, đôi khi chúng ta làm rất nhiều việc tốt nhưng chúng mang lại cho ta những niềm vui hạn chế.
Như khi ta tham gia cứu trợ chẳng hạn, nếu xuất phát từ lòng thương yêu chân thật muốn chia sẻ khó khăn cùng đồng loại, ta sẽ không cần quan tâm đến việc tên tuổi mình có được ghi nhận và công bố hay không, hoặc công bố theo hình thức như thế nào… Nhiều người không làm được như vậy, nên niềm vui mang lại từ việc làm của họ bị hạn chế.
Khi yêu thương chân thật, ta cũng dễ dàng tha thứ và cảm thông hơn, bởi ta không đòi hỏi người ta yêu thương phải đáp trả như thế nào. Điều đó giúp cho tâm hồn ta thanh thản và thật sự có được hạnh phúc yêu thương.
Khi chúng ta tự quan sát chính mình theo cách hiểu về lòng yêu thương chân thật như thế này, chúng ta dễ dàng tự biết là mình đã đạt được lòng yêu thương chân thật hay chưa. Có thể là chúng ta thấy phần nào xa lạ với cách hiểu này trong những lần thực tập đầu tiên, nhưng khi đã quen thuộc, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng nó hoàn toàn khác xa với kiểu tình thương chiếm hữu của chúng ta trước đây: nó mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc chân thật.
NGUYỄN MINH TIẾN